Tập cẩn bình và sự sụp đổ của trung cộng năm 2024

Trong gần 100 năm tồn tại của Đảng Cộng sản Trung Quốc [ĐCSTQ], tổng bí thư hiện nay ông Tập Cận Bình, là nhà lãnh đạo thứ hai duy nhất được các đồng sự của ông lựa chọn rõ ràng. Nhà lãnh đạo đầu tiên là Mao Trạch Đông. Cả hai đã giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh, và do đó đảm bảo tính chính đáng mà những người tiền nhiệm của họ không có. Tại sao ông Tập Cận Bình lại được chọn?

Sự đồn đoán ở Bắc Kinh từ lâu đã cho thấy rằng những người sắp mãn nhiệm đều tìm kiếm một người kế nhiệm thuộc phe “Thái tử đảng”, đó là con của một nhà cách mạng cao cấp thuộc thế hệ đầu tiên. Các thái tử đảng, được cảm nhận một cách rõ ràng, có quyền lợi lớn hơn trong cuộc cách mạng so với hầu hết người dân, và do đó sẽ là những người có quyết tâm cao nhất để bảo vệ sự cai trị của ĐCSTQ. Cha của ông Tập Cận Bình, Tập Trọng Huân, từng là một Phó Thủ tướng đáng kính và cũng là thành viên của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc được biết đến với quan điểm ôn hòa, nhưng ông đã mâu thuẫn với Mao Trạch Đông vào năm 1962 và đã bị thanh trừng, sau đó đã được phục chức và trở lại nắm chức vụ cao sau khi vị chủ tịch này qua đời. Do đó, Tập Cận Bình có thêm tính chính đáng là “con nhà nòi Đỏ”, như Evan Osnos mới đây viết trên tờ The New Yorker.

Không nghi ngờ gì, di sản này phần nào lý giải cho sự tự tin được thể hiện rõ ràng của ông Tập Cận Bình, nhưng một nhân tố khác có thể là sự tôi luyện mà ông đã trải qua khi còn là một cậu thiếu niên, tự lo liệu cho bản thân khi phải đối mặt với các Hồng vệ binh thù địch và sau đó làm việc ở nông thôn trong 6 năm. Theo một bản tiểu sử chính thức, “ông đến ngôi làng này như một chàng thiếu niên phần nào bị mất phương hướng và rời đi như một người đàn ông 22 tuổi quyết tâm làm một điều gì đó cho người dân”. Không giống như người tiền nhiệm Giang Trạch Dân, người có lợi thế được học tập ở khối Xôviết và sau đó thăng tiến nhờ sự ổn định tương đối của bộ máy quan liêu công nghiệp, và ông Hồ Cẩm Đào, người đã bắt đầu trong bộ máy quan liêu công nghiệp và sau đó leo lên hàng ngũ của Đoàn Thanh niên Cộng sản, ông Tập Cận Bình không có lá chắn bảo vệ như vậy trong những năm đầu của mình. Nền tảng đó có thể lý giải tại sao ông Tập Cận Bình đã phải chịu những sự rủi ro lớn hơn sau khi trở thành Tổng Bí thư so với ông Giang Trạch Dân hay ông Hồ Cẩm Đào. Điều được thừa nhận rộng rãi giữa các giới của Trung Quốc là ông Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ thời Đặng Tiểu Bình, với một sự sùng bái cá nhân đang ngày càng phát triển.

