Xã Châu Lăng có bao nhiêu áp?

Tri Tôn là huyện biên giới, có nhiều dân tộc của tỉnh An Giang. Huyện nằm phía Tây Nam tỉnh, cách thành phố Long Xuyên khoảng 52 km; Bắc giáp Campuchia; Đông giáp huyện Tịnh Biên và huyện Châu Thành; Tây giáp tỉnh Kiên Giang; Đông Nam giáp huyện Thoại Sơn. Huyện có diện tích lớn nhất, dân cư thưa nhất tỉnh.

Về hành chính, huyện bao gồm thị trấn Ba Chúc, thị trấn Tri Tôn và 13 xã là: Lạc Quới, Vĩnh Gia, Lê Trì, Vĩnh Phước, Lương Phi, Lương An Trà, Châu Lăng, An Tức, Núi Tô, Ô Lâm, Cô Tô, Tân Tuyến, Tà Đảnh.

Thị trấn Tri Tôn - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Năm 1839, vùng đất huyện Tri Tôn ngày nay thuộc huyện Hà Dương, phủ Tĩnh Biên, tỉnh Hà Tiên. Năm 1842, phủ Tĩnh Biên thuộc tỉnh An Giang. Năm 1850, phủ Tỉnh Biên bị bãi bỏ, Tri Tôn thuộc huyện Hà Dương, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Năm 1876, Tri Tôn thuộc hạt Châu Đốc. Năm 1889, Pháp bỏ hạt lập tỉnh, Tri Tôn là quận của tỉnh Châu Đốc. Năm 1917, quận Tri Tôn gồm 4 tổng và 26 xã. Năm 1930, cắt một nửa tổng Thành Ý giao cho quận Tịnh Biên.

Ngày 24-04-1957, quận Tri Tôn thuộc tỉnh An Giang, gồm 3 tổng với 15 xã là: Tri Tôn, An Tức, Nam Quy, Cô Tô, Ô Lâm thuộc tổng Thành Lễ; Tà Đảnh, Thuyết Nạp, Trác Quan, Tú Tề, Văn Giáo, Vĩnh Trung, Yên Cư thuộc tổng Thành Ý; Châu Lăng, Lê Trì, Lương Phi thuộc tổng Thành Ngãi. Ngày 01-08-1960, xã Thuyết Nạp và xã Yên Cư hợp nhất thành xã An Cư, vẫn thuộc tổng Thành Ý. Ngày 20-06-1960, xã Nam Quy và xã Châu Lăng hợp nhất thành xã An Lạc, thuộc tổng Thành Ngãi; xã Tà Đảnh và xã Trác Quan hợp nhất thành xã An Hảo, thuộc tổng Thành Ý.

Năm 1964, tỉnh An Giang được chia thành hai tỉnh An Giang và Châu Đốc, quận Tri Tôn thuộc về tỉnh Châu Đốc gồm 12 xã là: An Cư, An Hảo, An Lạc, An Tức, Cô Tô, Lê Trì, Lương Phi, Ô Lâm, Tri Tôn, Tú Tề, Văn Giáo, Vĩnh Trung. Địa giới hành chính này tồn tại đến năm 1975.

Về phía chính quyền Cách mạng, sau tháng 08-1945, huyện Tri Tôn thuộc tỉnh Châu Đốc. Ngày 06-03-1948, huyện Tri Tôn thuộc tỉnh Long Châu Hậu. Tháng 05-1949, huyện Tri Tôn nhận thêm 3 xã Nam Thới Sơn, Bình Sơn, Thổ Sơn của huyện Châu Thành, tỉnh Rạch Giá. Cuối năm 1950, huyện Tri Tôn thuộc tỉnh Long Châu Hà. Tháng 07-1951, huyện Tri Tôn được sáp nhập vào huyện Tịnh Biên. Tháng 10-1954, Tri Tôn tách khỏi huyện Tịnh Biên, trực thuộc tỉnh Châu Đốc. Giữa năm 1957, Tri Tôn thuộc tỉnh An Giang. Năm 1971, Tri Tôn thuộc tỉnh Châu Hà. Tháng 05-1974, huyện Tri Tôn thuộc tỉnh Long Châu Hà. Sau năm 1975, huyện Tri Tôn thuộc tỉnh An Giang. Ngày 11-03-1977, huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên hợp nhất thành huyện Bảy Núi. Ngày 25-04-1979, thành lập thị trấn Bảy Núi. Ngày 23-08-1979, huyện Bảy Núi được tách thành huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên, thị trấn Bảy Núi đổi thành thị trấn Tri Tôn.

