Thế nào la chết trong lòng

Người chết chỉ thực sự chết khi không còn sống trong lòng người khác [Lỗ Tấn].

Hoàng Nghĩa Ánh

Khi một con người được sinh ra trên đời này thì cũng chính là lúc mà họ rơi vào vòng xoáy không thể tránh khỏi của sinh, lão, bệnh, tử. Tất cả chúng ta, dù có tin vào cái gọi là sự sống đời sau hay không, rồi cũng đến một lúc phải nói lời tiễn biệt với cuộc sống này, bỏ lại sau lưng tất cả, từ của cải trần thế đến cả những người yêu thương mà trở về Đất Mẹ. Nhưng đối với Lỗ Tấn, một tác giả nổi tiếng của Trung Quốc, thì đấy chưa phải là kết thúc: Người chết chỉ thực sự chết khi không còn sống trong lòng người khác. Và cũng từ đây, một câu hỏi được đặt ra là chúng ta nên sống thế nào để sau khi thân xác này trở về với cát bụi, chúng ta vẫn còn trường tồn trong lòng những người ở lại.

Chết là một khái niệm khá phức tạp và có thể được định nghĩa khác nhau tùy theo phương diện tiếp cận. Trong câu nói trên, có hai từ chết và được hiểu theo hai nghĩa khác nhau. Từ chết thứ nhất là cái chết mang tính chất thể lý, nghĩa là một trạng thái khi con người không còn khả năng hô hấp, mọi cơ chế hoạt động tuần hoàn trong cơ thể con người ngừng lại. Còn từ chết thứ hai lại mang ý nghĩa là không còn tồn tại, biến mất vĩnh viễn khỏi cuộc sống trần gian này. Sống trong câu nói của Lỗ Tấn theo một cách hiểu là một con người vẫn còn tồn tại trong con tim của người khác, vẫn còn một vị trí nhất định trong lòng người khác tuy thân xác không còn trên cuộc sống thực tại trần thế này. Có thể hiểu ý nghĩa câu nói của nhà văn Lỗ Tấn như sau: Con người chỉ thực sự chết khi hình bóng của họ không còn hiện diện trong tâm trí người khác, không còn được người khác nhớ đến nữa. Hiểu rộng ra hơn nữa thì cũng có thể hiểu là nếu một người đang sống mà không có chỗ đứng trong lòng của bất cứ ai thì chẳng khác gì họ đã chết. Đến đây, ắt hẳn mỗi người chúng ta đều có một mối băn khoăn: Làm thế nào để tồn tại mãi trong lòng người khác?.

Sống trong cuộc đời này, cho dù khoa học kỹ thuật có phát triển, trình độ y khoa có tân tiến đến bao nhiêu cũng chỉ có thể kéo dài tuổi thọ cho chúng ta chứ không thể giúp chúng ta thoát khỏi sự chết. Một số cá nhân giàu có hiện nay sẵn sàng bỏ tiền ra để y học tìm ra phương pháp bảo quản thân xác sau khi chết để chờ ngày một phương thuốc cải tử hoàn sinh được tìm ra trong tương lai. Phải chăng đó chỉ là ảo mộng? Còn chúng ta, những con người không nằm trong số tỷ phú ít ỏi đó, có chăng nên tự vấn bản thân rằng chúng ta đã, đang và sẽ sống như thế nào để sau khi cùng tổ tiên về chung kiếp, chúng ta vẫn in dấu trong tâm trí những người còn sống. Đấy là cách để chúng ta có được sự bất tử. Khi một người chết đi, điều đó thật đau khổ, nhưng còn đau khổ hơn nhiều khi mọi ký ức về họ không còn tồn tại trên cõi đời này nữa. Cái chết về mặt thể lý có thể khiến những người thân của chúng ta đau buồn, nhưng nghĩ lại, chúng ta sẽ đau buồn hơn gấp bội khi cái chết về tâm hồn xảy đến. Cuộc sống trần thế của chúng ta không mang lại ý nghĩa gì để những người khác phải nhớ đến, phải trân trọng gìn giữ. Có những người, sau khi chết đi, hình ảnh họ vẫn luôn hiện diện trong đời sống. Lúc sinh thời, họ đóng góp nhiều cho xã hội, họ giúp đỡ những người khác bằng tình yêu và sự quan tâm sẻ chia, họ góp phần xây dựng xã hội bằng tài năng của chính mình. Những phẩm chất cao đẹp ấy tạo dựng nên giá trị của bản thân họ, và chính điều đấy tạo nên sự trường tồn của họ trong mắt người khác.

