Trung tâm tài chính quốc tế là gì

16:53' - 25/02/2022

BNEWS Ý tưởng về việc xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế của Việt Nam tại TPHCM đã có từ cách đây gần 20 năm, khởi đầu từ những năm 2000 trong định hướng phát triển kinh tế của thành phố.

Từ thế mạnh về thị trường tài chính của thành phố qua các năm, kế hoạch xây dựng trung tâm tài chính quốc tế đang được lãnh đạo UBND Tp. Hồ Chí Minh khởi động trở lại và rốt ráo đẩy mạnh triển khai để hiện thực hóa ý tưởng trên.
Ngày 25/2, tại buổi hội thảo góp ý Đề án phát triển Tp. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, để hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược trở thành trung tâm tài chính quốc tế đặt ra rất nhiều thách thức cho Tp.Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, Tp. Hồ Chí Minh cũng đang hội tụ cả lợi thế, tiềm năng, yêu cầu phát triển và quyết tâm chính trị cho việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Theo bà Phan Thị Thắng, Tp. Hồ Chí Minh có lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện chính trị, xã hội ổn định và sự năng động kinh tế. Thành phố đã và đang là một đầu tàu chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam. Với tiềm năng và sự phát triển mạnh mẽ của Tp. Hồ Chí Minh sẽ giúp củng cố động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần vào sự phát triển chung của Việt Nam cả trên phương diện nội tại lẫn trên trường quốc tế. Vì vậy, xây dựng trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là khát vọng của thành phố, mà còn là ý chí, quyết tâm của trung ương nhằm cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thực tế, từ tháng 3/2020, Trung tâm tài chính Tp. Hồ Chí Minh đã được đánh giá và xếp hạng là một thị trường tài chính thứ cấp trên bảng xếp hạng Chỉ số Trung tâm Tài chính toàn cầu [Global Financial Centres Index - GFCI].

Đến tháng 9/2021, Tp. Hồ Chí Minh hiện đang đứng đầu danh sách 10 trung tâm tiềm năng được xem xét để đưa vào danh sách đánh giá chính thức của GFCI, nhờ đạt mức điểm cao nhất về số lượng nội dung đánh giá [148/150].
Với các lợi thế trên, Tp. Hồ Chí Minh có điều kiện đầy đủ hơn so với các địa phương khác để phát triển trung tâm nếu xét trên các tiêu chí và đặc điểm của trung tâm tài chính quốc tế, đặc biệt là mức độ tập trung của thị trường và các định chế tài chính cũng như tiềm năng phát triển.

Việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Tp. Hồ Chí Minh sẽ tạo ra nhân tố thu hút các định chế tài chính nước ngoài, đón đầu cơ hội dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư quốc tế khi đến Việt Nam. Tuy nhiên, việc xây dựng đề án phát triển Tp. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế vẫn đang còn rất nhiều khó khăn, thách thức, bao gồm cả việc xây dựng cơ chế chính sách, nhất là cần những quy định mang tính đột phá chưa từng có.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường ĐH Fulbright, quốc tế đánh giá Tp. Hồ Chí Minh có tiềm năng trở thành trung tâm tài chính toàn cầu chính thức. Tuy nhiên, về năng lực cạnh tranh, Việt Nam còn tồn tại một số điểm yếu. Chẳng hạn, các dịch vụ mới nổi tăng trưởng nhanh trong thời gian qua nhưng có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới hay không, và có trở thành những tổ chức tài chính số hay chỉ là những startup “chết yểu”? “Ở các nước Đông Nam Á, muốn làm trung tâm tài chính quốc tế thì đều phải tiến tới tự do hoá tài chính. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế Mỹ đánh giá, từ đây tới năm 2030, Việt Nam vẫn chưa thể tự do hoá tài chính mạnh mẽ, vì đồng VND chưa được chuyển đổi tự do hoàn toàn. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cũng chưa đề cập lộ trình tự do hoá tài chính. Đây là vấn đề cần phải được tháo gỡ bằng một lộ trình cụ thể”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành cho biết thêm. Chuyên gia Võ Trí Thành cũng cho rằng, với hiện trạng thị trường tài chính Việt Nam hiện nay thì việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế thật sự là một thách thức. Bởi lẽ, mức độ của định chế tài chính Việt Nam với các nước còn khoảng cách khá xa. Do vậy, để thực hiện phải có nhiều cách làm thực sự đột phá, vượt trội và quan trọng là lựa chọn nhà đầu tư chiến lược hiểu về đất nước, con người Việt Nam. Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, để hình thành và vận hành hiệu quả các trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế cần rất nhiều nỗ lực thực hiện, bao gồm định hướng mô hình phù hợp, xây dựng cơ chế chính sách,  khuôn khổ pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng, nền tảng công nghệ và nguồn nhân lực. Đặc biệt, Tp. Hồ Chí Minh phải xác định các chính sách chiến lược mang tính đột phá để có thể cạnh tranh, thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, các tập đoàn tài chính lớn đầu tư vào trung tâm tài chính Việt Nam; huy động các nguồn lực bên trong và bên ngoài cũng như hỗ trợ kết nối với các trung tâm tài chính thế giới để phát triển hạ tầng phần cứng của trung tâm tài chính…/.

