Xây dựng góc thư viện trong trường mầm non

Trường mầm non Vàng Anh được thành lập từ năm 2003 và được tách ra từ trường Tiểu học, Trung học cơ sở Kroong nằm cách trung tâm thành phố Kon Tum 18 km trên tỉnh lộ 675, nay điểm trường chính đóng chân tại thôn 2 xã kroong thành phố Kon Tum - tỉnh Kon Tum. Trường được sự đầu tư xây dựng của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ với 8 phòng học khang trang, sạch đẹp, đầy đủ các trang thiết bị đáp ứng cho nhu cầu dạy và học của nhà trường và đã khánh thành đưa vào sử dụng ngày 04/12/2018. Cơ sở vật chất đầy đủ song để phù hợp với môi trường giáo dục mầm non các cô trong Ban giám hiệu nhà trường cùng tập thể đội ngũ giáo viên đã không ngừng suy nghĩ, tìm tòi, học hỏi và bắt tay vào trang trí, cải tạo và xây dựng môi trường trong và ngoài lớp học xanh- sạch- đẹp phù hợp với các yêu cầu của trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia và một trong những hoạt động được nhà trường đặc biệt quan tâm đó chính là xây dựng và tổ chức thư viện thân thiện trong nhà trường bởi lẽ thư viện trong trường mầm non có vai trò quan trọng. Đó là nơi tạo cơ hội cho trẻ được khám phá, tìm tòi, trải nghiệm, phát triển khả năng sáng tạo. Thư viện có thể tạo ra sự thay đổi tích cực đối với sự tự tin của trẻ, khả năng học tập độc lập và tinh thần trách nhiệm về việc học của bản thân trẻ, góp phần giúp nhà trường thực hiện tốt mục tiêu giáo dục toàn diện mầm non đáp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 hướng đến Giáo dục và Đào tạo theo quyết định phê duyệt của Thủ Tướng Chính Phủ trước đó. Đáng chú ý một trong những mục tiêu đến năm 2020 là sẽ có 100% cơ sở giáo dục mầm non có thư viện thân thiện và có 85% trẻ mầm non được tiếp cận, thường xuyên nghe đọc sách, để hình thành thói quen ngay từ nhỏ.

Chuyên đề xây dựng và tổ chức thư viện thân thiện trong trường mầm non được nhà trường tổ chức thông qua một số hoạt động nổi bật sau:

1. Xây dựng môi trường thư viện thân thiện trong lớp và môi trường ngoài lớp đẹp, bắt mắt, an toàn và sáng tạo.

Môi trường thư viện thân thiện thiết kế trong lớp học
Môi trường thư viện thân thiện thiết kế trong lớp học ​Hai bên chân cầu thang được tận dụng thiết kế làm thư viện thân thiện ngoài lớp học

Trẻ mầm non rất thích thú với những màu sắc tươi sáng, hình ảnh trang trí ngộ nghĩnh vì vậy khi xây dựng môi trường thư viện thân thiện trong và ngoài lớp các cô giáo cần thiết kế không gian đảm bảo ánh sáng, an toàn, phối hợp các màu sắc hài hòa, các kệ để sách thiết kế ngang tầm với trẻ để trẻ dễ lấy và cất sách tạo điều kiện thuận lợi nhất, thoải mái nhất khi trẻ tiếp xúc với sách và đọc sách. Thư viện thân thiện đòi hỏi phải có sự tổ chức, quản lý, sắp xếp tốt, sách truyện, tranh ảnh trong thư viện dễ dàng lấy, cất, đồng thời sử dụng có hiệu quả.

Đối với góc thư viện được thiết kế trong lớp học cần chú ý đến vị trí sắp xếp: Góc thư viện là góc tĩnh, trẻ cần có khoảng không gian yên tĩnh để đọc, nơi đảm bảo đủ ánh sáng để trẻ đọc. Vì vậy không đặt góc thư viện gần các góc động, góc có nhiều tiếng ồn. Sử dụng chữ in thường trong việc trang trí góc thư viện: Tên góc, quy định khi sử dụng sách truyện [có chữ viết và hình ảnh minh họa kèm theo], chọn lựa sách truyện phù hợp theo thời điểm, sự kiện...

2. Tổ chức cho trẻ "đọc" sách, truyện.


​​Hình ảnh trẻ MG 5-6 tuổi đọc sách ngoài sân trường và trong thư viện chung của trường

Về thời gian cho trẻ làm quen với sách: Trẻ có thể làm quen vào giờ hoạt động góc, hoạt động ngoài trời, giờ ra về, trẻ tự lấy sách, ngồi ngay tại những chiếc ghế đá, thảm cỏ xung quanh vị trí sách đã được quy định, xem xong, trẻ tự xếp sách vào đúng vị trí quy định. Trẻ có thể xem sách truyện với tư thế thoải mái, không bắt buộc phải ngồi ngay ngắn như khi tô chữ.

Trẻ chưa biết đọc rất cần được nghe đọc sách. Khi trẻ đã biết đọc càng cần được nghe đọc và tự đọc nhiều hơn. Việc đọc sách trên lớp cần được lặp đi lặp lại không nên vì lý do nào đó mà dừng lại hoặc thay đổi lịch đọc sách. Duy trì việc đọc truyện cho trẻ nghe và kể chuyện theo tranh hàng tuần. Cô giáo thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở việc trẻ lấy sách, lật sách, đọc sách, giữ gìn sách và cất sách lên kệ sau khi đọc xong.

