Trong thương mại có từ nhập siêu nghĩa là gì

Một tồn tại hiện nổi lên trong bối cảnh kinh tế Việt Nam là thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai xuất phát chủ yếu từ thâm hụt cán cân thương mại. Cán cân thương mại và vãng lai trong những tháng đầu năm 2008 tiếp tục xấu đi trong khi khả năng tài trợ cho các khoản thâm hụt đó trở nên thiếu bền vững hơn. Nhập siêu Việt Nam ở vào thực trạng đáng báo động và cần tìm hướng giải quyết.

Cán cân xuất nhập khẩu [còn được gọi là cán cân thương mại] được định nghĩa bằng hiệu số giữa kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu của một nước. Ở nước ta, từ năm 1991 đến nay, cán cân này thường xuyên ở tình trạng âm tức là kim ngạch xuất khẩu thấp hơn kim ngạch nhập khẩu và tình trạng này được gọi là nhập siêu.

Thực chất của nhập siêu chính là việc tiêu dùng quá khả năng của đất nước. Tuy nhiên, nhập siêu vẫn có thể khắc phục được nếu cán cân thanh toán bảo đảm ở mức dương. Cán cân thanh toán bao gồm cán cân thương mại và các phần chênh lệch của xuất nhập khẩu hàng dịch vụ, du lịch, đầu tư, kiều hối, trợ cấp... Như vậy, dẫu cán cân thương mại âm nhưng nếu được bù đắp bởi phần dương của du lịch, kiều hối, đầu tư... thì nền kinh tế hoàn toàn có thể khắc phục được ảnh hưởng của nhập siêu và tự chủ về ngoại tệ.

Thực trạng nhập siêu những năm gần đây

Bảng 1: Thâm hụt cán cân xuất nhập khẩu qua các năm

Đơn vị: triệu USD

Năm

Kim ngạch XK

Kim ngạch NK

Nhập siêu

2000

14482,7

15636,5

-1153,8

2001

15029,2

16217,9

-1188,7

2002

16706,1

19745,6

-3039,5

2003

20149,3

25255,8

-5106,5

2004

26485,0

31968,8

-5483,8

2005

32447,1

36761,1

-4314,0

2006

39826,2

44891,1

-5064,9

2007

48380,0

60830,0

-12450,0

2008 dự kiến

67000,0

86000,0

-19000,0

6 tháng 2008

29695,0

44470,0

-14775,0

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nhìn qua số liệu trên, chúng ta không khỏi băn khoăn về tình hình nhập siêu của nước ta trong thời gian qua, nhất là trong 6 tháng đầu năm 2008, khi nhập siêu đã tăng hơn cả nhập siêu của cả năm 2007 và tăng gấp gần 3 lần năm 2006. Nếu so với mục tiêu kiềm chế nhập siêu của năm nay là dưới 20 tỉ USD thì nhập siêu của 6 tháng đầu năm đã chiếm tới 73,8%.

Thực trạng trên là do đâu? Bài viết tập trung phân tích những năm gần đây để có được cái nhìn sâu sắc hơn.

Nhập siêu năm 2007 đạt 12,450 tỉ USD, tăng gấp gần 2,5 lần so với năm 2006. Để phân tích nguyên nhân dẫn đến nhập siêu, cần đi vào hai khía cạnh của nhập siêu là kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu năm 2007 có tăng so với năm 2006 nhưng lại chỉ tăng có 8.553,8 triệu USD, tương ứng 21,47%; trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng tới 15.938,9 triệu USD, tương ứng với 35,5% [gấp rưỡi so với tốc độ tăng xuất khẩu]. Việc tăng đột biến nhập khẩu năm 2007 xuất phát từ 3 nguyên nhân chính: trước hết, đầu tư trực tiếp nước ngoài do việc thu hút đầu tư tăng mạnh với tốc độ cao; thứ hai, nhập khẩu để triển khai các dự án vay vốn ODA xây dựng các công trình hạ tầng quy mô lớn; thứ ba, nhập khẩu máy móc thiết bị cho khu vực kinh tế để phát triển kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê, các mặt hàng nhập khẩu trị giá trên 1 tỉ USD trong năm 2007 là: máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng [10 tỉ USD], xăng dầu [7 tỉ USD], sắt thép [gần 5 tỉ USD], vải [4 tỉ USD], điện tử, máy tính và linh kiện [1,3 tỉ USD], thức ăn gia súc [1,1 tỉ USD], gỗ và nguyên phụ liệu gỗ [trên 1 tỉ USD], phân bón [trên 1 tỉ USD]. Nhiều chuyên gia kinh tế trong nước cho rằng, nhập siêu như trên là cần thiết, vẫn nằm trong tầm kiểm soát, chủ yếu là để phục vụ sản xuất và đổi mới kỹ thuật - công nghệ ở trong nước; rằng nhập siêu cao vẫn là lành mạnh và chủ yếu là do nguyên nhân khách quan, như do giá các mặt hàng nhập khẩu tăng: xăng dầu [tăng 7%], sắt thép [tăng 21,9%], phân bón [tăng 13,4%], chất dẻo [tăng 9,8%], giấy [tăng 7,5%], sợi dệt [tăng 9%], bông [tăng 4,6%], lúa mì [tăng 56,6%]...