Trung tâm tài chính quốc tế: Chỉ thiếu một chữ “TIN” chưa dám bàn

Có lẽ điều mà trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam cần phải tập trung hướng tới nhiều hơn là phần hồn, chữ TIN, hơn là bàn quá nhiều về chuyện đất đai, xây dựng ở khu vực nào.

Tính đến lần hội thảo gần nhất về trung tâm tài chính quốc tế do UBND TP.HCM chủ trì hôm 25/2/2022, đã có tới hàng chục hội thảo trong 20 năm qua về chủ đề này mà tôi được tham dự.

Đối với tôi, việc tham gia hội thảo mới đây đã thật sự đem lại ấn tượng đặc biệt về tính “khả thi”, hình hài mới của trung tâm tài chính quốc tế. Điều này có được do đây là lần đầu tiên, bên cạnh đại diện các bộ, ngành, chuyên gia kinh tế, còn có đại diện nhà đầu tư có tầm cỡ là Tập đoàn Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương [IPPG]. IPPG đưa ra các chương trình hành động bằng tiền tươi thóc thật ban đầu lên đến hàng chục tỷ USD cho trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TP.HCM.

IPPG đưa ra các chương trình hành động ban đầu lên đến hàng chục tỷ USD cho trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Mọi thứ đã được bàn

Mọi thứ cần bàn về trung tâm tài chính quốc tế gần như đã được bàn trong 20 năm qua, từ phần cứng là cơ sở hạ tầng cốt lõi, đến cơ sở hạ tầng mềm là đột phá thể chế… và mới nhất là các cam kết tài chính của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế: những đại bàng chúa toàn cầu. Vấn đề là nhà đầu tư có đặt điều kiện, đó phải là tuân theo mô hình trung tâm tài chính quốc tế “phi truyền thống”. Mọi thứ đã được đặt ngửa lên bàn, theo ông Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPPG, trung tâm tài chính quốc tế phi truyền thống gồm có dịch vụ tài chính, ngân hàng, với điểm nhấn là khu vui chơi giải trí, casino, trường đua…

Các chuyên gia hầu như đã hiến đến 1.001 kế cho trung tâm tài chính quốc tế truyền thống và phi truyền thống tại hội thảo lần này và các lần trước. Đáng lưu ý, không ít người tỏ ra tâm đắc với mô hình phi truyền thống của ông Hạnh Nguyễn. Tuy nhiên, có một thứ mà dường như chúng ta chưa bao giờ bàn hay dám nói đến khi đề cập trung tâm tài chính quốc tế. Trước khi nói về điều này, người viết xin được trích dẫn quan điểm của Mark Yeandle, tác giả chính và đồng sáng tạo Chỉ số Xếp hạng trung tâm tài chính toàn cầu [GFCI] về việc hình thành và phát triển trung tâm tài chính quốc tế.

Vào tháng 7/2019, trước các nhà báo tề tựu tại Thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan để giới thiệu ấn phẩm “Astana Finance Days”, Mark Yeandle đã đưa ra đánh giá thẳng thắn về trung tâm tài chính quốc tế. Ông nói: “Chúng ta có hơn 100 trung tâm tài chính quốc tế trên thế giới. “Nếu bạn hỏi tôi một câu: thế giới có cần một trung tâm tài chính quốc tế khác không, câu trả lời của tôi sẽ là: KHÔNG”.

