Thuốc điều trị tăng huyết áp cho người già

Cao huyết áp là bệnh lý tim mạch phổ biến ở người cao tuổi. Tuy nhiên, những diễn biến thầm lặng của bệnh rất dễ làm người bệnh chủ quan và lơ là điều trị, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Bạn đang có người thân lớn tuổi bị mắc chứng cao huyết áp, chưa rõ nguyên nhân do đâu và hướng điều trị như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc trên.

Mục lục

  • Tổng quan về cao huyết áp ở người già
  • Nguyên nhân gây cao huyết áp ở người già
  • Cao huyết áp ở người già có nguy hiểm không?
  • Người già bị cao huyết áp nên làm gì?
    • Huyết áp mục tiêu
    • Thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh
    • Sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp đúng cách
    • Theo dõi huyết áp thường xuyên
    • Thăm khám định kỳ

Tổng quan về cao huyết áp ở người già

Theo Hội Tim mạch Việt Nam/ Phân Hội Tăng huyết áp Việt Nam [VNHA/VSH], tăng huyết áp được định nghĩa là khi huyết áp tối đa [huyết áp tâm thu] từ 140 mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tối thiểu [huyết áp tâm trương] từ 90 mmHg trở lên. Định nghĩa tăng huyết áp không thay đổi theo lứa tuổi, do đó, tình trạng cao huyết áp ở người già cũng sẽ được xác định dựa theo định nghĩa trên.

Tương tự như cao huyết áp ở người trẻ tuổi, người già khi bị cao huyết áp cũng thường không có biểu hiện, triệu chứng rõ ràng, chỉ một số ít trường hợp có xuất hiện các biểu hiện chủ quan như chóng mặt, mờ mắt, nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn, nóng mặt,

Tỷ lệ tăng huyết áp ở người già đang có xu hướng gia tăng rất nhanh chóng trong thời gian gần đây. Theo thống kê, trên 60% người trên 60 tuổi và 80% người trên 80 tuổi đang mắc phải bệnh lý mạn tính này.

Nguyên nhân gây cao huyết áp ở người già

Sự lão hóa theo độ tuổi dẫn đến những thay đổi về chức năng sinh lý, bệnh lý gây tăng huyết áp

Cao huyết áp là một rối loạn gây ra bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau. Phần lớn các trường hợp cao huyết áp ở người già [90%] không xác định được nguyên nhân cụ thể, gọi là tăng huyết áp nguyên phát. Có rất ít trường hợp xác định được nguyên nhân, chiếm khoảng 10% và được gọi là tăng huyết áp thứ phát.

Cơ chế gây tăng huyết áp ở người cao tuổi đến nay vẫn chưa thật sự rõ ràng. Các nhà khoa học cho rằng, yếu tố chính gây nên tình trạng này là do hậu quả của quá trình lão hóa ở cơ thể người cao tuổi, đặc biệt là hệ thống tim mạch đã dẫn đến những thay đổi trong cơ chế co, giãn mạch gây cao huyết áp.

Khi tuổi tác tăng lên, quá trình lão hóa sẽ dẫn đến những thay đổi về cấu trúc và chức năng các động mạch lớn. Thành mạch có thể bị phì đại, vôi hóa, tổn thương xơ vữa dẫn đến hệ thống động mạch trở nên dày hơn, cứng hơn. Những thay đổi này khiến động mạch trở nên kém đàn hồi, kém linh hoạt trước tác động của áp lực máu, dẫn đến tăng sức cản ngoại vi và gây tăng huyết áp.

Các tổn thương về động mạch do tuổi tác là nguyên nhân chính gây cao huyết áp ở người già

Quá trình lão hóa cũng khiến chức năng thận bị suy giảm, dẫn đến hoạt động của bơm Na+/ K+ giảm dần. Kết quả là gây dư thừa canxi và natri nội bào gây co mạch, làm tăng sức cản ngoại vi và tăng huyết áp. Bên cạnh đó, ở người già, sự suy giảm khả năng đào thải muối của thận khiến lượng muối đưa vào cơ thể bị giữ lại, hậu quả là gây tăng huyết áp qua nhiều cơ chế như: tăng giữ nước trong cơ thể và tăng thể tích máu, giảm sản xuất nitric oxide [NO] chất gây giãn mạch, tăng độ cứng thành động mạch.

