Thơ là thần hứng nghĩa là gì

Sự gặp gỡ giữa hai mặt chủ thể và khách thể có cơ sở làm nên những áng thơ còn mãi với thời gian. Không hoàn toàn giống với những hoạt động khác của con người, hiệu quả sáng tạo thi ca tùy thuộc vào hứng. Tài nghệ là những cái tiềm ẩn bên trong. Hứng là tâm thế đặc biệt chuyển khả năng thành hiện thực. Người xưa vì vậy luôn khẳng định vai trò của cảm hứng thi ca. Ninh Tốn đặt ra ba điều nên trong sáng tác thơ trong đó có “hứng cao” [17, 138]. Nguyễn Quýnh bàn về hứng bằng một đoạn văn súc tích, giàu hình ảnh: “Người như sông biển, chữ như nước, hứng thì như gió. Gió thổi tới sông biển cho nên nước lay động làm thành gợn, thành sóng, thành ba đào... Người làm thơ không thể không có gió vậy” [41, 103]. Lời nói cả quyết vì lòng tin chắc chắn. Lòng tin ấy được thực tiễn sáng tạo củng cố. Quả là lúc ngòi bút có thần thì “tay tiên một vẫy đủ mười khúc ngâm”. Nguyễn Trãi viết: Trong khi hứng động vừa đêm tuyết/ Ngâm được câu thần dặng dặng ca [Ngôn chí - 3].

Miên Trinh nói ra cái điều mà bất kỳ nhà thơ nào cũng từng trải qua: “Một khi hứng tới, tình cờ nâng bút, chả vất vả gì” [17, 221]. Viết nhanh, dường như từ ngũ không theo kịp dòng cảm nghĩ, vậy mà lại hay, thành “thần cú”, “thần tự”. Kỳ lạ mà không khó hiểu. Nên Nhữ Bá Sỹ mới mong mỏi: “Hạ bút vẫn chờ mong có thần” [41, 131]. Có thể xem nỗi mong mỏi này là thường xuyên và da diết đối với người làm thơ.

Vậy hứng thơ là gì? Người xưa từ nhiều góc độ khác nhau đã cảm nhận khá đầy đủ và sâu sắc đặc tính của cảm hứng sáng tạo. Dấu hiệu trước tiên của cảm hứng là cảm xúc mãnh liệt, dào dạt hơn bình thường. Người cầm bút không thể dửng dưng trước những gì đang diễn ra xung quanh. Tác giả vô danh nọ đã phát hiện ra mối liên hệ giữa “tình cao gọi dậy” với “hứng động dưới nét bút”, và giữa “hứng động dưới nét bút” với “nét lạ vút bay” [17, 215]. Nói khác đi, tình nảy ra hứng. Vũ Trọng Đại viết: “Sự xúc xảm nảy sinh ra thi hứng” [17, 175]. Đỗ Hạ Xuyên cũng viết: “Tùy theo xúc cảm mà nảy sinh ra thi hứng” [17, 57]. Có lẽ sự nghiệp thi ca của Nguyễn Du là một minh chứng hùng hồn thuyết phục nhất. Mở đầu “Truyện Kiều”, thi hào đã tuyên bố: “Những điều trong thấy mà đau đớn lòng”. “Những điều trông thấy” chỉ qua cảm xúc mới có điều kiện đi vào thi ca, làm nên những trang rung động lòng người. Qua mộ Đỗ Thiếu Lăng ở Liễu Dương, Nguyễn Du không cầm nổi lòng mình. Ông nhìn thấy cảnh ngộ của mình trong cảnh ngộ của nhà thơ danh tiếng kia: Mỗi độc “nho quan đa ngộ thân”/ Thiên niên nhất khốc Đỗ Lăng nhân.

