Ca cổ dòng sông quê em ca với nghệ sĩ là ai?

Từ thơ đến nhạc

Năm 1963, trong một đêm từ “R” về chiến trường tại Long An, Hoài Vũ cùng Giang Nam qua sông Vàm Cỏ Đông trong sự rập rình của tàu địch. Những ngày tháng ấy, Hoài Vũ cảm nhận cảnh sắc của Long An qua dòng sông Vàm Cỏ Đông trong xanh và thơ mộng nhưng chứa đựng nhiều đau thương bởi đồng đội của ông đã hy sinh còn nằm đâu đó dưới lòng sông. Những cảm xúc ấy tích tụ lại theo ngày tháng để ông sáng tác nên bài thơ “Vàm Cỏ Đông” thể hiện được tình cảm đối với vùng đất Long An kiên cường trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Bài thơ đậm chất trữ tình, lãng mạn, đồng thời chứa đựng tinh thần thép của quân và dân trong công cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Ngay khi ra đời, bài thơ đã được đăng trên báo Văn nghệ và được Đài Tiếng nói Việt Nam phát trong chương trình tiếng thơ được đông đảo người dân quan tâm, yêu mến.

Một đêm mùa hè tại Phú Thọ vào năm 1966, khi nghe bài thơ “Vàm Cỏ Đông” trong chương trình Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhạc sĩ Trương Quang Lục cảm giác bùi ngùi nhớ về chiến trường miền Nam. Tình cờ ông đọc tờ báo Văn nghệ có bài thơ này, bao cảm xúc khó tả về mảnh đất Long An kiên cường, trung dũng đã thôi thúc ông dành trọn đêm ấy phổ nhạc từ bài thơ này. “Tôi như nhìn thấy hình ảnh thân quen trong bài thơ của Hoài Vũ nên đọc nhiều lần và chọn những đoạn thích hợp để phổ nhạc. Đó là ca khúc duy nhất tôi phổ nhạc trong thời gian ngắn đến vậy, chỉ 1 giờ đồng hồ” - nhạc sĩ Trương Quang Lục chia sẻ.  

Và tân cổ “Dòng sông quê em”

Từ bài thơ của nhà thơ Hoài Vũ đến ca khúc của nhạc sĩ Trương Quang Lục đã tạo nên sự thành công trong lĩnh vực tân nhạc. Bởi ca khúc “Vàm Cỏ Đông” không chỉ là niềm kiêu hãnh của người dân Long An về truyền thống yêu nước nồng nàn mà còn là niềm tự hào chung của mỗi người dân Việt Nam. Đặc biệt, ca khúc này lại được đến với công chúng qua thể loại tân cổ giao duyên bởi người con của quê hương Long An viết lời vọng cổ, soạn giả Huyền Nhung.

Từng tham gia văn nghệ phục vụ chiến trường miền Nam, đến năm 1974, soạn giả Huyền Nhung được ra Hà Nội học lý luận nghiệp vụ văn hóa và chiếc radio trở thành người bạn thân thiết. Khi nghe ca khúc “Vàm Cỏ Đông”, nữ soạn giả lại nhớ về quê hương và những năm tháng chiến đấu cùng đồng đội nên bà đã sáng tác nên bài tân cổ “Dòng sông quê em” trong một đêm vào năm 1974. Sau khi ra đời, bài tân cổ được gửi về Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng ban đầu các biên tập viên còn ngại thu vì đó là thể loại “tân cổ giao duyên”. Đến năm 1976, bài tân cổ này do NSND Lệ Thủy và NSND Thanh Tuấn thể hiện nhanh chóng được đón nhận nồng nhiệt. “Tôi vô cùng cảm ơn nhà thơ Hoài Vũ, nhạc sĩ Trương Quang Lục làm nên ca khúc Vàm Cỏ Đông. Là người con quê hương Long An, tôi đã dành hết tình cảm gửi gắm vào mạch cảm xúc ấy để tạo nên “Dòng sông quê em”. Hai nghệ sĩ Lệ Thủy và Thanh Tuấn đã góp phần không nhỏ để mang bài tân cổ này đến với công chúng gần xa” - soạn giả Huyền Nhung chia sẻ.

Đến nay, bài tân cổ “Dòng sông quê em” được mọi người yêu thích và thuộc lời. Có được điều đó là nhờ vào sự “cộng hưởng” nhiều yếu tố từ bài thơ của Hoài Vũ, đến phần phổ nhạc của nhạc sĩ Trương Quang Lục, đến lời vọng cổ của soạn giả Huyền Nhung và phần thể hiện đầu tiên của NSND Lệ Thủy và NSND Thanh Tuấn. Nhạc sĩ Trương Quang Lục rất mong muốn gặp Huyền Nhung để nói trực tiếp lời cảm ơn vì nhờ nữ soạn giả mà ca khúc “Vàm Cỏ Đông” được đến với công chúng không chỉ yêu tân nhạc mà còn đến với công chúng yêu cổ nhạc một cách trọn vẹn hơn.

Còn soạn giả Huyền Nhung chia sẻ: Cũng nhờ “Dòng sông quê em” mà tôi cùng nghệ sĩ ưu tú Thanh Vũ đã nên duyên vợ chồng. Khi đó, nghệ sĩ ưu tú Thanh Vũ làm biên tập, ông muốn gặp mặt “ông” soạn giả Huyền Nhung để “trách” vì sao viết bài ca mà khó ca quá. Lần gặp gỡ đó, chúng tôi đã quen nhau và sau đó thành vợ chồng”.

Video liên quan

Chủ Đề