Tem phiếu thời bao cấp là gì năm 2024

Vì thiếu gạo nên ngay từ năm 1955, Nhà nước đã tạm thời bán gạo theo định lượng cho các hộ gia đình ở thành phố và mỗi thành phố áp dụng một tiêu chuẩn khác nhau. Bắt đầu từ ngày 1-3-1957, Nhà nước thực hiện chế độ cung cấp gạo ăn hàng tháng cho bộ đội, cán bộ, công nhân viên, sinh viên các trường chuyên nghiệp, học sinh được hưởng học bổng toàn phần tại các trường phổ thông, bệnh nhân tại các trạm điều dưỡng... với giá thống nhất và ổn định là 4 hào/kg. Tiêu chuẩn được hưởng gạo cung cấp có nhiều loại. Học sinh phổ thông chưa đến 18 tuổi, người già, người đang trong độ tuổi lao động nhưng không có việc làm gọi chung là nhân dân được 13kg/tháng. Người làm trong khối hành chính sự nghiệp được 15kg, sinh viên đại học, công nhân trong các xí nghiệp được 17kg, công nhân ngành độc hại hưởng 21 kg/tháng. Với cán bộ cao cấp được hưởng tiêu chuẩn 21kg và mua tại cửa hàng riêng ở số 1 phố Ngô Quyền [quận Hoàn Kiếm]. Cán bộ cao cấp không phải ăn độn và được cung cấp loại gạo ngon.

Nhà nước cũng phát hành tem lương thực có mệnh giá 100g, 225g và 250g. Cán bộ đi công tác có thể mang sổ đổi lấy tem. Loại 100g thêm 1 hào mua được 1 chiếc bánh mỳ ngọt, 225g thêm 2 hào mua được chiếc bánh mỳ có thể ăn no, còn 4 hào với con tem 250g được suất cơm mậu dịch gồm bát canh, bát cơm và vài miếng đậu phụ hay thịt lợn bạc nhạc kho.

Ngoài bìa cuốn sổ người ta in rõ: Sổ mua lương thực - người dân quen gọi là "sổ gạo" và ngành lương thực cũng không bảo đảm rằng lúc nào cũng là 100% gạo. Tùy từng thời kỳ tỷ lệ độn mỳ nhiều hay ít nhưng hiếm khi được mua 100% gạo. "Sổ gạo" với các gia đình cực kỳ quan trọng, nếu chẳng may mất sổ thì cả gia đình phải nhịn, thế nên có câu thành ngữ "buồn như mất sổ gạo" hay "mặt nghệt như mất sổ gạo". Việc xin cấp lại vài tháng là nhanh và trong thời gian chờ đợi, hằng tháng phải lên phòng lương thực xin lệnh mua. Gạo cung cấp chủ yếu là cũ, mốc, hạt vàng ố do để lâu trong kho và không được bảo quản đúng quy cách. Lại có khi đầy sạn và thóc đến mức nhặt sạn lâu hơn nấu bữa cơm nên các bà, các chị nội trợ phải cho gạo vào rá, đãi kỹ để loại hết sạn. Nấu cơm bằng "gạo tấm" là cả một kỹ thuật không phải bất kỳ chị nội trợ nào cũng thành thạo, vì đó là loại gạo nấu rất dễ bị nát hoặc bị sống. Chất lượng gạo là thế nhưng phần lớn gia đình không muốn mua gạo dính [hạt to, trong, ăn dẻo], gạo do nước ngoài viện trợ vì nấu không nở và dôi cơm như gạo cũ trong khi các gia đình cần no hơn là ngon.