Không có tiếng khóc thổn thức ấy sẽ không có bài thơ kia. Rồi trường hợp sáng tác “Long Thành cầm giả ca” [Bài ca người gảy đàn ở thành Thăng Long] cũng vậy. Trước cảnh thời thế đổi thay, nhan sắc phai tàn, Nguyễn Du thốt lên: “Than ôi! Người ấy sao đến nỗi này! Tôi bồi hồi ngẩn lên cúi xuống, khôn xiết cảm thương cho sự đổi thay xưa và nay” [6, 272]. Thi sỹ đã cầm bút ghi lại cái điều mà mình muốn gửi gắm: “Đời người trăm năm, vinh nhục buồn vui khó có thể nào lường được” [6, 272]. Phân tích động cơ thúc đẩy Nguyễn Du viết bài thơ này, nhà nghiên cứu Đỗ Văn Hỷ nhằm chứng minh cho khái niệm “ý tượng” trong sáng tác thơ. Quả thế, “ý tượng” đi liền với ấn tượng, với cảm xúc thường đến một cách đột ngột, bất ngờ như Nguyễn Du viết trong bài thơ nói trên: Tôi lắng nghe, lòng đau xót/ Chợt nhớ lại việc hai mươi năm trước/ Từng gặp nàng trong tiệc bên hồ Giám.

Lương Khê thì gọi đó là “cái ý tứ bột phát” của “sự xúc cảm trong khoảnh khắc” [17, 46]. Đường đột đến, đường đột đi “vừa bắt được lại liền tuột mất” [Nguyễn Hàm Ninh] [17, 73], nên ngôn ngữ cầm bút phải biết kìm giữ cảm hứng. Từ đó cảm nghĩ được cất cánh, được ủy thác vào vần điệu, hình ảnh cà cấu tứ. Ngô Thì Sỹ viết: “Những cái ngổn ngang dằn vặt nơi lòng, bỗng nhiên bừng sáng” [17, 226]. Đó là tấm lòng. Hồng Nhậm thì nhận ra “con đường suy tư vọt ra như thác đổ” [17, 92]. Lúc đó ngòi bút có sức cuốn hút không cưỡng lại được mà cả Miên Thẩm lẫn Hồng Nhậm đều gọi là “ma thơ” “mờ mịt cả sớm chiều” khiến con người làm thơ “mất cả ăn ngủ”: Thân ta không tự chủ được/ Như bị cái gì dắt díu [17, 83].

Và: Phảng phất nơi tai mắt/ Thức ngủ không tách rời [17, 92].

Viết nên những dòng này, họ có cả bề dày sáng tác ở phía sau. Sức bút mạnh, hiệu quả cao, nhờ hứng. Ngô Thì Sỹ viết: “Bút thần thi liệu, tình cảm gồm hai, không cái nào vụt cái thành thơ, thốt nhiên nhập vịnh” [17, 19]. Hứng thơ mới kỳ diệu làm sao, kỳ diệu mà không khó hiểu, hiểu rồi mà vẫn thấy mới lạ, mông lung.

Thật ra hứng thơ cũng có nhiều nguyên cớ nảy sinh. Người xưa đã đi sâu tìm hiểu chúng. Đã tồn tại một cách nói thành quen thuộc “gặp cảnh sinh tình”, “tức cảnh thành thơ”. Vai trò của yếu tố khách quan chưa bao giờ bị xem nhẹ. Hứng chỉ tới làm “sảng khoái mắt thơ” khi “đi khắp núi sông... xem lưới chài, trông ng1 hái củi” [Ngô Thì Sỹ] [17, 64]. Nên, Miên Thẩm mới thú nhận: Ta từ khi nằm bệnh không làm thơ nữa/ Trùng kêu vượn hót hết hứng xa xôi [17, 78].

Chỉ cọ xát với cảnh vật và con người, hứng thơ mới có cơ bùng lên, lan tỏa, xâm chiếm tâm hồn người cầm bút. Lương Khê đã diễn tả khá rõ quá trình này: “Những điều trông thấy trên đoạn đường bễ... hết thảy đều là cái cảnh đáng buồn đáng vui, liền ghi lấy khi thức cũng như trước khi đi ngủ... Sợ khi đã tỉnh thì không thể phục hồi được nữa” [17, 45]. Từ cảnh đến tình, tình chan hòa trong hứng, hứng lúc ẩn lúc hiện khó hình dung, khó nắm bắt... Phải chăng Lương Khê từng sống thật sự trong tâm thế sáng tạo đặc biệt để diễn tả thành lời cái điều thật khó diễn tả kia.