Hàm ý Mark Yeandle rất rõ khi phân biệt trung tâm tài chính quốc tế “mới” và “khác”. Nếu “khác” chỉ là cái thêm vào giống bao nhiêu cái trước đó, thì cầm chắc sẽ thất bại. Dịch vụ tài chính giống nhau ở mọi nơi trên trái đất này, cũng là tài chính, bảo hiểm, quản lý quỹ, kinh doanh ngoại hối, mới nhất là các trào lưu fintech, ngân hàng số. Chúng là cuộc chơi có tổng bằng 0, có kẻ thắng người thua. Phần thua cuộc cầm chắc 100% dành cho kẻ đến sau.

Chẳng hạn, mô hình trung tâm tài chính quốc tế được trình bày tại hội thảo có trụ cột là fintech. Nhưng nói đến fintech là nói đến khả năng lập trình siêu đẳng của các tài năng kiệt xuất vừa hiểu được mảng dữ liệu, vừa thông thạo các lĩnh vực tài chính. Tìm các tài năng thật sự trong lĩnh vực fintech giống như “đãi cát tìm vàng”. Nhưng cơ chế tại trung tâm tài chính quốc tế của chúng ta làm thế nào thu hút được tài năng từ 8 tỷ dân thế giới. Còn nếu chỉ “cây nhà lá vườn” từ nguồn nhân lực của gần 100 triệu dân nội địa, thì ai cũng có thể thấy tương lai trụ cột fintech tại trung tâm tài chính quốc tế như thế nào rồi.

“Mới”, vì vậy, phải là lạ, độc nhất, để đủ tư cách tham gia cuộc chơi win-win [các bên cùng thắng] trong một sân chơi dịch vụ tài chính đầy khắc nghiệt. Nhìn vào GFCI, chúng ta dễ dàng quan sát được thế nào là các trung tâm tài chính quốc tế “mới”, độc đáo ra đời khoảng 5 năm gần đây.

Trên GFCI, ngoại trừ New York, London, Hồng Kông luôn nằm trong top đầu, ở khoảng nửa tiếp trên Bảng xếp hạng, chúng ta chứng kiến 4 hình thái một thế hệ mới các trung tâm tài chính quốc tế. Đó là:  [1] các khu vực trình diễn đổi mới tài chính và cải cách [phổ biến ở nhiều thành phố của Trung Quốc, mới nhất là Thiên Tân]; [2] đặc khu tự do dịch vụ tài chính [Gujarat của Ấn Độ, Dubai của UAE]; [3] liên kết để thành cổng vào của dòng vốn từ kế hoạch vành đai con đường của Trung Quốc cho cả một khu vực Trung Á rộng lớn như Nur-Sultan của Kazakhstan; [4] gắn với bản sắc của thành phố như tài chính chuyên biệt về hàng hải tại Busan [Hàn Quốc].

Các nghiên cứu đã chỉ ra, bất chấp các giao dịch tài chính kỹ thuật số ngày càng phát triển, niềm tin là lý do các trung tâm tài chính quốc tế dưới hình thái không gian vật chất vẫn tồn tại, mặc dù có vai trò ngày càng giảm dần.

Người viết từng gợi ý một trong 4 hình thái trên trong các bài báo trước đây và tại các hội thảo cho mô hình trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam.

Liệu trung tâm tài chính quốc tế gắn liền với casino, khu vui chơi giải trí, trường đua có phải là hình thái thứ năm trong tương lai của thế giới khởi nguồn từ Việt Nam mà ông Hạnh Nguyễn đặt tên là “phi truyền thống”? Nếu ước mơ của IPPG thành hiện thực, đó có thể sẽ là điều gây ngạc nhiên lớn nhất.

Hiện có rất nhiều cách hiểu về trung tâm tài chính quốc tế, nhưng suy cho cùng, trung tâm tài chính quốc tế là nơi mà tiền và tài năng toàn cầu tập hợp lại [theo lý thuyết “clustering money and talents”]. Người viết tạm thời chưa bàn chủ đề làm thế nào tạo sự khác biệt cho trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam, dù tin rằng, Việt Nam hoàn toàn có khả năng tạo ra đủ sự khác biệt nếu xây dựng trung tâm tài chính quốc tế mà không cần casino.

Nhưng các tài năng quốc tế tập hợp tại các trung tâm tài chính quốc tế ắt hẳn ưu tiên trường học, bệnh viện đẳng cấp quốc tế cho con em và bản thân hơn so với chơi casino. Chẳng hạn, trong phần minh họa 10 lợi ích khi các doanh nghiệp đăng ký vào trung tâm tài chính quốc tế Dubai, phần lợi ích thứ 10 nhấn mạnh: “Đó là nơi có vị trí chiến lược giao thương cả Đông và Tây, nơi có một số trường học và cơ sở chăm sóc sức khỏe tốt nhất của thành phố”.

