Bác Hồ tự học như thế nào

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tượng đài vĩ đại cho tinh thần tự học và vươn lên không ngừng nghỉ, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Chính tinh thần học hỏi, ý chí tự học, tự phấn đấu, rèn luyện đã hun đúc nên một Nguyễn Tất Thành, một Nguyễn Ái Quốc, một Hồ Chí Minh, một vĩ nhân Việt Nam, danh nhân thế giới. Một con người với tư duy minh triết, khối óc thông tuệ và một trái tim yêu nước thương dân nồng nàn cùng nhiệt huyết cháy bỏng đã quyết ra đi tự tìm đường cứu nước từ khi mới 21 tuổi. Tinh thần tự học, tự hoàn thiện, ý chí tự vươn lên không chịu khuất phục áp bức, cường quyền của một con người đã biến thành công cuộc giải phóng vĩ đại của một dân tộc. Độc lập tự do của Tổ quốc hôm nay bắt nguồn từ những ngày tháng “Người đi tìm hình của nước”.

Đọc tiểu sử của Người, từ lúc sinh ra, thuở thiếu thời cho đến khi trưởng thành đều trải qua khó khăn, vất vả, thiếu thốn, không có điều kiện được đào tạo bài bản về chính trị, quân sự, ngoại giao, nhưng có lẽ rất khó có một chính trị gia, nhà quân sự, nhà ngoại giao nào hơn thế.

Do đó, Người luôn có thái độ học tập nghiêm túc, ý thức tự học thường trực, coi đó là nguồn gốc căn bản để nâng cao trình độ bản thân. Tấm gương tự học của Người không chỉ ở tinh thần, thái độ cầu tiến trong học tập mà còn thể hiện ở tư duy học tập nghiêm túc, có nền tảng, có tính khoa học; có mục tiêu, kế hoạch cụ thể, có phương thức hành động rõ ràng, có sự kiên trì, bền bỉ, có nỗ lực sáng tạo đổi mới, được nâng tầm thành một triết lý nhân sinh và nghệ thuật rèn luyện. Với những phân tích khoa học về con đường tự học và tinh thần học tập của Bác, điều cần thiết là bài học rút ra cho mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay:

Một là, phải luôn có tư tưởng, ý thức “hướng học” và “hiếu học”. Phải luôn thường trực sự học hỏi, học tập ở mọi nơi mọi lúc, phải kết hợp cả học thường xuyên và linh hoạt với học tập, nghiên cứu bài bản.

Hai là, phải luôn giữ tinh thần, ý chí và nghị lực học tập. Tinh thần học tập cũng là một phẩm chất cá nhân được rèn luyện, thậm chí được coi là một trong những năng lực cá nhân quan trọng trong một số khung năng lực được xây dựng cho cán bộ nhân viên của nhiều tổ chức, công ty hiện nay. Nghị lực học tập phải được thể hiện qua sự quyết tâm, bền bỉ từng ngày chứ không thể học dồn một lúc, học cho xong, “học tới đâu hay tới đó”. Sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật làm cho cái mới cũng trở nên cũ rất nhanh, chỉ cần buông xuôi không cập nhật là trở nên lạc hậu ngay lập tức. Bên cạnh đó, luồng thông tin và kho tri thức nhân loại đã trở nên khổng lồ nhưng lại rất dễ tiếp cận, là tài nguyên mà ai cũng có thể khai thác nhưng muốn làm chủ được chúng thì không thể thông qua mua bán, vay mượn mà chỉ có con đường duy nhất là học tập, tự học hỏi để tích lũy cho bản thân và ứng dụng vào công việc, cuộc sống một cách có ý nghĩa nhất.

Ba là, cần tự học một cách chủ động, sáng tạo chứ không mang tính đối phó hay chạy theo thành tích. Việc trau dồi kiến thức không chỉ xoay quanh điểm số, giấy khen, bằng cấp mà phải nhằm bồi đắp giá trị đích thực để đóng góp cho xã hội.

Bốn là, việc tự học cũng cần có tư duy, có lựa chọn bởi tri thức là vô tận nhưng thời gian, khả năng tiếp nhận của mỗi người là hữu hạn. Giới trẻ là những người rất ham hiểu biết, có khả năng cập nhật liên tục và tiếp thu nhanh nên càng cần tư duy chín chắn và sự lựa chọn sáng suốt trong việc học cái gì, ở đâu, với ai. Kiến thức là nguồn tài nguyên mở nhưng việc tự khám phá, tiếp thu ra sao là sự lựa chọn của riêng mỗi người. Nếu lựa chọn không cẩn thận, theo đuổi một cách xô bồ thì sẽ tốn thời gian, công sức, thậm chí là tiền bạc và chi phí cơ hội cho những điều không thật sự thiết thực, thậm chí có hại, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục và chuẩn mực đạo đức xã hội.

