Âm thanh của đàn đá nghe như thế nào

Cập nhật: 11/07/2014 | 08:58

Từ hàng ngàn năm trước, trên vùng đất Tây nguyên đã xuất hiện và lưu truyền một loại nhạc cụ độc đáo, đó là loại nhạc cụ thuộc hệ gõ mà người ta thường gọi là đàn đá, người M’nông gọi là Goong lǔ [tức là cồng đá].

Bộ đàn đá ở Đắk Nông đầu tiên được phát hiện tại huyện Đắk R’lấp năm 1993 [đàn đá Đắk Kar], đã được các nhà nghiên cứu giải mã, tái hiện dòng lịch sử quay về với Tây nguyên thời đồ đá cách ngày nay gần 3000 năm; cho thế hệ đương đại một góc nhìn toàn cảnh về di sản văn hóa độc đáo mà người tiền sử trên vùng đất Đắk Nông đại ngàn đã sáng tạo và lưu truyền đến ngày nay.

Nghệ nhân Điểu Nhôm, bon Bù Biar, xã Quảng Tín [Đắk R’lấp] diễn tấu đàn đá Đắk Ka

Các thang âm của bộ đàn đá này hoàn toàn tương đồng với thang âm cồng chiêng Tây nguyên. Qua hàng ngàn năm, dù đã chuyển sang sử dụng nhạc cụ đồng như cồng và chiêng, nhưng người Tây nguyên vẫn giữ tâm hồn tinh túy, âm hưởng mộc mạc của nhạc cụ thời tiền sử, thể hiện phong tục tập quán chơi đàn đá phổ biến của đồng bào M’nông cổ xưa, được gìn giữ qua nhiều thế hệ như một sự phục hồi và tiếp nối truyền thống văn hóa dân tộc.

Gần đây, người dân huyện Đắk Mil phát hiện bộ đàn đá thời tiền sử, với số lượng thanh âm nhiều nhất từ trước đến nay. Kiểu dáng và hình thức chế tác tinh xảo, đẹp mắt. Theo Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, bước đầu nhận định bộ đàn đá này được người cổ chế tác và sử dụng cách ngày nay khoảng 3000 năm, ở giai đoạn lịch sử thời kỳ đá mới.

Hiện nay, ngành văn hóa đang tham mưu, đề xuất thành lập hội đồng thẩm định giá trị của bộ đàn đá. Hy vọng sẽ làm sáng tỏ diện mạo văn hóa âm nhạc truyền thống của người tiền sử và bảo lưu bản sắc văn hóa tinh túy của nền văn hóa âm nhạc cổ xưa ở Tây nguyên, phát huy hòa quyện cùng dòng nhạc đương đại.

Trong nền văn hóa dân gian, nhất là các dân tộc phía Bắc, nhạc cụ gõ cổ xưa nhất là trống đồng, hay còn gọi là trống đồng Đông Sơn, có niên đại cách ngày nay từ 3000 - 2000 năm [trước Công nguyên]. Song song với giai đoạn lịch sử ấy, người Tây nguyên cũng đã chế tác nhạc cụ đá hàng ngàn năm tuổi. Đàn đá được tạo ra từ nhiều thanh, làm từ đá nham, đá sừng...

Cách thức ghè đẽo khá tinh xảo và trau chuốt; kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau để có được các thang âm trầm bổng, thánh thót khi gõ. Thanh đá dài, to, dày thường có âm trầm và trong. Ngược lại thanh đá ngắn, nhỏ, mỏng thì tiếng thanh... Kích thước của đàn đá thường khá dài nên ít được treo mà được các nghệ nhân đặt nằm song song nhau trên một giá đỡ ngang trong quá trình diễn tấu.

Người tiền sử dùng các loại đá có sẵn ngay trên mảnh đất mình sinh sống để tạo ra đàn đá. Với những phiến đá thô, vô tri, nhưng họ đã nghiên cứu và chế tác ra nhạc cụ để những thanh đá ấy cất lên âm hưởng đại ngàn Tây nguyên từ ngàn xưa vẫn còn vang mãi.