Ông Tập Cận Bình không phải là người đứng đầu trong số những người ngang hàng như Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào; ông chỉ đơn thuần là người đứng đầu. Trong cuốn sách của mình gần đây, Chính trị Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình , Willy Wo-Lap Lam, một nhà quan sát giới tinh hoa Trung Quốc kỳ cựu, lý giải rằng kể từ khi đảm nhận chức vụ Tổng Bí thư vào tháng 11/2012 và Chủ tịch Trung Quốc vào tháng 3/2013, ông Tập Cận Bình đã tập trung quyền lực dưới sự lãnh đạo của mình tới một mức độ phi thường, thành lập và giữ chức vụ chủ tịch Ủy ban an ninh quốc gia mới, cơ quan có thẩm quyền đối với quân đội, cảnh sát và tất cả các cơ quan an ninh quốc gia và liên quan đến nước ngoài, đồng thời cũng nắm giữ chức vụ chủ tịch Quân ủy trung ương, mà đi cùng với công việc của ông với tư cách là Tổng Bí thư của ĐCSTQ. Trong một động thái mà chắc chắn làm giảm bớt ảnh hưởng của thành viên đứng vị trí số hai của chế độ này, Thủ tướng Lý Khắc Cường, người được cho là ông vua kinh tế, Tập Cận Bình đã thành lập và nắm giữ chức vụ chủ tịch của Nhóm chỉ đạo trung ương về cải cách sâu rộng toàn diện. Tập Cận Bình cũng đảm nhận vai trò lãnh đạo các nhóm chỉ đạo trung ương về đối ngoại, an ninh mạng và công nghệ thông tin.

Trên thực tế, người ta cho rằng ông Tập Cận Bình còn quyền lực hơn cả Đặng Tiểu Bình, mặc dù Willy Wo-Lap Lam không ám chỉ điều này. Để thúc đẩy chương trình cải cách của mình, Đặng Tiểu Bình đã phải tìm cách né tránh rắc rối dưới sức ép của các đồng sự cấp cao không ưa cải cách. Mối đe dọa có khả năng xảy ra duy nhất đối với Tập Cận Bình có thể là người bạn thuộc phe Thái tử đảng của ông – Bạc Hy Lai, nhưng ông này đã bị thanh trừng trong một vụ việc khủng khiếp liên quan đến việc vợ ông sát hại một người nước ngoài. Các đồng sự hiện nay của Tập Cận Bình trong Bộ chính trị và Ban thường vụ Bộ chính trị [PSC], đã bị bỏ qua đối với chức vụ hàng đầu, dường như ít là một mối đe dọa hơn so với Bạc Hy Lai đầy sức hút. Nhiệm vụ gian nan mà ông Tập Cận Bình đặt ra cho bản thân là dẹp bỏ tình trạng tham nhũng trong ĐCSTQ. Cả Giang Trạch Dân lẫn Hồ Cẩm Đào đã cảnh báo về những nguy hiểm nảy sinh từ vấn đề lan rộng khắp này. Theo ông Hồ Cẩm Đào, việc không thể loại trừ tận gốc nạn tham nhũng có thể “giáng một đòn mạnh vào đảng và thậm chí dẫn đến sự sụp đổ của đảng và đất nước”. Tập Cận Bình đã lặp lại lời Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, nói rằng “việc giữ gìn sự liêm khiết và chiến đấu chống tham nhũng có tính chất sống còn đối với sự tồn tại của đảng và nhà nước”. Vào một dịp khác, ông đã đua tranh với Mao Trạch Đông bằng cách trích dẫn lời của một triết gia cổ: “Nhiều con sâu sẽ nghiền nát gỗ, và một vết nứt đủ lớn sẽ làm sụp đổ một bức tường”. Nhưng trái với những nỗ lực của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào nhằm ngăn chặn tham nhũng, Tập Cận Bình đã phát động một chiến dịch rất nổi bật. Theo lời của ông: “Chúng ta phải chiến đấu chống tham nhũng với quyết tâm mạnh mẽ… kiên trì nỗ lực chống tham nhũng của chúng ta cho đến khi đạt được thành công cuối cùng thay vì bắt đầu một cách ầm ĩ rồi sau đó yếu dần với một tiếng thút thít”. Ông có thể sẽ phải hối hận khi hứa hẹn sẽ không kết thúc với một tiếng thút thít.