Năm 1965, dân Hà Nội bắt đầu phải ăn độn. Ăn độn không xa lạ với người ở nông thôn, bà con thường độn khoai lang, sắn, ngô vào cơm, nhưng ăn độn lại xa lạ với người dân thành thị, nhất là độn bột mỳ. Trước đó, dân thành thị biết đến bột mỳ qua mỳ vằn thắn, quẩy, bánh bò, bánh gối... và chỉ để ăn chơi, nay phải ăn thường xuyên thì bột mỳ trở thành nỗi kinh hoàng. Đầu tiên là nhào bột mỳ cho dẻo, sau đó nắm thành từng nắm cho vào nồi luộc, để ăn sáng và trưa, đến bữa chiều mới có cơm. Cục bột mỳ luộc ăn nóng còn mềm, nhưng để nguội thì khô và cứng đến mức "ném chó, chó chết". Trẻ em ở nơi sơ tán, ăn mỳ luộc khó nuốt, nóng bụng, nhưng sáng ra vẫn phải ăn, rồi đội mũ, đeo nùn rơm đi học. Chán luộc thì chuyển qua rán, tuy nhiên vì hiếm mỡ nên gọi là rán cho oách chứ thực ra là áp chảo. Nhà không có mỡ nghĩ ra cách nhào bột, dàn mỏng, bọc lá chuối nướng trên bếp than. Rồi có nhà bắt chước Hoa kiều làm bánh bao, không có xô tả [bột nở], họ tạo ra bằng cách gây chua bột. Không có nhân nhưng dù sao cũng đỡ ngán hơn cục mỳ luộc. Một món kinh hoàng từ bột mỳ là mỳ cán nấu. Bột mỳ trộn với nước sao cho không nát, không khô sau đó lấy chai cán mỏng rồi dùng dao bài xắt thành từng sợi. Nước trong nồi sôi mới cho sợi mỳ vào. Vì "sợi" dày nên nấu khá lâu, thỉnh thoảng phải thử bằng cách cắn đôi, nếu giữa sợi mỳ còn màu trắng đục nghĩa là chưa chín. Khi chuẩn bị nhấc nồi ra mới cho rau vào. Tuy vẫn còn hình hài sợi mỳ nhưng nước sánh như cháo, ăn nóng dễ hơn nhưng bỏng mồm, còn nguội lại đặc như bánh đúc. Bột mỳ không phải lúc nào cũng trắng và thơm, nhiều khi phải mua cả bột đen và hôi, mọt bò lổm ngổm. Thế nên nhà nào cũng phải sắm cái rây, trước khi chế biến phải rây bột, nếu không muốn ăn độn cả mọt.

Năm 1966, Hoa kiều ở Hà Nội bắt đầu sản xuất mỳ sợi, người ta vừa bán, vừa đổi, 1kg bột thêm 3 hào được 1kg mỳ tươi. Mỳ sợi dễ chế biến và cũng dễ ăn hơn mỳ cán. Hai năm sau đó, năm 1968, các xí nghiệp sản xuất mỳ sợi Tương Mai, Thượng Đình, Hải Châu, Chùa Bộc ra đời cung cấp cho thành phố và để bảo quản được lâu, họ đã sấy khô. Và mỳ sợi khô được đóng vào các bao gai và buộc kín nên không ai biết nó trắng hay đen, chỉ đến khi mua rồi mở ra mới biết. Mỳ sợi khô dùng để độn cơm hay nấu, ngoài ra không còn cách ăn nào khác. Khi cơm gần cạn nước thì bóp mỳ vào rồi dùng đũa cả trộn đều mỳ sẽ không nát. Còn nấu thì cho tý mỳ chính và thêm chút hành mỡ, vì không có thịt nên được gọi là "mỳ không người lái". Nên mới có chuyện buổi sáng mấy chú bé trên đường đi học, rủ nhau vào cửa hàng ăn uống mậu dịch để ăn mỳ "không người lái"; có chú công an nghe được, bắt đứng ở vỉa hè đọc câu: "Mỳ không có thịt chứ không phải mỳ không người lái", đúng một trăm lần rồi mới cho đi. Lại có người còn sáng tạo cách nấu mỳ như nấu cơm nếp, tức là khi đun nước sôi thì đổ mỳ vào nồi, rồi chắt kiệt nước. Sau đó ủ trên than hoặc để lửa nhỏ. Bắc nồi mỳ ra, cho tý mỡ, tý hành đánh đều lên, ăn cũng khá ngon.

Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam ký ngày 27-1-1973, dân Hà Nội từ nơi sơ tán ùn ùn kéo về. Tết Quý Sửu vui chưa từng thấy, mọi người nói với nhau "hòa bình ăn cháo cũng sướng". Nhưng tháng 4-1973, gạo hiếm nên ngành lương thực bắt ăn độn bánh mỳ. Mỗi gia đình được phát một cuốn sổ và tùy theo định lượng sẽ phải ăn bao nhiêu chiếc trong một tháng. Tầm 9 giờ sáng, nhân viên bán lương thực đẩy xe bánh mỳ về các tiểu khu [nay là phường]. Chỉ cần mang sổ ra yêu cầu lấy bao nhiêu chiếc là họ ghi vào sổ và ký vào. Những ngày đầu thấy bình thường, nhưng càng lâu càng ngán, ăn với đường, rán, ăn vỏ bỏ ruột, rồi ăn ruột bỏ vỏ. Tình trạng ăn bánh mỳ kéo dài tới mấy tháng, sau đó trở lại ăn độn mỳ sợi.

Về cái mặc, Thông tư số 119-TTg ngày 21-12-1963 công bố định lượng phân phối một năm như sau: Cán bộ công nhân viên 5 mét/người, nhân dân thành phố và thị xã 4 mét/người/năm, dân nông thôn 3 mét/người/năm. Phiếu vải cũng chia ra hai loại, nam và nữ. Phiếu vải nữ có quyền mua 2 mét lụa đen hay các loại vải tương tự để may quần. Vải cung cấp cũng không có nhiều loại, trong nước có vải phin, popelin 8-3 [Nhà máy Dệt 8-3 sản xuất], vải thô, kaki Nam Định [Nhà máy Dệt Nam Định sản xuất] và chỉ có hai màu cơ bản là xanh công nhân và tím than. Vải bán tự do ở bách hóa cũng chỉ có vài loại nhưng giá rất cao nên không phải ai cũng có tiền mua. Vì thế người mặc quần vá, tích kê đầu gối nhan nhản ngoài phố, áo sơmi sờn cổ thì mang ra hiệu may lộn lại. Mùa đông cánh đàn ông chỉ có áo bông, áo sợi và áo đại cán, bà già áo bông trần quả trám. Phụ nữ trung niên và cánh con gái bên ngoài áo kaki một lớp bên trong nhồi đủ các loại. Thậm chí áo len còn trộn tới 4 màu, không phải tạo mốt mà mỗi loại len chỉ có một ít. Thanh niên và thiếu niên thường mặc áo bông, loại áo vỏ là kaki màu tím than bên trong là ruột bông.

Việt Nam thời bao cấp là gì?

“Thời kỳ bao cấp” là tên gọi dùng để chỉ một giai đoạn lịch sử đặc biệt kéo dài từ năm 1976 đến năm 1986. Đó là thời kỳ mà hầu hết sinh hoạt kinh tế đều được Nhà nước chi trả, diễn ra dưới nền kinh tế kế hoạch hóa, một đặc điểm của nền kinh tế các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa thời kỳ đó.

Tại sao lại gọi là thời kỳ bao cấp?

Thời bao cấp, cách gọi nôm na của người dân là “thời tem phiếu”, “thời đặt gạch xếp hàng”, diễn ra từ những năm 1957 tại miền Bắc cho đến khoảng tháng 4/1989. Bao cấp, với người dân Việt Nam, được hiểu đơn giản là tất cả đều do Nhà nước đứng ra “bao” hết, từ cây kim, sợi chỉ, que diêm cho đến lương thực hằng ngày…

Việt Nam xóa bỏ bao cấp năm bao nhiêu?

Mặc dù kinh tế chỉ huy đã tồn tại ở Bắc Việt Nam thời kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ trước năm 1975, song thời kỳ bao cấp thường được dùng để chỉ sinh hoạt kinh tế cả nước Việt Nam ở giai đoạn từ đầu năm 1976 đến cuối năm 1986 trên toàn quốc, tức là trước Đổi Mới.

Tem phiếu để làm gì?

Tem phiếu hay còn gọi là chế độ tem phiếu là các con tem hoặc giấy được chính phủ cấp cho phép người sở hữu được nhận thực phẩm hoặc các loại hàng hóa hoặc nhu yếu phẩm thiếu thốn trong thời chiến hoặc khi đang trong tình trạng khẩn cấp.

Chủ Đề