Bài văn ngắn về lòng biết ơn thầy cô năm 2024

Ông cha ta có câu: "Con ơi ghi nhớ lời này/ Công cha, nghĩa mẹ, công thầy chớ quên." Câu ca dao đã nhắc nhở chúng ta về truyền thống "tôn sư trọng đạo", tấm lòng biết ơn thầy cô giáo. Đây là một nét đẹp văn hóa của dân tộc ta. Lòng biết ơn thầy cô là sự ghi nhận những công lao, đóng góp của họ. Chính thầy cô là người đã giúp ta khai phá kho tàng kiến thức đồ sộ, quý báu. Bên cạnh cha mẹ, người thân, thầy cô cũng luôn là những người luôn quan tâm, yêu thương chúng ta hết mực. Bởi vậy, chúng ta cần phải thể hiện sự kính trọng, biết ơn đối với họ. Chúng ta có thể bày tỏ lòng tri ân của mình bằng cách không ngừng nỗ lực, học tập, trau dồi kinh nghiệm, tích lũy kiến thức. Đồng thời, tích cực tham gia vào các hoạt động tri ân thầy cô như ngày 20/11. Đây chính là cơ hội để mỗi thế hệ học sinh gửi lời cảm tạ chân thành, sâu sắc đến những người đã có công dạy dỗ mình. Dù rời xa mái trường thì thầy cô vẫn luôn là những người mà chúng ta nhớ đến đúng như lời nói của triết gia người Mỹ Sidney Hook: "Bất cứ ai khi nhớ đến hồi đi học đều nhớ đến các thầy cô giáo chứ không phải là các phương pháp hay kĩ thuật giảng dạy. Thầy cô chính là trái tim của hệ thống giáo dục.".

  1. Đoạn văn mẫu nghị luận về lòng biết ơn thầy cô - mẫu số 2:

Từ xa xưa, ông cha ta đã nhắc nhở con cháu phải biết "Tôn sư trọng đạo". Truyền thống tốt đẹp đó vẫn luôn được giữ gìn và phát huy tới tận hôm nay. Ngày nay, tiếp nối truyền thống quý báu ấy, chúng ta vẫn luôn thể hiện tấm lòng kính trọng tới thầy cô giáo - những người đang ngày ngày chèo lái con thuyền tri thức. Trước hết, biết ơn thầy cô chính là luôn trân trọng công ơn dạy dỗ, chỉ bảo của họ. Chúng ta cần gửi lời cảm ơn sâu sắc đến họ bởi thầy cô là người đã có công dạy dỗ, bảo ban chúng ta nên người. Họ luôn cố gắng truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm quý báu của mình cho học sinh. Dù vất vả, gian khó nhưng bằng tình yêu thương sâu sắc với học sinh và lòng nhiệt huyết với nghề, chưa bao giờ thầy cô ngừng quan tâm, chăm sóc và yêu thương chúng ta. Khi chúng ta tỏ lòng thành kính tới thầy cô, họ như được tiếp thêm động lực để tiếp tục công cuộc "trồng người" cao quý. Vì thế, là những học trò đang ngồi dưới mái trường, được thầy cô dìu dắt, thương yêu, chúng ta cần ngoan ngoãn, lễ phép và tích cực rèn luyện trong học tập. Có như vậy, thầy cô mới yên tâm, an lòng.

Viết đoạn văn ngắn về lòng biết ơn thầy cô giáo tuyển chọn hay nhất

2. Bài văn mẫu nghị luận về lòng biết ơn thầy cô:

  1. Bài văn mẫu nghị luận về lòng biết ơn thầy cô - mẫu số 1:

Ông cha ta có câu ca dao:

"Muốn sang thì bắc cầu Kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy"

Trải qua bao thời gian, bài ca dao vẫn vẹn nguyên giá trị nhân văn. Nó nhắc nhở mỗi người chúng ta phải luôn ghi nhớ, biết ơn công ơn dạy dỗ, chỉ bảo của thầy cô giáo. Từ đây, mỗi người cần tiếp tục tiếp nối truyền thống tốt đẹp ấy.

Đầu tiên, lòng biết ơn là sự trân trọng, nâng niu công lao mà người khác đã đem tới cho mình. Như vậy, biết ơn thầy cô chính là việc chúng ta bày tỏ tấm lòng kính trọng, ghi tạc những điều tốt đẹp mà thầy cô mang đến.

Bạn có dám tự tin khẳng định rằng bản thân không cần thầy cô dạy dỗ mà vẫn thành tài hay không? Chắc chắn là có rất ít cá nhân làm được điều này. Ngay từ thơ bé, thầy cô đã dạy ta phải biết hiếu thảo, lễ phép với ông bà, cha mẹ. Lớn lên, thầy cô lại truyền cho ta những kiến thức bổ ích, phục vụ vào đời sống. Mười hai năm học hành trên ghế nhà trường, thầy cô luôn đồng hành, giúp đỡ tất cả các học trò. Không chỉ giảng dạy tri thức bài học, thầy cô còn chỉ bảo về kinh nghiệm sống quý báu. Như vậy, công ơn to lớn của họ là không thể cân đo đong đếm. Họ đã dùng hết nhiệt huyết, tuổi trẻ để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vĩ đại.

