Bài văn tri ân các anh hùng dân tọc năm 2024

Giữa những ngày tháng 7 lịch sử - tháng của những hoạt động ‘đền ơn, đáp nghĩa”, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã cống hiến hy sinh trọn đời mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; Đoàn công tác gồm Lãnh đạo và Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố Hải Phòng đã có một cuộc hành trình về nguồn đầy ý nghĩa, thăm lại chiến trường xưa để dâng hương, dâng hoa nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ đang yên nghỉ nơi dải đất miền Trung gió lào, cát trắng với những chiến công hào hùng trong lịch sử dân tộc.

Chúng tôi về thăm Ngã ba Đồng Lộc thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh vào dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc [24/7/1968 -24/7/2018]. Lần đầu tiên đến với địa danh lịch sử này, lòng mỗi người không nén được sự bồi hồi, xúc động. Giọng thuyết minh của cô gái người Hà Tĩnh lúc trầm bổng, khi sâu lắng như đưa chúng tôi trở về với ký ức tại Ngã ba Đồng Lộc cách đây 50 năm về trước. Là “Yết hầu” của mạch giao thông nối liền "Hậu phương lớn miền Bắc" với "Tiền tuyến lớn miền Nam" nên Mỹ đã tập trung toàn lực để cắt đứt con đường này. Chỉ riêng nửa đầu năm 1968, chúng đã trút xuống nơi đây 4.200 quả bom và tên lửa các loại, không kể bom nổ chậm và mìn sát thương... mỗi m2 ở Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn. Sau những đợt bom đạn oanh tạc còn chưa tan khói, những lực lượng thanh niên xung phong [TNXP] không quản ngại gian khổ, hy sinh lại ào lên để lấp hố bom, dẫn đường cho những chuyến xe chở hàng tiếp tế cho chiến trường miền Nam.

Đoàn công tác Trung tâm TGPL Nhà nước thành phố dâng hương, dâng hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ, TNXP đã ngã xuống tại Ngã ba Đồng Lộc

Cũng chính tại nơi Ngã ba huyền thoại này, vào buổi chiều ngày 24/7/1968 đã chứng kiến sự hy sinh anh dũng của mười cô gái thuộc Tiểu đội 4, Tổng đội thanh niên xung phong 55 Hà Tĩnh. Trong số họ, người trẻ nhất là chị Võ Thị Hà, lúc hy sinh chỉ mới tròn 17 tuổi. Người lớn tuổi nhất cũng chỉ mới 24 tuổi. Mười đóa hoa bất tử ấy đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân, đã kiên cường chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp của dân tộc và rồi đã hòa vào lòng đất mẹ, vào trời xanh, mây trắng của mảnh đất Can Lộc, Hà Tĩnh anh hùng. Ngày nay, khu mộ của 10 cô gái TNXP đã được xây dựng khang trang trong quần thể các di tích gồm tượng đài chiến thắng Đồng Lộc, Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc, Tháp chuông đền thờ Ngã ba Đồng Lộc. Nơi yên nghỉ của các chị nằm dưới hàng thông xanh lộng gió, trong thoang thoảng hương bồ kết, trong ngọt ngào tiếng mẹ ru và trong veo một khoảng trời con gái… Thắp nén hương thơm cùng những nhành hoa trắng tinh khôi lên phần mộ các chị, mỗi người chúng tôi bày tỏ lòng thành kính, tri ân công lao to lớn của những người nữ anh hùng đã làm nên lịch sử, đã trở thành huyền thoại về tinh thần yêu nước, góp phần tô thắm hình ảnh người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Kính cẩn đặt những đóa cúc trắng tinh khôi trên phần mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong

Đến dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị - Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nằm giữa trung tâm thị xã Quảng Trị [tỉnh Quảng Trị], đứng soi mình bên dòng sông Thạch Hãn hiền hòa. Khung cảnh nơi Thành cổ thật yên tĩnh, thanh bình đến lạ thường, chỉ nghe thấy tiếng chim hót trên những hàng cây xanh rợp mát như chở che cho các anh hùng, liệt sĩ đang yên giấc trong lòng đất mẹ. Không thể tưởng tượng nổi, trong những năm tháng chiến tranh, nơi đây đã từng là “túi bom” hứng chịu không biết bao nhiêu vũ khí, đạn dược tối tân hiện đại của kẻ thù và đã ghi danh vào trang sử oanh liệt của Dân tộc Việt Nam với cuộc chiến đấu oai hùng 81 ngày đêm [từ 28/6 đến 16/9/1972] để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Đoàn công tác đặt vòng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm các liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị

Bước chân vào Thành cổ Quảng Trị như đi vào cõi linh thiêng, bởi dưới lớp cỏ non Thành cổ, lòng đất đã thấm đẫm máu của hàng ngàn chiến sĩ và đồng bào Quảng Trị. Dọc hai bên lối đi là những phiến đá được khắc những câu thơ làm lay động lòng người:

“Hễ có Việt Nam có Cổ Thành

Kết vòng hoa lửa nối Khe Sanh

Huân chương khó đủ từng viên gạch

Tấc đất từng giây mỗi lá cành”

hay

“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ

Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió

Ru mãi bài ca Bất tử đến vô cùng”.

