Văn thuyết minh về một món ăn ngày tết năm 2024

Tết đến là dịp để mọi người có thể quây quần bên nhau, tạm biệt năm cũ và đón chào năm mới đến. Đây cũng là thời điểm mà mọi người trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp, sum vầy bên mâm cơm và cùng thưởng thức các món ăn ngày tết ấm cúng. Vậy thì hãy cùng điểm qua các món tết đặc trưng của các gia đình Việt.

1. Bánh chưng

Từ bao đời này, bánh chưng đã trở thành món ăn ngày tết miền bắc đặc trưng nhất. Bánh được làm từ gạo nếp, bên trong có thịt lợn, đậu xanh tất cả được gói cẩn thận trong chiếc lá dong xanh.

Những chiếc bánh vuông vắn bày trên mâm cỗ như tỏ lòng biết ơn với trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đồng thời cũng là bày tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên.

Hằng năm, mỗi dịp giáp tết, các gia đình Việt lại quây quần cùng nhau gói bánh chưng. Tục gói bánh chưng được lưu truyền từ xưa đến nay, từ đời này sang đời khác trở thành nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc.

Việc gói bánh chưng, cùng trông nồi bánh bên bếp lửa cũng là cách giúp gắn kết các thành viên trong gia đình. Chính vì thế mà bánh chưng trở thành món ăn ngày tết không thể thiếu.

2. Giò thủ

Giò thủ là món ăn quen thuộc của người miền Bắc. Thời tiết se se lạnh của tết là thời điểm rất thích hợp để làm món giò thủ.

Với ý nghĩa nhà cửa êm ấm, phúc lộc đầy nhà nên giò thủ luôn được bày trong mâm cỗ ngày tết. Bên cạnh đó, đây là một trong những món ăn ngày tết được nhiều người ưa thích bởi sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên liệu, khiến cho món ăn dù ăn nhiều nhưng không bị ngán.

Giò thủ là món ăn được kết hợp từ rất nhiều nguyên liệu khác nhau như mộc nhĩ, thịt nạc heo, nấm hương, tai, mũi lợn, và các loại gia vị khác. Muốn món giò thủ được ngon, khi gói, yêu cầu người làm phải gói thật chặt tay.

Nhắc đến món ăn ngày tết miền Bắc thì chắc chắn không thể bỏ qua thịt nấu đông. Chủ đạo của món ăn là phần chân giò lợn và mộc nhĩ được ninh nhừ và dưới cái lạnh của tết miền bắc, nồi thịt sẽ đông lại, tạo thành một lớp thạch trắng bao quanh những miếng thịt.

Nhìn tưởng chừng như đơn giản nhưng đây là một món ăn ngày tết thể hiện sự giàu sang, sung túc. Các nguyên liệu kết dính lại, khăng khít với nhau tượng trưng cho sự gắn kết, yêu thương lẫn nhau của các thành viên trong gia đình.

Với nhiều gia đình, tết đến nhất định phải có một nồi thịt đông, nếu không thì coi như là chưa có không khí tết về.

4. Dưa hành

Từ xưa, dân gian ta có câu: “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ” để chỉ những thứ không thể thiếu trong ngày tết. Chính vì thế mà không thể thiếu dưa hành trong danh sách các món ăn ngày tết Việt Nam, đặc biệt là tết ở miền Bắc.

Mặc dù chỉ là món ăn kèm, thế nhưng dưa hành lại chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong mâm cỗ ngày tết. Mâm cao cỗ đầy đến đâu nhưng nếu thiếu đi đĩa dưa hành như thiếu đi một phần hương vị tết. Dưa hành chua, giòn và có vị cay nhẹ khiến cho các món ăn tết đỡ ngán hơn.

Khi làm dưa hành, việc chọn hành cũng có những tiêu chuẩn nhất định. Hành phải là hành đã già, củ chắc nịch. Phải chọn loại hành già vì như vậy khi muối hành sẽ không bị ủng hay lên màng meo như củ non. Củ hành phải đều nhau, không được quá to hay quá nhỏ để dễ muối và vừa ăn.

