Các kiểu và hình thức nhà nước Triết học

e. Các kiểu và hình thức nhà nước

Nhà nước tồn tại rất phong phú và đa dạng. Để dễ nhận biết, cần phải phân loại thành kiểu và hình thức của nhà nước.

Căn cứ vào tính chất giai cấp của nhà nước có thể phân biệt các kiểu nhà nước. Trong lịch sử xã hội có giai cấp, chỉ có giai cấp chủ nô, địa chủ phong kiến, tư sản và vô sản đã từng có nhà nước, lấy nhà nước làm công cụ thống trị giai cấp của mình. Do đó, đã từng tồn tại bốn kiểu nhà nước trong lịch sử: nhà nước chủ nô quý tộc, nhà nước phong kiến, nhà nước tư sản, nhà nước vô sản. Các kiểu nhà nước trên cơ bản giống nhau ở chỗ: đều là công cụ thống trị của giai cấp thống trị. Tuy nhiên, nhà nước vô sản có sự khác biệt về chất với các kiểu nhà nước khác ở chỗ: nó là nhà nước đặc biệt, nhà nước của số đông thống trị số ít. Giai cấp vô sản liên minh với giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức tiến bộ và các tầng lớp nhân dân lao động khác duy trì sự thống trị của mình đối với toàn xã hội.

Hình thức nhà nước là khái niệm dùng để chỉ cách thức tổ chức, phương thức thức hiện quyền lực nhà nước của giai cấp thống trị. Hình thức nhà nước thực chất là hình thức cầm quyền của giai cấp thống trị. Hình thức nhà nước chịu sự qui định của bản chất giai cấp của nhà nước, bởi tính chất và trình độ phát triển của kinh tế - xã hội, bởi cơ cấu giai cấp, tương quan lực lượng giữa các giai cấp trong xã hội, bởi đặc điểm lịch, sử văn hóa xã hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo của mỗi quốc gia - dân tộc.

Trong kiểu nhà nước chủ nô quý tộc thời chiếm hữu nô lệ từng tồn tại nhiều hình thức nhà nước khác nhau như: nhà nước quân chủ chủ nô, nhà nước cộng hòa dân chủ chủ nô. Nhà nước thành bang Xpác ở Hy Lạp thời Cổ đại là điển hình của hình thức quân chủ chủ nô. Ở đó, quyền lực nhà nước nằm trong tay hoàng đế. Nhà nước thành bang Aten là điển hình của hình thức nhà nước cộng hòa dân chủ chủ nô. Quyền lực nhà nước thuộc về Hội đồng trưởng lão. Hội đồng này còn được gọi là Hội đồng chấp chính quan, do cư dân Aten bầu ra theo hình thức bỏ phiếu tín nhiệm. Các viên quan trong Hội đồng có thể bị bãi miễn nếu không còn đủ uy tín.

Về hình thức, dù là nhà nước dân chủ hay quân chủ thì về bản chất, đều là công cụ thống trị của giai cấp chủ nô đối với giai cấp nô lệ và các tầng lớp cư dân khác trong xã hội. V.I. Lênin, trong tác phẩm Bàn về nhà nước cho rằng: “...người ta đã phân biệt chính thể quân chủ và chính thể cộng hòa, chính thể quý tộc và chính thể dân chủ. Chính thể quân chủ, tức là chính quyền của một người; trong chính thể cộng hòa, thì không một quyền lực nào mà không phải do bầu cử mà có; chính tthể quý tộc, tức là chính thể của một thiểu số tương đối nhỏ hẹp; chính thể dân chủ, tức là chính quyền của nhân dân… Mặc dù có sự khác nhau như thế, nhưng nhà nước, trong thời đại chế độ nô lệ, dù là dân chủ hay cộng hòa quý tộc hay cộng hòa dân chủ, đều là nhà nước chủ nô”.

Thời Trung cổ, giai cấp địa chủ phong kiến nắm trong tay quyền thống trị xã hội. Nhà nước tồn tại dưới hình thức nhà nước phong kiến tập quyền nhà nước phong kiến phân quyền. Trong hình thức nhà nước phong kiến tập quyền thì quyền lực tập trung trong tay chính quyền trung ương, đứng đầu là vua, hoàng đế. Vua, hoàng đế có quyền lực tuyệt đối, khẩu dụ của vua được coi ngang bằng với pháp luật. Nhà nước phong kiến phân quyền là hình thức nhà nước mà ở đó, quyền lực bị phân tán bởi nhiều thế lực phong kiến cát cứ ở các địa phương khác nhau. Chính quyền trung ương tồn tại chỉ trên danh nghĩa. Thực tế, vua, hoàng đế chỉ là bù nhìn, không có thực quyền. Về bản chất, dù tồn tại dười hình thức phân quyền hay tập quyền thì nhà nước phong kiến vẫn là nhà nước của giai cấp địa chủ, quý tộc, là công cụ thống trị giai cấp của giai cấp địa chủ, quý tộc.

Trong xã hội tư bản tồn tại nhiều hình thức nhà nước như: chế độ cộng hòa, chế độ cộng hòa đại nghị, chế độ cộng hòa tổng thống, chế độ cộng hòa thủ tướng, chế độ quân chủ lập hiến, nhà nước liên bang, nhà nước phúc lợi chung...Các hình thức nhà nước này dù có khác nhau về hình thức do chế độ bầu cử, chế độ một hay hai viện, nhiệm kỳ và quyền lực của tổng thống, thủ tướng, sự phân chia quyền lực giữa tổng thống, thủ tướng và nội các chính phủ; song, về bản chất đều là nhà nước tư sản, là công cụ thống trị của giai cấp tư sản đối với các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội. V.I. Lênin trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng đã viết: “những hình thức của nhà nước tư sản thì hết sức khác nhau, nhưng thực chất chỉ là một: chung quy lại thì tất cả những hình thức nhà nước ấy, vô luận thế nào, cũng tất nhiên phải là nền chuyên chính tư sản”.