Cũng có nhiều ý kiến khác cho rằng, tình hình nhập siêu của Việt Nam hiện nay là do việc tiêu dùng quá khả năng của đất nước. Việc người dân tăng cường sử dụng các mặt hàng xa xỉ nhập khẩu như ô-tô, mỹ phẩm, điện thoại di động... trong thời gian qua đã ảnh hưởng mạnh đến trị giá nhập siêu. Việc thu hút đầu tư nước ngoài một cách ồ ạt, không cân nhắc đến chất lượng các dự án đầu tư cũng ảnh hưởng đến nhập siêu...

Có thể còn nhiều ý kiến khác nữa, tuy nhiên có một số vấn đề dễ thấy từ thực trạng nhập siêu nói trên:

Một là, mức nhập siêu tăng mạnh cả về tuyệt đối và tương đối như vậy là quá nhanh, vượt xa so với định hướng kế hoạch 2001 - 2010 và cao gấp gần hai lần so với kế hoạch của năm, vượt khỏi dự đoán của nhiều chuyên gia.

Hai là, nhập siêu thể hiện khả năng cạnh tranh thấp của hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa thay thế nhập khẩu được sản xuất trong nước. Điều này thể hiện trước hết là tăng trưởng xuất khẩu của ta chủ yếu tăng về lượng, yếu tố giá trị gia tăng chưa phải là đặc trưng của hàng xuất khẩu. Nhóm hàng nông sản của ta chủ yếu là xuất thô, với giá thấp hơn nhiều so với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực [như với Thái Lan...]; các sản phẩm chế biến như dệt may, da giày hàm lượng nguyên liệu nhập khẩu còn quá cao. Tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ cao quá thấp [4,2% năm 2004, trong khi Trung Quốc là 30%]. Việt Nam cần nhập nhiều nguyên phụ liệu, bán thành phẩm bởi vì chất lượng nhóm hàng này được sản xuất trong nước thấp.

Ba là, nhập siêu thể hiện xu hướng đầu tư thay thế nhập khẩu chiếm ưu thế nhưng hiệu quả đầu tư thấp. Trong dài hạn, cán cân thương mại sẽ được cải thiện nếu nhập khẩu phục vụ cho xuất khẩu và cải thiện khả năng cạnh tranh của hàng hóa tiêu dùng trong nước. Những năm qua, đầu tư và nhập khẩu ở nước ta còn tập trung lớn vào các ngành thay thế nhập khẩu, sử dụng nhiều vốn nhưng nhiều dự án đầu tư mang lại hiệu quả thấp như xi-măng, mía đường, thép, lọc dầu...

Bốn là, nhập siêu thể hiện chậm chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng chế biến. Phân tích cơ cấu xuất khẩu của nước ta trong giai đoạn 2000 - 2008 cho thấy, mức độ gia tăng của hàng xuất khẩu chế biến là quá thấp so với các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan. Hiện nay, tỷ trọng nhóm hàng chế biến mới chiếm khoảng 50%, trong khi các nước và vùng lãnh thổ nói trên có tỷ lệ này là 70% - 90%. Tỷ trọng xuất khẩu hàng khoáng sản, nông sản, thủy sản tuy có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn cao. Điều này cho thấy chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu của ta chưa thể hiện rõ xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hàng chế biến phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu nước ngoài, công nghệ chế biến chậm cải thiện, trình độ quản lý và lao động thấp.