Âm thanh của đàn đá vừa sống động, vừa vui nhộn và trầm lắng, cả nhịp nhàng lẫn du dương khó tả... Thế mới biết ở buổi đầu lịch sử hoang sơ, vừa đấu tranh sinh tồn với môi trường khắc nghiệt của thiên nhiên, nhưng tổ tiên của chúng ta đã khám phá, gửi gắm biết bao điều kỳ lạ, hữu tình vào thế giới kỳ bí của vùng đất hùng vĩ.

Âm hưởng của đàn đá đã được nhiều nhà nghiên cứu nhận định như biểu hiện tâm tư của con người, là yếu tố kết nối giữa vũ trụ, con người, thần linh. Khi nghệ nhân diễn tấu, ở thang âm cao, âm thanh thánh thót, vang vọng; ở thang âm trầm, âm vang như khúc du dương của dòng thác đổ, của gió Tây nguyên đại ngàn rừng núi. Người M’nông quan niệm, âm thanh của đàn đá là mạch huyết nối liền cõi âm với cõi dương, giữa con người với trời đất, thần linh, giữa hiện tại với quá khứ....

Có thể khẳng định, tổ tiên của nhạc cụ truyền thống xuất hiện đầu tiên ở Tây nguyên là đàn đá, khởi nguồn của các nhạc cụ khác, mang tố chất lưu truyền qua nhiều thế hệ; có giá trị văn hóa sâu sắc bổ sung vào sưu tập nhạc cụ cổ đại của dân tộc Việt Nam, đóng góp nguồn tài liệu âm nhạc mới cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học về các nền văn hóa nghệ thuật truyền thống cổ xưa ở vùng đất nam Tây nguyên.

Bài, ảnh: Anh Bằng

Nghệ nhân Trương Đình Chiếu trình diễn âm nhạc trên bộ đàn đá vừa được lắp đặt.

Công trình văn hóa

Nghệ nhân - Kỷ lục gia Trương Đình Chiếu được giới nghệ thuật và công chúng biết đến là một người nghệ nhân có tài chơi được nhiều loại nhạc cụ [ông có thể chơi được 100 loại nhạc cụ và phối khí cùng lúc 10 loại nhạc cụ khác nhau]. Ông đã được Trung tâm UNESCO Văn hóa thông tin truyền thông công nhận là người có thể biểu diễn cùng một lúc nhất Việt Nam [năm 2012]. Ông sinh ra và lớn lên ở TP. Hồ Chí Minh, là Trung úy ngành Công an. Ông đam mê âm nhạc từ nhỏ và kiên trì đeo đuổi theo thời gian cho đến nay.

Với trái tim cháy bỏng cùng âm nhạc dân tộc, ông không chỉ chơi đàn mà còn chế tác đàn đá và trao tặng nhiều nơi để đưa vào phục vụ công chúng. Đến nay, ông đã làm hơn 300 bộ đàn. Trong đó, ông đã trao bộ đàn đá 20 tấn cho Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng tại sóc Bom Bo thuộc xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước; tặng cho nhiều nhà thiếu nhi trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, trường học, thiền viện ở nhiều tỉnh, thành… với mong muốn gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Riêng bộ đàn đá tại Bến Tre cũng đang được Tổ chức xác lập kỷ lục Việt Nam đang tiến hành xem xét, thẩm định để xác lập kỷ lục về công trình văn hóa công cộng có nhiều bộ đàn đá nhất Việt Nam. Ông chia sẻ: “Công trình này là tất cả tâm huyết của tôi với tình cảm dành cho quê hương xứ Dừa. Tôi đã dành sự đầu tư lớn hỗ trợ cho công trình này, với mong muốn không chỉ bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa dân tộc, tạo điều kiện để cộng đồng, quần chúng nhân dân tiếp cận, thụ hưởng và là những người sẽ làm cho văn hóa dân tộc Việt Nam phát triển”.

