Tính chất của hội sinh viên việt nam là gì

Từ những năm 20 của thế kỷ trước, khi người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác – Lê nin, lớp trẻ học đường trong nước đã dấy lên phong trào “tìm đường hướng mới” bàn việc vận động thanh niên tranh đấu và tìm đọc những tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc. Học sinh, sinh viên đi đầu trong các cuộc đấu tranh đòi hỏi trả tự do cho cụ Phan Bội Châu bị mật thám bắt cóc ở Thượng Hải đưa về giam ở Cửa Lò [Hà Nội]; xuống đường đưa tang cụ Phan Châu Trinh; đòi trả tự do cho trí thức trẻ yêu nước Nguyễn An Ninh… tinh thần đó đã cổ vũ cho các cuộc đấu tranh của nhân dân và thanh niên học sinh trước cách mạng. Các thế hệ thanh niên Việt Nam tự hào về lớp thanh niên, học sinh, sinh viên, trí thức trẻ sớm đi theo con đường của Nguyễn Ái Quốc, trực tiếp tham gia dựng Đảng, dựng Đoàn dưới ngọn cờ của Người.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, nhân dân và tuổi trẻ Việt Nam sau hơn 80 năm dưới ách nô lệ của thực dân, phong kiến đã trở thành người chủ thực sự của đất nước mình. Với khí thế ấy, học sinh, sinh viên nước ta vô cùng phấn khởi, tự hào về thắng lợi vĩ đại của dân tộc, đã nêu cao tinh thần yêu nước, vừa tích cực học tập, vừa tham gia bảo vệ, xây dựng chính quyền nhân dân non trẻ và anh dũng đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược theo lời kêu gọi thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu. Ngay sau ngày độc lập, đông đảo học sinh, sinh viên đã hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tích cực tham gia phong trào “diệt giặc dốt” xóa nạn mù chữ cho đồng bào, trước hết là cho bộ phận không nhỏ trong thanh niên; hàng ngàn học sinh, sinh viên của các trường Thủ đô Hà Nội, thành phố Huế… hăng hái, tình nguyện ra các vùng ngoại vi của thành phố, về nông thôn cùng nông dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất để “diệt giặc đói”; đặc biệt trong các đoàn quân “Nam tiến”, có trên 2 vạn học sinh, sinh viên các tỉnh Trung bộ, Bắc bộ và Thủ đô Hà Nội đã tình nguyện lên đường chi viện cho các chiến trường phía Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đoàn Thanh niên Cứu Quốc Việt Nam [nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh], phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của học sinh, sinh viên ngày một dâng cao, tiêu biểu cho tinh thần ấy là cuộc đấu tranh ngày 09/01/1950 của hơn 2000 học sinh, sinh viên Sài Gòn – Chợ Lớn đòi thả ngay những người bạn bị bắt và mở lại trường học. Trong cuộc đấu tranh ấy đã có sự hi sinh anh dũng của Trần Văn Ơn… sự hi sinh ấy đã dấy lên trong thanh niên và nhân dân cả nước lòng căm thù giặc và ý trí đấu tranh kiên cường chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Với tinh thần đó, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất [tháng 2/1950] tại căn cứ Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9/1 hàng năm là ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam. Trong 63 năm qua, Hội Sinh viên Việt Nam đã có những cống hiến xuất sắc trong mỗi bước trưởng thành của phong trào thanh niên Việt Nam, của cách mạng Việt Nam, được công nhận là tổ chức chính trị - xã hội của sinh viên Việt Nam.

Hiện nay, Hội Sinh viên Việt Nam có gần 1.100.000 nghìn hội viên đang sinh hoạt tại hơn 200 Hội Sinh viên trường, 21 Hội sinh viên tỉnh, thành phố, 50 Hội sinh viên cấp trường trực thuộc Trung ương và 05 Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài: Pháp, Hàn Quốc, Hà Lan, Đức, Bỉ.

Tính đến nay, Hội Sinh viên Việt Nam đã trải qua 8 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc, mỗi Đại hội là một mốc son đánh dấu sự phát triển của sinh viên Việt Nam, của phong trào sinh viên và công tác Hội Sinh viên Việt Nam.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Sinh viên Việt Nam, Đại hội đầu tiên của Hội Sinh viên Việt Nam trong thế kỷ XXI được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội từ ngày 29 đến 31 tháng 12 năm 2003. Tham dự Đại hội có 550 đại biểu tiêu biểu cho niềm tin, trí tuệ và hoài bão của hơn 1 triệu sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong cả nước và sinh viên Việt Nam đang học tập ở nước ngoài. Đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của Trung ương đã về dự Đại hội. tại Đại hội, đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã khẳng định vị trí, vai trò to lớn của sinh viên Việt Nam “các thế hệ sinh viên chính là nguồn nhân lực có chất lượng cao rất quý báu của xã hội ta. Các bạn là lực lượng sẽ có những đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đi đầu chiếm lĩnh những đỉnh cao của khoa học và công nghệ tiên tiến”. Đồng chí Tổng Bí thư cũng đã chỉ ra những nhiệm vụ trọng yếu của công tác Hội và phong trào sinh viên trong thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước “…tổ chức Hội nhất là ở cơ sở phải được xây dựng mạnh, có đủ năng lực tập hợp sinh viên, làm người bạn gần gũi, đồng hành với sinh viên, vận động và hỗ trợ đắc lực cho sinh viên học tập, rèn luyện…”. Đại hội đã xác định mục tiêu “Tích cực bồi dưỡng góp phần hình thành thế hệ sinh viên mới thiết tha với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức và lối sống lành mạnh; có sức khỏe tốt; tiếp cận và từng bước làm chủ khoa học công nghệ, có ý chí vươn lên lập thân lập nghiệp, khát vọng chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, tụt hậu; xung kích, tình nguyện tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam vững mạnh góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đại hội đã thống nhất phát động 2 phong trào hành động đó là: Phong trào “Thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt” và phong trào “Sinh viên tình nguyện”. Đại hội đã hiệp thương cử Ban Chấp hành Trung ương Hội gồm 78 đồng chí, đồng chí Bùi Đặng Dũng, Bí thư Trung ương Đoàn được hiệp thương cử tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Sinh viên Việt nam lần thứ 4 – Khóa VII [tháng 8/2005] đã hiệp thương và kiện toàn Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VII gồm 78 ủy viên, đồng chí Lâm Phương Thanh, Bí thư Trung ương Đoàn được hiệp thương cử giữ chức Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam thay đồng chí Bùi Đặng Dũng nhận nhiệm vụ mới.

Chủ Đề