Ông Tập Cận Bình đã rao giảng về sự cần thiết phải chiến đấu chống tham nhũng từ lâu trước khi ông trở thành nhà lãnh đạo của đảng. Tại một hội nghị về chống tham nhũng vào năm 2004, ông đã cảnh báo các quan chức: “Hãy kiểm soát vợ/chồng, con cái, họ hàng, bạn bè và đồng nghiệp của các vị, và thề không sử dụng quyền lực vì lợi ích của cá nhân”. Tập Cận Bình hiểu rõ những gì mà ông nói. Chị gái của ông và gia đình của bà đã tích lũy các khoản đầu tư trị giá hàng trăm triệu USD khi ông leo lên các vị trí của giới lãnh đạo, mặc dù các phóng viên điều tra của phương Tây không tìm được bằng chứng cho thấy gia đình của Tập Cận Bình có liên quan theo bất cứ cách thức nào. Đây cũng không phải là trường hợp duy nhất trong giới lãnh đạo hàng đầu. Ngay trước khi Ôn Gia Bảo về hưu với tư cách Thủ tướng vào tháng 3/2013, một nguồn tin tức khác của phương Tây đã đưa tin rằng gia đình ông, bao gồm mẹ, vợ, con cái và anh chị em ruột của ông, sở hữu khối tài sản lên tới 2,7 tỷ USD. Các báo cáo điều tra như vậy của nước ngoài đòi hỏi nhiều tháng điều tra nghiên cứu khó nhọc, nhưng bên trong hàng ngũ cấp cao nhất của ĐCSTQ, việc biết được sự giàu có của các gia đình các lãnh đạo khác thì chắc hẳn dễ dàng hơn.

Để đối phó với tình trạng tham nhũng, ông Tập Cận Bình đã để Vương Kỳ Sơn, một đồng sự đáng tin cậy, lâu năm, được điều động từ PSC gồm 7 thành viên, làm phụ trách Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương đảng [CDIC]. Trách nhiệm của ủy ban này là săn đuổi cả “hổ” lẫn “ruồi”, để nhổ tận gốc nạn tham nhũng ở mọi cấp độ. Vào năm 2014, công tác điều tra của Vương Kỳ Sơn đã khiến hơn 71.000 quan chức bị trừng phạt vì vi phạm các quy tắc chống tham nhũng gồm 8 điểm. Chắc chắn rằng nhiều quan chức bị quy tội chỉ là sống vương giả trên quỹ công, không giới hạn các bữa yến tiệc của họ trong “bốn món mặn và một món canh”, biện pháp kiềm chế truyền thống của ĐCSTQ. Nhưng hàng chục quan chức cấp cao đã bị sa thải; ở một tỉnh, nhiều vị trí trong đảng đã bị xóa sổ từ trên xuống dưới. Có lẽ thành tựu lớn nhất của CDIC trong năm vừa qua là đưa về nước 500 quan chức bỏ trốn từ nước ngoài và thu hồi gần 500 triệu USD tiền bất chính của họ. Vương Kỳ Sơn hy vọng thuyết phục được thậm chí các nước như Mỹ, mà không có thỏa thuận dẫn độ với Trung Quốc, trợ giúp ông trong nỗ lực này.

“Con hổ” lớn nhất bị bắt cho đến giờ là Chu Vĩnh Khang, một thành viên của PSC cầm quyền cho đến khi ông này phải nghỉ hưu vì lý do tuổi tác vào năm 2012. Ông từng phụ trách Ủy ban chính pháp trung ương, giám sát bộ máy an ninh và thực thi pháp luật, bao gồm cảnh sát, các lực lượng bán quân sự và tình báo trong nước: không phải là tiểu sử của một người dễ dàng bị thanh trừng thậm chí là khi đã nghỉ hưu. Do đó trước khi bắt giữ ông, CDIC đã cắt đứt vây cánh của ông bằng cách vây bắt các thuộc cấp của ông này trong các tổ chức cấp tỉnh và nhà nước mà ông điều hành. Mới đây, Chu Vĩnh Khang đã bị tuyên án tù chung thân, quan chức cấp cao nhất bị thanh trừng vì tham nhũng trong lịch sử của Trung Quốc. Cho đến thời điểm này, dường như có một thỏa thuận thân mật rằng các cựu thành viên của PSC được phép nghỉ hưu trong yên bình, do đó các quan chức cấp cao của Trung Quốc có thể hy vọng rằng Chu Vĩnh Khang quả thực bị bắt vì những lý do phe phái chứ không phải vì tội tham nhũng, sau khi từng là người ủng hộ Bạc Hy Lai bị thanh trừng, Thái tử đảng đối thủ một thời của Tập Cận Bình. Trong trường hợp đó, các thành viên từng thuộc PSC trước đây và trong tương lai có thể thở phào nhẹ nhõm hơn. Nhưng nếu Chu Vĩnh Khang hóa ra không phải là con hổ cuối cùng mà là đầu tiên, thì khi đó những căng thẳng hiện nay ở các vị trí hàng đầu của đảng sẽ tăng lên. Các đồng sự của Mao Trạch Đông đã sợ hãi ông đến mức không thể cùng nhau chống lại ông ngay cả khi họ sụp đổ như những con ky [như trong trò chơi bowling] trong cuộc Cách mạng Văn hóa: hơn nữa, để hạ bệ Mao Trạch Đông – Lenin và Stalin của cuộc cách mạng – sẽ phải tước bỏ tính chính đáng của ĐCSTQ. Tập Cận Bình không có tầm cỡ đó, do đó tiếp tục cuộc săn hổ của ông sẽ đòi hỏi phải có dũng khí.

