Thực trạng pháp luật về kinh doanh dịch vụ logistics

Mục lục bài viết

  • 1. Khái niệm logistics
  • 2. Khái niệm dịch vụ logistics
  • 3. Đặc điểm của dịch vụ logistics
  • Đặc điểm về chủ thể của dịch vụ logistics
  • Đặc điểm về nội dung dịch vụ logistics
  • Đặc điểm về tính chất dịch vụ logistics
  • 4. Thực trạng của pháp luật về dịch vụ logistics trong hoạt động thương mại điện tử
  • 5. Kiến nghị

1. Khái niệm logistics

Một số định nghĩa cho rằng Logistics có nghĩa là hậu cần, một số khác lại định nghĩa cho rằng logistics là nhà cung ứng các dịch vụ kho bãi và giao nhận hàng hoá vv … Vậy Logistics là gì?

Có rất nhiều khái niệm về thuật ngữ này:

– Theo Hội đồng chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng Hoa Kỳ: Logistics có thể được hiểu là quá trình hoạch định, thực hiện và kiểm soát sự lưu thông, tích trữ một cách hiệu quả tối ưu các loại hàng hoá, nguyên vật liệu, thành phẩm và bán thành phẩm, dịch vụ và thông tin đi kèm từ khâu khởi đầu tới khâu kết thúc nhằm mục đích dẩm bảo các yêu cầu của khách hàng và bao gồm đầu vào, đầu ra, chuyển động bên trong và bên ngoài.

– Logistics cũng có thể được định nghĩa là việc quản lý dòng chung chuyển và lưu kho nguyên vật liệu, quá trình sản xuất, thành phẩm và xử lý các thông tin liên quan…..bắt đầu từ nơi xuất xứ đến nơi tiêu thụ cuối cùng theo yêu cầu của khách hàng.

– Theo World Marintime Unviersity- Đại học Hàng Hải Thế Giới, D. Lambert 1998: Logistics được hiểu là quá trình xây dựng kế hoạch, cung cấp và quản lý việc chu chuyển và lưu kho có hiệu quả hàng hoá, dịch vụ và các thông tin liên quan từ nơi xuất xứ đến nơi tiêu thụ vì mục tiêu đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Trong Quân sự Logistics từ lâu được hiểu là hậu cần. Trên thực tế Logistics được áp dụng rất rộng rãi trong nhiều lĩnh vực không chỉ trong quân sự mà nó còn áp dụng trong sản xuất tiêu thụ, giao thông vận tải vv…

Như vậy Logistics được hiểu là sự điều chỉnh cả tập hợp các hoạt động của nhiều ngành cùng một lúc. Nhà cung cấp dịch vụ logistics và chỉ được công nhận khi nào người làm giao nhận có khả năng làm tất cả các công việc liên quan đến cung ứng, vận chuyển, theo dõi sản xuất, kho bãi, thủ tục hải quan, phân phối…

2. Khái niệm dịch vụ logistics

Trong hoạt động thương mại, logistics là một thuật ngữ rất quen thuộc. Logistics có thể được hiểu là quá trình chuyển dịch nguồn lực, sản phẩm được thực hiện một cách có kế hoạch, chi tiết, được kiểm soát chặt chẽ nhằm giảm thiểụ tối đa chi phí và thời gian theo yêu cầu của khách hàng.

Dịch vụ logistics được quy định khá rõ ràng trong pháp luật Việt Nam. Theo đó, tại Điều 233 Luật Thương mại 2005 đã quy định: ‘‘Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.”

Như vậy, ta có thể hiểu đơn giản dịch vụ logistics việc thương nhân có thể thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo yêu cầu của khách hàng.

3. Đặc điểm của dịch vụ logistics

Đặc điểm về chủ thể của dịch vụ logistics

Chủ thể tham gia vào dịch vụ logistics bao gồm thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics và khách hàng sử dụng dịch vụ logistics.

Dịch vụ logistics do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics thực hiện một cách chuyên nghiệp. Để hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics thương nhân cung ứng dịch vụ logistics cần phải đáp ứng đủ các điều kiện về phương tiện thiết bị, công cụ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kĩ thuật và có đội ngũ nhân viên đáp ứng yêu cầu.

Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có thể đảm nhiệm một, một phần hoặc toàn bộ các công đoạn từ nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá trong chuỗi logistics. Thương nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics có thể xây dựng các chuỗi hoạt động logistics dựa trên cơ sở thiết lập nguồn lực, công nghệ của mình với các thương nhân khác một cách có hệ thống .

Trong chuỗi dịch vụ logistics bao gồm những thương nhân quản lý và điều hành chuỗi logistics và thương nhân được thuê tham gia vào các giai đoạn trong chuỗi logistics. Thương nhân quản lý và điều hành chuỗi logistics nhân danh chính mình để ký hợp đồng với khách hàng, đưa hàng hoá của khách hàng vào chuỗi cung ứng do thương nhân đó xây dựng.

Khách hàng sử dụng dịch vụ logistics là tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng dịch vụ về giao nhận hàng hoá. Khách hàng sử dụng dịch vụ logistics có thể là thương nhân hoặc không phải là thương nhân, có thể là chủ sở hữu hàng hoá hoặc không phải chủ sở hữu hàng hoá. Trong một số trường hợp đặc biệt, khách hàng sử dụng dịch vụ logistics có thể là đại diện của chủ sở hữu hàng hoá, được chủ sở hữu hàng hoá ủy thác thực hiện việc giao nhận hàng hoá.

Đặc điểm về nội dung dịch vụ logistics

Dịch vụ logistics chính là bước phát triển cao hơn và hoàn chỉnh hơn của các dịch vụ vận tải, đóng gói bao bì, giao nhận hàng hoá, lưu kho, lưu bãi hàng hóa. Thương nhân cung ứng dịch vụ logistics có thể cung cấp các dịch vụ riêng lẻ như thuê tàu, đóng gói hàng hoá, làm thủ tục hải quan, đánh ký mã hiệu,…. hoặc cung cấp những dịch vụ trọn gói từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng.

Thương nhân cung ứng dịch vụ logistics thực hiện dịch vụ logistics theo một chuỗi sắp xếp có kế hoạch, có sự sắp xếp hợp lý theo yêu cầu của khách hàng nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian từ nhận hàng hoá từ người gửi, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi. Đối với trường hợp hàng hoá xuất, nhập khẩu, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics cần chuẩn bị các loại giấy tờ cần thiết như: vận đơn vận chuyển, giấy giám định, chứng thư tín dụng,… được sử dụng làm thủ tục hải quan. Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phải tổ chức việc bảo quản hàng hoá và làm thủ tục giao hàng tới cho người nhận theo đúng thỏa thuận và yêu cầu của khách hàng. Thương nhân cung ứng dịch vụ logistics được hưởng thù lao từ dịch vụ do mình cung ứng.

Dịch vụ logistics mang tính chất là một quá trình được thực hiện liên hoàn, dịch vụ logistics không mang tính chất đơn lẻ. Các khâu trong chuỗi hoạt động logistics được thương nhân tổ chức thực hiện theo kế hoạch đã được sắp xếp, tính toán chi tiết để hàng hoá được dịch chuyển liên tục trong các khâu của chuỗi từ đó tiết kiệm tối đa thời gian cũng như chi phí vận chuyển. Dịch vụ logistics có thể giảm lãng phí do sản xuất quá nhiều, lãng phí do hàng tồn kho, lãng phí do di chuyển, lãng phí do quá trình vận hành, lãng phí do chờ đợi, …

Đặc điểm về tính chất dịch vụ logistics

Dịch vụ logistics có vai trò quan trọng đôi với quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dịch vụ logistics là dịch vụ bổ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do thương nhân thực hiện để hưởng thù lao. Dịch vụ logistics có thể hỗ trợ toàn bộ các khâu trong hoạt động của doanh nghiệp, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, vật liệu đến khâu sản xuất và đến khi sản phẩm được đưa ra khỏi doanh nghiệp đến tay người tiêu dùng. Các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics nhằm mục đích đưa hàng hoá tới tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng, hạn chế tối đa rủi ro và chi phí thù lao.