Vì thế, chúng ta - những cô cậu học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường phải luôn biết ơn, quý trọng thầy cô. Để làm được điều đó, mỗi người hãy chăm chỉ, cố gắng học tập, tích lũy thêm nhiều tri thức. Đồng thời, không ngừng vươn lên trong quá trình học tập. Ngoài ra, chúng ta cũng cần ngoan ngoãn, lễ phép và có thái độ cư xử đúng đắn với người thầy, người mẹ thứ hai của mình. Hãy trở thành người con ngoan, trò giỏi để thầy cô vui lòng, bạn nhé!

Thầy cô mãi là người che chở, yêu thương học trò vô điều kiện. Mong rằng, chúng ta sẽ luôn khắc ghi tấm lòng biết ơn đối với họ. Đừng ngần ngại khi thể hiện tình cảm tới những người đã dẫn đường, chỉ lối cho mình trên con đường tri thức nhé!

  1. Bài văn mẫu nghị luận về lòng biết ơn thầy cô - mẫu số 2:

Người xưa có bài ca dao:

"Mẹ cha công đức sinh thành

Ra trường thầy dạy, học hành cho hay

Muốn khôn thì phải có thầy

Không thầy dạy dỗ, đố mày làm nên

Mười năm luyện tập sách đèn

Công danh gặp bước chớ quên ơn thầy

Yêu kính thầy mới làm thầy

Những phường bội bạc sau này ra chi"

Có thể thấy, bài ca dao trên là lời nhắn nhủ của ông cha đến các thế hệ con cháu về lối sống ân nghĩa đối với những người thầy. Lòng biết ơn với thầy cô từ lâu đã trở thành nét đẹp ứng xử, văn hóa của dân tộc ta. Chúng ta cần phải tiếp tục, giữ gìn, phát huy truyền thống quý báu ấy.

Trước hết, biết ơn là thấu hiểu và ghi nhớ công ơn của người khác đối với mình. Khi được người khác giúp đỡ, yêu thương, chúng ta không chỉ khắc ghi mà còn phải tự ý thức về việc báo đáp, trả ơn cho họ. Biết ơn thầy cô cũng như thế. Lòng biết ơn thầy cô chính là sự ghi nhận, kính mến, khắc ghi những công lao to lớn của thầy cô đối với mình.

Những người kính trọng thầy cô là những người có nhân cách cao cả và phẩm chất tốt đẹp, trong sạch. Từ xa xưa, có biết bao tấm gương "tôn sư trọng đạo". Một trong số đó là câu chuyện được lưu truyền sử sách về nhà vua Thiệu Trị. Vua rất coi trọng, kính nể thầy Nguyễn Đăng Tuân. Nhà vua muốn bổ nhiệm ông vào vị trí Thượng thư bộ Lễ như một cách để cảm ơn người thầy của mình. Tuy nhiên, ông khẩn thiết xin từ, chỉ dâng bài biểu khuyên vua chú trọng đạo hiếu và tập trung xây dựng đất nước. Vua thấy thế thì vô cùng cảm kích, lại ra chiếu chỉ vời ông về làm chức Sư bảo để dạy dỗ cho các hoàng tử. Tấm lòng của vua Thiệu Trị thật đáng quý biết bao!

Người thầy luôn giữ vị trí quan trọng trong xã hội. Họ không chỉ là người truyền đạt kiến thức, hiểu biết mà còn là những người yêu thương, quan tâm học sinh. Họ là người dẫn dắt, đưa ra định hướng cho thế hệ trẻ. Dù tài liệu, giáo trình, sách vở có hay đến đâu nhưng thiếu vắng đi sự hướng dẫn của người thầy thì cũng không thể phát huy hết tác dụng. Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất đề cao vai trò của người thầy trong xã hội. Người từng nói: : "Những người thầy giáo tốt là những người vẻ vang nhất, là những anh hùng vô danh.". Chúng ta sẽ không thể kể hết được những hi sinh, cống hiến thầm lặng của họ. Bởi vậy, họ xứng đáng được mọi người trong xã hội tôn trọng, biết ơn.

Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, chúng ta không thể phủ nhận một thực trạng đáng buồn là có rất nhiều học sinh có lối hành xử, thái độ không đúng đắn với giáo viên giảng dạy mình. Các bạn dùng lời nói thiếu chuẩn mực, xúc phạm đến danh dự của thầy cô. Thậm chí, một số bộ phận còn có những hành động thái quá, vi phạm nghiêm trọng đạo đức của người học sinh. Chúng ta cần lên án mạnh mẽ những cá nhân như vậy.

Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta hãy thể hiện lòng biết ơn với thầy cô giáo bằng cách học tập thật tốt, không ngừng trau dồi, rèn luyện bản thân; thể hiện thái độ, hành động chuẩn mực, đúng đắn.

Thầy cô giống như người cha, người mẹ thứ hai của chúng ta. Dù họ không sinh ra ta nhưng lại có công dạy dỗ to lớn. Chúng ta trưởng thành, khôn lớn như ngày hôm nay cũng là nhờ một phần lớn công lao của người thầy. Chính vì vậy, hãy gửi lời tri ân sâu sắc, chân thành nhất đến họ nhé!

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

//thuthuat.taimienphi.vn/nghi-luan-xa-hoi-ve-long-biet-on-thay-co-giao-van-mau-lop-9-72460n.aspx

Chủ Đề