Bố của ca sĩ hoàng thùy linh là ai?

Đây là lần đầu tiên bố ruột của nữ ca sĩ chia sẻ về sự việc con gái bất ngờ nhắc lại chuyện nhạy cảm ở quá khứ, gây xôn xao những ngày qua.

Thời gian gần đây, cộng đồng mạng và đông đảo người hâm mộ trở nên xôn xao khi Hoàng Thùy Linh nhắc lại scandal ở quá khứ cách đây 10 năm trong buổi ra mắt dự án kỉ niệm 10 năm hoạt động nghệ thuật. Đã có không ít lần giọng ca Bánh trôi nước từ chối chia sẻ về chuyện cũ, nên khi cô chủ động gợi lại như thế này đã khiến mọi người có không ít hoang mang.

Cô nức nở khi nói đến: "Linh nghĩ mình nợ cái tên Vàng Anh một lời xin lỗi chân thành, và sau 10 năm thì mình đã có đủ dũng khí để đối diện. Ngày hôm nay giống như là Hoàng Thùy Linh của hiện tại gặp lại mình cách đây 10 năm...".

Bên cạnh phản ứng của các đồng nghiệp Hoàng Thùy Linh thì mới đây bố ruột của nữ ca sĩ - ông Hoàng Thanh Long cũng vừa có những chia sẻ xoay quanh sự việc của con gái.

Được biết, bố Hoàng Thùy Linh hoàn toàn tin tưởng vào quyết định của con gái, bởi lẽ ông cảm nhận con gái đã hết sức mạnh mẽ khi vượt qua được những thử thách của giai đoạn kinh khủng nhất của cuộc sống.

"Cuộc đời con người luôn có đủ cung bậc đau khổ, bất hạnh, niềm vui và hạnh phúc. Phải trải qua bất hạnh mới có quả ngọt như hôm nay. Chính vì vậy mà gia đình luôn nói với Linh, hãy sòng phẳng với quá khứ, với những sự kiện xảy ra trong cuộc sống của mình thì mới thanh thản được. Con người ai cũng một đôi lần vướng vào những sự cố nhưng chúng ta hay chọn cách né tránh, biến mất chứ ít khi dám đối diện chứ nói gì đến xin lỗi bản thân và công chúng. Linh của ngày hôm nay thực sự là vươn lên từ đống tro tàn để rồi hồi sinh và trở nên mạnh mẽ hơn", bố Hoàng Thùy Linh chia sẻ trong một lần trả lời phỏng vấn cho một trang tin điện tử.

Bên cạnh đó, ông cho rằng việc con gái xin lỗi nhân vật Vàng Anh là một điều hết sức cần thiết cho thời gian sắp tới. Bởi lẽ, đam mê của Hoàng Thùy Linh ngoài âm nhạc nó còn là điện ảnh.

Hoàng Thùy Linh từng học đạo diễn truyền hình và đỗ thủ khoa.

Vì biến cố năm xưa mà Hoàng Thùy Linh phải chọn việc tạm gác điện ảnh sang một bên, tập trung ca hát để được sống với nghệ thuật. Thời gian tới, cô sẽ sẽ học lên Tiến sĩ chuyên ngành Điện ảnh - Truyền hình.

Bố của Hoàng Thùy Linh cũng chia sẻ, gia đình cô đã không còn ở căn nhà cũ tại Văn Chương [Hà Nội], nhưng họ cũng không bán đi vì đó là nơi chứng kiến rất nhiều kỉ niệm cũng như khó khăn, khủng hoảng của gia đình.

Dù con gái đã lớn và trưởng thành nhưng bố mẹ luôn sát cánh và là điểm tựa vững chắc cho Hoàng Thùy Linh trong mọi công việc và cuộc sống. Bằng chứng cụ thể đó là mẹ của nữ ca sĩ luôn đồng hành cùng con trên từng cây số mỗi khi con gái xuất hiện ở đâu đó.

Ảnh: Tổng hợp

*Cùng đón xem tin tức sao Việt mới nhất trên YAN nhé!

Ba năm sau scandal, Hoàng Thùy Linh và bố cô - ông Hoàng Thành Long đã trả lời phóng viên về những hệ lụy sau cú vấp ngã của một ngôi sao.

>> Lắng nghe Hoàng Thùy Linh

“Tôi bạc trắng tóc suy nghĩ về con” Chúng tôi tìm đến gia đình Hoàng Thùy Linh một ngày hè nắng gắt... Phòng khách, nơi tập luyện của Linh từ khi 4 tuổi, vẫn còn đó hai tấm gương bản lớn và chiếc tay vịn bằng gỗ dành cho trẻ học múa. Cũng chính tại căn phòng này, bên bộ ghế mây đơn giản, gia đình Hoàng Thùy Linh đã cùng ngồi lại, đùm bọc nhau trong những giây phút tưởng như khó khăn nhất cuộc đời.