Sự phát triển ngày càng cao của dịch vụ logistics đã kéo theo sự thay đổi về các phương thức sản xuất kinh doanh. Các quốc gia phát triển trên thế giới đã thực hiện việc chuyển dịch địa bàn sản xuất hàng hoá về những quốc gia đang phát triển để khai thác những nguồn lực giá rẻ như tài nguyên, sức lao động. Một số quốc gia châu Á đã trở thành những công xưởng lớn của thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam,… khi sản xuất phần lớn lượng hàng hoá tiêu dùng trên thế giới. Chính quá trình phát triển và ngày càng hoàn thiện của các chuỗi dịch vụ logistcis đã làm giảm chi phí giao nhận, vận chuyển nguyên vật liệu và hàng hoá và nó đã trở thành cơ hội để các doanh nghiệp tận dụng tối đa các lợi thế cạnh tranh.

Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của khách hàng thông qua việc cung cấp một, một số hoặc toàn bộ các dịch vụ trong chuỗi dịch vụ logistics và hưởng thù lao từ hoạt động đó. Dịch vụ logistics được thực hiện trên cơ sở hợp đồng song vụ có tính đền bù. Tùy thuộc vào mức độ sử dụng dịch vụ của khách hàng, nội dung hợp đồng có thể đơn giản hoặc phức tạp. Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics cũng được thanh toán các khoản chi phí phát sinh họp lý do thực hiện theo chỉ dẫn của khách hàng hoặc thực hiện nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của khách hàng.

4. Thực trạng của pháp luật về dịch vụ logistics trong hoạt động thương mại điện tử

Dịch vụ logistics đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thương mại điện tử và kinh tế Việt Nam. Hơn 30% dân số tại Việt Nam được dự báo sẽ chuyển sang mua sắm trực tuyến vào năm 2020, cho thấy nhu cầu giao hàng của ngành thương mại điện tử sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới. Theo báo cáo mới đây của We Are Social [một công ty tại Anh chuyên thực hiện các thống kê và đánh giá về thông tin kỹ thuật số, di động và các lĩnh vực liên quan], tổng số người dùng Internet ở Việt Nam vào tháng 01/2018 là 64 triệu người, tăng khoảng 27%, cho thấy Internet đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người Việt Nam. Điều đó cũng khẳng định tầm quan trọng của logistics trong thương mại điện tử và đòi hỏi một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh đáp ứng nhu cầu điều chỉnh lĩnh vực này. Nghiên cứu thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam về logistics cho thấy một số vấn đề sau:

Thứ nhất, pháp luật hiện hành còn thiếu quy định về khái niệm e-logistics, gây khó hiểu và khó thực hiện. Logistics cũng như thương mại điện tử đang bùng nổ và là xu hướng phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện nay, do chưa nghiên cứu sâu, có nhiều người vẫn hiểu chưa đúng và chưa phân biệt được hai khái niệm e-logistics và logistics. Ngoài ra, không ít người còn đồng nhất hai khái niệm này với nhau. Nhầm lẫn sẽ dẫn đến việc đánh giá không đúng vị trí, vai trò của hai hoạt động logistics và e-logisitics trong thương mại điện tử cũng như hạ thấp chức năng của chúng.

Thứ hai, việc phân loại các hoạt động logistics còn nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý và áp dụng để xác định các hoạt động logistics. Như chúng ta đã biết, dịch vụ logistics góp phần mở rộng thị trường thương mại điện tử, các nhà sản xuất muốn chiếm lĩnh và mở rộng thị trường cho sản phẩm của mình phải cần sự hỗ trợ của dịch vụ logistics. Dịch vụ này có tác dụng như cầu nối trong vận chuyển hàng hóa trên các tuyến đường đến các thị trường mới đúng yêu cầu về thời gian và địa điểm đặt ra nên doanh nghiệp có thể khai thác và mở rộng thị trường nhanh và mạnh hơn. Bởi vậy, ngoài việc cần thiết phải bổ sung định nghĩa về dịch vụ e-logistics, việc phân loại dịch vụ logistics cũng cần có quy định thống nhất. Hiện nay, việc phân loại thường theo phương pháp liệt kê, trình bày được quy định ở quá nhiều văn bản, cụ thể:

Theo quy định của Luật Thương mại năm 2005, logistics bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa.