5. Miến măng gà

Miến măng gà là món ăn ngày tết truyền thống của người Việt Nam. Sự kết hợp giữa 3 nguyên liệu chính: miến, măng, gà vừa đem lại hương vị cổ truyền, vừa tạo ra sự mới mẻ cho người thưởng thức.

Nước luộc gà khiến cho nước dùng thêm ngọt, măng xé sợi mềm, giòn mang một hương thơm đặc trưng. Sự kết hợp hài hòa khiến cho miến vừa mang vị ngọt thanh của thịt gà, vừa có hương thơm hòa quyện của măng là nao nức bao tâm hồn yêu ẩm thực.

Có người cho rằng miến măng gà như một “món ngon tân thời” vừa mang hương vị xưa cũ, vừa mang lại sự mới mẻ cho người thưởng thức. Đây có lẽ là một trong những món ăn tết chống ngán không thể thiếu trong những ngày tết.

6. Canh bóng thả

Canh bóng thả là món ăn đặc biệt một trong các món ăn ngày tết ở Hà Nội xưa. Bóng thả được làm từ bóng bi, thịt gà hoặc giò sống và trứng. Qua bàn tay khéo léo, nhân thịt và trứng được xếp lớp và cuộn lại bên trong bì lợn.

Bát canh có nước dùng trong, ngọt cùng màu sắc bắt mắt từ các loại rau củ là món tết thể hiện sự khéo léo, tinh tế của người phụ nữ Việt. Ngày nay, canh bóng thả dần vắng bóng trong mâm cúng ngày tết của người Hà Nội, thế nhưng đây vẫn là món ăn truyền thống và được nhắc đến như một nét đẹp ẩm của hương vị tết cổ xưa.

7. Măng khô hầm chân giò

Măng khô hầm chân giò là một món ngon ngày tết miền Bắc. Bát canh có vị ngọt đậm đà, thịt chân giò mềm kết hợp với măng giòn là món ăn yêu thích trong dịp tết của nhiều người.

Vị măng khô giúp cân bằng vị béo ngậy của chân giò, giúp cho bát canh thêm thanh tao. Măng khi ăn mềm nhưng vẫn có độ giòn vừa phải. Chân giò nhừ, hòa quyện cùng mùi măng thơm khiến ai cũng phải hít hà.

Không chỉ mang hương vị của tết cổ truyền, măng khô hầm chân giò còn mang lại sự ấm áp cho ngày tết sum vầy. Ngày Tết mà thiếu mất bát canh măng thì quả là một sai sót.

8. Xôi gấc

Xôi gấc được nấu từ gạo nếp và có màu đỏ từ trái gấc. Từ xưa, người Việt chúng ta vẫn quan niệm rằng màu đỏ là màu sắc tượng trưng cho sự may mắn, suôn sẻ. Và trong dịp năm mới, sắc đỏ của món xôi gấc trong mâm cỗ tết như mong muốn một năm mới tốt lành, gặp nhiều may mắn.

Gạo nếp khiến cho món xôi thêm dẻo. Gấc không chỉ khiến cho sắc xôi thêm tươi mà còn mang một mùi hương thơm nhẹ nhàng, tự nhiên. Mặc dù xôi gấc cũng là một món ăn ngày tết được nấu khá cầu kỳ và tỉ mỉ thế nhưng nó vẫn được mọi người chu đáo chuẩn bị cho mâm cơm nhân dịp năm mới.

9. Nem rán

Nem rán là một món ăn bình dân, thường xuyên xuất hiện trong mâm cơm của người Việt nhưng lại chứa đựng bao sự tinh tế. Lớp vỏ bên ngoài vàng óng, giòn, bên trong mang hương thơm hòa quyện của thịt băm, các loại rau, củ… Nếu như phải thuyết minh về món ăn ngày tết bạn hoàn toàn có thể lựa chọn món nem rán cho bài của mình.

Một trong những điều làm nên thành công của món nem rán chính là linh hồn của bát nước chấm. Nước chấm có độ chua vừa phải, có thêm tỏi băm, ớt khiến cho món nem rán trở nên hấp dẫn hơn.