Giống như Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình dựa vào Quân giải phóng nhân dân [PLA] như là phòng tuyến cuối cùng của mình. Một năm trước, 18 tướng lĩnh cấp cao hàng đầu, bao gồm các sỹ quan đang chỉ huy các tổng cục trung ương của PLA và các chỉ huy của 7 quân khu, đã thề trung thành với Tập Cận Bình với tư cách là chủ tịch Quân ủy trung ương của ĐCSTQ. Nhưng sự biểu hiện này rằng ông được PLA hậu thuẫn là một dấu hiệu của điểm yếu cũng như là điểm mạnh. Mao Trạch Đông đã không cần đến một sự thể hiện lòng trung thành công khai của quân đội như vậy. Và kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng nhắm vào một số tướng lĩnh cấp cao, gồm cả một cựu phó chủ tịch Quân ủy trung ương và đồng thời là thành viên của Bộ chính trị – vị trí cao nhất mà một quân nhân có thể đạt được – 18 lời thề này có thể được thiết kế như là “những tấm thẻ bài miễn tội”. Vẫn còn phải chờ xem các tướng lĩnh này sẽ trung thành như thế nào nếu chiến dịch này nhắm vào nhiều tướng lĩnh cấp cao hơn.

“Diệt ruồi” cũng kéo theo những rủi ro đáng kể. Theo nhiều phương diện, đó là một công việc còn quan trọng hơn cả là bắt hổ. Người dân Trung Quốc có thể vui mừng khi một con hổ khác bị hạ, nhưng chính những con ruồi, các cán bộ cấp dưới, mà các hoạt động cướp bóc của những người này ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ. Nếu tình trạng tham nhũng trong hơn 80 triệu đảng viên là phổ biến như các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngụ ý và người dân Trung Quốc tin vào, khi đó hàng chục triệu người có thể có liên quan. Giả sử rằng chỉ có 10% cán bộ cơ sở của đảng tham nhũng, đó gần như chắc chắn là một sự đánh giá tổng thể còn thấp: con số là 8 triệu người. Sau đó tính thêm cả các thành viên gia đình, những người mà trường hợp Ôn Gia Bảo cho thấy có thể cũng tham nhũng. Với chồng/vợ, con số này là 16 triệu; tính cả con cái, 24 triệu; tính cả anh chị em, 32 triệu; và với chồng/vợ của anh chị em ruột, 40 triệu người sẽ phải bị truy tố. Và đó chỉ là với tỷ lệ tham nhũng 10%. Tinh thần của đảng sẽ sụp đổ cùng với sức mạnh tổ chức của nó, như nó từng sụp đổ trong Cách mạng Văn hóa. Các chuyến thăm viếng bắt buộc của các quan chức tới thăm các đồng sự bị bỏ tù hẳn phải rất đáng sợ.

