Tóm tắt sách Giô-na

Tóm tắt nội dung chính sách Giô-na Jonah

16:08

Theo sách 2 Vua, [2 Kgs 14:25] hay [2V14, 25], Ngôn sứ Giô-na [Jonah] hoạt động ở vương quốc Ít-ra-en [Israel] phía bắc, thời vua Gia-róp-am II [Jeroboam II, trị vì 786-746 tCN]. Vào thời đó thành phố Ni-ni-vê [Nineveh] chưa là thủ đô của đế quốc Tân Át-sua [Neo-Assyrian Empire]; Ni-ni-vê chỉ là thủ đô của Tân Át-sua kể từ năm 705 tCN đến 612 tCN. Năm 612 tCN là năm liên quân của người Babylon và Medes tiêu hủy Ni-ni-vê.

Tân Át-sua là đế quốc đã tiêu diệt vương quốc Ít-ra-en phía bắc năm 721 tCN và đánh cướp Jerusalem của vương quốc Giu-đa [Judah] phía nam vào năm 701 tCN. Do đó Tân Át-sua là kẻ thù của dân Do Thái lúc bấy giờ.

Trong bối cảnh như trên, theo nội dung sách Giô-na, ngôn sứ Giô-na được ơn gọi của Thiên Chúa sang Ni-ni-vê giảng đạo:

1 Có lời ĐỨC CHÚA phán với ông Giô-na, con ông A-mít-tai, rằng: 2 Hãy đứng dậy, đi đến Ni-ni-vê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết rằng sự gian ác của chúng đã lên thấu tới Ta.

Vì chỉ là môt câu chuyện dụ ngôn, nên sách Giô-na không nói rõ Thiên Chúa đã ra lệnh cho ngôn sứ Giô-na đi Ni-ni-vê giảng đạo năm nào.

Do Ni-ni-vê là kẻ thù của Ít-ra-en nên ngôn sứ Giô-na không muốn đi. Giô-na tìm cách trốn Chúa bằng cách qua một xứ khác bằng thuyền. Khi thuyền đi trên biển, một cơn bão lớn xảy ra. Giô-na biết là vì ông nên Thiên Chúa đã tạo ra cơn bão. Do đó, Giô-na bảo các thuỷ thủ trên thuyền hãy ném ông xuống biển để Thiên Chúa cho bão ngừng. Khi bị ném xuống biển Giô-na bị một con cá lớn nuốt vào bụng. Ở trong bụng cá ba ngày ba đêm, Giô-na cầu nguyện xin Thiên Chúa cứu thoát ông. Và Thiên Chúa đã nhậm lời ông, cho con cá vào đất liền và nôn ông ra khỏi bụng nó.

Sau đó Giô-na đi đến Ni-ni-vê. Ông cảnh báo dân Ni-ni-vê phải hối cải, nếu không Ni-ni-vê sẽ bị tiêu hủy. Dân chúng Ni-ni-vê nghe theo ông nên Ni-ni-vê không bị Thiên Chúa phá hủy vào thời điểm đó. Giô-na thấy Thiên Chúa không phạt Ni-ni-vê nên ông buồn, vì Ni-ni-vê là kẻ thù của dân tộc ông. Thiên Chúa nói với Giô-na là Người chăm sóc tất cả mọi dân tộc, chứ không phải chỉ chăm sóc dân Do thái, vốn là dân riêng của Thiên Chúa.

Ngôn sứ Giô-na không phải là tác giả sách Giô-na [Gn].

Sách Giô-na do môt người khác viết vào khoảng cuối thế kỷ V trước Công nguyên, thời hậu lưu đày ở Ba-by-lon. Chủ đề chính của sách là Thiên Chúa luôn luôn chăm sóc tất cả mọi dân tộc, nếu phạm tội nhưng biết ăn năn hối cải thì sẽ được Thiên Chúa tha thứ. Tác giả đã mượn tên của vị ngôn sứ Giô-na mà đặt tên cho tác phẩm của ông và đã tưởng tượng ra một câu truyện có nhiều chi tiết không có thật trong lịch sữ.