Căn cứ Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam 2007, có thể nhóm một số phân ngành kinh tế thuộc dịch vụ logistics như: 4912 [vận tải hàng hóa đường sắt], 4933 [vận tải hàng hóa bằng đường bộ], 4940 [vận tải đường ống], 5012 [vận tải hàng hóa ven biển và viễn dương], 5022 [vận tải hàng hóa đường thủy nội địa], 5120 [vận tải hàng hóa hàng không], 5210 [kho bãi và lưu giữ hàng hóa], 5221 [hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường sắt và đường bộ], 5222 [hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường thủy], 5223 [hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không], 5224 [bốc xếp hàng hóa], 5229 [hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải], 5310 [bưu chính], 5320 [chuyển phát], và 8292 [dịch vụ đóng gói].

Trong khi đó, theo quy định của Điều 3Nghị định số 163/2017/NĐ-CPngày 30/12/2017 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ logistics, dịch vụ logistics bao gồm: 1. Dịch vụ xếp dỡ container, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay; 2. Dịch vụ kho bãi container thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển; 3. Dịch vụ kho bãi thuộc dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải; 4. Dịch vụ chuyển phát; 5. Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa; 6. Dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan [bao gồm cả dịch vụ thông quan]; 7. Dịch vụ khác, bao gồm các hoạt động sau: kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; dịch vụ nhận và chấp nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải; 8. Dịch vụ hỗ trợ bán buôn, hỗ trợ bán lẻ bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa và giao hàng; 9. Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển; 10. Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa; 11. Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường sắt; 12. Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ; 13. Dịch vụ vận tải hàng không; 14. Dịch vụ vận tải đa phương thức; 15. Dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật; 16. Các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác; 17. Các dịch vụ khác do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics và khách hàng thỏa thuận phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật Thương mại.

Ngoài ra, tháng 5/2007, Việt Nam cùng các nước thành viên ASEAN cũng đã nhất trí xây dựng lộ trình hội nhập ngành dịch vụ logistics trong ASEAN. Dịch vụ logistics trong ASEAN gồm 11 phân ngành sau: 1. Dịch vụ xếp dỡ hàng hóa trong vận tải biển [có mã phân loại trong Bảng phân loại các hàng hóa và dịch vụ chủ yếu của Liên hiệp quốc là 741-CPC 741]; 2. Dịch vụ kho bãi [CPC 742]; 3. Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa [CPC 748]; 4. Các dịch vụ bổ trợ khác [CPC 749]; 5. Dịch vụ chuyển phát [CPC 7512**]; 6. Dịch vụ đóng gói [CPC 876]; 7. Dịch vụ thông quan [không có trong phân loại của CPC]; 8. Dịch vụ vận tải hàng hóa quốc tế bằng đường biển, loại trừ vận tải ven bờ; 9. Dịch vụ vận tải hàng không [được đàm phán trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp về vận tải trong ASEAN]; 10. Dịch vụ vận tải đường sắt quốc tế [CPC 7112]; 11. Dịch vụ vận tải đường bộ quốc tế [CPC 7213].

Như vậy, phần lớn các văn bản trên đều phân loại hoạt động logistics theo hướng từng ngành vận tải riêng biệt. Cách phân loại này sẽ làm mất đi bản chất thương mại của hoạt động logistics và dễ dẫn đến sự nhầm lẫn giữa hoạt động này với hoạt động vận chuyển thông thường.