Nghệ nhân - Kỷ lục gia Trương Đình Chiếu diễn giải thêm, mỗi bộ đàn có hình dáng như một chiếc ghe [hình ảnh vùng sông nước]. Trên hai đầu ghe có biểu tượng như hình trái dừa. 13 bộ đàn hình thành như một đoàn ghe của quê hương xứ Dừa hướng đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và hướng đến sự phát triển về sau. Đây cũng sẽ là một trong những điểm đến tham quan du lịch của du khách khi đến với Bến Tre. Bến Tre sở hữu bộ đàn đá này sẽ là điểm nhấn văn hóa tại địa điểm công cộng [công viên] mà chưa có nơi nào trên toàn quốc có như tương tự.

Gần gũi, dễ thực hành

Bộ đàn đá hiện đã cơ bản được lắp đặt hoàn thiện. Trong những ngày qua, hầu như chiều tối nào cũng có nhiều người dân đến tham quan, trải nghiệm bộ đàn đá trong không khí vui tươi, sôi nổi. Bản thân nghệ nhân Trương Đình Chiếu cũng đã có nhiều lần trình diễn phục vụ bà con đến xem. Ông đã trình diễn bài nhạc như: Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Dáng đứng Bến Tre… được gõ nhịp nhàng, sôi động, tạo cảm xúc hào hứng vui tươi cho người nghe.

Nghệ nhân - Kỷ lục gia Trương Đình Chiếu chia sẻ: Bộ đàn được thực hiện bằng loại đá núi lửa [đá hiếm], được chế tác trở lại thành bộ đàn với nhiều thanh đá [mỗi thanh đá là một nốt nhạc riêng]. Bộ đàn đá này có thể chơi được cho tất cả các bài nhạc, kể cả dàn nhạc giao hưởng. Trong tất cả các loại nhạc cụ, đàn đá là loại nhạc cụ dễ chơi, dễ học. Vì thế, từ các em thiếu nhi đến người cao tuổi đều có thể học và chơi được. Đây là loại nhạc cụ mang nét riêng biệt, khác hẳn những tính năng của các loại nhạc cụ khác. Đặc biệt, âm thanh rất độc đáo. Khi biểu diễn âm nhạc bằng đàn đá, người nghe sẽ cảm nhận âm thanh “rất đầy”, rất liền lạc với tiếng vang của đá.

Trong mấy ngày vừa qua, tại khu vực lắp đặt đàn đá, nhiều em thiếu nhi chỉ độ 4 - 5 tuổi được ba mẹ chở đến tham quan, vui chơi, cũng đã có thể tự gõ chơi được. Em Phan Như Thi - Học sinh lớp 8/3 Trường THCS Thành phố Bến Tre bày tỏ: “Em đã được thầy cô giáo ở trường giới thiệu biết qua thông tin về đàn đá, nhưng chưa thấy trên thực tế. Bản thân em rất thích âm nhạc nên em cảm thấy rất thích khi được trực tiếp trải nghiệm. Tiếng đàn nghe rất hay và thú vị”.

Cùng với việc thực hiện tiến độ công trình, Nghệ nhân - Kỷ lục gia Trương Đình Chiếu vừa tổ chức dạy cho nhiều giáo viên âm nhạc của các trường học trên địa bàn TP. Bến Tre và một số diễn viên Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh. Đây sẽ là nguồn lực để hướng dẫn, phục vụ về sau cho các hoạt động biểu diễn đàn đá tại tỉnh. “Chúng tôi đã được thầy Trương Đình Chiếu hướng dẫn hơn một tuần qua thực hành đàn đá với bài Dáng đứng Bến Tre. Tôi đã biết thông tin về đàn đá nhưng đây là lần đầu tiên tôi trải nghiệm trên đàn đá. Tôi cảm thấy rất hào hứng khi tham gia tập chơi đàn trên bộ đàn đá này. Bộ đàn cũng rất dễ chơi và có thể thực hành được ngay khi thầy hướng dẫn”, cô Nguyễn Thị Ngọc Điệp - Giáo viên âm nhạc, Trường THCS Phú Hưng, TP. Bến Tre chia sẻ.