Năm là, ngoài tự học các kiến thức chuyên môn thì cần trang bị cho bản thân các kiến thức nền tảng về chính trị, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, lớp trẻ cần có những hiểu biết vững chắc về lịch sử, truyền thống, phong tục, tập quán và văn hóa Việt Nam, cần thông thạo ngôn ngữ mẹ đẻ trước khi giỏi ngoại ngữ khác. Bác đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Cần trang bị vững chắc các kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, kiến thức tự chăm sóc bản thân và gia đình... Giới trẻ cũng cần tiên phong trong các công việc xã hội - thiện nguyện để mang những hiểu biết cá nhân có được nhờ quá trình học tập, tự học vào các hoạt động ích nước lợi nhà và đóng góp cho cộng đồng, đất nước.

Sáu là, học cần đi đôi với hành. Thực tiễn luôn là thước đo đúng đắn nhất cho mọi bài học. Với mỗi người, tùy ở điều kiện và khả năng, cần siêng năng luyện tập, thực tập trong quá trình tự học. Kỹ năng làm việc và sự cọ sát thực tế chính là tạo nên năng lực và ưu thế cá nhân, bởi khi ra đời, “hay chữ” phải đi đôi với “hay làm” chứ không chỉ là mang lý thuyết, sách vở vào áp dụng một cách cơ học, máy móc.

Bảy là, học tập và tự học là một quá trình suốt đời theo tấm gương của Bác. Do đó, các bạn trẻ không nên “dục tốc bất đạt”, không nên quá áp lực, tự làm khó cho bản thân. Mỗi người có sự phấn đấu, học tập, tự hoàn thiện theo cách riêng của mình và không nên quá chạy đua về học vấn, vị thế.

Tám là, thống kê cho thấy tỷ lệ người Việt Nam sử dụng internet, mạng xã hội hiện nay là rất cao, kéo theo việc lạm dụng thời gian học tập, thời gian làm việc vào tán gẫu, chơi game, lướt web, gây xao lãng nhiệm vụ chính và lãng phí tài nguyên chung. Do đó, thế hệ trẻ thông minh, bản lĩnh cần biết khai thác mặt ưu của công nghệ, của mạng xã hội để phục vụ cho học tập, nhất là việc tự học, cũng như phục vụ cho công việc và cuộc sống của mình; đồng thời biết kiểm soát, giới hạn bản thân để không bị lôi kéo, sa đà và bị ảnh hưởng tiêu cực của những kênh thông tin, trò chơi, trào lưu không tốt trên mạng. Ngoài ra, giới trẻ cũng cần học hỏi, hoàn thiện bản thân về ngôn ngữ, phong cách giao tiếp, kỹ năng ứng xử với xung quanh, tránh việc quá lạm dụng giao tiếp trên mạng, giao tiếp trong môi trường ảo, sử dụng từ tắt, tiếng lóng mà bỏ qua hệ thống từ ngữ chuẩn mực, bỏ qua việc giao lưu xã hội thực tế, tương tác với người thật việc thật.

Chín là, học tập, tự học hỏi, tự rèn luyện mục đích cuối cùng là để phục vụ cho bản thân, gia đình và cao hơn cả là quê hương đất nước. Kết quả của quá trình tự học, học hỏi phải được biến thành sự đóng góp thiết thực, ích nước lợi dân chứ không chỉ nằm trong thành tích học tập. Đặc biệt, những bạn trẻ sớm đi du học và tiếp thu tinh hoa văn hóa phương Tây càng cần có ý thức hướng về quê hương để mang những kiến thức, hiểu biết của mình đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Mười là cần có phương pháp, công cụ học tập đúng đắn. Đã qua thời học tập theo mô hình một thầy giảng và nhiều người nghe trong một lớp học tập trung, mà kiến thức đang được tiếp thu liên tục thông qua quá trình tự học hỏi, tự tìm tòi, tự tiếp nhận. Quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay đã giúp người học có thêm nhiều công cụ học tập như học điện tử [e-learning], học trên di động [mobile learning], học cộng tác/xã hội [social learning], học siêu ngắn [microlearning]… rất nhanh chóng, mọi lúc mọi nơi và trên nhiều phương tiện, công cụ khác nhau [máy tính, máy tính bảng, điện thoại...].