Phần “linh hồn” mới thật sự quan trọng

Tuy nhiên, những cái “mới” nêu trên cũng chỉ là thể xác của trung tâm tài chính quốc tế. Phần “linh hồn” mới thật sự quan trọng. Người viết xin trích dẫn quan điểm của Mark Yeandle về phần hồn của trung tâm tài chính quốc tế: nếu phải tóm tắt trong một từ những gì tôi đã nghiên cứu về các trung tâm tài chính quốc tế trong 15 năm qua, từ đó sẽ là một chữ TIN [TRUST].

Chí ít, đầu tiên chữ TIN phải được thể hiện trong hình hài ban đầu của trung tâm tài chính quốc tế. Một trung tâm tài chính quốc tế có  “da hàng thịt”, với hình hài có các dịch vụ casino, thì thật tội nghiệp cho “hồn Trương Ba”, là các nguồn tài chính thông minh và các tài năng toàn cầu.

Người viết xin có vài lời về niềm tin trong quá trình phát triển một trung tâm tài chính quốc tế - điều mà cho đến giờ hầu như chưa ai đề cập hoặc dám nói thẳng về chúng. Đó là, suy cho cùng, con người tìm đến trung tâm tài chính quốc tế là vì niềm tin. Con người vẫn có nhu cầu gặp mặt, giao tiếp, trò chuyện, học nghề, giao kèo mặt đối mặt tại các trung tâm tài chính quốc tế để củng cố niềm tin lẫn nhau. Các nghiên cứu đã chỉ ra, bất chấp các giao dịch tài chính kỹ thuật số ngày càng phát triển, niềm tin là lý do các trung tâm tài chính quốc tế dưới hình thái không gian vật chất vẫn tồn tại, mặc dù có vai trò ngày càng giảm dần.

Tại sao Hồng Kông liên tục nằm trong top đầu các trung tâm tài chính quốc tế toàn cầu bất chấp những thăng trầm? Các nghiên cứu cho thấy, đó là do họ có được hạ tầng mềm là tấm thảm văn hoá độc đáo. Ngoài những quy định đơn giản và minh bạch nhất thế giới, mọi điều ở đây còn xoay quanh một hệ thống mạng lưới phức hợp gồm các quy chuẩn, thủ tục, thông lệ kể cả phi chính thức và bán chính thức đến từ các cá nhân và tổ chức xã hội. Chỉ cần một cú điện thoại hoặc sơ giao tại trung tâm tài chính quốc tế, không cần phải đi qua con đường chính thức, mọi người có thể biết chính xác mọi chuyện và do đó các giao dịch diễn ra rất nhanh chóng.

Trong khi đó, cho dù là trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu với sự ủng hộ tối đa của chính phủ, Thượng Hải cho đến giờ vẫn chưa thể cạnh tranh được với các top đầu như London, New York và Hồng Kông. Các nhà đầu tư nhận xét, ở trung tâm tài chính quốc tế Thượng Hải tồn tại cái gì đó như thể “sự hỗn loạn được dàn dựng” thông qua các “hộp đen quy định”, nơi “không ai biết chuyện quái gì đang xảy ra và không ai muốn đưa ra quyết định bởi vì họ không biết họ có thẩm quyền hay không” [trích dẫn từ nghiên cứu của Viện Brookings về khả năng cạnh tranh của trung tâm tài chính quốc tế Thượng Hải].

Có lẽ, điều mà trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam cần phải tập trung hướng tới nhiều hơn là phần hồn, chữ TIN, hơn là bàn quá nhiều về chuyện đất đai xây dựng ở khu vực nào. Chỉ cần tháo hết đinh dưới tấm thảm, chúng ta sẽ có tấm thảm độc đáo về chính trị, văn hóa không thua gì tấm thảm văn hoá độc đáo tại trung tâm tài chính quốc tế Hồng Kông. Đó sẽ là nền tảng bền vững bậc nhất cho sự thành công của một trung tâm tài chính quốc tế trong tương lai.

Khi mà điều này chưa thể hoặc không thể có được, liệu có nên đặt vấn đề xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, nhất là ở hiện tại, trách ai khi mà có ai đó cứ chỉ mãi tơ tưởng hoài chuyện đất đai?

Video liên quan

Chủ Đề