Thật vậy, ông Tập Cận Bình đang nỗ lực thực hiện một cuộc cách mạng văn hóa của riêng mình. Trong khi Mao Trạch Đông muốn các nhà lãnh đạo của Trung Quốc phải có sự thay đổi mạnh mẽ, Tập Cận Bình lại muốn họ trở nên ngay thẳng, bởi vì sự trong sạch về mặt đạo đức là thiết yếu đối với các đảng phái theo chủ nghĩa Mác để giữ vững sự trong sạch, và tính chính trực về đạo đức là một đặc điểm cơ bản đối với các quan chức để giữ gìn sự trong sạch, thành thực và ngay thẳng. Trong những năm 1990, các quan chức của đảng đã chỉ trích khẩu hiệu “làm giàu là vinh quang” của Đặng Tiểu Bình và nhiều người đã sử dụng địa vị của mình để tham nhũng. Dưới thời Mao Trạch Đông, các quan chức này được bảo phải “phục vụ nhân dân”, nhưng Mao Trạch Đông đã phản bội họ bằng cách biến họ thành nạn nhân của sự bạo lực của Hồng vệ binh trong Cách mạng Văn hóa. Tham nhũng, bắt đầu từ thời Đặng Tiểu Bình và hiện nay đã trở nên tồi tệ hơn rất nhiều, là một sự trả thù cho những gì mà họ đã phải chịu đựng. Hiện nay, Tập Cận Bình muốn rút lại đặc quyền đó của toàn bộ đảng viên. Liệu các đảng viên sẽ đồng ý hay sẽ tìm cách phá hoại chiến dịch này? Tác động đến các đảng viên tiềm năng sẽ là gì?

Vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn do Tập Cận Bình không có bất kỳ hệ tư tưởng nào có sức thuyết phục để tán tụng các đảng viên. Ông đã gợi lên “Giấc mộng Trung Hoa”, “sự phục hưng của dân tộc Trung Hoa”, và theo một văn kiện chính thức từ ủy ban trung ương đảng, “chúng ta… sẽ nhanh chóng khơi dậy lòng nhiệt tình của quần chúng, tuyên bố rằng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc và giấc mộng Trung Hoa là chủ đề chính của thời đại chúng ta”. Nhưng giấc mộng Trung Hoa quá xa vời để khơi dậy “lòng nhiệt tình của quần chúng” trong người dân mà mơ ước cá nhân của họ là có thể có được một căn hộ ở thành phố hay con cái của họ có được một công việc tốt sau khi ra trường. Về “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”, sự biện hộ của Đặng Tiểu Bình cho việc vứt bỏ chủ nghĩa Mác, bất cứ người Trung Quốc có học thức nào cũng biết rằng bản sao gần nhất cho điều đó chỉ có thể tìm thấy ở Singapore. Đài Loan có thể được xem là một nền dân chủ mang bản sắc Trung Quốc. Chủ nghĩa tư bản mang bản sắc Trung Quốc? Hong Kong. Và Trung Quốc? 1,3 tỷ dân mang bản sắc Trung Quốc. Không có hệ tư tưởng nào ở đó cả.

Cả “Giấc mộng Trung Hoa” lẫn “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc” đều không có tính hợp lý trí tuệ của chủ nghĩa Mác-Lênin, và chắc chắn không khơi dậy lòng nhiệt tình đại chúng của tư tưởng Mao Trạch Đông ở mức cao nhất của nó. Chủ nghĩa Mác-Lênin, cũng giống như Nho giáo, là một triết lý bao hàm nhà nước và xã hội, mà đã dẫn dắt các quan chức và đưa ra các quy tắc cho các gia đình. Đó là một học thuyết gắn kết các cán bộ và người dân lại với nhau. Tuy nhiên, dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố nhiều đến mức nào đi nữa rằng chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn là kim chỉ nam của họ, và Tập Cận Bình còn đề xuất việc nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở các trường đại học, trên thực tế các tác phẩm của Paul Samuelson và những người nối nghiệp ông thích hợp hơn nhiều với các quan chức tìm cách gây dựng giấc mộng Trung Hoa so với những tác phẩm của Mác và Ăng-ghen. Những người Trung Quốc tìm kiếm một điều gì đó để lấp đầy khoảng trống tinh thần đã quay sang một học thuyết khác của phương Tây, Thiên chúa giáo, với con số hàng chục triệu người trong số họ. Sự lan rộng của một tôn giáo phương Tây là một ví dụ điển hình về những vấn đề mà Tập Cận Bình phải đối mặt trong mục tiêu đã được tuyên bố công khai của ông là ngăn chặn các học thuyết phương Tây, mặc dù đảng dường như có vẻ tự tin trong việc kiềm chế nó bằng một chính sách là nhổ bớt các cây thánh giá và phá bỏ các nhà thờ.