Năm là, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu trong khi khu vực trong nước nhập siêu. Điều này thể hiện gia tăng xu hướng đầu tư thay thế nhập khẩu và yếu kém của khu vực doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước. Đây là một thách thức rất lớn đối với nền kinh tế nước ta. Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài là một trong những định hướng cải thiện cán cân thương mại. Yếu tố nước ngoài hết sức quan trọng trong điều chỉnh cán cân thương mại. Đồng thời, cải cách doanh nghiệp trong nước [phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế nhà nước] theo hướng nâng cao khả năng cạnh tranh để phát triển xuất khẩu và thay thế nhập khẩu cũng là hướng chủ đạo để cải thiện cán cân thương mại.

Sáu là, cán cân thương mại của nước ta trong thời gian qua ít chịu ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái, một yếu tố hết sức cơ bản ảnh hưởng đến cán cân thương mại. Tuy nhiên thực tế cho thấy, trong những năm qua, việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái ở nước ta ít có ảnh hưởng đến cán cân thương mại.

Nguyên nhân chủ yếu là do một tỷ trọng lớn sản phẩm xuất khẩu của ta là sản phẩm thô [dầu thô, thủy sản, cà phê, gạo, hạt điều, chè...]. Sản lượng của các sản phẩm này lệ thuộc khá nhiều vào các điều kiện tự nhiên [trữ lượng tài nguyên, thời tiết, đất đai...], nên về cơ bản ít co giãn về nguồn cung ứng khi có sự thay đổi giá cả tương đối, đặc biệt trong ngắn hạn. Trong khi các sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến thường được coi là nhạy cảm hơn với sự biến động của giá cả tương đối, thì một số sản phẩm có kim ngạch khá như hàng may mặc, giày dép, điện tử, đồ gỗ lại phụ thuộc nặng nề vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, còn các sản phẩm chế biến khác lại chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, nên ít khai thác được lợi thế từ sự thay đổi tỷ giá [đặc biệt là trong trường hợp phá giá đồng nội tệ]. Về phía nhập khẩu, phần lớn hàng nhập khẩu của ta là máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên liệu và phụ tùng mà sản xuất trong nước chưa thể đáp ứng được, và do vậy, cũng ít nhạy cảm với những biến động của tỷ giá hối đoái.

Bảy là, điểm đặc biệt là chúng ta đã có xuất siêu với nhiều nước tiên tiến có công nghệ nguồn như Mỹ, Anh, Đức, I-ta-li-a,... Riêng thị trường Mỹ, mức xuất siêu là rất lớn, năm 2006 chúng ta xuất siêu 6,85 tỉ USD, năm 2007 là 8,3 tỉ USD. Trong khi đó, ta lại nhập siêu lớn từ các nước lân cận, như Trung Quốc, Xin-ga-po, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ. Riêng nhập siêu từ Trung Quốc ở mức rất lớn: năm 2006 gần 4,4 tỉ USD [chiếm 86% tổng mức nhập siêu của cả nước]; năm 2007 tăng lên 7,5 tỉ USD [chiếm 60% tổng mức nhập siêu của cả nước], và hàng nhập lại chủ yếu là hàng tiêu dùng và các thiết bị chưa phải thuộc công nghệ tiên tiến. Chính đặc điểm này đã đặt ra câu hỏi: vậy nhập siêu lớn trong thời gian qua đã thực sự hợp lý và lành mạnh chưa?

Các biện pháp hạn chế nhập siêu

Để kiểm soát được nhập siêu, hạn chế nhập siêu thì vẫn cần xét trên quan điểm hai mặt của vấn đề là nhập khẩu và xuất khẩu. Hạn chế nhập siêu tức là tăng cường thúc đẩy xuất khẩu và thắt chặt nhập khẩu.

1- Các chính sách tăng cường xuất khẩu

Các biện pháp và chính sách xuất khẩu đã được bàn rất nhiều ở các tài liệu, công trình nghiên cứu ở các cấp, chúng tôi chỉ trình bày một số ý kiến tập trung chủ yếu vào việc nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu:

- Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng gia tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến dựa vào lợi thế lao động và công nghệ để tăng về quy mô, đồng thời nhanh chóng chuyển sang phát triển các ngành sản xuất xuất khẩu dựa vào vốn và kỹ thuật cao để gia tăng giá trị. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2010, cần tập trung phát triển các ngành kinh tế sử dụng nhiều lao động. Từng bước xây dựng nền tảng để phát triển những ngành kinh tế dựa vào công nghệ cao và tri thức, đặc biệt chú trọng phát triển các ngành dịch vụ như thông tin, tài chính, du lịch, giáo dục và đào tạo.