Nem rán không chỉ là món tết không thể thiếu mà còn là “quốc hồn quốc túy” mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Ngày nay, nem rán món ăn nổi tiếng không chỉ trong mà cả với các du khách nước ngoài cũng tỏ ra vô cùng ấn tượng với món ăn này.

10. Chè kho

Chè kho là món ăn đem lại sự ngọt ngào cho ngày tết. Theo dân gian, vị ngọt thanh của món chè khó khiến cho năm mới luôn được ngọt ngào, hạnh phúc. Sắc vàng của món ăn với mong muốn một năm giàu có, sung túc. Chính vì những ý nghĩa của nó mà chè kho trở thành món ăn ngày Tết đặc trưng của người miền Bắc.

Chè kho có hai loại là là chè kho gạo nếp và chè kho đậu xanh. Tuy nhiên, cách nấu của cả hai loại chè này cũng tương tự như nhau. Để nấu được món chè này đòi hỏi bạn phải kiên nhẫn và tỉ mỉ, đảo đều tay để chè không bị cháy.

Khi thưởng thức món chè kho, tùy theo khẩu vị mà bạn có thể ăn kèm cùng với nước cốt dừa để tăng thêm béo ngậy của món chè kho.

11. Bò kho

Bò kho là món ngon ngày tết miền Trung. Nét đặc biệt của món bò kho đó chính là mật mía, một trong những nguyên liệu quen thuộc của người miền Trung.

Các công đoạn tạo nên món ăn này từ lựa chọn nguyên liệu làm sao để được miếng bắp bò ngon sau đó tẩm ướp gia vị vừa, đều được thực hiện một cách kỹ lưỡng. Thịt bò sau khi ướp mật mía trong vòng 1 đêm sẽ được bắc lên bếp kho với lửa nhỏ.

Miếng bò mềm, nước dùng đậm đà có thể ăn cùng với nhiều món khác như bún, bánh mì, cơm nóng,… tùy theo sở thích của mỗi người. Món bò kho mang hương vị đậm đà, thịt bò mềm hòa quyện tạo nên nét đặc trưng riêng của vùng đất này vào mỗi dịp Tết.

12. Thịt heo ngâm mắm

Một trong những món ăn ngày tết miền Trung phổ biến đó chính là thịt heo ngâm mắm. Thịt heo sau khi sơ chế xong sẽ được cắt thành miếng vừa ăn rồi đem ngâm nước mắm. Một điều lưu ý nữa là nước mắm để ngâm thịt phải là nước mắm nguyên chất vì như vậy mới giữ được sự nguyên bản của món ăn.

Ngày Tết có đĩa thịt ngâm nước mắm ăn kèm cùng dưa chua đem ra mời khách còn gì bằng. Miếng thịt heo mềm, béo quyện cùng vị đậm đà của nước mắm chắc hẳn sẽ là món ăn Tết vô cùng tốn cơm đấy.

Ngoài ra, món thịt heo ngâm mắm này để được khá lâu nên bạn chỉ cần làm một lần là có thể ăn vài tuần thậm chí vài tháng, rất tiện cho những ngày Tết bận rộn.

13. Chả bò

Nếu như người miền Bắc có chả lụa thì với người miền Trung chả bò là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết. Thịt bò được xay nhuyễn cùng với một chút hạt tiêu và các gia vị khác sao cho vừa vặn.

Đặc biệt chả bò hầu như không có nhiều mỡ nên rất được ưa chuộng vào dịp tết. Thông thường ngày tết, mỗi gia đình thường có 2 đến 3 cây chả bò trong tủ để ăn dần trong những ngày tết.

Miếng chả bò thơm, mềm là món ăn ngày tết được rất nhiều người yêu thích. Có khoanh chả bò, mâm cơm cúng gia tiên như đầy đủ và trọn vẹn hơn. Ngoài ra chả bò như đại diện cho sự vẹn tròn, thành kính của con cháu với ông bà, tổ tiên.

14. Tré

Tré vốn nổi tiếng là đặc sản của người dân Bình Định. Bên ngoài, tré được bọc bởi một lớp rơm, trên trong có thêm một lớp lá chuối. Ở nhiều nơi còn được gói bằng lớp túi nilon trước khi gói rơm ngoài cùng.