Nói tới “cảnh” là nói yếu tố bên ngoài. Thật ra cái quyết định chính là sự dồn nén tự bên trong. Bao ấn tượng dần dà hoặc dồn dập đến, để tới lúc tâm hồn ngập tràn bùng lên mãnh liệt. Nhưng đó là kết quả sau cùng. Để có ấn tượng, con người phải chủ động tiếp nhận. Chỉ có những người thư thái, khoáng đạt hồn thơ mới giàu có. Người xưa đặc biệt nhấn mạnh đến điểm này. Ninh Tốn khẳng định không chút nghi ngại: “Chỉ có người nào tâm hồn phóng khoáng ít vướng mắc thì làm thơ mới hay” [Tạp chí Văn học, Số 4/1976]. Ông đồng thời giải thích điều mình vững tin: “Thư thả ngắm bầu trời mênh mông mà suy nghĩ đến cái vô cùng [của vũ trụ]. [Lúc đó] phơi phới tưởng như đang mọc cánh” [10, 145]. Cuộc sống từ ngàn đời đi theo lẽ thường và bộc lộ bản chất thầm kín. Không phải ai cũng có thể nhận ra để thể hiện thành những vần thơ diệu ngộ. Chỉ có nhiều tâm hồn khoáng đạt mới dễ đồng cảm với cái đẹp vốn xa lạ với mọi thứ dung tục, tầm thường ở đời. Nói như Miên Thẩm: Mới biết tiền thân từ thanh tịnh/ Chứ đâu phải cố ý xây dựng ngôn từ khác lạ và xa hoa [17, 86].

Có được lòng thanh tịnh, đấy là tiên giữa cõi trần, ai làm thơ mà không mong mỏi. Nên ông chân tình giãi bày khát vọng của mình: Khát uống sượng giọt, đói ăn ráng xanh/ Không bị đời sai sử/ Xênh xang theo với tự nhiên/ Vẫy gọi tám vị tiên cưỡi gió cùng đi/ Say rồi giỡn ánh trăng nhảy múa điên cuồng [17, 86].

Bản tính hồn thơ không chịu mọi sự trói buộc. Cả lợi lẫn danh. Đọc thơ bởi vậy, nói theo Cao Bá Quát: “tinh thần lắng xuống, ý nghĩa sạch lâng lặng lẽ cho tâm hồn giong ruồi” [41, 157]. Ninh Tốn cho rằng một trong những điều “không nên” đối với người cầm bút là “không nên có việc quan lại”. Cái lý nhận xét của ông là ở chỗ: “Nơi nào có văn thư ít thì hồn thơ sảng khoái” [Tạp chí Văn học, Số 4/1976]. Có gì gần gũi với ý nghĩ của Nguyễn Trãi, người sống cách Ninh Tốn hơn ba thế kỷ: Hỷ đắc thân nhàn quan hựu lãnh/ Bế môn tận nhật thiểu thương tương qua [Mừng được thân nhàn mà việc quan lại rỗi/ Đóng cữa trọn ngày ít qua lại với ai] [Ngẫu thành] [8, 305].

Và thơ ngẫu nhiên mà đến, ngẫu nhiên mà thành, bởi: Nhàn lai vô sự bất thanh nga [Khi nhàn thì không gặp việc gì lại không ngân nga] [Hý đề] [8, 360].

Lẽ nào không đúng thế. Ngô Thì Vị nói rất chí lý: “Hứng bộc lộ nơi tâm nhưng quan hệ tới thân” [17, 108]. Mà con người thi nhân thì lại giống như bao người khác đều có những nhu cầu sinh tồn đa tạp. Vấn đề là phải tự điều chỉnh, tự điều tiết.