- Giảm chi phí kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ. Đánh giá lại khả năng cung cấp dịch vụ và mức giá dịch vụ để có hướng giảm bớt chi phí sản xuất nhằm tạo môi trường thuận lợi và giảm chi phí đầu vào, chi phí trung gian cho doanh nghiệp, trước hết là giảm giá các hàng hóa và dịch vụ công có tác động làm tăng chi phí sản xuất của hàng hóa và dịch vụ như giá điện, nước, bưu chính viễn thông, năng lượng, cước phí vận tải, phí dịch vụ bến cảng, sân bay, dịch vụ hành chính.

- Đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp, trước hết là doanh nghiệp nhà nước. Có chính sách tiếp thêm sức mạnh cho khu vực tư nhân. Trước mắt, cần có chính sách toàn diện tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, xóa bỏ các rào cản hạn chế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước nên có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu. Thay bằng việc bán sản phẩm thô, hay hàng gia công rẻ như may mặc, da giày, chúng ta phát triển các sản phẩm đã qua chế biến, tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm gia công đã thâm nhập thành công vào thị trường các nước tiên tiến. Tập trung phát triển một vài sản phẩm mang tính thương hiệu của Việt Nam ở các ngành nghề mà Việt Nam đang có thế mạnh như nông sản, thủy sản, thủ công mỹ nghệ, may mặc, da giày,.. sau đó phát triển rộng ra các mặt hàng khác.

- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến và quảng bá thương hiệu Việt Nam tại các nước mà hàng Việt Nam đã thâm nhập được vào thị trường để củng cố vị trí sản phẩm, củng cố thương hiệu, từ đó phát triển bền vững sang các thị trường khác. Các cơ quan xúc tiến thương mại cần hoạt động hiệu quả hơn, trợ giúp các doanh nghiệp một cách thiết thực hơn bằng cách gửi thông tin miễn phí hằng tuần, hằng tháng về các nghiên cứu, đặc thù của từng thị trường, các thông tin về hội chợ, triển lãm... đến các doanh nghiệp qua email [hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đều sử dụng email] hoặc có những hình thức hỗ trợ thực sự hiệu quả khác; tránh việc các nghiên cứu về thị trường rất chi tiết của các cơ quan xúc tiến thương mại lại không đến được đúng đối tượng cần sử dụng.

- Chính phủ cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận với nguồn vốn hiệu quả hơn. Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và các doanh nghiệp nói chung đang chịu gánh nặng về việc thiếu vốn và phải vay với lãi suất cao của ngân hàng [21%/năm]. Nên chăng Chính phủ chỉ đạo ngân hàng đề ra các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu như: tăng biên độ cho vay xuất khẩu, ví dụ trước kia là 30% thì nay tăng lên thành 50% hay giảm mức lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua các quỹ tín dụng phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc cho vay ngoại tệ, bảo đảm chính sách tỷ giá hài hòa với các doanh nghiệp xuất khẩu để nhập nguyên vật liệu đầu vào cho chế biến là hết sức quan trọng.

Hơn nữa, một vấn đề hiện các doanh nghiệp xuất khẩu đang sử dụng nhiều lao động cũng hay gặp phải đó là tình trạng thiếu lao động được đào tạo, đình công, bãi công ở những ngành nghề nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến thủ công... đang xảy ra trên diện rộng và cần có sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền và các đoàn thể.

Vấn đề về điện, nước, kết cấu hạ tầng cho các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần được ưu tiên. Tình trạng kết cấu hạ tầng như cảng biển, hệ thống giao thông bị quá tải đã tác động mạnh tới giá thành của sản phẩm. Tình trạng cắt điện thường xuyên dù có hoặc không báo trước đều dẫn đến rất nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp.

2 - Các chính sách quản lý nhập khẩu

- Chính phủ sớm hoàn thiện chính sách thuế nhập khẩu trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế: hoàn thiện danh mục biểu thuế nhập khẩu tương thích với danh mục hải quan của Tổ chức Hải quan thế giới; hoàn thiện các mức thuế suất trong biểu thuế vừa bảo đảm không vi phạm các cam kết quốc tế, vừa bảo đảm yêu cầu bảo hộ; áp dụng trị giá tính thuế theo WTO; đa dạng cách tính thuế nhập khẩu; thực hiện chính sách tự vệ thông qua thuế nhập khẩu; thu hẹp các trường hợp miễn giảm thuế; thay đổi các hình thức nợ thuế hiện nay sang cơ chế tín dụng thông quan và áp dụng các biện pháp chế tài cụ thể; cải cách thủ tục hành chính về thuế xuất nhập khẩu; đổi mới và tăng cường công tác đào tạo và tuyên truyền chính sách thuế xuất nhập khẩu; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật để tổ chức thực hiện tốt chính sách thuế xuất nhập khẩu; hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan tới chính sách thuế xuất nhập khẩu.

