Các chính sách văn hóa tiêu biểu của nhà nước năm 2024
Chính sách của Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là gì? Chào các anh, chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi đang có nhu cầu tìm hiểu những quy định của pháp luật về vấn đề di sản. Vì thế, tôi có một thắc mắc mong nhận được sự giải đáp từ phía anh, chị trong Ban biên tập. Chính sách của Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là gì? Văn bản nào quy định điều này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. Ngọc Anh (anh***@gmail.com) Chính sách của Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được quy định tại Điều 3 Nghị định 98/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật di sản văn hóa và Luật di sản văn hóa sửa đổi như sau: 1. Xây dựng và thực hiện chương trình mục tiêu bảo tồn các di sản văn hóa tiêu biểu. 2. Khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước và thực hiện các chính sách ưu đãi về tinh thần và vật chất đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công phổ biến nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp có giá trị đặc biệt. 3. Nghiên cứu áp dụng thành tựu khoa học công nghệ vào các hoạt động sau đây:
4. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. 5. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đóng góp về tinh thần và vật chất hoặc trực tiếp tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. 6. Mở rộng các hình thức hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; xây dựng và thực hiện các dự án hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật. Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về chính sách của Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 98/2010/NĐ-CP. Đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 09:20, ngày 06-03-2023 TCCS - Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, đường lối, chính sách nhằm thúc đẩy văn hóa phát triển. Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, thể chế, chính sách cho phát triển văn hóa ở nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập. Để đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, thể chế, chính sách cần được tiếp tục đổi mới, bổ sung, hoàn thiện để phát huy hiệu quả các nguồn lực cho phát triển văn hóa, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng đã xác định văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa). Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta nhấn mạnh văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam là nền tảng, động lực, nguồn lực nội sinh quan trọng của phát triển, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ bốn trụ cột vững chắc để xây dựng và phát triển bền vững đất nước: “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”(1).
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham quan triển lãm ảnh Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển”, ngày 27-2-2023_Nguồn: toquoc.vn Đại hội Đảng lần thứ VI xác định: “Quản lý đất nước bằng pháp luật, chứ không chỉ bằng đạo lý. Pháp luật là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, thể hiện ý chí của nhân dân, phải được thực hiện thống nhất trong cả nước”(2). Vì vậy, thể chế văn hóa phải bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, phát huy sức sáng tạo của những người làm văn hóa. Thể chế văn hóa phải tạo ra cơ chế nhằm bảo đảm sự tự do, dân chủ trong các hoạt động văn hóa, kích thích sự sáng tạo, tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa, sinh hoạt văn hóa đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng của nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của nhân dân. Xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa phải không ngừng bám sát và phù hợp với thể chế chính trị, thể chế kinh tế và thực tiễn đời sống. Trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể chế văn hóa cũng phải có sự thay đổi cho phù hợp. Hoàn chỉnh các văn bản pháp luật về văn hóa, nghệ thuật, thông tin trong điều kiện của cơ chế thị trường; ban hành các chính sách khuyến khích sáng tạo văn hóa và nâng mức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế, Đảng chủ trương hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa, về quyền tác giả và các quyền liên quan, phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Đảng đã có những chỉ đạo cụ thể trong việc xây dựng luật, pháp lệnh, văn bản pháp quy; sửa đổi, bổ sung những đạo luật đã ban hành cho phù hợp với tình hình mới; xây dựng cơ chế giải thưởng, tặng thưởng, quy chế kỷ niệm các sự kiện lịch sử và danh nhân, đặt tên đường phố, lập nhà bảo tàng, xây dựng tượng đài...; bổ sung, hoàn thiện, xây dựng mới các quy chế, quy định về lễ hội, việc tang, việc cưới, sinh hoạt tôn giáo - tín ngưỡng, giữ gìn trật tự, vệ sinh nơi công cộng...; khuyến khích các cộng đồng dân cư xây dựng quy ước về nếp sống văn hóa, cảnh quan văn hóa, bảo vệ môi trường thiên nhiên... Quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng và hoàn thiện chính sách văn hóa Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta chủ trương “Cải tiến chính sách đối với người làm công tác nghệ thuật chuyên nghiệp, đãi ngộ xứng đáng lao động nghệ thuật, động viên sáng tạo, khuyến khích tài năng. Kết hợp giữa cơ quan nhà nước với các hội văn học, nghệ thuật và các đoàn thể quần chúng khác, theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo của cá nhân và tập thể văn nghệ sĩ, liên hệ với quần chúng lao động. Nhà nước cùng với nhân dân xây dựng những cơ sở vật chất - kỹ thuật cần thiết cho văn hóa và nghệ thuật, giữ gìn và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa”(3). Các chính sách văn hóa phải thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo của các chủ thể tham gia vào các hoạt động văn hóa, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các hoạt động văn hóa, gìn giữ di sản văn hóa. Hiện nay, Đảng chủ trương xây dựng và hoàn chỉnh các chính sách văn hóa cơ bản. Đó là: 1- Chính sách kinh tế trong văn hóa; 2- Chính sách văn hóa trong kinh tế; 3- Chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa; 4- Chính sách bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc; 5- Chính sách khuyến khích sáng tạo; 6- Xây dựng và ban hành chính sách đặc thù hợp lý, hợp tình cho những loại đối tượng xã hội cần được ưu đãi tham gia và hưởng thụ văn hóa; 7- Ban hành các chính sách cụ thể về hợp tác quốc tế; 8- Chính sách văn hóa đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách nhằm xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, chú ý đến tính đặc thù của văn hóa, nghệ thuật. Đặc biệt, phải khuyến khích được mọi chủ thể tham gia vào hoạt động văn hóa, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thưởng thức, hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đặc biệt là những đối tượng cần được ưu đãi. Bên cạnh đó, phải chú trọng giữ gìn, phát huy giá trị của di sản văn hóa nhằm khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy đa dạng hóa, đa phương hóa giao lưu văn hóa nhằm tiếp thu, tiếp biến tinh hoa, giá trị văn hóa của nhân loại, quảng bá rộng rãi văn hóa dân tộc, khẳng định bản lĩnh, tầm vóc, vị thế của dân tộc Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Rước kiệu vào Đền Thượng, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng tại Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, năm 2022_Ảnh: TTXVN Quan điểm, chủ trương của Đảng về nguồn lực cho phát triển văn hóa Nhân tố quan trọng nhất của nguồn lực văn hóa chính là con người - chủ thể sáng tạo, truyền bá, hưởng thụ văn hóa. Đảng luôn bảo đảm tự do, dân chủ cho mọi hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, trọng dụng các tài năng văn hóa, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của văn nghệ sĩ; đồng thời, phát huy trách nhiệm công dân của văn nghệ sĩ, trí thức. Đảng cũng chú trọng xây dựng, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, quản lý văn hóa. Một là, “Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa. Coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, cán bộ làm công tác khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ ở cơ sở”(4). Hai là, “Nâng cao trình độ lãnh đạo văn hóa, văn nghệ của cán bộ quản lý các cấp cho phù hợp với tính đặc thù và yêu cầu phát triển của văn hóa, văn nghệ”(5). Ba là, “phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu về văn hóa, có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”(6). Đối với nhân dân, người chủ đích thực của văn hóa, Đảng chủ trương “Tạo điều kiện để nhân dân ngày càng nâng cao trình độ thẩm mỹ và thưởng thức nghệ thuật, trở thành những chủ thể sáng tạo văn hóa, đồng thời hưởng thụ ngày càng nhiều thành quả văn hóa”(7). Từ đó, Đảng chỉ đạo rà soát, củng cố, kiện toàn hệ thống các trường đào tạo văn hóa, văn nghệ, đổi mới và hiện đại hóa quy trình, nội dung, phương thức đào tạo. Tăng thêm điều kiện và phương tiện kỹ thuật giảng dạy, học tập. Tổ chức tốt đào tạo sau đại học; điều chỉnh chế độ tiền lương, trợ cấp đối với những người hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật đặc thù. Đối với các nguồn lực khác, Đảng chủ trương thực hiện “Nhà nước và nhân dân cùng làm văn hóa”, khuyến khích các hình thức bảo trợ văn hóa, đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa, xây dựng con người. Trước tiên, Đảng xác định phải tăng cường mức đầu tư cho văn hóa từ nguồn chi thường xuyên và nguồn chi phát triển trong ngân sách nhà nước. “Mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa phải tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế”(8). Khuyến khích các địa phương tăng thêm nguồn lực đầu tư cho văn hóa. Mọi đầu tư từ phía Nhà nước đều phải công khai, minh bạch và đạt hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số loại hình nghệ thuật truyền thống cần bảo tồn, phát huy. Bên cạnh đó, Đảng chủ trương tích cực huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển văn hóa. Chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa Cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng, hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa cũng được ban hành đáp ứng nhu cầu của người dân và yêu cầu của thực tiễn trong phát triển bền vững đất nước. Trước hết, chính sách vĩ mô của Nhà nước về phát triển văn hóa đã được thể hiện trong Điều 60, Hiến pháp năm 2013: 1- Nhà nước, xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; 2- Nhà nước, xã hội phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; 3- Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân. Để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và nâng cao đời sống vật chất, đời sống tinh thần cho nhân dân, Quốc hội đã ban hành các đạo luật, như Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Di sản văn hóa; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Xuất bản; Luật Báo chí; Luật Điện ảnh; Luật Quảng cáo; Luật Du lịch; Luật Thể dục, thể thao; Luật Thư viện; Luật Giáo dục; Luật Khoa học và công nghệ...; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa; nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, chiến lược phát triển văn hóa trên từng lĩnh vực của văn hóa được thông qua, như Chương trình mục tiêu bảo tồn và tôn tạo di tích thắng cảnh, Chương trình mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở,... Hệ thống pháp luật và các chính sách này đều nhằm mục đích giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để không ngừng phát triển nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng với những đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Đồng thời, hướng tới sự hoàn thiện nhân cách con người, xây dựng con người để phát triển văn hóa vì mục tiêu phát triển đất nước cường thịnh, phồn vinh và hạnh phúc. Nhận thức rõ tầm quan trọng của di sản văn hóa dân tộc trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa ngày càng được hoàn thiện, góp phần nhận diện và lan tỏa giá trị các di sản văn hóa dân tộc. Năm 2001, Quốc hội đã ban hành Luật Di sản văn hóa gồm 4 chương, 74 điều quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với di sản văn hóa. Năm 2009, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, trong đó sửa đổi 20 điều; đồng thời, Chính phủ ban hành nhiều nghị định quy định về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dân tộc. Nhiều chính sách về đầu tư, hỗ trợ nguồn lực trong việc kiểm kê, sưu tầm, bảo quản và trùng tu hệ thống di sản văn hóa đã được Chính phủ ban hành thông qua các chương trình, đề án, chiến lược, chương trình cụ thể, như Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020; Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020; Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012 - 2015; Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Trong đó, nhiệm vụ và giải pháp về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc được nhấn mạnh: Hoàn thành việc lập nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Tập trung đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới, di tích lịch sử - văn hóa có giá trị tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Nâng cao chất lượng công tác sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, phân loại di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu. Phục hồi và bảo tồn một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một, ưu tiên di sản văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam... Tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có 28 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh, trong đó có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên, 13 