Ngày nay, chúng ta có điều kiện và cơ hội tự học lớn hơn nhiều so với thời đại của Bác, với sự trợ giúp của công nghệ. Giới trẻ đang có điều kiện đầy đủ hơn về vật chất, tinh thần, nếu không nâng cao ý thức học tập, tự học, tự rèn luyện thì không thể tài giỏi và trở thành những người có ích cho cộng đồng, cho đất nước.

Thực tế cho thấy,  để làm được như trên, yêu cầu mỗi con người Việt Nam; đặc biệt là thế hệ trẻ phải ra sức học tập, rèn luyện; biến đó trở thành nhu cầu thiết yếu của mỗi cá nhân. Học tập là điều cần thiết trong quá trình tiếp nhận tri thức, là hoạt động có mục đích của con người. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, học tập trong đó tự học có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định tạo nên trí tuệ của Người. Tự học tập và học tập suốt đời là một luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Bác chính là một tấm gương sáng về tự học tập, tự rèn luyện để chúng ta noi theo.

Bác Hồ đã dạy: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ; Học để phụng sự đoàn thể”. Học phải có ý chí quyết tâm để phục vụ nhân dân, chứ không phải học để thăng quan, tiến chức. Đối với Bác, học tập chính là một nhu cầu mà ngay từ thời trẻ đến mãi sau này, khi đã tuổi cao, sức yếu, Người vẫn thường xuyên học tập không chút lơ là.

Ngày 5 tháng 6 năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, lấy tên là Văn Ba làm phụ bếp cho một tàu buôn của Pháp, rời bến Nhà Rồng ra nước ngoài bắt đầu một hành trình lâu dài, gian khổ tìm đường cứu nước. Nguyễn Tất Thành ra đi với hành trang trên vai là chủ nghĩa yêu nước, mang theo một chí hướng lớn với một niềm tin sắt đá: Hẹn ngày trở về giải phóng Tổ quốc và đem lại tự do cho đồng bào. Người đã đến nhiều đất nước khác nhau, đã gặp nhiều màu da, tiếng nói khác nhau, đó là cuộc sống tăm tối cực khổ của nhân dân các nước thuộc đia. Chính từ đây, những nhận thức về giai cấp, tình cảm giai cấp và tinh thần quốc tế vô sản đầu tiên đã hình thành ở Người: "Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản". Lòng yêu nước của Người được thể hiện qua quá trình tìm tòi, nghiên cứu và hoạt động cách mạng. Yêu nước, Người đã tự nguyện chấp nhận cuộc sống làm thuê với đồng tiền công ít ỏi, rẻ mạt để kiếm sống, để hoạt động chính trị. Trong suốt hành trình tìm đường cứu nước, tài sản duy nhất và quý báu nhất của Người lúc đó là hai bàn tay, đôi mắt và con tim, khối óc cùng với khát vọng giải phóng dân tộc. Chính khát vọng đó đã hun đúc cho người thanh niên mảnh khảnh một sức mạnh phi thường, bền bỉ tự học, tự đào tạo để có đủ khả năng cứu nước, cứu dân. Đến đâu, Người cũng học, tìm mọi cách để học. Người tìm hiểu phong tục tập quán ở những nơi mình đi qua để nâng cao tri thức; học nghề để kiếm sống, kiếm sống để hoạt động cách mạng. Bác đã học và làm rất nhiều nghề khác nhau, bắt đầu từ việc làm thợ đốt lò trên tàu viễn dương, làm đầu bếp ở Mỹ, quét tuyết ở Anh, bốc thuốc ở Thái Lan, viết báo, viết truyện, viết kịch, làm thợ chụp ảnh, thợ sửa đồng hồ… Làm rất nhiều việc, nhưng nhờ tự học mà Bác làm việc gì cũng giỏi. Danh họa Picaso đã nhận xét về những bức tranh do Bác vẽ trên báo “Người cùng khổ”: “Chỉ mấy nét vẽ này thôi, ta đã thấy một tư tưởng lớn, một tâm hồn lớn tiềm ẩn bên trong. Nếu tác giả tiếp tục con đường hội họa thì ắt sẽ trở thành một đại danh họa!”. Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một sự nghiệp văn chương phong phú và vô giá, tiêu biểu là tập thơ “Nhật ký trong tù”. Như chúng ta đã biết, học chữ Hán cực kỳ khó, để nắm vững nó và làm thơ thì lại khó hơn gấp bội. Chắc chắn, nếu Bác không có quá trình nỗ lực tự học thì sẽ không làm được điều đó.