Ông Hoàng Thành Long, bố Hoàng Thùy Linh, chầm chậm kể: “Tôi giữ tất cả những tờ báo nói về con gái mình, có thời điểm ngày nào cũng thấy tin con trên báo, bạn thử nhẩm tính trong ba năm qua biết là bao nhiêu. Nếu nhắc lại chuyện cũ của con là tôi đang làm cái việc ném hòn đá xuống mặt nước đã phẳng lặng. Chúng tôi chỉ biết con ngã ở đâu sẽ phải đứng lên ở đó”. Lòng chưa vơi những nỗi băn khoăn, nhưng cuối cùng ông cũng chấp thuận chia sẻ phần nào những trải nghiệm của một người cha.

Cuộc sống của Hoàng Thùy Linh và gia đình trong suốt ba năm qua như thế nào, thưa ông? - Gia đình tôi thống nhất với nhau một điều: không bao giờ nhắc lại chuyện cũ! Chúng tôi chỉ sống cho hiện tại và tương lai, sống một cách tích cực. Nếu nhắc lại quá khứ thì tôi là người có tội với con. Hiện tại của Linh bước đầu có những thành công nho nhỏ. Từ thành công này tôi muốn Linh tiếp tục phát huy, xem khả năng tự có đến đâu.

Chúng tôi cũng bình thường như mọi gia đình khác mà thôi. Hoàng Thùy Linh chỉ được ưu tiên hơn một chút là sinh ra trong gia đình làm nghệ thuật. Và con đường đó chưa hề bị dừng lại một ngày, một giờ nào hết, nó vẫn thầm lặng diễn ra.

 "Con người ta ngã một lần thì đứng dậy được, nhưng ngã lần nữa thì sự đứng dậy đó vất vả gian khó hơn,
thậm chí không làm lại được nữa"

Những tưởng chuyện không vui sẽ ngăn trở Linh? - Điều xấu nhất đó đã không xảy ra, vì ước mơ làm nghệ thuật của Linh được xây dựng từ nhỏ, là mong muốn xuyên suốt cuộc đời Linh. 4 tuổi, thấy con hát trọn vẹn bài Lá diêu bông rất thịnh hành thời đó, tôi ghi âm vào băng cassette, mở ra nghe phát hiện con mình có những biểu hiện năng khiếu, tai nhạc tốt nhưng cần thử thách. Năm cháu lên lớp 6, tôi đưa cháu đi thi thanh nhạc nhưng ban giám khảo khuyên cháu còn nhỏ quá, cứ cho học múa, đợi sau này cứng cáp vào nhạc viện. Từ khi Linh đi học đến hết lớp 12, chỉ mỗi sáng chủ nhật được ngủ đến 9 giờ. Sáng học nghệ thuật, chiều học văn hóa, tối lại đi học đàn, nhiều khi không có thời gian chơi và nghỉ ngơi. Không phải bỗng dưng Linh đóng phim hoặc làm ca sĩ, tất cả đều có một quá trình đào tạo cơ bản.

Dường như có một sức ép vô hình với Linh ngay từ nhỏ?

- Nhiều khi con trách chúng tôi: “Bố mẹ sinh thêm nhiều em mà nhồi, chứ nhồi con như... vịt”. Nhưng tôi muốn rèn cho con từ bé một sự thật rằng làm nghệ thuật không đơn giản, không phải ngẫu hứng là làm! Nếu con muốn hát, biết cầm micro thôi là chưa đủ! Một ca sĩ đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Sau này, ban nhạc Thiên Thần được thành lập chính vì mục đích cho các cháu tập dượt. Tự trải nghiệm các cháu mới biết rằng đi theo con đường nghệ thuật hoàn toàn không đơn giản. Một là tập cho cháu tính kỷ cương, hai là cơ hội tiếp xúc với khán giả. Khi đứng trên sân khấu, chỉ cần một phản ứng rất nhỏ của công chúng là biết mình thành công hay không. Người ta nói như con tôi tốt nhất nên lui về hậu trường, ra nước ngoài sống hoặc bảo lưu một năm đại học. Nhưng tôi vẫn yêu cầu con phải hoàn thành học văn hóa, vì đi theo lĩnh vực nào cũng cần có văn hóa và biết đến những giới hạn cố định. Kỳ vọng và tin tưởng con gái, biến cố bất ngờ xảy ra khó có thể hình dung những xung đột tình cảm của người cha khi đó... - Khi biến cố xảy ra, trong 15 ngày đầu tôi hoàn toàn im lặng dù vẫn mua tất cả các tờ báo, đọc tất cả các bài viết. Vẫn bộ bàn ghế này, trong căn phòng này, tôi bạc trắng tóc suy nghĩ về con. Đến ngày thứ 16 tôi quyết định phải lên tiếng trên báo chí. Tôi không trách đám trẻ ấy, không trách con mình, các cháu đã ngã rồi, đừng đấm tiếp để các cháu chết hẳn. Hãy dựng các cháu dậy, vì khi ta già nua ta mới có chỗ để nương tựa... Nếu như câu chuyện chỉ về một đứa con của tôi thì giữ nó trong nhà, động viên nó là xong. Nhưng khi ấy vấn đề bất ngờ với toàn xã hội chứ không phải riêng với gia đình Hoàng Thùy Linh. Báo chí ập đến, người dân phản ứng, kết luận như thế là xấu, vất đi, hỏng, là tù tội, là muôn đời không ngóc đầu lên được...