Thứ ba, hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam điều chỉnh logistics trong hoạt động thương mại điện tử chưa đồng bộ, thiếu nhất quán về trách nhiệm và giới hạn quản lý giữa các cơ quan nhà nước trong việc quản lý hoạt động logistics. Tuy logistics được xem là “yếu tố then chốt” phát triển sản xuất, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ khác, nhưng đến nay chưa được quản lý vào một đầu mối thống nhất. Logistics thực ra không phải là một ngành nghề riêng biệt mà nó chính là một chuỗi hoạt động bao gồm rất nhiều công việc khác nhau liên quan đến nhiều ngành nghề như: vận tải, đóng gói, làm thủ tục thuế, hải quan… Vì vậy, các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ logistics đang phải tuân thủ cùng lúc ít nhất hai tầng điều kiện kinh doanh: điều kiện cho ngành riêng lẻ trong chuỗi và điều kiện chung của chuỗi logistics khi bị gọi là ngành nghề kinh doanh. Mỗi hoạt động này tương ứng với một ngành, nghề kinh doanh và được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành với cơ quan có thẩm quyền quản lý riêng biệt. Điều này thực sự chưa hợp lý vì vừa không phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước, vừa làm tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.

Thứ tư, như chúng ta đã biết, mục tiêu quản lý nhà nước về phân cấp quản lý là sự phân định thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cấp chính quyền trên cơ sở bảo đảm sự phù hợp giữa khối lượng và tính chất thẩm quyền nhằm tăng cường chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước và giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Trong khi đó, quy định về phân cấp quản lý hoạt động logistics như hiện nay sẽ gây chồng chéo trong thẩm quyền quản lý và gây tốn kém cho doanh nghiệp khi phải đối mặt với nhiều thủ tục hành chính xin phép cho hoạt động kinh doanh này. Ví dụ, theo quy định của Nghị định 87/2009/NĐ-CP về vận tải đa phương thức và Nghị định 89/2011/NĐ-CP [sửa đổi Nghị định 87/2009/NĐ-CP], Bộ Giao thông Vận tải được giao là cơ quan cấp giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức - một hoạt động quan trọng của dịch vụ logistics, trong khi đó, theo quy định của Luật Thương mại năm 2005, Bộ Công thương là cơ quan quản lý nhà nước về logistics, việc đăng ký kinh doanh logistics lại do Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện. Mặt khác, theo quy định của Điều 8 Luật Giao dịch điện tử năm 2005, nếu hoạt động logistics thông qua các phương tiện điện tử thì hoạt động này còn chịu sự quản lý của Bộ Bưu chính Viễn thông và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi diễn ra hoạt động giao dịch điện tử. Như vậy, chỉ riêng một hoạt động vận tải thông qua phương tiện điện tử tại một địa phương nhất định trong chuỗi hoạt động dịch vụ logistics đã có tới bốn cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chuyên biệt. Điều đó đồng nghĩa với việc để thực hiện hoạt động này, doanh nghiệp phải thông qua rất nhiều thủ tục hành chính với các khoản phí, lệ phí chính thức và không chính thức không hề nhỏ.

Thứ tư, một số quy định của pháp luật hiện hành về vận chuyển hàng hóa truyền thống không phù hợp với trong hoạt động thương mại điện tử. Ví dụ: Khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP ngày 08/5/2015 của Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng về chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường quy định: "Đối với hàng hóa nhập khẩu đang trên đường vận chuyển, đang bày bán, để tại kho, bến, bãi, điểm tập kết [trừ các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này] thì cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phảixuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hànghóa theo quy định của pháp luật và Thông tư này ngay tại thời điểm kiểm tra. Nếu không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc rõ ràng của hàng hóa thì sẽ bị xử phạt hành chính, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội buôn lậu. Về hành vi vận chuyển hàng hóa trên đường mà không có hóa đơn, chứng từ thì sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi này đồng thời sẽ bị tạm giữ số hàng hóa không có hóa đơn chứng từ đó... Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ của hoạt động thương mại điện tử, thương mại điện tử một ngày có hàng trăm đơn hàng [ví dụ, adayroi.com một ngày có thể xử lý lên đến 1.500 đơn hàng], có đơn hàng chỉ vài chục nghìn đồng thì thực sự rất khó có thể kẹp hóa đơn cho từng đơn hàng.