Nghệ nhân Trương Đình Chiếu gửi gắm: “Tôi đã đặt cả tâm huyết để trao tặng cho quê hương Bến Tre bộ đàn đá này, cũng giống như tôi đã gửi gắm “những đứa con” của tôi lại đây. Vì vậy, tôi rất kỳ vọng, bộ đàn đá sẽ góp phần cho âm nhạc dân tộc ngày càng phát triển ra cộng đồng. Nếu được, tỉnh có thể xem xét đưa vào chương trình giáo dục học đường, tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho các em học sinh để các em được tiếp cận và hiểu thêm về đàn đá dân tộc”.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Đàn đá [ các dân tộc Tây Nguyên, ở Việt Nam gọi là Goong lu, tức “ đá kêu như tiếng cồng ] là loại nhạc cụ thuộc bộ gõ lâu đời tại Việt Nam và là nhạc cụ cổ sơ nhất của loài người.

Đàn được làm từ các thanh đá với kích thước ngắn, dài, dày, mỏng khác nhau. Thanh đá dài, to, dày có âm vực trầm, còn thanh đá ngắn, nhỏ, mỏng thì có âm vực thanh, cao. Đàn đá được UNESCO xếp vào danh sách các nhạc cụ trong không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên

Ở âm vực cao, tiếng đàn đá thánh thót xa xăm. Ở âm vực trầm, đàn đá vang như tiếng dội của vách đá Đàn đá như biểu hiện cho tiếng lòng của người Tây Nguyên, mỗi âm thanh của nó được đánh lên, người nghe như cảm được người Tây Nguyên đang gửi lòng mình vào đá . Tiếng đàn như âm vang trầm hùng của núi rừng, tiếng suối chảy. Tiếng đàn đá còn thay cho lời kể, niềm an ủi, lúc vui, lúc buồn trong cuộc sống  của người dân bản địa.

Bộ đàn đá đầu tiên được phát hiện tại nơi cư trú của đồng bào M’Nông là ở huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắc Nông vào năm 1993. Đồng bào M’Nông ở đây kể rằng: khi đánh cá ở suối Đắk Kar một người dân đã tìm được 3 thanh đá gõ vào nghe âm thanh rất thích.

Sau đó những thanh đá đó được các nhà nghiên cứu xác định là của bộ đàn đá cổ có từ thời đồ đá, cách đây gần 3.000 năm. Người tiền sử đã dùng các loại đá có sẵn ngay trên mảnh đất mình sinh sống để tạo ra đàn đá. Những phiến đá thô, tưởng như vô tri, vô giác đã được người xưa chế tác ra nhạc cụ và thật kỳ diệu từ những thanh đá ấy đã cất lên âm hưởng như tiếng vọng của đại ngàn Tây Nguyên vang vọng tới ngày nay


Nhờ nhạy cảm, giỏi thẩm âm và tìm tòi sáng tạo, người M’Nông đã làm ra những bộ đàn đá nguyên sơ thể hiện sự giao hòa, chinh phục của con người đối với thiên nhiên.  Những phiến đá dùng để làm đàn đá gọi là đá nham, đá sừng. Cách thức ghè đẽo khá tinh xảo và trau chuốt; kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau để có được các thang âm trầm bổng hay thánh thót khi gõ.

Đàn đá cổ xưa đã được đồng bào M’Nông dùng để đuổi chim thú, bảo vệ mùa màng và sau này phục vụ các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ngày thường, người dân thường cất chúng trong gùi lớn, đến lễ tết mới mang ra trưng bày, biểu diễn. Vì ý nghĩa linh thiêng, đây là nhạc cụ duy nhất được trình tấu trong những ngày lẽ hội như: Lễ mừng lúa mới, mừng được mùa, lễ hội ăn trâu, uống rượu cần. .

Người xưa quan niệm âm thanh của đàn đá như một phương tiện để nối liền cõi âm với cõi dương, giữa con người với trời đất thần linh, giữa hiện tại với quá khứ


Qua hàng ngàn năm, dù đã chuyển sang sử dụng nhạc cụ đồng như cồng và chiêng, nhưng người Tây nguyên nói chung và người M’Nông nói riêng vẫn lưu giữ được những bộ đàn đá cổ. Tập quán chơi đàn đá phổ biến của đồng bào M’nông cổ xưa vẫn được gìn giữ qua nhiều thế hệ như tiếp nối truyền thống văn hóa dân tộc.

Video liên quan

Chủ Đề