Không có một hệ tư tưởng tích cực thực chất để mê hoặc người dân Trung Quốc, Tập Cận Bình đã buộc phải sử dụng biện pháp tiêu cực, liệt ra các học thuyết xa lạ phải bị loại bỏ. Theo một văn kiện của trung ương đảng, có 6 “khuynh hướng, lập trường và hoạt động tư tưởng sai trái” bắt nguồn từ phương Tây được những người Trung Quốc chống đối ủng hộ: dân chủ lập hiến; các giá trị phổ quát; xã hội dân sự; chủ nghĩa tân tự do kinh tế; báo chí kiểu phương Tây, phản đối nguyên tắc của Trung Quốc rằng các phương tiện truyền thông và hệ thống xuất bản phải tuân theo kỷ luật đảng; và thúc đẩy chủ nghĩa vô chính phủ lịch sử, cố gắng hủy hoại lịch sử của ĐCSTQ bằng cách nhấn mạnh những sai lầm trong thời kỳ Mao Trạch Đông.

Không có gì là đặc biệt đáng ngạc nhiên về bảng liệt kê này ngoại trừ sự xác nhận của nó về mức độ mà việc “công khai minh bạch” đã dẫn đến sự lan truyền các giá trị phương Tây giữa người dân Trung Quốc. Nhưng mối lo ngại thứ 6, “chủ nghĩa vô chính phủ lịch sử”, là một lo lắng đặc biệt của Tập Cận Bình, có liên quan đến nỗi ám ảnh có thể thông cảm được của ông về việc ngăn không cho ĐCSTQ đi theo con đường của Đảng Cộng sản Liên Xô. Ông tin rằng tình trạng mục nát đã bắt đầu ở Liên Xô khi lãnh đạo đảng Nikita Khrushchev vạch trần tội ác của Stalin vào năm 1956, từ đó phân chia lịch sử của Liên Xô thành một thời đại xấu [của Stalin] và một thời đại tốt [hậu Stalin]. Đối với ông Tập Cận Bình, chính chủ nghĩa vô chính phủ lịch sử đã xóa bỏ kỷ nguyên Mao Trạch Đông, với Nạn đói Bước Đại nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa của nó – “sự tàn phá mà Mao đã để lại đằng sau” như Andrew Walder diễn tả trong cuốn sách mới của mình, Trung Quốc dưới thời đại Mao Trạch Đông: Cuộc cách mạng đi chệch hướng – như tất cả những gì tồi tệ nhất, bởi vì ông lo sợ điều đó cuối cùng sẽ đồng nghĩa với việc bôi nhọ Mao Trạch Đông, và, như bức chân dung ở quảng trường Thiên An Môn cho thấy, vị chủ tịch này vẫn là người hợp pháp của chế độ. Theo ông Tập Cận Bình, một lý do quan trọng giải thích tại sao Liên Xô tan rã và Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ là lý tưởng và niềm tin của họ bị dao động… Cuối cùng, tất cả những gì cần thiết là một lời nói đơn giản từ Gorbachev tuyên bố sự tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô, và một đảng lớn đã biến mất… Đến cuối cùng, chẳng có ai là người chân chính, chẳng có ai ra mặt để phản kháng.

