Viết chữ xấu phải làm sao

Rèn chữ đẹp rất khác với việc luyện viết để chữ rõ ràng, dễ đọc, đừng bắt con vừa 'văn hay' vừa 'chữ tốt' vì chúng không phải siêu nhân.

Việc luyện chữ chưa bao giờ là không cần thiết. Nhưng luyện chữ ở đây không phải là rèn viết chữ sao cho đẹp, bay bướm mà là viết sao cho chữ có thể đọc được rõ ràng. Chuyện này giống như việc bạn phải học cách thể hiện tường minh suy nghĩ của chính mình để người khác hiểu được. Chữ viết là một hiện thân của lời nói, không có cớ gì lại đi phản đối việc mỗi con người phải tường minh chữ viết của mình cho người khác.

Tất nhiên, thời đại thay đổi, như tôi trong vòng vài năm gần như không cần viết bất cứ thứ gì ngoài chữ ký và một số chi tiết hợp đồng, cùng bản nháp tư duy khi làm việc. Nhưng điều đó không có nghĩa là không cần khiến chữ viết của bản thân tường minh.

Nguyên nhân cơ bản nhất là việc học phổ thông và đại học cơ bản vẫn sử dụng phương pháp viết tay để thể hiện ý chí của học sinh với giáo viên và giảng viên. Sự thiếu sót do nguyên nhân chủ quan của người viết sẽ khiến đánh giá của người dạy trở lên lệch lạc, đánh mất quyền lợi của học sinh, sinh viên.

Một nguyên nhân thứ cấp là để tránh trường hợp, người học viết xong mà không biết mình viết gì? Giống như khi trên đường chỉ cho phép một phương tiện giao thông qua lại duy nhất là xe đạp thì bắt buộc người đi trên đường phải biết đi xe đạp và đi một cách vững vàng để tránh tai nạn, trong khi bạn có thể đi trên những con đường khác bằng xe máy, ôtô, xe buýt. Vì thế, không cần viết đẹp, nhưng cần thiết phải viết rõ ràng.

Vậy học thế nào, học bao giờ? Chuyện viết chữ rất khó đọc của một học sinh cấp một là một điều dễ thấy ở mọi thế hệ. Hãy hình dung trong một thời gian dài bạn không viết chữ, chữ của bạn sẽ rất nguệch ngoạc. Ngược lại, khi bạn viết càng nhiều, càng quen tay, chữ sẽ càng rõ ràng, dễ đọc. Tuy nhiên, nếu bạn đã quen với việc viết chữ rồi thì sẽ dễ dàng viết lại hơn là chưa làm bao giờ. Vì thế, việc luyện chữ thực ra chỉ là viết chữ nhiều hơn mà thôi.

Chuyện rèn luyện tính cẩn thận hay chu đáo, kiên nhẫn từ việc viết chữ đẹp cũng chỉ là một hệ quả của quá trình này, hơn nữa chưa chắc đã đúng với số đông. Vì không phải ai chăm chỉ luyện chữ sau này cũng trở thành công dân gương mẫu, cẩn thận, chu đáo. Thực tế, phần lớn người Việt, dù lúc nhỏ được rèn chữ rất nhiều, thậm chí nặng chẳng kém gì học Tiếng Việt hay Toán là bao, nhưng lớn lên lại rất thiếu tính chuyên nghiệp trong công việc.

Vậy luyện chữ có tác dụng gì không? Tất nhiên là có, nhưng không phải viết chữ đẹp, như tôi đã trình bày, mà chỉ là dùng để tường minh chữ viết của mình. Cách đơn giản nhất để rèn viết chữ cho học sinh là cho các em thường xuyên viết, đạt tới thành quả không bị lem chữ và có thể đọc được, rồi chữ viết sẽ tự rõ ràng qua thời gian.

>> Bắt học sinh viết chữ đẹp để làm gì?

Câu hỏi là làm thế nào để trẻ chịu ngồi xuống viết chữ? Muốn vậy, ta phải rèn cho chúng thói quen tuân thủ kỷ luật trước, tạo lập một hệ thống bao gồm hình phạt và khen thưởng rõ ràng. Chuyện rèn chữ khiến trẻ kỷ luật hơn thực ra cũng chỉ là một hệ quả của việc chúng ta rèn luyện kỷ luật để trẻ ngồi xuống viết chữ, đừng ngộ nhận.

Vậy nên luyện viết cho trẻ vào thời gian nào? Viết chữ là một quá trình dài, bắt trẻ lớp 1, 2 viết. Đa số trẻ dưới bảy tuổi có độ cứng của xương cổ tay rất yếu, đồng nghĩa với việc chúng không thể viết một cách dứt khoát như người lớn. Hãy hiểu khác biệt về cấu tạo của từng độ tuổi, khi đặt mục tiêu đúng thì bạn sẽ rất khó nổi nóng với con bạn khi bé "vẽ xấu". Độ cứng của xương cổ tay tăng dần qua thời gian sẽ khiến chữ viết ngày càng dễ đọc. Như vậy, chữ thì nên luyện, nhưng luyện sao cho trẻ tường minh chữ viết của mình là đủ.