Ngày 17-10-2003, Chính phủ ban hành nghị định 119/2003/NĐ-CP, thành lập thị trấn Ba Chúc thuộc huyện Tri Tôn trên cơ sở 2.056 ha diện tích tự nhiên và 13.122 nhân khẩu của xã Ba Chúc. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thành lập thị trấn Ba Chúc, xã Ba Chúc còn lại 6.471 ha diện tích tự nhiên và 3.658 nhân khẩu. Đổi tên xã Ba Chúc thành xã Vĩnh Phước.

Tri Tôn là huyện miền núi, có 17,2 km đường biên giới với Campuchia. Diện tích tự nhiên khoảng 59.805 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 74,48%, đất lâm nghiệp chiếm khoảng 8,89%, còn lại là đất ở và đất chuyên dùng. Địa hình đa dạng, vừa có đồi núi, vừa có đồng bằng với nhiều kênh mương lớn nhỏ ngang dọc.

Trên địa bàn huyện có các ngọn núi sau:

- Núi Nam Quy cao 213 m, chu vi 8.875 m, thuộc cụm núi Cấm, ở xã Châu Lăng.

- Núi Tà Lọt cao 69 m, chu vi 870 m, thuộc cụm núi Cấm, ở xã Châu Lăng.

- Núi Dài còn gọi là Ngọa Long Sơn, cao 554 m, chu vi 21.625 m, thuộc cụm núi Dài, ở xã Lê Trì.

- Núi Tượng còn gọi là Liên Hoa Sơn, cao 145 m, chu vi 3.825 m, thuộc cụm núi Dài, ở thị trấn Ba Chúc

- Núi Sà Lon, cao 102 m, chu vi 2.325 m, thuộc cụm núi Dài, ở xã Lương Phi.

- Núi Nước còn gọi là Thủy Đài Sơn, cao 54 m, thuộc cụm núi Dài, ở thị trấn Ba Chúc

- Núi Cô Tô, còn gọi là Phụng Hoàng Sơn, cao 614 m, chu vi 14.375 m, thuộc cụm núi Cô Tô, xã Cô Tô.

- Núi Tà Pạ, cao 102 m, chu vi 10.225 m, thuộc cụm núi Cô Tô, xã An Tức, thường gọi là đồi.

Nguồn nước ở Tri Tôn chủ yếu là nước giếng và nước máy. Hiện trên địa bàn huyện Tri Tôn có trên 400 giếng khoan và hơn 3.000 giếng đào phục vụ nước sinh hoạt hằng ngày của người dân. Hiện một số giếng đã bị nhiễm Asen. Năm 2006, Xí nghiệp Điện – Nước huyện Tri Tôn đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng trạm tăng áp cùng với 6 km đường ống dẫn nước, nối liền từ trung tâm thị trấn Tri Tôn đến 2 xã Núi Tô và An Tức. Hệ thống này đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 500 hộ đồng bào dân tộc Khmer đang sinh sống tại các phum, sóc ở ven chân đồi Tà Pạ.