Tré có vị chua nhẹ của thịt lên men, rất dễ ăn. Đây cũng là một trong những món ăn ngày tết luôn xuất hiện trong mâm cơm Việt, đặc biệt là người dân miền Trung. Với quan niệm mang lại không khí ấm cúng, sung túc cho gia đình mà Tré không thể thiếu trong các dịp Tết đến xuân về.

Không chỉ có thể, tré còn được coi như mồi nhậu trên bàn tiệc. Còn gì tuyệt hơn bằng ngày Tết sum vầy, có tré lai dai cùng ly rượu mừng năm mới bên người thân và gia đình.

15. Bò thưng

Bò thưng là một món ăn ngày Tết đặc sắc của người miền Trung. Món ăn được làm từ thịt bò, rau cải, gừng, hành tím và các gia vị khác. Bò thưng đạt chuẩn khi nấu xong thịt mềm, thấm nhưng không khô.

Miếng bò có vị ngọt thanh, thơm mùi gừng, không bị ngán. Ngoài ra, món ăn còn mang ý nghĩa phong thủy, mong cho gia đình được bình an, hạnh phúc.

Tết này nếu muốn thử nấu một món ăn mới cho gia đình thì bạn có thể thử món bò thưng nhé. Chắc hẳn sẽ là một sự mới mẻ trong mâm cơm tết của gia đình bạn.

16. Gà luộc

Gà luộc là món ăn vô cùng quen thuộc. Món ăn tuy đơn giản, không cần chế biến cầu kỳ nhưng lại có một vị trí vô cùng quan trọng trong mâm cỗ Việt.

Dù gia đình có khó khăn đến đâu thì trong dịp tết, nhất định phải có đĩa gà luộc trong mâm cơm cúng gia tiên thì mới coi là trọn vẹn. Bởi lẽ, dân gian vẫn cho rằng gà luộc tượng trưng cho một năm mới có cuộc sống ấm nó, thịnh vượng.

Ngoài ra, khi khách đến chơi nhà, có món gà luộc mang ra đãi khách như một phần thể hiện sự hiếu khách của chủ nhà. Chính vì thế mà đây chắc chắn là món ăn Tết Việt Nam không thể thiếu.

17. Tôm chua

Trong dịp Tết, Tôm chua là món ăn ngày tết không thể thiếu trong danh sách các món ăn ngày tết miền trung. Tôm tươi sau khi làm sạch được đem ngâm với rượu trắng cùng với ớt, tỏi, gừng, muối và đường. Vị ngọt bùi của tôm kết hợp với hương thơm từ các gia vị tạo nên ấn tượng khó quên với người thưởng thức.

Một lưu ý là khi làm món ăn này, bạn phải phơi tôm dưới nắng từ 1 đến 3 tiếng để tôm được ráo nước sau đó mới cho vào lọ ngâm. Khi thấy tôm chuyển sang màu đỏ tức là tôm đã chín và có thể đem ra dùng.

18. Bánh thuẫn

Bánh thuẫn là một loại bánh ngọt của người dân miền Trung. Từ rất lâu, vào dịp Tết, đây là món ăn được trang trọng đặt trên bàn thờ gia tiên của người dân nơi đây. Đối với người miền Trung, đặc biệt là người dân xứ Quảng bánh thuẫn là món được đem đi biếu tặng, hay là thức quà quê mà người dân nơi đây hay mang theo làm quà.

Mặc dù ngày nay có rất nhiều loại bánh ngọt với hình dáng bắt mắt thế nhưng bánh thuẫn vẫn là thứ không thể thiếu giữa các món ăn ngày tết hiện đại. Như vậy cũng để thấy rằng dù cho thời thế thay đổi nhưng bánh thuẫn vẫn là một món ăn về cả vật chất lẫn tinh thần của người dân miền Trung không thể thay thế được.

19. Bánh in

Là thức quà đặc trưng của người Huế, bánh in được dâng lên ông bà tổ tiên để bày tỏ lòng thành kính, hiếu thảo. Bánh in khá giống với bánh khảo của người miền Bắc, tuy nhiên bánh in có phần nhân dẻo ở giữa.