Mỗi chúng ta tuy chết đi nhưng bao lâu những kỷ niệm, những hình ảnh của chúng ta vẫn luôn in đậm trong tâm trí những người yêu thương thì chúng ta vẫn còn tồn tại trên cõi đời này. Chúng ta không còn hiện diện nhưng đối với những người thân trong gia đình, những người bạn chân thành, chúng ta vẫn luôn ở trong trái tim họ, với những kỷ niệm tuyệt vời nhất, những hình ảnh đẹp nhất. Những kỷ niệm, những hình ảnh đấy là những tượng đài mà chúng ta đã cố công xây dựng trong lòng người khác bằng phẩm chất tốt đẹp của bản thân mình, bằng tình yêu thương đồng loại, bằng sự sẻ chia và quan tâm đến nhau, bằng tấm lòng bao dung, độ lượng. Chúng ta sống bằng tình yêu dành cho người khác, sống bằng quan tâm và chia sẻ với những người xung quanh ta thì chúng ta sẽ có chỗ đứng trong con tim họ, và vị trí của chúng ta sẽ không mất đi cho dù chúng ta trở về cát bụi. Khi còn sống chúng ta luôn dành một vị trí trong lòng chúng ta cho những người khác thì khi quay về miền cực lạc thì trong lòng họ chúng ta vẫn luôn ở đấy. Xa mặt cách lòng nhưng những gì chúng ta đã thực hiện cho họ sẽ luôn tồn tại mãi. Giá trị của phẩm cách con người được xây dựng nên từ những sự quan tâm, yêu thương và chăm sóc nhỏ nhoi như thế. Con người có thể mất đi, nhưng giá trị đấy vẫn luôn trường tồn để từ một nơi xa xôi nào đó, chúng ta vẫn có thể ngậm cười nơi chín suối.

Trong cuộc sống hiện tại ngày nay, có những người tuy đã khuất nhưng đâu đó vẫn ẩn hiện hình bóng của họ, trong những người còn đang sống, trong những gì họ cống hiến cho xã hội. Các nhà bác học, các nhà khoa học hay những nhà hoạt động hòa bình đã sống ở những thế kỷ trước nhưng những gì họ đã đóng góp, đã cống hiện cho sự thịnh vượng và phát triển của xã hội đã được công nhận, và cho dù tới những thế hệ tương lại sau này, họ vẫn tồn tại, vẫn sống, vì những giá trị mà họ mang lại là trường tồn, là vĩnh cửu cho dù dòng chảy thời gian vẫn luôn diễn tiến. Những nhà khoa học để lại những công trình tâm huyết của họ, để lại tài năng của họ nhằm giúp đỡ mọi người, tạo tiền đề cho sự phát triển của cuộc sống khoa học công nghệ ngày nay. Những nhà văn, nhà thơ để lại những tác phẩm kiệt xuất, những đứa con tinh thần của họ vẫn còn lưu truyền mãi trong sự nghiệp giáo dục cũng như trong cuộc sống ngày nay. Và biết bao nhiêu cá nhân khác nữa, mỗi người một lĩnh vực với những thành công của mình, họ đóng góp vào sự đi lên của nhân loại, đóng góp xây dựng một cuộc sống tốt đẹp. Những giá trị đấy hình thành nên hình ảnh của con người. Sự biết ơn của những thế hệ đi sau với những người đi trước là phương cách để họ tồn tại mãi trên cõi trần này. Hay nói cách khác, con người trường tồn với thời gian là nhờ vào những nét đẹp về trí tuệ và vẻ đẹp trong tâm hồn của họ. Không như xác thịt của con người, những điều đấy không tan biến đi, không phai nhòa theo dòng chảy của thời gian mà trở nên vĩnh hằng theo năm tháng. Quả thế, chúng ta chắc hẳn vẫn luôn nhớ về Cô-lum-bus, người đã đặt những bước chân đầu tiên lên Châu Mỹ, người đã thực hiện các chuyến đi thám hiểm thế giới đầu tiên, để rồi từ đó con người nhận ra được rằng thế giới mình đang sống không phải là một mặt phẳng như lâu nay mọi người vẫn nghĩ, đó là mang tầm quan trọng và ý nghĩa lớn lao đối với nhận thức của con người, và cũng là tiền đề cho những nghiên cứu khoa học về hành tinh đứng thứ ba trong hệ mặt trời sau này. Hay chúng ta hồi nhỏ thường hay thắc mắc rằng tại sao chúng ta có thể đứng ở trên mặt đất mà không rơi vào khoảng không mênh mông của vũ trụ. Mãi sau này, khi được học về định luật vạn vật hấp dẫn của Newton, chúng ta mới có thể giải thích được điều đó. Hay tác gia nổi tiếng người Anh mà ai cũng biết đến là William Shakespeare, người đã để lại cho hậu thế những kiệt tác về văn học vẫn còn lưu truyền mãi đến ngày hôm nay như tác phẩm kịch Romeo và Juliet, Macbeth, Hamlet, Như ba nhà soạn nhạc nổi tiếng người Đức là Bach, Mozart, Beethoven trường tồn nhờ những bản nhạc bất tử của mình, họ cũng bất tử nhờ những sản phẩm trí tuệ siêu việt đóng góp cho thế giới. Những giá trị đó được những con người đi sau, thế hệ này đến thế hệ khác gìn giữ như những kho báu chung của cả thế giới. Thân xác họ có thể mục nát dưới lòng đất, nhưng tên tuổi họ thì được khắc ghi vào trong lòng người và không bao giờ mất đi. Đấy là những giá trị đáng để chúng ta trân trọng.