Ngoài ra, tỷ lệ béo phì, tỷ lệ không dung nạp glucose và bệnh đái tháo đường cũng có xu hướng tăng lên theo tuổi tác, điều này càng làm tăng tốc độ tổn thương hệ thống mạch máu và gây suy giảm chức năng thận dẫn đến tăng huyết áp ở người cao tuổi.

Ngoài các trường hợp tăng huyết áp nguyên phát, một phần nhỏ số người già bị cao huyết áp là do ảnh hưởng từ các bệnh lý cụ thể khác như: Bệnh thận mạn tính, cường aldosteron nguyên phát, u tủy thượng thận, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, bệnh Cushing, hẹp eo động mạch chủ hay do tác dụng phụ của thuốc.

Cao huyết áp ở người già có nguy hiểm không?

Cao huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây nên các bệnh lý tim mạch ở người cao tuổi

Cao huyết áp là bệnh lý nguy hiểm đối với mọi lứa tuổi, đặc biệt là đối với những người có tuổi tác cao, sức khỏe yếu. Huyết áp cao kéo dài sẽ làm gia tăng nguy cơ đột quỵ, phì đại thất trái, suy tim, bệnh mạch vành, suy giảm thị lực, suy thận, suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ,..

Các biến chứng trên đều có tỷ lệ tử vong cao và có thể để lại nhiều di chứng nặng nề như mất ý thức, liệt nửa người, mất khả năng lao động, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh.

Do đó, người cao tuổi khi bị cao huyết áp cần được khám, tư vấn và điều trị kịp thời bằng các biện pháp thích hợp để kiểm soát bệnh một cách tốt nhất, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Người già bị cao huyết áp nên làm gì?

Huyết áp mục tiêu

Theo hướng dẫn của Hội Tim mạch Việt Nam năm 2015, huyết áp mục tiêu mà người cao tuổi bị tăng huyết áp cần đạt được xác định như sau:

  • Đối với người già từ 60 79 tuổi: Huyết áp mục tiêu là dưới 140/90 mmHg, bao gồm cả những trường hợp tăng huyết áp ở bệnh nhân có bệnh đái tháo đường, bệnh thận mạn, hội chứng chuyển hóa, bệnh mạch vành, microalbumin niệu.
  • Đối với người già trên 80 tuổi: Huyết áp mục tiêu được xác định là dưới 150/90 mmHg. Nếu có bệnh đái tháo đường, bệnh thận mạn kèm theo thì huyết áp mục tiêu là dưới 140/90 mmHg.

Việc duy trì huyết áp ở mức mục tiêu trên sẽ giúp người cao tuổi ngăn ngừa nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm, kéo dài tuổi thọ, từ đó giúp cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh

Người cao tuổi bị tăng huyết áp cần chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày

Điều chỉnh lối sống là điều cần thiết đối với người bệnh tăng huyết áp ở bất cứ lứa tuổi nào, đặc biệt là người cao tuổi. Ngay cả khi không đem lại kết quả rõ rệt, kết hợp lối sống lành mạnh và điều trị bằng thuốc cũng làm hạn chế nguy cơ biến chứng của bệnh.

Dưới đây là một số biện pháp thay đổi lối sống mà người cao tuổi nên áp dụng:

Duy trì cân nặng hợp lý:

Thừa cân là một vấn đề phổ biến ở người cao tuổi và là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tăng huyết áp ở lứa tuổi này. Do đó, người già bị cao huyết áp và thừa cân cần thay đổi chế độ ăn uống, rèn luyện phù hợp để giảm cân, duy trì trọng lượng khỏe mạnh, góp phần giảm huyết áp hiện tại.

Người cao tuổi nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn phương pháp giảm cân an toàn, hiệu quả nhất, phù hợp với giới tính và tình trạng sức khỏe mình.

Chế độ ăn uống hợp lý:

Nếu bạn hoặc người thân trong gia đình là người cao tuổi bị tăng huyết áp, việc áp dụng một chế độ ăn hợp lý sẽ giúp giảm huyết áp đến 11mmHg.

Bạn nên thêm vào thực đơn hàng ngày của mình nhiều loại ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau củ, các sản phẩm từ sữa ít béo, cá, thịt gia cầm và đồng thời loại bỏ thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, cholesterol.

Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu khoáng chất như kali [dưa lưới, chuối, lê, đu đủ, xoài, cà chua,], magie [hạt bí, quả hạch, rau chân vịt, đậu đen,], canxi [rau xanh, cá hồi,]

Kiểm soát lượng muối ăn hàng ngày

Kiểm soát tốt lượng muối ăn hàng ngày sẽ giúp giảm huyết áp từ 5 6 mmHg

Giảm lượng muối đưa vào cơ thể hàng ngày, ngay cả khi chỉ là một lượng nhỏ cũng có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch cho người cao tuổi và giảm huyết áp khoảng 5 6mmHg nếu bạn bị cao huyết áp.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, lượng natri người cao tuổi nên đưa vào cơ thể là dưới 1500mg mỗi ngày [tương đương 2/3 thìa cà phê muối].

Để giảm lượng muối trong chế độ ăn, bạn có thể thực hiện một số cách sau:

  • Giảm sử dụng các loại thức ăn chế biến sẵn.
  • Hạn chế thêm muối vào món ăn của bạn. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng các loại thảo mộc và gia vị khác để tăng thêm hương vị cho món ăn.
  • Cắt giảm lượng muối trong chế độ ăn dần dần để điều chỉnh khẩu vị dần theo thời gian.

Thường xuyên rèn luyện thể dục, thể thao:

Tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên sẽ giúp người cao tuổi tăng cường sức khỏe hệ tim mạch, cải thiện tốt tình trạng cao huyết áp.

Ở người già, sức khỏe thường bị suy giảm, không tập được các bài tập nặng, cường độ cao. Do đó, người lớn tuổi nên lựa chọn cho mình những môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, thể dục nhịp điệu, và duy trì tập luyện tối thiểu 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày trong tuần.

Hạn chế sử dụng rượu:

Uống nhiều rượu có thể làm nặng thêm tình trạng tăng huyết áp. Người lớn tuổi nếu bị cao huyết áp nên hạn chế uống rượu ở mức 2 ly mỗi ngày đối với nam giới và 1 ly mỗi ngày đối với nữ giới.

Bỏ hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc:

Khi bạn hút thuốc lá, nicotine có trong thuốc sẽ làm tăng huyết áp và nhịp tim của bạn. Vì vậy, nếu chính bạn hoặc người thân trong gia đình đã lớn tuổi và bị cao huyết áp, hãy tự mình từ bỏ hoặc khuyên người thân của mình dừng việc hút thuốc và tránh xa khói thuốc lá để cải thiện huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và nâng cao sức khỏe cơ thể.

Nghỉ ngơi hợp lý, giảm căng thẳng, stress:

Người cao tuổi cần ngủ đủ giấc để đảm bảo sức khỏe, cải thiện tình trạng tăng huyết áp

Căng thẳng có thể góp phần làm tăng huyết áp, ngay cả ở người cao tuổi. Do đó, tốt nhất bạn nên hạn chế căng thẳng quá mức để giảm huyết áp. Bạn có thể thư giãn, giảm căng thẳng bằng cách tập thiền, thực hiện các hoạt động yêu thích như đi dạo, nấu ăn, làm vườn,

Ngoài ra, tình trạng rối loạn giấc ngủ, mất ngủ phổ biến ở người già cũng không có lợi đối với bệnh cao huyết áp. Bạn có thể cải thiện vấn đề này bằng cách không sử dụng đồ uống có cồn, caffein trước khi ngủ, giữ không gian phòng ngủ thoáng mát, thoải mái để có một giấc ngủ ngon hơn.

Sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp đúng cách

Khi thực hiện các phương pháp thay đổi lối sống mà tình trạng tăng huyết áp chưa được kiểm soát tốt, bạn có thể được yêu cầu điều trị bằng các loại thuốc điều trị tăng huyết áp.

Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp chính hiện nay bao gồm:

  • Thuốc chẹn kênh calci: amlodipine, nifedipin, felodipin, diltiazem và verapamil
  • Thuốc ức chế men chuyển/ức chế thụ thể AT1: lisinopril, captopril, losartan
  • Thuốc chẹn beta giao cảm: metoprolol, bisoprolol
  • Thuốc lợi tiểu: lợi tiểu thiazide, lợi tiểu kháng aldosteron và lợi tiểu giữ kali
  • Thuốc chẹn alpha giao cảm: doxazosin, prazosin và terazosin.
  • Thuốc tác dụng theo cơ chế trung ương: clonidin, methyldopa, reserpin, guanfacin,
  • Thuốc giãn mạch trực tiếp: hydralazin và minoxidil.
Việc lựa chọn thuốc cao huyết áp ở người cao tuổi phụ thuộc nhiều vào tình trạng sức khỏe của người bệnh