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, 7 di sản tư liệu; 3.560 di tích được xếp hạng cấp quốc gia (119 di tích cấp quốc gia đặc biệt); 215 bảo vật quốc gia; 364 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia(9). “Hiện nay, cả nước ta có tới 166 bảo tàng, trong đó có 4 bảo tàng quốc gia với hơn 3 triệu hiện vật”(10). Đây là nguồn tài nguyên quý giá, nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và gia tăng sức mạnh mềm của Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển. Trong xu thế phát triển hiện nay, phát huy những lợi thế về sức mạnh mềm của văn hóa đang là chiến lược quan trọng của nhiều quốc gia để phát triển bền vững và nâng cao vị trí, vai trò của quốc gia trên trường quốc tế. Trong những năm qua, nhiều chính sách tạo môi trường khai thác, phát triển sức mạnh mềm văn hóa được ban hành, như “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” được ban hành năm 2016 (gọi tắt là Chiến lược) nhằm “khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa” và “quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế”. Những thay đổi tích cực về thể chế, chính sách đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa Việt Nam có những thay đổi, phát huy hiệu quả các thành tố sức mạnh mềm văn hóa thông qua các hoạt động của ngành văn hóa, như ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, ngành du lịch văn hóa,... và đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của cả nước. Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu đưa ra trong Chiến lược chưa đạt được do các sản phẩm của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam chưa độc đáo, thiếu tính ứng dụng và nhiều sản phẩm văn hóa chưa đa dạng, chưa đủ sức thu hút nên không cạnh tranh được với các sản phẩm văn hóa của các nước trong khu vực và thế giới, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng văn hóa ngày càng cao của người dân. Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc thì cần thiết phải phát huy mạnh mẽ vai trò của gia đình trong xây dựng văn hóa và phát triển con người toàn diện, tạo động lực phát triển đất nước. Ngày 24-6-2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”, trong đó nhấn mạnh xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Mục tiêu xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được xác định rõ trong Quyết định số 629/QĐ-TTg, ngày 29-5-2012, của Thủ tướng Chính phủ “Về Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Chiến lược nhấn mạnh mục tiêu nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là đối với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ; nâng cao năng lực của gia đình trong phát triển kinh tế, ứng phó với thiên tai và khủng hoảng kinh tế; tạo việc làm, tăng thu nhập và phúc lợi, đặc biệt là đối với các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo theo quy định. Như vậy, có thể nhận thấy, công tác xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật về phát triển văn hóa đã ngày càng được bổ sung, hoàn thiện và đáp ứng tốt những yêu cầu thực tiễn đặt ra, góp phần vào phát triển văn hóa, hoàn thiện nhân cách con người. Tuy nhiên, việc xây dựng thể chế văn hóa còn chậm và nhiều thiếu sót. Chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa chậm được ban hành; bộ máy tổ chức ngành văn hóa chưa được sắp xếp hợp lý để phát huy cao hơn hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo và quản lý; mức đầu tư ngân sách cho văn hóa còn thấp. Các văn bản pháp luật về văn hóa còn thiếu đồng bộ; việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng còn chậm, tổ chức thực hiện còn yếu nên chưa thực sự đi vào cuộc sống. Nhiều chính sách đã lạc hậu, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thực sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn nhiều lúng túng, chậm trễ. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao; thụ hưởng của người dân từ thành tựu phát triển của đất nước chưa hài hòa... Thực tế này đang đặt ra yêu cầu, đòi hỏi phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa.