- Đối với các biện pháp phi thuế quan: việc sử dụng các biện pháp phi thuế quan phải phù hợp với thực trạng kinh tế - xã hội trong nước và hội nhập quốc tế; chỉ sử dụng các biện pháp này ở một số lĩnh vực có chọn lọc nhằm di chuyển nguồn lực, cải tiến cơ cấu kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh hay hỗ trợ các lĩnh vực định hướng xuất khẩu. Các biện pháp phi thuế quan cần nhất quán và rõ ràng. Việc thực hiện các biện pháp phi thuế quan cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hội nhập kinh tế quốc tế, như thay thế các biện pháp cấm nhập khẩu bằng các biện pháp quản lý hạn ngạch nhập khẩu, giấy phép nhập khẩu.

- Hoàn thiện và xây dựng hệ thống tiêu chuẩn đối với công nghệ nhập khẩu, sử dụng các tiêu chuẩn về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn ISO để hạn chế nhập khẩu công nghệ lạc hậu, công nghệ cũ, hàng hóa không sạch. Tích cực hợp tác khu vực nhằm hài hòa hóa tiêu chuẩn. Cần tăng cường bảo hộ nhập khẩu hàng hóa theo tiêu chuẩn và kỹ thuật [được WTO thừa nhận] nhằm hạn chế máy móc thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, có tác động không nhỏ đến hiệu quả vay nợ nước ngoài và tính cạnh tranh ngành và sản phẩm hàng hóa Việt Nam.

- Hạn chế, quản lý chặt chẽ hàng nhập khẩu, không khuyến khích tiêu dùng hàng xa xỉ thông qua hệ thống ngân hàng không và hạn chế cho vay tiêu dùng những hàng này; quản lý thông qua thuế, phí và các thủ tục nhập khẩu. Ngay cả với các mặt hàng cần thiết cho sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu và phục vụ xuất khẩu, trong từng giai đoạn nhất định [ví dụ từ nay đến cuối năm 2008], các doanh nghiệp sản xuất cần tính toán mức nguyên liệu đủ để sản xuất xuất khẩu, tránh tình trạng nhập khẩu nhiều nguyên liệu làm đẩy mạnh nhập siêu.

Bên cạnh các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, để quản lý nhập siêu cần phối hợp đồng bộ các chính sách khác như: cải thiện môi trường đầu tư và dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa; đầu tư phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ; đề ra chính sách tỷ giá hối đoái linh hoạt khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu mà vẫn thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển. Như vậy, để giảm nhập siêu không chỉ phải hạn chế nhập khẩu mà đòi hỏi phải nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế nhằm gia tăng xuất khẩu. Hay nói cách khác, muốn hạn chế được nhập siêu các cơ quan chức năng phải sử dụng đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất của nền kinh tế.

Những dấu hiệu khả quan

Trong Bảng 1 có thể thấy, 6 tháng đầu năm nhập siêu đã ở mức 14,7 tỉ USD chiếm hơn 70% kế hoạch cả năm [20 tỉ USD]. Tuy nhiên, xem chi tiết nhập siêu từng tháng ta cũng thấy có những dấu hiệu đáng mừng khi tốc độ nhập siêu giảm cả về mức tương đối và tuyệt đối qua các tháng.

Bảng 2: Tình hình nhập siêu qua các tháng

Đơn vị: tỉ USD

Quý I/2008

Tháng 4/2008

Tháng 5/2008

Tháng 6/2008

Tháng 7/2008

-8,3

-3,14

-1,916

-1,3

-0,8

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Các con số đã cho thấy mức giảm tương đối nhanh của tình hình nhập siêu nước ta năm nay. Điều này khẳng định những biện pháp mạnh của Chính phủ đã mang lại kết quả khả quan. Nếu Chính phủ vẫn kiên định các chính sách mạnh mẽ trong năm nay và các năm tới thì tình hình nhập siêu sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, việc làm thế nào để giảm nhập siêu hướng tới xuất siêu là vấn đề lớn và cần phải có sự phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp, nhiều cơ quan mới có thể mang lại kết quả dài hạn tốt đẹp./.

Chủ Đề