Ở người cao tuổi, việc sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp một cách an toàn có thể rất phức tạp. Không chỉ phải cẩn thận để tránh giảm huyết áp quá mức, mà một số người lớn tuổi, đặc biệt là người bệnh tăng huyết áp tâm thu đơn độc có thể gặp phải tác dụng phụ là hạ huyết áp tư thế đứng và dẫn đến choáng váng, té ngã. Đây là phản ứng có hại cần được lưu ý.

Do đó, việc lựa chọn nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp phù hợp cho người cao tuổi sẽ được bác sĩ cân nhắc kỹ lượng dựa trên tình trạng của người bệnh, các bệnh lý mắc kèm, các loại thuốc đang sử dụng, khả năng đáp ứng và các tác dụng phụ của thuốc. Bác sĩ cũng có thể cân nhắc thay đổi loại thuốc điều trị nếu bạn không đáp ứng hoặc gặp phải các phản ứng có hại nghiêm trọng.

Đặc biệt, người cao tuổi cần bắt đầu dùng thuốc ở mức liều tối thiểu và tăng dần liều lên mức tối đa để hạn chế các tác dụng không mong muốn.

Bên cạnh đó, để việc điều trị cao huyết áp đạt hiệu quả tốt nhất, trong quá trình sử dụng thuốc, người cao tuổi cần chú ý đến các vấn đề sau:

  • Tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp mà không có chỉ định của bác sĩ.
  • Nghiêm túc tuân thủ theo liệu trình điều trị, dùng thuốc đúng giờ, đúng liều lượng, không được tự ý ngưng thuốc kể cả khi huyết áp đã về mức bình thường nếu chưa có sự đồng ý của bác sĩ điều trị.
  • Theo dõi sát sao các tác dụng không mong muốn của thuốc trong quá trình sử dụng.

Theo dõi huyết áp thường xuyên

Theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà là việc làm cần thiết để kiểm soát cao huyết áp ở người già

Theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà cho người cao tuổi bị tăng huyết áp là vô cùng quan trọng và cần thiết. Điều này giúp bạn kiểm soát tốt huyết áp của mình và người thân, đánh giá được hiệu quả của các biện pháp thay đổi lối sống cũng như phát hiện kịp thời những bất thường về huyết áp và các biến chứng sức khỏe tiềm ẩn.

Bạn nên lựa chọn cho mình hoặc người thân một loại máy đo huyết áp phù hợp và chính xác nhất. Tiến hành đo huyết áp hàng ngày và ghi lại số đo huyết áp vào một cuốn sổ để dễ dàng theo dõi và báo cáo lại với bác sĩ trong các buổi thăm khám định kỳ.

Bạn nên tham khảo hướng dẫn đo huyết áp đúng cách từ các nhân viên y tế trước khi thực hiện đo huyết áp tại nhà.

Thăm khám định kỳ

Thăm khám tình trạng huyết áp thường xuyên là chìa khóa để kiểm soát cao huyết áp ở người cao tuổi. Bạn nên đi khám định kỳ 6 tháng 1 lần hoặc thường xuyên hơn theo yêu cầu của bác sĩ.

Trong các buổi thăm khám, bác sĩ sẽ đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị, các loại thuốc bạn đang sử dụng để tiến hành sự thay đổi phù hợp nhất. Ngoài ra, việc khám sức khỏe định kỳ cũng sẽ giúp bạn phát hiện sớm các tổn thương cơ quan, biến chứng nếu có do tăng huyết áp để có biện pháp điều trị kịp thời.

Cao huyết áp ở người già đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay. Hi vọng bài viết trên đã cung cấp đến bạn những thông tin, kiến thức bổ ích về tình trạng này, để từ đó bảo vệ sức khỏe của bản thân và người thân trong gia đình một cách tốt nhất.

Tài liệu tham khảo

  • //timmachhoc.vn/tang-huyet-ap-o-nguoi-cao-tuoi-co-gi-khac-biet/
  • //academic.oup.com/biomedgerontology/article/56/4/M217/619961
  • //www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/in-depth/high-blood-pressure/art-20046974

Video liên quan

Chủ Đề