Một khía cạnh khác mà câu nói của nhà văn Lỗ Tấn muốn đề cập đến chính là cũng trong thế giới này, có những người tuy đang sống nhưng sự tồn tại của họ không được người khác thừa nhận, và đối với người khác, họ chẳng khác gì những người đã chết. Nguyên nhân của điều này chắc hẳn một phần đến từ yếu tố chủ quan. Nếu chúng ta sống xa rời cuộc sống, không có sự quan tâm đến người khác, thờ ơ, lạnh nhạt với tất cả thì hình ảnh chúng ta thậm chí còn không thể len lỏi vào lòng người khác chứ đừng nói đến việc khiến họ phải nhớ đến sau này. Tình người được xây dựng từ sự quan tâm, tình yêu và sự sẻ chia. Trong cuộc sống hàng ngày, con người sống trong mối tương quan của mình với người khác, thế nhưng một bộ phận, vì sự thờ ơ, vô cảm mà tách ly khỏi xã hội, sống cách biệt với những người xung quanh. Chính điều đó đẩy họ đến cái chết, chết trong con tim những người khác. Khi bạn không chịu mở lòng đón nhận thì những người xung quanh sẽ dần lánh xa họ, đơn giản vì họ không muốn vượt qua bức rào cản mà chính bạn tạo ra. Và rào cản ấy cứ lớn dần lớn dần, nó sẽ phá hủy quan hệ của bạn đối với người khác nếu như bạn không dỡ bỏ nó đi. Chính cách sống, cách bạn chia sẻ, đón nhận, cách bạn yêu thương người khác là điều sẽ khiến họ luôn nhớ về bạn. Cho dù bạn có tài giỏi, có giàu sang đến mấy đi nữa thì tất cả sẽ chỉ là phù vân và tan biến ngay khi bạn về với đất mẹ. Nhưng nếu bạn biết san sẻ cho người khác, biết dùng tài năng của mình để giúp ích cho đời thì sự tồn tại của bạn sẽ được mọi người công nhận, bởi vì những phẩm chất đẹp đẽ sẽ không dễ dàng mất đi.