Tri Tôn và Tịnh Biên là hai địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh An Giang. Rừng có hai loại: rừng tự nhiên và rừng trồng. Khi xưa, vùng đồi núi Tri Tôn chủ yếu là rừng rậm với nhiều loại gỗ quý. Đến thế kỷ XVII, nơi đây vẫn còn là vùng đất hoang vu, chưa được khai thác bao nhiêu, rừng hãy còn là rừng nguyên sinh. Lịch sử khai phá thảm thực vật ở đây được ghi nhận từ năm 1862. Qua khai thác và chiến tranh, thảm thực vật bị giảm sút nghiêm trọng, cân bằng sinh thái bị phá vỡ. Những năm gần đây, huyện tập trung phát triển rừng trồng, phủ xanh đồi trọc. Năm 2008, được sự hỗ trợ của Chi cục Kiểm lâm An Giang, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tri Tôn cấp phát 123.600 cây phân tán cho nhân dân trồng ở các tuyến dân cư, cơ quan, trường học, cặp bờ kênh nhằm chống xói mòn sạt lở. Ngoài ra, nhân dân còn tự trồng khoảng 500 ngàn cây chủ yếu là loại cây lấy gỗ. Tổng diện tích rừng toàn huyện đạt trên 7.568 ha. Trong đó, rừng phòng hộ đồi núi gần 4.133 ha, rừng đồng bằng 3.435 ha, đạt tỷ lệ che phủ 13,81%. Năm 2009, huyện Tri Tôn dự kiến trồng mới 300 ha, vận động nhân dân trồng 1 triệu cây phân tán.

Vào mùa khô, nhiệt độ ở Tri Tôn thường rất cao, trung bình khoảng 36 - 38oC, khắc nghiệt nhất là vào tháng 4. Đây là thời điểm khó khăn nhất cho sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Các khe suối trê núi đều khô cạn, những cánh đồng hoa màu chết cháy, hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

- Núi Cô Tô

- Núi Dài

- Hồ Soài So

- Đồi Tức Dụp

- Di tích Nhà Mồ Ba Chúc

- Chùa Phi Lai

- Chùa Tam Bửu

- Chùa Xà Tón


Bò Bảy Núi - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Bò là con vật thân thiết với đồng bào Khmer Nam Bộ. Đến vùng Thất Sơn, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh hàng chục đôi bò chăm chỉ cày bừa trên những cánh đồng lúa dưới chân núi, hay cần mẫn kéo xe trên đường. Ngày trước, vào vụ mùa, bà con trong phum, sóc thường đến cày ruộng cho chùa và đổi công giúp nhau. Các đôi bò kéo bừa được chủ nhân rủ nhau đua trên nền ruộng, có khi bò kéo lúa trở về nhà, cũng được các chủ bò rủ nhau đua. Lễ hội đua bò có nguồn gốc từ đó.

Lễ hội đua bò Bảy Núi thường được tổ chức vào dịp đồng bào Khmer đón lễ Đôn-ta, tức khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch hằng năm.  Trước đây, mỗi cuộc đua bò thường được Sư Cả của ngôi chùa trong vùng đứng ra tổ chức. Đôi bò thắng được đeo dây cà tha, vòng lục lạc tượng trưng cho chiến thắng. Từ năm 1992, chính quyền hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên luân phiên nhau tổ chức lễ hội. Những con bò tham gia thi đấu được lựa chọn qua ba vòng loại từ cơ sở, xã, huyện. Bò được lựa chọn đi thi phải là những con mình gân, chân cao, dáng dỏng dảnh, được rèn luyện quyết liệt trong nhiều tháng. Người ta phải tập cho bò hiểu được ý chủ, lúc nào chạy nhanh lúc nào chạy chậm, khi nào thì vọt nhanh, lúc nào đạp bừa đôi trước, cách bám đường đua và nghệ thuật chặt cua nhưng vẫn giữ tốc độ, không chạy ra ngoài vòng đua.....