Đối với từng độ tuổi thì cô giáo cần hướng dẫn cho trẻ bằng các cách khác nhau sao cho đảm bảo việc đáp ứng theo độ tuổi của trẻ. Ví dụ như đối với nhà trẻ: Làm quen với sách: Mở sách, xem và gọi tên sự vật, hành động của các nhân vật trong tranh. Còn đối với trẻ mẫu giáo thì cô cần hướng trẻ làm quen với việc đọc, viết như: Làm quen với cách sử dụng sách, bút; Làm quen với một số kí hiệu thông thường trong cuộc sống; Làm quen với chữ viết, với việc đọc sách; Xem và nghe đọc các loại sách khác nhau.

- Làm quen với cách đọc và viết tiếng Việt:

+ Hướng đọc, viết: Từ trái sang phải, từ dòng trên xuống dòng dư­ới ;

+ Hướng viết của các nét chữ; đọc ngắt nghỉ sau các dấu.

Mỗi cô ở trường mầm non đều có những giọng đọc truyền cảm riêng vì vậy Cô giáo cần tự rèn luyện giọng đọc, giọng kể của mình để lôi cuốn trẻ nghe từ đó trẻ sẽ hứng thú hơn với việc nghe kể chuyện và đọc truyện, đọc sách. Cách đọc sách, truyện: Cô đọc sử dụng mọi sắc thái của giọng nói và các phương tiện đọc biểu cảm khác làm cho câu truyện có tiếng nói, tạo cho truyện một bức tranh âm thanh tương ứng. Nhiệm vụ của cô gióa khi đọc là giúp cho trẻ có thể nhìn thấy cái đã nghe được, làm cho những bức tranh và những hình ảnh tương ứng hiện lên chân thực và đập vào mắt, gợi lên những tình cảm và cảm xúc nhất định. Qua cách trình bày tác phẩm một cách truyền cảm, giáo viên giúp trẻ dễ dàng hiểu được nội dung câu truyện, phát triển ở trẻ trí tưởng tượng nghệ thuật, giúp trẻ nhìn thấy được các hình tượng, các khung cảnh, các tình tiết và biết đánh giá chúng đúng đắn. Bằng cách đó, trẻ cảm nhận được nhạc tính trong ngôn ngữ thơ ca mạnh hơn, thụ cảm được tính diễn cảm của ngôn ngữ tinh tường hơn. Nắm vững nghệ thuật đọc và kể chuyện là vấn đề quan trọng với một giáo viên mầm non.

Cô cần khuyến khích, tuyên dương trẻ khi trẻ chủ động tự tìm sách đọc. Khuyến khích trẻ đọc sách với tư thế trẻ cảm thấy thoải mái nhất.

Tạo điều kiện, cơ hội, tận dụng hoàn cảnh, tình huống thật để trẻ đọc sách cùng bạn, trao đổi, trò chuyện cùng bạn. Cô và trẻ cùng nhau làm những cuốn sách, viết nội dung cho từng trang sách.

3. Sự tham gia của phụ huynh học sinh cùng trẻ "đọc" sách, truyện:

Để thu hút trẻ đến với thư viện nhà trường thường xuyên thay đổi sách, truyện mới; giáo viên tổ chức giới thiệu với trẻ và cha mẹ trẻ về những thay đổi của góc thư viện trong đầu ngày đón trẻ, thu hút trẻ đến với thư viện. Để trẻ được xem và làm quen với nhiều loại sách, giáo viên hướng dẫn trẻ chọn sách đúng ý thích. Tuyên truyền và vận động cha mẹ trẻ cùng đọc với trẻ trong giờ đón, trả trẻ hàng ngày.

Giáo viên tích cực tuyên truyền với phụ huynh về việc cùng con đọc sách ở thư viện của trường hoặc cùng con đọc sách ở nhà để hình thành thói quen đọc sách. Giáo dục trẻ sử dụng sách, bảo quản sách với mô hình thư viện thân thiện, tủ sách ngoài trời là một việc làm cần thiết vì: Nơi đọc sách là tự nguyện, đọc theo ý thích, cha mẹ trẻ cùng tham gia, không có giáo viên theo dõi giám sát thường xuyên. Vì vậy giáo viên phải rèn cho trẻ thói quen không được mang sách ra khỏi khu vực thư viện, không được làm rách sách, bẩn sách.


  1. ​​Hình ảnh trẻ MG 5-6 tuổi đọc sách ngoài sân trường và trong thư viện chung của trường

4. Huy động mọi nguồn lực cùng quan tâm đến thư viện thân thiện trong trường và nâng cao số lượng, chất lượng các đầu sách trong thư viện trường, lớp.

Vận động, tuyên truyền với phụ huynh, các ban ngành đoàn thể cùng quyên góp thêm vào thư viện trường lớp những quyển sách, truyện hay của mầm non có phụ đề in có chữ tiếng việt dưới hình ảnh trong sách truyện để trẻ được có nhiều loại sách mới, lạ, hay để trẻ "đọc" nhằm nâng cao số lượng, chất lượng các đầu sách trong thư viện trường, lớp.

Với việc xây dựng và tổ chức thư viện thân thiện trong trường mầm non ở Trường mầm non Vàng Anh, thành phố Kon Tum đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện chương trình GDMN và xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, luôn tạo được sự hứng thú cho trẻ để mỗi ngày đến trường là một niềm vui của trẻ, góp phần nâng cao được chất lượng giáo dục trẻ của nhà trường./

Video liên quan

Chủ Đề