Vì sao tiêm vacxin có thể phòng bệnh truyền nhiễm

Hiện nay chúng ta chưa biết rõ thời gian hình thành kháng thể phòng bệnh sau tiêm vaccine phòng COVID-19 là bao lâu. Ngoài ra, vaccine không bảo vệ tuyệt đối, hiệu lực bảo vệ của từng loại vaccine cũng khác nhau. Điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vaccine vẫn có khả năng mang virus và lây bệnh cho người khác.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.

Lý giải nguyên nhân những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 rồi vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2, PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam phân tích: Vaccine phòng COVID-19 là loại vaccine mới, được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp nên chúng ta chưa biết chắc chắn rằng việc tiêm vaccine có làm giảm được khả năng nhiễm bệnh và lây truyền bệnh hay không.

Tuy nhiên, việc tiêm vaccine sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện nay cũng chưa biết rõ thời gian hình thành kháng thể phòng bệnh sau tiêm là bao lâu. Ngoài ra, vaccine không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng phòng ngừa việc mang mầm bệnh.

Trên thực tế, có những loại vaccine hiệu lực bảo vệ với 90%, nhưng có vaccine chỉ hiệu lực bảo vệ khoảng 50%-60%. Điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vaccine vẫn có khả năng mang virus và lây bệnh cho người khác.

Với những người tiêm đủ 2 mũi vaccine với đủ thời gian khuyến cáo thì cơ thể đã có kháng thể bảo vệ nhưng không phải tất cả mọi người đều có.

Hơn nữa, đây là chủng virus mới nên cũng cần có thời gian để nghiên cứu, đánh giá vaccine này có hiệu lực bảo vệ tốt với chủng Ấn Độ hay không.

“Tuy nhiên, phải khẳng định rằng khi tiêm vaccine COVID-19, nếu chưa cản được sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 thì vaccine sẽ giảm tình trạng nặng và tử vong đối với người nhiễm,” PGS.TS Trần Đắc  Phu chỉ rõ.

Người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn cần thực hiện khuyến cáo 5K

Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng

Cũng về vấn đề này TS. Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, tiêm vaccine COVID-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng.

Người đã được tiêm vaccine COVID-19, đặc biệt là những người mới chỉ được tiêm 1 mũi vaccine vẫn rất cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch khác, đặc biệt là biện pháp 5K.

Nguyên nhân là do vaccine không đem lại sự bảo vệ tức thì. Sau tiêm mũi 1 phải ít nhất 14 ngày mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 chỉ đạt ở mức bảo vệ rất thấp.

Sau tiêm mũi vaccine thứ 2 từ một tháng trở ra thì vaccine mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60%-90% tùy theo loại vaccine.

“Lý do thứ 2 là vaccine không bảo vệ tuyệt đối nhất là khả năng bảo vệ việc mang mầm bệnh, điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vaccine có thể không bị mắc bệnh nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác”, TS. Phạm Quang Thái cho biết.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tiêm vaccine COVID-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Tuy nhiên, người đã được tiêm vaccine COVID-19 vẫn rất cần ý thức được tầm quan trọng của việc hạn chế các hành vi nguy cơ, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, trong đó có 5K: Khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế./.

[Chinhphu.vn]

Admin

Việc phát minh ra vắc xin đầu tiên thanh toán bệnh đậu mùa của bác sĩ người Anh E. Jenner đã trở thành cột mốc lịch sử của nhân loại, làm nền tảng khoa học cho sự phát triển của hàng loạt vắc xin sau này, cứu sống và giảm thiểu để lại di chứng sau mỗi trận dịch bệnh. Vắc xin và huyết thanh miễn dịch là một trong những thành tựu đột phá của loài người trong việc phòng ngừa và điều trị nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Việc sử dụng vắc xin và huyết thanh miễn dịch dựa trên những nguyên lý của miễn dịch học.

Có 2 khái niệm căn bản trong hệ thống đáp ứng miễn dịch của con người là kháng nguyên và kháng thể. Một cách hàn lâm, kháng nguyên được hiểu là những yếu tố lạ, có thể là vi sinh vật với bản chất là protein, hoặc khác protein như thuốc, thức ăn… Kháng nguyên khi xâm nhập vào cơ thể có khả năng kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể, tạo ra kháng thể [đặc hiệu hoặc không đặc hiệu] nhằm chống lại và loại trừ kháng nguyên ra khỏi cơ thể.

Xét về định nghĩa, vắc xin là chế phẩm có tính kháng nguyên, có nguồn gốc từ vi sinh vật đã được làm mất khả năng gây bệnh hoặc vi sinh vật có cấu trúc kháng nguyên giống vi sinh vật gây bệnh. Vắc xin được đưa vào cơ thể để kích thích cơ thể chủ động tạo ra kháng thể đặc hiệu phòng ngừa bệnh. Do đó, bản chất của việc sử dụng vắc xin là tạo miễn dịch chủ động.