Giáo dục thế hệ trẻ các giá văn hóa của dân tộc (Trong ảnh: Giờ học ngoại khóa của bé ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thành phố Hà Nội)_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn Một số nhiệm vụ về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển văn hóa ở nước ta trong bối cảnh mới Nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phát triển văn hóa Xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phát triển văn hóa đồng bộ, hệ thống phù hợp với yêu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là trong phát huy tính tích cực của hệ thống chính trị và tiềm năng của từng cá nhân, của toàn xã hội trong sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa. Xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa nhằm bảo đảm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý hiệu quả của Nhà nước, vai trò làm chủ của nhân dân và đội ngũ sáng tạo, các doanh nhân, doanh nghiệp - những người tham gia hoạt động văn hóa và quá trình sản xuất, cung ứng các sản phẩm văn hóa. Rà soát, sắp xếp lại các tổ chức, đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực văn hóa theo hướng hoạt động của đơn vị dịch vụ công, thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Bảo đảm hệ thống tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước nhằm bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển văn hóa, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân được quyền hưởng thụ và tham gia các hoạt động, sáng tạo văn hóa; ngăn chặn kịp thời những sản phẩm văn hóa độc hại, các tệ nạn xã hội xâm nhập vào đời sống xã hội... Đại hội XIII của Đảng đã xác định một số nhiệm vụ: “Tăng cường đầu tư, khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực văn hóa đi đôi với đổi mới nội dung, phương thức quản lý, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm hiệu quả đầu tư cao trong lĩnh vực văn hóa. Đổi mới, hoàn thiện các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm hiệu quả”(11). Để xây dựng, hoàn thiện thể chế văn hóa, trước hết, cần đổi mới và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với văn hóa. Nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng và cấp ủy các cấp đối với lĩnh vực văn hóa; coi trọng đổi mới tư duy lý luận gắn liền với tổng kết thực tiễn về văn hóa; bảo đảm định hướng chính trị đi đôi với vận dụng đúng đắn những đặc trưng của công tác văn hóa trong quản lý văn hóa vĩ mô và vi mô; chủ động xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa từ Trung ương đến địa phương. Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước định kỳ làm việc với các cơ quan văn hóa, có kế hoạch, biện pháp đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế văn hóa phù hợp với nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế về văn hóa. Các bộ, cơ quan ngang bộ cần chủ động tiến hành tổng kết việc triển khai các luật đã được Quốc hội ban hành trên lĩnh vực văn hóa (Luật Xuất bản, Luật Báo chí, Luật Di sản văn hóa, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thư viện) để đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và những yêu cầu mới đặt ra; phù hợp với các điều ước và luật pháp quốc tế về văn hóa; tiến hành sơ kết việc sắp xếp tổ chức, tinh gọn, bộ máy, điều động, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa để có những điều chỉnh phù hợp, kịp thời, tránh việc sắp xếp, bố trí cán bộ không đúng chuyên môn, không tạo điều kiện để cán bộ phát huy sở trường. Nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện chính sách cho phát triển văn hóa Đảng và Nhà nước cần xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ nhằm thực hiện hiệu quả chính sách phát triển văn hóa. Qua tổng kết thực tiễn cho thấy, từ trước tới nay, việc xây dựng và ban hành các chính sách văn hóa chủ yếu là từ Trung ương. Vai trò của chính quyền địa phương chưa được chú ý, phát huy. Vì vậy, cần nghiên cứu đổi mới tư duy quản lý của Nhà nước về xây dựng, ban hành chính sách văn hóa, khắc phục tư duy “bao cấp”, phương thức quản lý thiên về mệnh lệnh hành chính, áp đặt từ trên xuống. Nhà nước chú trọng quản lý ở tầm vĩ mô và trung mô, quản lý bằng pháp luật trên cơ sở chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, không sa vào các công việc vi mô hoặc làm thay công việc của cộng đồng. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách văn hóa phải hướng đến hai mục tiêu cơ bản: Một là, tăng cường vai trò của Nhà nước đối với sự phát triển văn hóa; hai là, phát huy vai trò của người dân trong mọi quá trình sáng tạo, truyền bá và hưởng thụ văn hóa. Khi xây dựng chính sách, bên cạnh cộng đồng hoạch định, quản lý chính sách và công chúng - đối tượng thụ hưởng chính sách, cũng cần quan tâm đến cộng đồng hoạt động văn hóa. Có một thực tế là, chúng ta thường dành sự quan tâm nhiều hơn đến vai trò của Nhà nước, mà ít dành sự quan tâm đến vai trò của người dân, đặc biệt là lực lượng văn nghệ sĩ và các nhà văn hóa trong việc hoạch định và thực hiện chính sách. Có ít chính sách được