Bố của Linh từng phụ trách kỹ thuật âm thanh của Đoàn ca múa nhạc công an nhân dân và Đoàn kịch nói công an nhân dân. Có ai đó mang cả vòng hoa, đồ thắp hương bày trước cửa nhà... Tôi trao đổi với mẹ Linh, nhưng khi ấy có những điều tôi đã không nói ra với vợ vì nó thuộc về người cha. Thương con đến mấy tôi cũng phải nén lại, phải bản lĩnh giải quyết ổn thỏa mọi chuyện. Bản lĩnh của người cha không phải là sự bướng bỉnh, bảo thủ mà bình tĩnh và nghe bằng hai tai.

15 ngày ấy ông đã nói gì với Linh?

- Tôi không nói chuyện với Linh, chỉ trao đổi với mẹ Linh. Lúc đó không cần nói gì với Linh cả. Chỉ cần bảo vệ để cháu khỏe mạnh, cho cháu yên tĩnh. Cháu không đi đâu, chỉ ở trong nhà. Lúc nào cần đi có mẹ đi cùng. Con là con mình, còn nó là còn tất cả, nó là tài sản lớn nhất. Nếu để có chuyện gì đó dừng cuộc sống của nó lại thì người đầu tiên có tội là cha mẹ chứ không phải xã hội, không phải áp lực báo chí.

Đến tận bây giờ có những lúc vợ tôi buồn quá phân vân hỏi tôi: “Dư âm này bao giờ cho hết hả anh?”. Không người mẹ nào không thương con, không khóc vì con, nhưng có những giọt nước mắt có thể giết chết con mình nếu rơi không đúng thời điểm. Tôi an ủi để vợ bản lĩnh trở lại. Tôi chỉ dặn cô ấy: “Không bao giờ em được chỉ trích con, cũng không bao giờ được nịnh yêu con”. Hai mẹ con cố gắng sống bình thường như chưa có gì xảy ra. Tất cả những tin tức trên báo chí không được trao đổi với Linh. Trong thời gian ba năm buồn, những chồng kinh Phật, những cuốn sách viết về những số phận biết vượt qua dày lên trong phòng hai mẹ con. “Văn ôn, võ luyện”, tôi dặn con cần duy trì đọc sách, hát, múa, tất cả diễn ra trong nhà.

Bố mẹ vững vàng làm chỗ dựa tinh thần rất tốt cho con cái. Tôi đã quan sát sự đoàn kết của hai mẹ con và nhủ thầm: nếu mẹ Linh vượt qua được thì con gái tôi cũng sẽ vượt qua được! Một tuần sau sự cố, Linh đi học trở lại, các bạn trong lớp thay phiên đến đón Linh đi học, tình thương của bạn Linh khi ấy là vô hạn...

Giờ Linh đã xuất hiện trở lại, ông căn dặn con điều gì trước khi Linh bước lên sân khấu? - Người cha người mẹ nào không tự hào về thành công của con, dù chỉ là nhỏ nhất. Hồi nhỏ, con không xỏ chỉ được, bực quá ném kim đi, nhưng rồi lại nhặt lên xỏ tiếp. Tôi đã tận hưởng niềm vui nhỏ nhoi khi thấy điều đó. Giờ con đã lớn, đóng phim, đi hát, con đã là người của công chúng, không vui hơn sao được. Nhưng niềm vui lớn nhất của người cha là khi tôi thấy con mình đã lớn, biết tự làm chủ mình.

Tôi dặn con thường xuyên: Con người ta ngã một lần thì đứng dậy được, nhưng ngã lần nữa thì sự đứng dậy đó vất vả gian khó hơn, thậm chí không làm lại được nữa. Trước đây con tôi chỉ cần giữ bản thân mình, giờ con phải giữ hình ảnh của con trước xã hội, bạn bè, công chúng, những người đang dõi theo con bé. Không ai sống bằng quá khứ. Nhưng nếu quá khứ đó ta vẫn phải đối mặt thì hãy để đó là bài học xác đáng và động lực đi tiếp hôm nay.

Theo Tuổi trẻ

Video liên quan

Chủ Đề