Vậy mà tiếc thay, ngay cả những người thanh cao nhất cũng có lúc cũng buộc lòng bán linh hồn cho quỷ. Nỗi e ngại đến mức kinh sợ của Nguyễn Cư Trinh là có thật: “Rất sợ lấy văn chương để cầu danh vọng” [41, 47]. Đấy là danh, cái lợi cũng không ít cám dỗ. Nguyễn Văn Siêu đả chỉ ra một trong ba căn bệnh của kẻ làm văn thời ông là: “Đem ý nghĩ đi tìm lợi lộc để ngang ở trong lòng” [Tạp chí Văn học, Số 4/1976, tr. 146]. Viết rằng quá đam mê danh lợi là không hay, thế nhưng biết bao kẻ sỹ vẫn bị cuốn vào vòng quay của nó. Các bậc thức giả mọi thời luôn cảnh tỉnh nguy cơ của bả lợi danh là vì thế. Nguyễn Bỉnh Khiêm viết: “Khi ở triều đình thì tranh nhau về danh, khi ở chợ búa thì tranh nhau về lợi; khoe là sang thì lầu son gác tía, khoe là giàu thì vũ tạ ca lâu”. Kết cục tất yếu là: “Thấy người ngoài đường có người chết đói, không dám bỏ một đồng tiền ra để cứu giúp; thấy cảnh đồng có người nằm sương, không chịu bỏ một nắm rạ ra để che đậy” [41, 37]. Nghệ sĩ là người có trái tim nhạy cảm hơn bình thường. Phải biết lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Khi chỉ chăm chắm nghĩ đến mình, không biết đau nỗi đau của đồng loại, không biết vui niềm vui của con người, cảm hứng thi ca chân chính làm sao có cơ bột phát.

Cái nhìn vế mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể ở người xưa rõ ràng gần gũi với cái nhìn của chúng ta ngày nay. Yếu tố khách thể chưa bao giờ bị xem nhẹ. Ngô Thì Sỹ cho rằng “thắng cảnh của núi sông, thanh u nơi chùa Phật, tân kỳ của cây cỏ, khác lạ của chim muông...” chính là đối tượng của thi ca, nghệ thuật. Thơ xưa thường rất nhạy cảm với với vẻ đẹp của thiên nhiên, non nước là vì thế. “Gió trăng” là “của kho vô hạn”, người làm thơ hãy sống với nó, tự làm giàu có lên bởi nó. Người thi sỹ trong Nguyễn Trãi có lần đã sảng khoái tự hỏi: Nhãn để nhất thì thi liệu phú/ Ngâm ông thùy dữ thế nhân đa? [Trong đáy mắt một buổi thi liệu dồi dào/ Thi nhân với người đời thì ai thú hơn?] [8, 360-361].

Nguyễn Thượng Hiền cũng thừa nhận là khi “bệnh nghiện thơ” tràn ngập trong tâm hồn ông thì “bao vẻ đẹp kéo về trước mắt” [17, 99]. Thi ca với ưu thế này đã góp phần nâng con người dậy, chắp thêm đôi cánh diệu kỳ cho họ, giúp con người thoát khỏi bao phiền lụy của đời trần. Bởi “khi nào quang cảnh đẹp thì tục lụy lắng trong” [Ninh Tốn] [10, 145].

Do khát vọng không cùng về cái đẹp, mà nhà thơ đâu có mấy khi hài lòng. Miên Thẩm thường băn khoăn bởi vì: “Những hận kỳ quan mà thiên thơ còn vắng” [17, 79]. Không một nhà thơ nào, xưa cũng như nay, lại không có những phút giây day dứt đáng yêu như thế. Đó là hạnh phúc biểu hiện sự giàu có của tâm hồn. Và khi “thi thành”, thì nói theo câu thơ của Tố Như “thảo thụ giai thiên cổ” [Hán Dương vãn diểu] [6, 405].

Video liên quan

Chủ Đề