Trong các hình thức nhà nước tư sản, các tập đoàn tư bản, thông qua tổ chức đảng chính trị, thực hiện quyền lãnh đạo của mình, bảo vệ quyền lợi và địa vị thống trị của giai cấp, tập đoàn mình. Về hình thức, các hình thức nhà nước tư sản đều đề cao quyền tự do, dân chủ của mọi người. Tuy nhiên cần chú ý rằng, về bản chất thì nhà nước tư sản nào cũng là công cụ chuyên chính của giai cấp tư sản, được luật pháp tư sản bảo vệ, nền dân chủ tư sản, thực chất chỉ nền dân chủ của số ít những người có quyền, có tiền và địa vị, thế lực trong xã hội, là nền dân chủ có giới hạn trong nền dân chủ tư sản.

Kiểu nhà nước vô sản là kiểu nhà nước “đặc biệt”, là nhà nước của số đông thống trị số ít. Trong kiểu nhà nước vô sản, giai cấp vô sản liên minh với giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức tiến bộ và nhân dân lao động, sau khi tiến hành đấu tranh cách mạng giành chính quyền nhà nước từ tay giai cấp địa chủ phong kiến và chính quyền đô hộ như ở Việt Nam năm 1945, ở Trung Quốc năm 1949, hoặc từ tay giai cấp tư sản như ở nước Nga năm 1917, thiết lập nền chuyên chính của mình. Trong tác phẩm Phê phán Cương lĩnh Gôta, C.Mác cho rằng: “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với với thời kỳ ấy là một kỳ quá độ chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản. Nền chuyên chính vô sản [nhà nước vô sản] có chức năng cơ bản là xây dựng một trật tự xã hội mới, thủ tiêu chế độ người áp bức bóc lột người, đập tan sự phản kháng của các thế lực phản động đã bị đánh đổ nhưng chưa bị tiêu diệt, vẫn ngoan cố chống lại chính quyền do giai cấp vô sản lãnh đạo. Tuy khác nhau về tên gọi, nhưng thực chất nhà nước vô sản là nhà nước do giai cấp vô sản lãnh đạo, liên minh với giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức tiến bộ, đại diện và bảo vệ quyền lợi của giai cấp và của toàn thể nhân dân lao động. Trong đó, nhân dân lao động thực sự làm chủ xã hội, thực hiện quyền dân chủ vô sản, dân chủ kiểu mới, dân chủ của số đông, có nhiệm vụ tiếp tục cuộc cách mạng vô sản, thực hiện mục tiêu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Để thực hiện sứ mệnh của mình, giai cấp vô sản phải thực hiện chức năng tổ chức xây dựngchức năng trấn áp.

Chức năng tổ chức, xây dựng đòi hỏi nhà nước phải chú ý xây dựng một trật tự kinh tế mới, một trật tự xã hội mới được xem là có vai trò quyết định nhất đối với sự tồn tại của nhà nước vô sản. Cùng với đó, nhà nước còn phải thực hiện chức năng trấn áp sự phản kháng của các lực lượng chống đối. Chức năng này có vai trò hết sức quan trọng, nó là điều kiện để nhà nước vô sản giữ vững nền chuyên chính của mình.

Để thực hiện tốt chức năng tổ chức, xây dựng và chức năng trấn áp, phải thực hiện nguyên tắc dân chủ của nền dân chủ vô sản. V.I. Lênin cho rằng, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của chuyên chính vô sản là “phát triển nền dân chủ đến cùng, tìm ra những hình thức của sự phát triển ấy, đem thí nghiệm những hình thức ấy trong thực tiễn”.

Phát triển và hoàn thiện nền dân chủ vô sản cũng có nghĩa là phát triển hoàn thiện nhà nước vô sản. Và, theo quan điểm mácxít, đến một lúc nào đó, khi nhà nước vô sản đã hoàn thành chức năng của nó, khi nền kinh tế và trình độ phát triển xã hội đến giai đoạn cao: “Giai đoạn cộng sản chủ nghĩa”, xã hội tồn tại theo một trật tự mới theo nguyên tắc “tự giác”, thì lúc đó nhà nước “tự tiêu vong”.

Ở Việt Nam trong lịch sử đã từng tồn tại nhà nước phong kiến trung ương phân quyền và tập quyền từ thế kỷ X đến nửa sau thế kỷ XIX. Khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ nước ta từ 1884 đến 1945, tồn tại nhà nước thuộc địa nửa phong kiến. Sau cách mạng tháng Tám 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời chấm dứt sự tồn tại của nhà nước thuộc địa nửa phong kiến, mở ra một trang sử mới của sự phát triển nhà nước.

Hiện nay, Đảng chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh một số đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa:

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đặt dưới quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản, tồn tại theo nguyên tắc: “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Bản chất của hình thức nhà nước này là: “nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Về bản chất, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”.

Việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng tâm của quá trình đổi mới hệ thống chính trị. Sự hiện diện của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là đặc trưng của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoạt động trên tinh thần kết hợp giữa thực hiện dân chủ, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền, đồng thời coi trọng nền tảng đạo đức xã hội. Để hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, Đảng chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới thể chế, cơ chế, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, thực hiện chính phủ liêm chính, kiến tạo, năng động, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là góp phần thực hiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Video liên quan

Chủ Đề