Ông Tập Cận Bình rõ ràng có ý muốn là các đảng viên của ĐCSTQ phải củng cố lý tưởng và niềm tin của họ và ông sẽ là “người chân chính” lãnh đạo cuộc kháng chiến chống lại các học thuyết phương Tây đang thâm nhập. Điều Tập Cận Bình không thừa nhận là khi Gorbachev lên nắm quyền vào năm 1985, mục tiêu của ông [Gorbachev] là khôi phục đảng và đất nước sau hai thập kỷ tham nhũng và trì trệ dưới thời Brezhnev. Ông tin vào chủ nghĩa cộng sản, quyền sở hữu nhà nước và đặt kế hoạch tập trung, có thể sâu sắc hơn so với Tập Cận Bình. Giống như Đặng Tiểu Bình, Gorbachev đã phát động cải cách và công khai minh bạch. Nhưng không giống như ở Trung Quốc, bộ máy hành chính quan liêu của Liên Xô đã nắm quyền trong nhiều thập kỷ mà không bị đe dọa và phá hoại bởi một cuộc cách mạng văn hóa. Sự phản kháng đối với cải cách là rất mạnh mẽ, ngay cả ở trong Bộ chính trị. Công khai minh bạch đã trở thành con đường quan trọng hơn để thay đổi hệ thống Liên Xô, và các tác giả và ký giả đã lợi dụng quyền tự do mới của họ. Các cuốn sách bị cấm cho đến nay đã được xuất bản. Các nhóm không chính thức đã được thành lập để hỗ trợ cải cách. Công luận trở nên quan trọng. Chế độ bị công kích một cách công khai. Và dần dần Gorbachev đã trở nên cấp tiến hơn trong nỗ lực của mình nhằm lay động những người đồng hương của mình thay đổi. Cuối cùng, Đảng Cộng sản Liên Xô đã bị giải thể và Liên Xô sụp đổ.

Ông Tập Cận Bình cũng lo lắng như Gorbachev, về việc thay đổi Đảng Cộng sản mà ông lãnh đạo và ngăn chặn sự sụp đổ của nước Cộng hòa Nhân dân này. Tấm gương Liên Xô cho ông thấy rằng công khai minh bạch không phải là con đường đúng hướng. Với con số ước tính khoảng 500 cuộc phản kháng diễn ra một ngày ở khắp Trung Quốc, 60% số đó diễn ra là do các quan chức địa phương “chiếm đất”, việc mở cửa hơn nữa có vẻ như là thiếu thận trọng. Thay vào đó, đóng cửa là vấn đề trọng tâm hiện nay. Bầu không khí trong giới trí thức đã trở nên lạnh lẽo hơn so với dưới thời Hồ Cẩm Đào. Ngay cả những người “thổi còi” chống tham nhũng cũng bị trừng phạt; Tập Cận Bình muốn một chiến dịch được kiểm soát ở trung ương, chứ không phải là một cuộc đấu đá không thể dự đoán được. Do vậy, ông Tập Cận Bình đã chọn phương thức cải cách. Ngoài chiến dịch chống tham nhũng, nó còn bao gồm cải cách kinh tế triệt để. Nhưng gần 40 năm sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc, các viên chức quan liêu Trung Quốc đã lấy lại được sự tự tin của họ. Tới chừng mực mà cải cách kinh tế hiện nay sẽ làm tổn hại đến những lợi ích được đảm bảo bất di bất dịch của họ, kể cả quyền lực của họ đối với nền kinh tế, họ sẽ trì hoãn tiến hành cải cách. Các chính quyền địa phương không có hy vọng được tăng trợ cấp từ trung ương cũng sẽ tỏ ra ngoan cố. Việc trì hoãn cải cách có ảnh hưởng như thế nào đã được thể hiện trong cơn giận dữ của Thủ tướng Trung Quốc trước các bộ trưởng vào tháng 4 năm nay khi ông trách mắng họ vì để cho các quyết định của nội các bị sa lầy giữa các cấp dưới của họ. Một nhân tố nữa, không được thủ tướng đề cập, có thể là sự do dự thực hiện các sáng kiến này do chiến dịch chống tham nhũng.