 Cuộc đời của Bác là một quá trình vừa học tập vừa hoạt động cách mạng. Học tập để hoạt động cách mạng, đạt được mục đích, lý tưởng của mình; qua hoạt động cách mạng, không ngừng học tập, hoàn thiện tri thức và nhân cách của bản thân. Quá trình ấy đã tạo nên Hồ Chí Minh, một thầy giáo mẫu mực, một nhà giáo dục vĩ đại. Người đã để lại tấm gương cao đẹp về tinh thần tự học và học tập suốt đời mà chúng ta phải noi theo. Trong bản lý lịch đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII tại Mát-xcơ-va vào tháng 8 năm 1935, Bác đã khai rõ trong lý lịch: “Họ và tên: Lin. Trình độ học vấn: Tự học”. “Biết các thứ tiếng: Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga”. Trên thực tế, dựa vào những lần Bác đi thăm nước ngoài, cũng như những lần đón tiếp các phái đoàn ngoại giao tới thăm Việt Nam, chúng ta còn được biết vốn ngoại ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh không dừng lại ở đó, Người còn có thể sử dụng thông thạo khá nhiều ngoại ngữ khác nữa như: Tiếng Thái Lan, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập, tiếng của rất nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam… vốn ngoại ngữ đó của Bác không phải do tự nhiên mà có, mà chính là cả một quá trình khổ công rèn luyện, học tập của Người.

Việc tự học của Bác Hồ có mục đích cuối cùng là làm cách mạng, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Người đã đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi bằng sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam. Vận dụng sáng tạo chính là quá trình tự thích nghi, tự tìm tòi thâm nhập thực tiễn, đúc rúc kinh nghiệm, phát huy nội lực. Sâu xa hơn, đó là quá trình tự học, tự giáo dục để làm cho nhân cách và năng lực của mình phù hợp với mục tiêu, lý tưởng, phù hợp với yêu cầu công việc. Việc tự học của Bác diễn ra suốt cả cuộc đời cách mạng của mình, cho tới khi tuổi cao, sức yếu, Bác vẫn giữ được tinh thần tự học như xưa. Đại tướng Hoàng Văn Thái lại, năm 1969, mỗi lần đến làm việc, ông thường thấy trên chiếc bàn nhỏ cạnh giường của Bác để nhiều sách báo. Ông lo lắng đến sức khỏe của Bác, nên đề nghị: “Thưa Bác, Bác mệt, Bác nên đọc ít, để nhiều thời gian nghỉ ngơi thư thả cho lại sức”. Bác trả lời, giọng như tâm sự mà dứt khoát từng lời: “Chú bảo Bác không đọc sách báo ư? Dù già yếu cũng phải học, phải đọc sách báo nâng cao hiểu biết và nhất là vấn đề nắm vững tình hình chứ!”.  

Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về tinh thần tự học, lấy tự học làm cốt, làm phương thức chủ yếu để nâng cao trình độ mọi mặt của bản thân. Song tự học ở Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là một sự ngẫu hứng, tùy ý vô nguyên tắc… mà tự học ở Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một khoa học, một nghệ thuật, một triết lý nhân văn sâu sắc với một kế hoạch cụ thể, chặt chẽ, khoa học; với một ý chí và quyết tâm bền bỉ, dẻo dai, tinh thần sáng tạo, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học. Đặc biệt, Người tự học với một động cơ trong sáng với ý nguyện cao cả là tìm ra con đường cứu nước, cứu dân, làm cho đất nước độc lập, nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc. Tấm gương tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, soi xét trong thực tiễn đã qua, hiện nay và cả mai sau, vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa giáo dục hết sức sâu sắc; đó mãi là một tấm gương sáng ngời, một di sản vô giá đối với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục của Đảng và nhân dân ta. Mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng cần ghi sâu những lời dạy của Bác, noi theo Người về nghị lực học tập, rèn luyện để có đủ đức, đủ tài phục vụ nhân dân. Tấm gương tự học và những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề tự giáo dục mãi mãi tỏa sáng, soi rọi cho mỗi chúng ta phấn đấu, rèn luyện, tự vươn lên trong tu dưỡng bản thân để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./.

N.X.D

Video liên quan

Chủ Đề