Khác biệt với vắc xin, huyết thanh dùng để tạo miễn dịch thụ động bằng cách đưa trực tiếp kháng thể đặc hiệu vào cơ thể để chống lại ngay lập tức các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi rút, độc tố gây bệnh bằng phản ứng trung hòa kháng nguyên – kháng thể. Vì vậy, kháng thể được cung cấp sẵn [huyết thanh] không phải do hệ miễn dịch của cơ thể tạo ra nên chỉ tồn tại và có hiệu quả trong thời gian ngắn [trong vài ngày]. Ví dụ: huyết thanh kháng dại, huyết thanh kháng độc tố uốn ván, huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, huyết thanh kháng nọc rắn,…

Nhờ sử dụng vắc xin dự phòng, nhiều bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán, loại trừ hoặc giảm đáng kể tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong. Trước khi sử dụng vắc xin, bệnh đậu mùa đã gây tử vong khoảng 2 triệu người mỗi năm. Tuy nhiên sau một chiến dịch tiêm chủng toàn cầu, bệnh đã được thanh toán vào năm 1979. Tiêm chủng cũng gây tác động lớn đối với sức khỏe toàn cầu với các thành tựu:

  • 2/3 số nước đang phát triển đã loại trừ được bệnh uốn ván sơ sinh.
  • Số ca mắc bại liệt giảm từ trên 300.000 trường hợp/năm giai đoạn những năm 1980 xuống chỉ còn 2.000 trường hợp năm 2002.
  • Số ca tử vong do sởi giảm từ 6 triệu trường hợp/năm xuống còn dưới 1 triệu trường hợp/năm,
  • Số ca mắc ho gà giảm từ 3 triệu trường hợp/năm xuống chỉ còn dưới 250.000 trường hợp.

Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra Chương trình tiêm chủng mở rộng [EPI – Expanded Programme of Immunization] căn cứ vào dịch tễ bệnh truyền nhiễm tại các nước đang phát triển. Mục tiêu của Chương trình tiêm chủng mở rộng là làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, lao, sởi và bại liệt bằng tiêm chủng vắc xin. Thành công của công tác Tiêm chủng mở rộng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em, cụ thể: Việt Nam đã thanh toán bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỷ lệ mắc các bệnh bạch hầu giảm 585 lần, ho gà giảm 937 lần,…

Cần hiểu rõ tiêm ngừa vắc xin giúp bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm cho từng cá thể và cả cộng đồng vì vậy cần thực hiện chương trình tiêm chủng vắc xin quy mô rộng trên cộng đồng, tối thiểu phải đạt 80% đối tượng được tiêm chủng để ngăn ngừa dịch xảy ra, nếu không bệnh dịch có nguy cơ bùng phát trở lại. Một ví dụ điển hình chính là dịch sởi 2019 bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới hầu hết do trẻ không tiêm vắc xin theo trào lưu “Anti vắc xin”. Tại Việt Nam, bệnh sởi bùng phát bắt đầu từ tháng 10/2018, tính đến đầu tháng 3/2019 đã ghi nhận 18.078 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 2.924 ca mắc sởi dương tính được xác định tại 56 tỉnh thành.

Ngoài ra, bệnh dại cũng là một bệnh lý nguy hiểm với nguy cơ tử vong rất cao khi đã phát bệnh vì chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu. Theo thống kê của WHO, mỗi năm có khoảng 59.000 người tử vong do dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc xin phòng dại. Nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tử vong do bệnh dại là không tiêm phòng vì chủ quan và thiếu hiểu biết về phòng ngừa bệnh. Trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là ở các nước khu vực nhiệt đới dễ mắc các bệnh truyền nhiễm thì phòng bệnh chính là phương pháp tối ưu nhất để tránh hậu quả và gánh nặng nghiêm trọng để lại sau mỗi trận dịch.

Với những thành tựu to lớn không thể phủ nhận của việc tiêm ngừa vắc xin trong thế kỷ 20, chúng ta chắc chắn rằng vắc xin là một công cụ rất hiệu quả trong dự phòng các bệnh nhiễm trùng. Hiện nay đã có gần 30 bệnh nhiễm trùng có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. Không giống như các can thiệp y tế khác, vắc xin giúp bảo vệ sức khỏe cho con người, làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, làm cho trẻ em khỏe mạnh phát triển thể chất và trí não bình thường, giảm số ngày ốm và nhập viện, giảm chi phí chăm sóc y tế.

Chính vì vậy, mỗi người dân cần hiểu rõ và đúng đắn về công tác tiêm chủng hiện nay của nước ta nói riêng và thế giới nói chung; đồng thời nâng cao ý thức thực hiện nhằm phòng ngừa bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Và mục tiêu cuối cùng chính là tiếp tục duy trì và phát huy thành quả mà chương trình tiêm chủng vắc xin đã mang lại trong suốt thế kỷ 20 đến nay, để không có một đứa trẻ nào bị tử vong hoặc di chứng vì bệnh sởi, uốn ván,… Chúng ta hãy cùng chung tay, góp sức vì một cộng đồng khỏe mạnh về cả thể chất và tinh thần chỉ bằng một biện pháp đơn giản và chi phí thấp là:

Tiêm ngừa vắc xin – Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Với phương châm đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới phục vụ việc tiêm phòng cho người dân, với các bệnh thường gặp có trong bảng sau:

Tài liệu tham khảo:

  1. Miễn dịch – Sinh lý bệnh [GS Phạm Hoàng Phiệt]
  2. Vi khuẩn y học [Đại học Y – Dược TP HCM, Khoa Y, Bộ môn Vi sinh]
  3. Tổng quan về vắc xin [ThS. BS. Đoàn Hữu Thiển, Viện trưởng Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế]
  4. gov.vn; tiemchungdichvu.vn
  5. Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế

Khoa Dược

Nguồn: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới

Video liên quan

Chủ Đề