Còn luyện chữ đẹp có cần thiết không? Theo tôi là không. Bản thân tôi là một người viết chữ khá đẹp, nếu không muốn tự khen mình viết chữ rất đẹp, kể cả khi tôi viết ngoáy thì cũng không ai chê tôi viết xấu. Nhưng đẹp không đồng nghĩa với chữ dễ đọc và vì là một người từng "học viết chữ đẹp", nên tôi cũng biết thời gian một người có thể rèn chữ viết đẹp không phải là ít.

Nếu muốn trẻ viết chữ đẹp mà lại muốn các em học Toán, học Văn tốt, nói ngắn gọn lại là "văn hay chữ tốt", thì hoặc là các em phải thông minh từ nhỏ, hoặc là các em buộc phải trở thành "siêu nhân". Nhiều người chắc cũng nghe qua việc "buộc thanh sắt vào cổ tay nếu muốn chữ đẹp hơn". Trừ một vài trường hợp cá biệt, đa số các em ở độ tuổi cấp một khó có thể viết chữ đẹp được. Muốn viết đẹp trong điều kiện hạn chế như vậy, trẻ sẽ phải viết rất nhiều.

Nhiều người lầm tưởng về việc viết chữ đẹp đồng nghĩa với chữ dễ coi, dễ đọc. Đỉnh cao của việc chữ đẹp là thư pháp, đỉnh cao của thư pháp phương Đông lại là chữ của Vương Hy Chi, mà chữ của nhân vật nổi tiếng này, tôi cá là bạn biết tiếng Hán thì bạn cũng khó nhìn ra được ông đang"múa may" gì trong "bản vẽ đẹp" của ông.

Chữ đẹp cũng vậy, nếu hỏi một cô giáo cấp hai hay cấp ba, bạn sẽ khá ngạc nhiên khi một học sinh viết chữ rất đẹp nhưng lại khó đọc hơn cả người "viết xấu" nhưng to, tròn, rõ ràng, tách rời các chữ. Một điều thú vị dẫn chứng cho điều này, là Leonardo da Vinci có giai thoại vẽ quả trứng [hay nét chữ O] rất nhiều lần, chữ ông không bao giờ được coi là khó nhìn, nhưng cực khó dịch nghĩa.

>> 'Luyện chữ đẹp để học sinh không phát triển lệch lạc'

Cái đẹp là một nghệ thuật, viết chữ đẹp cũng là một môn nghệ thuật, mà nghệ thuật luôn cần năng khiếu, nếu bạn có thể chấp nhận việc con bạn không giỏi hát như bạn của nó thì việc viết chữ cũng tương tự thế. Nếu con bạn đã viết được to, rõ ràng, tách rời các chữ thì thiết nghĩ cũng đừng mất thời gian cho việc luyện chữ nếu con bạn không muốn.

Đức tính kiên nhẫn mà các bạn hay nghe khi nói đến chuyện rèn chữ đẹp là thành quả của việc viết tới vài chục nghìn thậm chí vài trăm nghìn lần một nét trong thời gian ngắn, đa số người không bao giờ đủ thời gian để làm điều này.

Nếu các bạn từng có con nhỏ hay cháu cần chăm, đang học lớp 1-3, các bạn sẽ thấy các con học Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh tốt rồi cả viết chữ cũng đẹp nữa thì các em sẽ thành "siêu nhân" mất. Thời gian nghỉ ngơi, rèn luyện thể chất, giải trí sẽ chẳng còn bao nhiêu, thậm chí không có.

Làm bất kỳ điều gì tốt, làm Văn, làm Toán, học hát, học đàn, thậm chí đá bóng, nhảy dây, đều rèn luyện phản xạ các cơ, tính kiên nhẫn và cẩn thận, tỉ mỉ. Đừng bó con bạn với những bức tường để rèn chúng tính kỷ luật hay bất kỳ điều gì một cách thái quá.

Tôi xin nhấn mạnh một điều, rèn chữ đẹp rất khác với việc luyện viết chữ để chữ tường minh, rõ ràng. Hãy cân nhắc điều này, viết chữ đẹp cũng rất khác với chữ dễ đọc, tính kiên nhẫn hay kỷ luật cũng có thể được học tập qua nhiều cách, nếu gia đình xào xáo, đứa trẻ tổn thương vì việc luyện chữ, hãy dừng lại và nghĩ những gì tôi nói hôm nay. Mong mỗi đứa trẻ có một tuổi thơ đẹp.

Tuân Hầm

>> Theo bạn, học sinh tiểu học có cần luyện viết chữ đẹp? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Chữ đẹp có giúp học sinh thông minh hơn không hay chỉ tập trung toàn bộ tư duy vào nét chữ.