Trước lễ hội một tháng, đôi bò được chủ nhân chăm sóc với một chế độ dinh dưỡng đặc biệt, tắm rửa, lau khô mình bằng những chiếc khăn bông mềm mại, uống nước dừa tươi, nước thốt nốt, ăn cháo hột gà nhằm đảm bảo sự dẻo dai trong suốt những chặng đua. Người tham gia đua bò không vì lợi nhuận mà vì thú vui, thường là người có kinh tế khá giả. Sau khi đoạt giải, đôi bò được chào mua với giá cao rất nhiều lần so với giá trị thực, nhưng thường chủ bò sẽ không bán. Họ giữ bò như tài sản vô giá.

Lễ hội đua bò hằng năm thu hút hàng chục ngàn lượt người từ khắp các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long và nhiều nơi khác đến tham dự. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất hiện nay là Tri Tôn và Tịnh Biên vẫn chưa có nơi tổ chức lý tưởng với khán đàn cho khán giả ngồi xem. Phần lớn đều được tổ chức tại các bãi đất trống hay trước sân chùa. Điều này phần nào hạn chế tính chuyên nghiệp của lễ hội cũng như gây khó khăn cho việc đảm bảo an ninh.

Năm 2003, toàn huyện có 67 trường học, bao gồm: 16 trường mầm non mẫu giáo, 32 trường tiểu học, 15 trường trung học cơ sở, 4 trường trung học phổ thông với 28.315 học sinh và 1.503 giáo viên các cấp. Năm học 2008 – 2009 huyện Tri Tôn có 1.725 cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên. Trong đó bậc tiểu học có 754 giáo viên, bậc trung học cơ sở 510 giáo viên và 251 giáo viên bậc trung học phổ thông. Trong những năm qua, huyện Tri Tôn thực hiện tốt các chính sách thu hút giáo viên đến vùng sâu vùng xa và vùng dân tộc giảng dạy. Cụ thể giáo viên công tác tại vùng chương trình 135 gồm 5 xã Ô Lâm, An Tức, Lương An Trà, Lạc Quới, Vĩnh Gia được hưởng thêm lương 140%. Riêng từ 4 năm nay, nếu có giáo viên tình nguyện đến công tác tại xã Vĩnh Gia, huyện sẽ hỗ trợ ngay 3 triệu đồng. Giáo viên ở xa đến công tác được bố trí khu tập thể hay nhà công vụ. Ngoài ra công đoàn giáo dục hàng năm còn bảo lãnh tín chấp cho khoảng 50% giáo viên vay vốn ngân hàng với mức bình quân từ 10 đến 20 triệu đồng làm kinh tế phụ hay mua sắm phương tiện đi lại. Đặc biệt, huyện cũng quan tâm đến công tác dạy tiếng Việt cho ngời Khmer thông qua các hình thức khác nhau như dạy ở chùa, đưa vào nội dung chương trình giáo dục tiểu học....

Năm 2003, toàn huyện có 146 cán bộ, nhân viên ngành y tế, bình quân 12,14 y, bác sĩ / 10.000 dân. Công tác chăm sóc sức khoẻ cộng đồng được quan tâm. Các phương tiện, trang thiết bị y tế dần dần được cải thiện. Công tác phòng chống dịch bệnh được chú trọng. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 1,55 %. Tuy nhiên với đặc thù là huyện biên giới, Tri Tôn hiện đang dẫn đầu tỉnh về số người nhiễm HVI/AIDS.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng [TTYTDP] huyện Tri Tôn, hiện nay số ca nhiễm trên địa bàn huyện là 281, đã chuyển sang giai đoạn AIDS 179 ca, 172 ca tử vong. Sáu tháng đầu năm 2008, có 15 ca nhiễm mới [giảm được 2 ca so cùng kỳ 2007]. Bệnh xảy ra trên toàn bộ 15 xã, thị trấn của huyện, chủ yếu lây nhiễm qua đường tình dục [chiếm trên 70%]. Đáng chú ý là căn bệnh này tập trung chủ yếu vào số người trẻ tuổi, đang độ tuổi lao động [từ 20 - 39 tuổi], chiếm tới 74%. Đáng lo ngại hơn là số trẻ dưới 15 tuổi bị nhiễm HIV cũng chiếm tới 3%.