Một điều nữa đấy là hành động của bạn gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng cho người khác, cho xã hội thì những người khác sẽ phủ nhận sự tồn tại của bạn. Bạn nghiện ma túy, bạn cướp giật, bạn giết người những hành động gây phương hại cho người khác thì mọi người sẽ tẩy chay bạn, từ chối con người bạn. Một con người muốn tồn tại phải luôn giúp ích cho đời, cho người. Còn bạn phá hủy những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống mà những người khác cố công xây dựng thì thay vì yêu thương, họ sẽ xanh lánh, hắt hủi, xem bạn như một phẩn tử xấu không đáng có trong cuộc sống này. Nhân cách hình thành nên con người, vậy nên, nếu bạn làm những điều xấu đi ngược lại với những giá trị đạo đức thì cũng chính bạn đang tự giết chết con người mình.

Bạn trộm cướp, bạn hút chích, bạn giết người, tất cả những gì bạn làm gây phương hại đến người khác thì thay vì yêu thương, thứ mà bạn phải nhận lại đấy là sự xa lánh, thù ghét. Một vụ án được Báo Điện Tử Việt Nam VNExpress xếp vào trong những vụ án giết người gây phẫn nộ bị xét xử vào năm 2012 là vụ án do Lê Văn Luyện thực hiện. Lê Văn Luyện thực hiện vụ cướp tại tiệm vàng Bích Phương [Phương Sơn-Lục Nam-Bắc Giang] vào ngày 24 tháng 8 năm 2011 và đã ra tay giết hại vợ chồng chủ tiệm vàng cùng đứa con 18 tháng tuổi, đứa con gái lớn bị y chặt đứt tay. Tội ác của Lê Văn Luyện gây nên một lán song phẫn nộ trong xã hội. Tất cả mọi người đều lên án tội ác dã man không có tính người đấy của y. Những người như y sẽ không bao giờ tồn tại trong lòng người khác. Không chỉ Lê Văn Luyện mà trong xã hội ngày nay vẫn tồn tại những kẻ ác nhân như vậy, và với mọi người, họ không hề tồn tại. Thật vậy, chúng ta có tồn tại, có sống trong tim những người còn lại sau khi trở về suối vàng hay không đều do hành động của chúng ta quyết định.

Mỗi chúng ta, những người còn đang sống, phải làm gì để có được sự sống bất tử ấy? Chúng ta cần sống tốt với mối tương quan với những người xung quanh, phải biết yêu thương, biết quan tâm, chia sẻ với những người khác. Sống trong đời sống, chúng ta phải tìm ra mục đích sống của đời mình. Mỗi chúng ta phải hiểu biết những giá trị về trí tuệ, cũng như tìm ra những nét đẹp bên trong con người mình để có thể giúp ích cho cuộc sống, đóng góp phần nhỏ nhoi của mình cho sự phát triển của xã hội, làm cho cuộc sống nhân loại này ngày càng tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, chúng ta phải nêu cao những tấm gương, những cá nhân giúp ích cho đời, cho người, và đồng thời giữ gìn những giá trị tốt đẹp ấy cho những thế hệ tương lai. Không những thế, chúng ta phải rèn luyện và phát triển bản thân mình để xây dựng nên những giá trị đẹp đẽ cho xã hội, để sau khi chúng ta không còn nữa, hình ảnh của chúng ta vẫn luôn hiện diện ở đó, trong tim những người ở lại. Song hành với điều đó, chúng ta cũng phải lên án, tố cáo, phê phán những lối sống thờ ơ, vô cảm với những người xung quanh và cả những hành động không tốt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới con người và xã hội, vì một xã hội phát triển và tốt đẹp hơn.

Câu nói của nhà văn Lỗ Tấn là một lời gọi ý sâu sắc cho chúng ta về một cuộc sống vĩnh cửu. Đây là một lời nhắn nhủ đối với mỗi chúng ta về cách sống thế nào để cuộc đời mình có ý nghĩa, có giá trị. Liệu rằng chúng ta đã sống tốt, sống có ý nghĩa, để sau khi chết đi, chúng ta vẫn luôn tồn tại trong trái tim những người còn lại hay chưa? Hãy cố gắng sống và đi tìm câu trả lời cho chính mình.

[Văn nghị luận] Lòng nhân ái và sự vô cảm
[Văn Nghị Luận] Giá trị của những khó khăn
[Văn Nghị Luận] Gói tiền và gói văn hóa

Video liên quan

Chủ Đề