Trong phần Dẫn Nhập sách Giô-na, Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ viết:

Sách Giô-na vẫn được xếp vào bộ 12 ngôn sứ nhỏ trong quy điển Do thái giáo Pa-lét-tin. Nhưng ai cũng thấy sách này không giống như các sách ngôn sứ khác, mà chỉ là một câu chuyện hài hước, dí dỏm, châm biếm về một vị ngôn sứ. Ông Giô-na con ông A-mít-tai là một ngôn sứ thời vua Gia-róp-am II của vương quốc Ít-ra-en [786-746 tCN], được nói đến trong 2 V 14,25.

Cuốn sách mang tên Giô-na kể lại cuộc phiêu lưu của ông khi ông được sai đi rao giảng cho thành Ni-ni-vê, thủ đô của đế quốc Át-sua, kẻ thù truyền kiếp của Ít-ra-en. Những yếu tố phóng đại [thành phố rộng ba ngày đàng, cả người lẫn thú vật đều khoác áo vải thô, ăn chay ...], thậm chí hoang đường [con cá nuốt ông Giô-na vào bụng rồi mửa ông ra trên bờ ...] cho thấy đây không phải là một trình thuật lịch sử.

Những nhận định trên đây khiến ta có thể coi sách Giô-na là một câu chuyện, một dụ ngôn dài, mượn danh một vị ngôn sứ trong lịch sử Ít-ra-en.

Trong phần Introduction của sách Giô-na, bản dịch New American Bible Revised Edition của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ viết: As to genre, it has been classified in various ways, such as parable or satire. [Xin tạm dịch: Về thể loại, sách Giô-na đã được phân loại theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như chuyện dụ ngôn hay châm biếm.]

Nội dung chính của sách Giô-na được Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ tóm tắt như sau [với cách đánh số được chúng tôi thay đổi để phù hợp chung với các bài trong tài liệu này]:

Bố cục được đánh dấu bằng hai trình thuật về lệnh Thiên Chúa truyền cho Giô-na: [Gn 1,1-3] và [Gn 3,1-4].

A. LẦN SAI ĐI THỨ NHẤT [GN 1,1-2,11]

  1. Giô-na và các thuỷ thủ [Gn 1,1-16]:
    1. Giô-na nghe lệnh và đi trốn [Gn 1,1-3].
    2. Cơn bão, phản ứng của các thuỷ thủ và của Giô-na [Gn 1,4-16].
  2. Giô-na và con cá lớn [Gn 2,1-11]:
    1. Con cá nuốt Giô-na vào bụng rồi mửa ông lên bờ theo lệnh Thiên Chúa [Gn 2,1.11].
    2. Lời cầu nguyện của Giô-na trong bụng cá [Gn 2,2-10].

B. LẦN SAI ĐI THỨ HAI [GN 3,1-4,11]

  1. Dân thành Ni-ni-vê thống hối [Gn 3,1-10]:
    1. Hoạt động của ngôn sứ [Gn 3,1-4].
    2. Phản ứng của toàn thành phố [Gn 3,5-10].
  2. Ông Giô-na nổi giận và Thiên Chúa tìm cách hoán cải tâm hồn ông [Gn 4,1-11]:
    1. Ông Giô-na nổi giận và từ chối đối thoại với Thiên Chúa [Gn 4,1-5].
    2. Thiên Chúa cho ông một bài học thực tế và mời gọi ông suy nghĩ lại về thái độ khoan dung tha thứ của Thiên Chúa [Gn 4,6-11].

Bản văn sách Giô-na:

  • Sách Giô-na theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
  • Sách Giô-na hay Yôna theo bản dịch của Lm. Nguyễn Thế Thuấn, CSsR.
  • Sách Giô-na hay Jonah theo bản dịch New American Bible Revised Edition của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Đế quốc Tân Át-sua vào thời của ngôn sứ Jonah, hay duới thời vua Gia-róp-am II [Jeroboam II, trị vì vương quốc Israel 786-746 tCN]

Giô-na Kinh thánh

Video liên quan

Chủ Đề