xây dựng từ dưới lên hoặc được xây dựng đồng thời với cơ chế phản biện, phản hồi khi mới ban hành. Để thực hiện đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020” và “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030”. Tuy nhiên, do hệ thống các chính sách có liên quan, như các chính sách về xã hội, chính sách về đầu tư, xây dựng, chính sách về giáo dục và đào tạo, chính sách sử dụng lao động, việc làm, chính sách đối với các nhà khoa học, chính sách đào tạo và sử dụng nhân tài, chính sách tiền lương, tiền thưởng,... cho lĩnh vực văn hóa còn thiếu đồng bộ, nên hiệu quả chưa được như kỳ vọng. Việc đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách cho phát triển văn hóa là vấn đề hết sức cấp thiết hiện nay để văn hóa thực sự trở thành một trong bốn trụ cột quan trọng cho phát triển, là nền tảng và động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa thông qua các hoạt động của ngành văn hóa, như ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, ngành du lịch văn hóa..._Nguồn: nhiepanhdoisong.vn Nhiệm vụ tăng cường nguồn lực cho phát triển văn hóa Để huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho mục tiêu phát triển văn hóa, trước hết đòi hỏi đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu, tham mưu hoạch định chính sách, các nhà quản lý, điều hành, các cơ quan, đơn vị văn hóa có kiến thức và kỹ năng quản lý mới, tiên tiến phù hợp với thời đại và đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp phát triển văn hóa. Đó là những kiến thức về xây dựng chính sách; hoạch định kế hoạch hoạt động cho đơn vị văn hóa, nghệ thuật; quản lý tổ chức, nhân sự; kỹ năng quản lý đơn vị nghệ thuật, bảo tàng, thư viện và các thiết chế văn hóa khác; các kỹ năng khác, như phát triển khán giả, huy động tài chính; marketing, giáo dục nghệ thuật... Để thực hiện nhiệm vụ này, bên cạnh việc xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, chiến lược phát triển đội ngũ sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, cần tổ chức bồi dưỡng, cập nhật thường xuyên cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa; đẩy mạnh việc học tập, bồi dưỡng ở các cấp, từ Trung ương đến cơ sở trong toàn ngành văn hóa; bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Sự phát triển đồng bộ của bốn trụ cột này là điều kiện quyết định bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước. Trong quá trình chủ động hội nhập sâu rộng về văn hóa, để xây dựng những giá trị của văn hóa Việt Nam đương đại, vừa phải kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc, vừa tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới. Đối với nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, bên cạnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cần tăng lên phù hợp với sự tăng trưởng của nền kinh tế, theo tinh thần tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa, cần xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa văn hóa “đúng hướng và hiệu quả” nhằm huy động có hiệu quả sức người, sức của trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức kinh tế - xã hội, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế tham gia xây dựng và phát triển văn hóa; tạo điều kiện để các tổ chức phi chính phủ tham gia hoạt động văn hóa, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển văn hóa, nhất là các doanh nghiệp lớn. Thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động văn hóa vừa để tăng cường nguồn lực đầu tư của xã hội, vừa khuyến khích và tạo điều kiện để thu hút tối đa các nguồn lực tri thức, nhân lực, tài lực và vật lực của toàn xã hội tham gia vào quá trình phát triển văn hóa. Khắc phục các biểu hiện lệch lạc trong quá trình đẩy mạnh xã hội hóa văn hóa. Trong xu thế tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế về văn hóa, chúng ta cần chủ động học tập kinh nghiệm của các nước trong việc xây dựng thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa; chủ động hợp tác với các nước trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các tài năng văn hóa, nghệ thuật trên các lĩnh vực điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật, hội họa; đào tạo cán bộ chuyên môn và nâng cao trình độ sử dụng trang thiết bị kỹ thuật hiện đại cho các lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh, bảo tàng, thư viện... Đồng thời, chủ động nâng cao sức “đề kháng” của các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên đối với các sản phẩm độc hại, lai căng; tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch./. |