5. Kiến nghị

Nhìn chung, logistics tác động đến quyết định mua hàng của từng khách hàng, đến doanh số, lượng hàng bán ra của từng doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của toàn xã hội nói chung và thương mại điện tử nói riêng. Điều này đòi hỏi các nhà quản lý phải chú ý, xem xét tổng thể các tác động có thể có. Qua nghiên cứu thực trạng của pháp luật Việt Nam về dịch vụ logistics, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, xây dựng khái niệm về e-logistics theo hướng quy định cụ thể các nội dung của dây chuyền logistics thương mại trong quản lý dây chuyền cung ứng hiện đại. Đó là “quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát có hiệu quả sự luân chuyển, lưu kho hàng hóa, các dịch vụ và thông tin có liên quan từ điểm gốc đến nơi tiêu dùng theo đúng yêu cầu của khách hàng”. Sự phát triển của công nghệ thông tin và thương mại điện tử đang làm thay đổi lối sống, thói quen mua sắm, đặc thù sản xuất kinh doanh và tất yếu đòi hỏi sự đổi mới tiên phong của lĩnh vực logistics, vốn được coi là mắt xích quan trọng nối giữa các khâu trong hoạt động sản xuất với nhau và giữa sản xuất với tiêu dùng. Đặc thù của mô hình e-logistics là có độ phủ thị trường rộng, độ phân tán hàng hóa cao, quy mô nhỏ lẻ, tần suất mua lớn, mặt hàng đa dạng, thường yêu cầu thời gian giao hàng nhanh chóng, miễn phí và thu tiền tận nơi. Các dòng di chuyển hàng hóa lúc này mở rộng đáng kể về phạm vi, khoảng cách, tính phức tạp, nên e-logistics có những khác biệt rất lớn với logistics truyền thống. Vì vậy, có thể định nghĩa “E-logistics là toàn bộ các hoạt động nhằm hỗ trợ việc di chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng đến nơi tiêu dùng thông qua các giao dịch điện tử”.

Thứ hai, cần bổ sung quy định về thẩm quyền quản lý dịch vụ logistics nhằm bảo đảm sự kiểm soát hoạt động này từ phía cơ quan nhà nước, đồng thời tránh tình trạng chồng chéo giữa các cơ quan có thẩm quyền quản lý. Chúng ta có thể nghiên cứu tiếp cận giải pháp này theo phương án loại bỏ logistics ra khỏi Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và thành lập Ủy ban điều phối liên ngành về logistics. Theo đó, sẽ có sự tách bạch về quản lý nhà nước đối với e-logistics và logistics truyền thống. Phương án này là phù hợp với quy luật khách quan cũng như xu hướng phát triển của xã hội, bởi lẽ trong điều kiện hiện nay, với việc nhiều bộ, ngành liên quan đến việc quản lý logistics thương mại và khi chưa có phân định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành; pháp luật chưa thật minh bạch, việc thành lập Ủy ban này là một việc làm cần thiết. Điều này sẽ giúp cho hoạt động quản lý ngành đạt hiệu quả cao hơn, góp phần thúc đẩy nhanh sự phát triển của ngành dịch vụ logistics của Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của thương mại nước ta nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Thứ ba, mỗi một hình thức kinh doanh đều có đặc điểm riêng, nếu chúng ta tiếp tục quản lý theo cách không phân biệt logicstics truyền thống và e-logistics sẽ khó đảm bảo được quyền lợi của người kinh doanh. Do đó, cần phân loại hoạt động quản lý nhà nước về logistics thành hai loại sau: hoạt động logistics truyền thống và e-logistics. Đồng thời, Nhà nước cần ban hành các chính sách linh hoạt phù hợp với hoạt động thương mại cụ thể.

Rõ ràng pháp luật về dịch vụ logistics có tác động sâu sắc đến hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam. Những tác động này đã, đang diễn ra cùng với sự phổ biến và sự phát triển với tốc độ chóng mặt của cuộc sống số. Dịch vụ này là nền tảng vững chắc cho sự phát triển và khẳng định giá trị của thương mại điện tử. Vì vậy, Nhà nước ta cần có những biện pháp thích hợp để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về logistics trong thương mại điện tử.

Video liên quan

Chủ Đề