Xem video ghi lại cảnh cô giáo ở một trung tâm luyện chữ đẹp quát nạt, dùng thước đánh bé trai đang ngồi viết bài, một người làm mẹ như tôi không khỏi xót xa. Câu chuyện "viết chữ đẹp" có lẽ là nỗi ám ảnh với tất cả những thế hệ học sinh từ trước tới giờ. Để rồi sau này khi lớn lên, nhìn lại, chúng ta lại tự hỏi: viết chữ đẹp để làm gì?

Con trai tôi [học lớp 2] cũng là một nạn nhân của việc bị ép luyện viết chữ đẹp. Giống như nhiều đứa trẻ nam khác, con tôi khá hiếu động, nghịch ngợm và viết chữ hơi xấu. Thế nhưng, vì yêu cầu của giáo viên trên lớp, con tôi luôn bị bắt luyện chữ ở nhà dưới sự kèm cặp của bà nội. Mẹ chồng tôi nhiều lần phải quát tháo, thậm chí dùng cả đòn roi để uốn nắn cháu viết đẹp. Cũng vì chuyện này mà gia đình tôi nhiều lần cãi vã. Con luôn áp lực khi phải luyện viết chữ, nước mắt ngắn dài; bà thì không muốn cháu bị điểm kém, cô chê nên gò ép cháu đến cùng; bản thân tôi là mẹ lại chỉ muốn con được làm những gì cháu thích...

Tôi tự hỏi chữ đẹp có giúp học sinh thông minh hơn không hay chỉ tập trung toàn bộ tư duy vào nét chữ? Rèn chữ tất nhiên không hại gì, nhưng nó cũng không mang lại quá nhiều lợi ích. Luyện viết chữ đẹp chỉ phù hợp với những đứa trẻ thiếu tập trung, thiếu kiên nhẫn, còn với những bé vốn tính cẩn thận, từ tốn, tôi cho rằng không cần phải mất thời gian với nó. Thay vào đó, chúng ta có thể cho các bé vận động, chơi thể thao để nâng cao sức khỏe, như vậy có ý nghĩa hơn nhiều.

Một môn học mà chẳng đem lại lợi ích cho tất cả học sinh, có lẽ chỉ nên là môn phụ đạo, năng khiếu, chứ không phải thứ bắt buộc với số đông. Chưa kể, viết chữ đẹp đã không còn phù hợp với xu thế hiện đại, nơi mà con người ta chủ yếu làm việc trên máy tính, các thiết bị số chứ không còn cầm bút nắn nót từng chữ như trước kia. Khi mà khoa học công nghệ phát triển, chúng ta cũng cần thay đổi theo để thích ứng chứ không chỉ mãi bám lấy quá khứ để sinh tồn.

>> Vật lộn với Toán cấp ba vì 'những kiến thức thừa'

Bản thân tôi ngày trước cũng phải vật lộn với môn luyện viết chữ đẹp, viết chính tả ở bậc tiểu học. Nhưng rồi, khi sang cấp hai, với tốc độ và phương pháp học tập mới, tôi chẳng thể giữ nổi nét chữ của mình. Thay vào đó, tôi phải học cách viết nhanh, viết tắt để theo kịp tiến độ bài giảng. Nét chứ khi đó cũng sẽ xấu đi. Nếu cứ lo nắn nót từng chữ thì làm sao tập trung dung nạp kiến thức được? Vậy bắt học sinh học viết chữ đẹp nhiều để làm gì khi chỉ vài năm sau đó chúng đã chẳng còn cần thiết?

"Nét chữ nết người", ngày nay nhiều người vẫn vin vào câu nói đó để lý luận về việc tại sao phải yêu cầu học sinh luyện chữ đẹp. Nhưng có lẽ thời nay, chúng ta cần một tư duy đổi mới hơn. Đâu phải ai chữ xấu cũng là người xấu, hay bất kể ai viết chữ đẹp cũng là người tốt.

Bác sĩ vẫn viết chữ xấu dù công việc của họ rất cao cả đấy thôi. Hay như cô kế toán nọ nét chữ rất đẹp nhưng lại đi giả mạo hồ sơ rồi vướng vòng lao lý. Vậy nên, nét chữ không làm nên nhân cách một con người. Để thành người tốt, hướng thiện, có ích cho xã hội, chúng ta cần rèn luyện nhiều thứ chứ không chỉ mỗi chữ viết.

Nhìn lại giáo dục của ta mới thấy khối lượng kiến thức quá nhiều. Chúng ta không chỉ bắt các em phải học giỏi toàn diện, học nặng Toán, Lý, Hóa, mà thậm chí còn đòi hỏi học sinh phải viết đẹp nọ kia...

Phải chăng người Việt đang đòi hỏi quá nhiều, vô tình khiến học sinh bị quá tải, sợ học? Xét cho cùng, đó chính là căn bệnh thành tích trầm kha, vốn đã ăn sâu vào trong tư duy nền giáo dục nước nhà. Nếu không sớm thay đổi, nó sẽ còn kéo tụt chất lượng dạy và học.

Ngọc Hà Đỗ

>> Theo bạn, có cần yêu cầu học sinh tiểu học luyện viết chữ đẹp? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Video liên quan

Chủ Đề