Ở Tri Tôn có một phòng khám nhân đạo, nhận điều trị miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Phòng khám nằm khuất sau khuôn viên của Trung tâm Y tế huyện Tri Tôn. Được thành lập năm 2003, đến nay, phòng khám đã có một cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện, với diện tích 625 m2 [25 x 25], một trệt một lầu, tám phòng chức năng, 180 giường bệnh, 38 nhân viên phục vụ, nuôi dưỡng 300 bệnh nhân thường trực. Hiện nay phòng khám đã trang bị được bốn máy chạy tia laser trị giá gần 5.000 USD, được coi là hiện đại nhất vùng Bảy Núi này.

Theo báo cáo của Hội đồng nhân dân huyện, năm 2007, GDP của huyện tăng 11,8%; sản lượng lương thực đạt gần 444 triệu tấn; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, ngay cả trong nội bộ từng ngành.


Tri Tôn mùa gặt - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Do có ưu thế về đồng cỏ và đồi núi, Tri Tôn là huyện phát triển mạnh kinh tế trang trại, tập trung chủ yếu là chăn nuôi bò với số lượng 21.699 con, chiếm 36,4% tổng đàn bò trong tỉnh, dẫn đầu toàn tỉnh. Huyện còn mở rộng nhiều trang trại chăn nuôi dê được 771 con và trồng hàng ngàn ha cây lâm nghiệp. Theo ngành nông nghiệp, An Giang phát triển được 8.349 trang trại, trong đó Tri Tôn chiếm gần 11% trong tổng số trang trại toàn tỉnh, với 897 trang trại.

Bên cạnh việc chăn nuôi bò, huyện còn tập trung phát triển cây điều. Huyện Tri Tôn là một trong hai huyện vùng Bảy Núi có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp với môi trường sống của cây điều. Cây điều được trồng ở Tri Tôn từ năm 1978, đến cuối thập niên 80 cây điều chỉ được trồng ở các xã: An Tức, Núi Tô, thị trấn Ba Chúc, Lương Phi, Châu Lăng, Lê Trì, Cô Tô và Ô Lâm với diện tích trồng 288 ha. Mãi đến thập niên 90 cây điều mới được bà con nông dân trồng điều khắp ở 15 xa, thị trấn trong huyện, nhiều nhất ở xã Cô Tô với 215 ha. Từ 2004 cho đến nay, Phòng Xây dựng và Phát triển Nông thôn huyện Tri Tôn đã kết hợp cùng bà con nông dân đổi mới giống điều Ấn Độ, Thái Lan, đây là hai giống có khả năng chịu hạn cao, có năng suất gấp 2 đến 3 lần so với các giống điều tạp khác [điều tạp năng suất 0,6 tấn/ha. Điều Ấn Độ, Thái Lan: 2 tấn/ha], có thời gian ra trái sau 3 đến 4 năm gieo trồng và có thời gian thu hoạch từ 30 đến 40 năm. Đặc biệt hiện nay huyện đang thực hiện dự án “Phát triển 4 tầng sinh thái” - trồng xen cây gỗ quý với trồng điều, trồng cây ca cao và trồng cây dược liệu nhằm tăng thêm hiệu quả kinh tế, giúp cho đất giữ được độ ẩm và tạo sự thân thiện với môi trường.

Theo thống kê của tỉnh An Giang, năm 2003, toàn huyện Tri Tôn có 3.776 hộ hoạt động kinh doanh với 6.203 lao động tham gia, hệ thống chợ được xây dựng, nâng cấp, lưu lượng hàng hoá ngày một phong phú. Các di tích lịch sử văn hoá, các khu du lịch được đầu tư xây dựng, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách tham quan mỗi năm. Riêng lễ hội đua bò Bảy Núi năm 2008 đã thu hút khoảng 30.000 lượt khách xem.

Chủ Đề