Nếu ta so sánh chiến dịch này với chiến lược cải cách của Gorbachev, những mối nguy đối với hệ thống trở nên rõ ràng. Gorbachev đã phải sử dụng đến vũ khí của kẻ yếu: những người trí thức tình nguyện từ đội ngũ các nhà báo, chủ bút, nhà xuất bản và học giả. Mặt khác, ông Tập Cận Bình đang sử dụng một cơ quan trung ương đảng đầy quyền lực, lâu đời mà có thể trút cơn giận dữ lên bất kỳ cơ quan cấp tỉnh hay cấp bộ nào mà nó chọn. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông, nạn nhân thường được chọn ngẫu nhiên. “Cách mạng Văn hóa” của Tập hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên, và bởi vì một tỷ lệ cao cán bộ nòng cốt của đảng bị cáo buộc tham nhũng, tất cả họ chắc hẳn khiếp sợ việc một đội ngũ của CDIC xuất hiện ở khu vực của họ. Về cơ bản, không gì có thể ngăn các điều tra viên chỉ trích, miễn nhiệm hoặc kết tội những con hổ và những con ruồi đủ để làm tê liệt toàn bộ ĐCSTQ. Rõ ràng ông Tập Cận Bình không hề muốn điều đó. Ông hầu như không có sự lựa chọn. Ông có thể dần giảm bớt tốc độ của chiến dịch chống tham nhũng, cho phép nó ngừng lại, chỉ thị cho Vương Kỳ Sơn gửi đi ít các đội điều tra hơn, và chỉ truy đuổi những kẻ có tội lỗi nghiêm trọng nhất. Đồng thời, ông có thể nói với giới tinh hoa rằng họ có thể giữ những gì mà họ đang có, nhưng từ giờ trở đi bất cứ trường hợp tham nhũng mới nào cũng sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Công cuộc săn hổ sẽ chấm dứt và ruồi sẽ bình yên vô sự. Ông Tập Cận Bình sẽ phải chấp nhận bị bẽ mặt khi kết thúc chiến dịch này bằng một “tiếng thút thít”.

Điều này sẽ khó có thể là một kết quả thỏa đáng. Người dân sẽ biết rằng người giàu và quyền thế một lần nữa đã thoát được sự trừng phạt. Họ sẽ mô tả chiến dịch này chỉ đơn thuần là sự đấu đá bè phái ở phía trên, vì họ sẽ nhận ra rằng chiến dịch của Tập Cận Bình cho đến giờ không nhắm vào bất kỳ Thái tử đảng nào. Và họ sẽ tiếp tục biểu tình chống những con ruồi. “Giấc mộng Trung Hoa” sẽ bị gạt bỏ như một trò đùa. Mặt khác, ông Tập Cận Bình có thể theo đuổi chiến dịch này một cách mạnh mẽ, nếu không nói là cho đến cùng – điều mà sẽ không bao giờ có thể đạt được – ít nhất là trong một vài năm nữa. Những mối nguy hiểm là rõ ràng: một cuộc đảo chính của những con hổ đang sợ hãi chống lại ông; sự suy đồi đạo đức giữa những con ruồi, các đảng viên thường; các tướng lĩnh cũng từ chối duy trì sự ủng hộ của họ khi mà họ tiếp tục bị CDIC vây hãm.

Hoặc ông Tập Cận Bình có thể nỗ lực làm trệch hướng sự chú ý, hoặc bằng cách thổi bùng ngọn lửa của chủ nghĩa dân tộc với các động thái mang tính khiêu khích ở biển Hoa Đông và Biển Đông hoặc bằng cách kết hợp chống tham nhũng vào một chiến dịch mới mà sẽ có lợi cho cả người dân lẫn đất nước. Đây sẽ là một cuộc tấn công mới nhằm vào tai ách lớn thứ 3 mà ĐCSTQ đã bắt người dân Trung Quốc phải chịu đựng, suy thoái môi trường, một thảm kịch mà tác động của nó sẽ kéo dài hơn nạn đói hay là cuộc Cách mạng Văn hóa. Do đất đai bị các quan chức cướp từ nông dân thường được bán cho một ngành công nghiệp gây ô nhiễm, tham nhũng sẽ còn được nhắm đến. Và nếu Tập Cận Bình nắm chức vụ chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Môi trường Quốc gia mới, cuối cùng một nỗ lực nghiêm túc sẽ được thực hiện để làm sạch đất, không khí và nước của Trung Quốc./.

Chủ Đề