Ngoài ra, trên mặt bánh in còn được in chữ hoặc rồng, phượng nhằm đem lại may mắn, sự hạnh phúc cho một năm mới đến. Hiện nay, để cạnh tranh với những loại bánh hiện đại, bánh in có nhiều hình dáng và kiểu cách khác nhau những vẫn giữ được hình ảnh của một chiếc bánh in truyền thống

Ngày tết nhâm nhi miếng bánh in cùng tách trà ấm, cùng câu chuyện làm quà cũng đủ để tết thêm phần ấm cúng.Chính vì vậy mà bánh in trở thành món ăn ngày Tết của nhiều gia đình người miền Trung

20. Bánh tét

Nếu như người miền Bắc có bánh chưng được coi như “linh hồn của tết” thì bánh tét chính là món ăn ngày tết miền Nam không thể thiếu. Bánh tét cũng tương tự như bánh chưng tuy nhiên có hình trụ dài và được gói bằng lá dong hoặc lá chuối.

Lớp lá bên ngoài, bao bọc lấy nhân bên trong tượng trưng cho mẹ ôm lấy con. Và phần lớn người phương Đông quan niệm màu vàng là màu của sự sung túc, thịnh vượng, vậy nên nhân đỗ màu vàng gắn với ước mơ gia đình sung túc, bình an.

Bánh cũng có nhiều loại như bánh chay, bánh không nhân, bánh nhân mặn hoặc nhân ngọt phù hợp với khẩu vị và sở thích của mỗi người. Đêm 30, mọi người cùng nhau ngồi bên nồi bánh tét, quây quần bên nhau khiến cho không khí gia đình thêm gắn kết và ngập tràn tình yêu. Vì thế mà bánh tét là món Tết không thể thiếu của mỗi gia đình miền Nam.

21. Thịt kho tàu

Thịt kho tàu là món ăn vô cùng quen thuộc của nhiều gia đình không chỉ riêng dịp tết mà xuất hiện ngay cả trên mâm cơm thường ngày. Có lẽ nhiều người nhầm tưởng rằng món ăn này có nguồn gốc của người Trung Hoa bởi cái tên của nó nhưng đây lại là món thuần của người Việt xưa.

Tưởng như đơn giản nhưng món ăn này lại chứa đựng ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Các miếng thịt được thái thành miếng vuông vừa vặn kết hợp với trái trứng tròn trịa biểu trưng cho sự “vuông tròn đều đặn, mọi sự bình an”.

Chính bởi hương vị thơm ngon, dễ ăn cùng với ý nghĩa mà nó đem lại mà thịt kho tàu trở thành một trong những món ăn ngày Tết được nhiều người yêu thích.

22. Canh khổ qua

Canh khổ qua xuất hiện trong mâm cỗ tết với ý nghĩa mong cho năm mới sẽ gặp được nhiều may mắn, thuận lợi, mọi khó khăn gian khổ của năm cũ sẽ qua đi.

Ngoài ra, ngày tết có rất nhiều đồ ăn mang tính nóng thì đây cũng là món Tết thanh mát, giải nhiệt cực tốt trong những ngày Tết.

Nguyên liệu của món canh này cũng vô cùng dễ tìm. Bạn cần chuẩn bị khổ qua [mướp đắng], thịt băm không hoặc trộn với các loại rau củ khác. Sau khi bỏ ruột khổ qua [mướp đắng], nhồi nhân thịt sao cho vừa vặn rồi đem đi nấu. Chỉ vậy thôi là đã hoàn thành một món ăn ngày tết cho gia đình của mình rồi.

23. Củ kiệu tôm khô, củ cải ngâm mắm

Củ kiệu tôm khô hay củ cải ngâm mắm là một trong các món ăn ngày tết miền Nam. Đây là hai món ăn kèm phổ biến mỗi dịp tết đến. Kiệu có thể hơi xa lạ với người miền Bắc nhưng lại là phổ biến ở vùng sông nước Nam Bộ. Trong mâm cơm thường ngày, hay dịp tết đến, người miền Nam không thể thiếu đi hương vị đặc trưng của vùng mình đó chính là hũ kiệu muối được trộn với tôm khô.