Mỗi người chúng tôi như bị cuốn hút vào lời kể của anh hướng dẫn viên về ý nghĩa của từng chi tiết trong thiết kế của Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ được xây dựng giữa trung tâm Thành cổ, về những chiến công vẻ vang của những người chiến sĩ bảo vệ Thành cổ trong mùa hè đỏ lửa năm xưa… Nhiều người trong đoàn mắt đã đỏ hoe khi nghe anh giới thiệu về bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, quê ở xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương [tỉnh Thái Bình], viết vào ngày 11/9/1972, trước khi anh hy sinh 3 tháng 20 ngày như một lời trăng trối gửi về gia đình và người vợ mới cưới, trong thư anh đã dự cảm chính xác ngày mình hy sinh, nơi chôn cất và hướng dẫn tỉ mỉ người vợ đi tìm mộ mình ra sao sau ngày đất nước thống nhất. Sau bao nhiêu năm, lần theo thông tin ấy, gia đình đã tìm được hài cốt của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh theo đúng những gì anh miêu tả trong thư.

Bồi hồi xúc động khi nghe hướng dẫn viên thuyết minh

về những kỷ vật của các liệt sĩ còn lưu giữ tại Thành cổ Quảng Trị

Bức thư của Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị - như một minh chứng cho sức sống, ý chí kiên cường, bất khuất và lý tưởng sống cao đẹp “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!” của lớp lớp thanh niên thời bấy giờ. Để rồi hôm nay khi bước chân vào Thành cổ, bất cứ ai cũng cố bước đi thật nhẹ vì họ hiểu rằng từng tấc đất nơi đây đều có máu xương của hàng nghìn anh hùng, liệt sĩ đổ xuống, thấm vào trong từng nhành cây ngọn cỏ, hồn thiêng của các anh mãi hòa vào hồn thiêng xứ sở, trở thành tượng đài bất tử trong lòng dân tộc, quê hương.

Tiếp nối hành trình tri ân, chúng tôi đến viếng thăm Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn [huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị], nơi yên nghỉ của hơn 10.000 liệt sĩ ở khắp mọi miền của Tổ quốc đã chiến đấu và hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Mỗi người đến từ những địa phương khác nhau, ra đi trong những thời khắc lịch sử khác nhau, nhưng họ đều có chung một niềm tin và khát vọng sẵn sàng “ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, vì hòa bình, thống nhất Tổ quốc và họ đã cùng nhau nằm lại giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Sau nghi lễ dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của cả nước, chúng tôi được những đứa trẻ người Vân Kiều chỉ dẫn, đến với khu vực mộ phần của các liệt sĩ quê ở Hải Phòng. Không khó để nhận ra phần mộ 275 liệt sĩ của thành phố Cảng bởi trước mắt chúng tôi là biểu tượng của Đài tưởng niệm cao 8 m được thiết kế mô phỏng những cánh hoa phượng vĩ – Loài hoa biểu tượng của Hải Phòng luôn rực cháy giữa đại ngàn Trường Sơn. Đây là công trình thể hiện tình cảm và tấm lòng tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố với những người con ưu tú của quê hương đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này.

Thắp hương tưởng nhớ những người con ưu tú của thành phố Cảng Hải Phòng

“Trung dũng – Quyết thắng” đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn

Màu trắng của những dãy mộ liên tiếp xen lẫn vào màu xanh của những cánh rừng thông tĩnh lặng, của những chùm hoa phượng vĩ đỏ thắm cùng làn khói hương bay lãng đãng làm không khí trong nghĩa trang càng trở nên tôn nghiêm hơn trong nắng chiều. Giữa không gian thiêng liêng và xúc động, khi đứng trước những ngôi mộ nằm cạnh nhau, trải dài trên đồi núi mênh mông, lòng mỗi người như lắng lại, bồi hồi cảm phục về tinh thần yêu nước, sự quả cảm và ý chí bất khuất kiên cường của những người lính trường sơn năm xưa đã không tiếc tuổi thanh xuân, cống hiến máu xương vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì sự trường tồn của Tổ quốc.

Cũng trong chuyến hành trình về nguồn, Đoàn đã tới dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa – Đảo Yến, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình dưới chân đèo Ngang đầy nắng, gió và sóng biển rì rào. Đoàn đã kính cẩn dâng hương bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn vô hạn đối với Đại tướng - người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, gắn liền với những chiến công hiển hách trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc.

Trải qua chặng đường dài hơn 650 cây số về với miền Trung - “vùng đất lửa” lịch sử, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã để lại cho mỗi thành viên trong đoàn những kỷ niệm sâu sắc và nhiều bài học bổ ích. Qua chuyến đi đầy ý nghĩa lần này, chúng tôi đã thực sự thấu hiểu được phần nào những mất mát, hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước để cho chúng ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay. Và chúng tôi tự nhủ với lòng mình phải có trách nhiệm hơn, phấn đấu nhiều hơn trong công việc trợ giúp pháp lý mang nhiều ý nghĩa nhân văn mà Đảng và Nhà nước giao phó, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng thêm giàu đẹp, văn minh./.

Chủ Đề