Bên cạnh đó, món củ cải trắng cũng là một món tết của người Nam Bộ. Củ cải trắng sau khi làm sạch sẽ cắt thành từng miếng vừa, khoảng chừng 1 ngón tay. Sau đó đem xóc đều với muối để miếng cải được mềm ra rồi mới đem ngâm mắm. Với món củ cải ngâm mắm thì khoảng 2 ngày là đã có thể mang ra thưởng thức được rồi.

Nhìn chung, củ kiệu hay củ cải giòn, chua chua, ngọt ngọt không chỉ lạ miệng mà còn khiến cho các món ngon ngày tết không ngán.

24. Lạp xưởng

Có nguồn gốc từ Trung Hoa, lạp xưởng trở thành món ăn được nhiều người Việt ưa thích. Lạp xưởng rất đa dạng, có lạp xưởng heo, bò, tôm, … phù hợp với sở thích của mỗi người. Lạp xưởng có thể chế biến được cùng với nhiều món ăn khác nhau như làm nhân bánh, chiên cơm hay đem nướng…

Ngoài ra, chính vì có màu đỏ bắt mắt, nối với nhau như xâu tiền mà lạp xưởng trở thành món tết được ưa chuộng ở miền Nam bởi họ cho rằng năm mới có sắc đỏ là có sự may mắn và những xâu tiền trong nhà hi vọng một năm phát tài, gặt hái được nhiều thành công.

25. Chả lụa

Chả lụa là món ăn ngày tết không thể thiếu trong dịp lễ cổ truyền của người Việt Nam ta. Chả lụa được làm từ thịt lợn xay nhuyễn, gói bằng lá chuối rồi đem đi luộc. Miếng thịt dùng để làm chả phải còn tươi thì khi đó chả mới được ngon.

Ngày Tết, miếng chả trên mâm cỗ cúng của người miền Nam thể hiện lòng thành kính của con cháu với ông bà tổ tiên đồng thời cũng là cầu mong cho một năm mới ấm êm, phúc lộc đầy nhà. Và chả lụa không chỉ là một trong những món ăn ngày tết đặc trưng mà còn mang bản sắc văn hóa tết cổ truyền được giữ gìn và lưu giữ đến ngày nay.

26. Xôi vò

Là một món ăn vô cùng bình dân được làm từ gạo nếp và đậu xanh, thế nhưng xôi vò là món ăn xuất hiện trên mâm cỗ ngày tết như một nét đẹp truyền thống của người Việt.

Sở dĩ được gọi là xôi vò bởi phần cơm nếp và đỗ xanh được nấu riêng. Sau khi cả hai được nấu chín, người nấu đeo bao tay vò nhè nhẹ để hạt đỗ bao quanh lớp các hạt cơm nếp dẻo thơm. Điểm đặc biệt món xôi vò của người miền Nam là phần nước cốt dừa béo ngậy. Đây cũng chính là điểm độc đáo làm nên món tết đặc sắc này.

Món xôi vò mang ý nghĩa cho sự sung túc, đoàn viên trong gia đình. Ngoài ra, xôi vò ăn kèm cùng chả lụa sẽ là các món ăn sáng ngày tết không thể bỏ qua.

27. Dưa giá

Dưa giá là một trong những món ăn ngày tết dễ làm bao gồm giá, cà rốt và hẹ. Trong những ngày tết, dưa giá là món ngon giải nhiệt, dễ ăn. Vị chua nhẹ của giấm kết hợp với giá giòn giòn ăn vô cùng bắt miệng.

Món dưa giá có các nguyên liệu thái: giá, cà rốt hoặc củ cả, hành lá, trộn với nhau cùng các loại gia vị sao cho vừa ăn rồi đem ngâm với giấm. Chỉ khoảng 1 ngày sau khi ngâm là đã có thể ăn được luôn.

Chắc hẳn với nhiều gia đình miền Nam, trong các món ăn ngày tết thì dưa giá vẫn không thể thiếu mỗi dịp xuân về, vừa mát, dễ ăn mà lại không hề ngán.

Trên đây là các món ăn ngày tết không thể thiếu trong gia đình người Việt mỗi dịp Tết đến. Hy vọng với danh sách trên sẽ giúp bạn biết thêm

Chủ Đề