Cách tính diện tích gieo mạ

Những năm gần đây, sự chuyển dịch lao động mạnh mẽ sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đã khiến cho ngành Nông nghiệp thiếu hụt lao động trầm trọng. Để giải quyết vấn đề này, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được đưa vào áp dụng, trong đó phương thức gieo thẳng lúa là một kỹ thuật được tiếp thu, áp dụng rộng rãi ở miền Bắc nói chung và Ninh Bình nói riêng. Nếu như năm 2009 diện tích gieo thẳng toàn tỉnh chưa đầy 500 ha thì đến năm 2020 diện tích này đạt trên 38.000 ha, chiếm trên 50% diện tích gieo cấy. Hai địa phương có diện tích gieo thẳng lớn [chiếm trên 90% tổng diện tích gieo cấy] là Yên Khánh và Yên Mô.

Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh phương thức gieo thẳng có những ưu điểm như giảm công lao động, đẩy nhanh được thời vụ gieo trồng, rút ngắn được thời gian sinh trưởng của cây lúa trên đồng ruộng. Tuy nhiên, mặt trái của phương thức này là dễ bị ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết bất thuận như rét đậm, rét hại trong vụ đông xuân, mưa úng trong vụ mùa. Đặc biệt, gieo thẳng phải sử dụng ít nhất 1 lần thuốc trừ cỏ, 1 lần thuốc trừ ốc, còn trong điều kiện thời tiết bất thường, gặp mưa lớn sau khi xử lý thuốc hay trường hợp phải gieo lại thì số lần phun thuốc cũng phải tăng lên 2-4 lần. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái. Ngoài ra, có nơi bà con có tập quán sử dụng lượng giống gieo thẳng nhiều hơn so với khuyến cáo vừa làm tăng chi phí, vừa tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh, gây hại nặng, giảm năng suất.

Ninh Bình đang hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm, do vậy yêu cầu cấp thiết lúc này là phải làm sao để hạn chế tối đa việc gieo thẳng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay khi tình trạng lao động nông nghiệp ngày càng giảm và độ tuổi lao động ngày càng già hóa thì việc thay đổi tập quán của người dân quay trở lại phương thức cấy bằng tay ngày càng khó khăn. Nhiều địa phương cho biết, sau khi hình thức gieo thẳng được phổ biến trong nhân dân thì bà con nhanh chóng áp dụng, thậm chí ở những chân đất không chủ động được tưới tiêu, thường xuyên bị mưa úng, phải gieo đi gieo lại nhiều lần, chính quyền đã khuyến cáo bà con phải cấy bằng tay nhưng họ vẫn thực hiện phương pháp gieo thẳng.

Ông Phạm Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Giải pháp tối ưu lúc này là sử dụng công nghệ mạ khay, cấy máy. Máy cấy được đưa vào đồng đất Ninh Bình từ vụ đông xuân năm 2013 tại xã Xuân Thiện [huyện Kim Sơn], xã Khánh Nhạc [huyện Yên Khánh], xã Ninh Khang [huyện Hoa Lư] nhưng chỉ dừng lại ở dạng mô hình, không nhân rộng được. Đến vụ đông xuân năm 2019, để giải quyết những hạn chế trong phương pháp gieo thẳng và từng bước áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong khâu gieo cấy, tạo cơ sở để từng bước áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, Trung tâm tiếp tục thực hiện mô hình mạ khay, cấy máy tại HTX Kiến Thái, xã Khánh Trung với quy mô 2,5 ha. Kết quả mô hình đã thể hiện nhiều ưu điểm. Cụ thể: Tiết kiệm giống và giảm công lao động so với cấy tay, khắc phục được tình trạng thiếu lao động nông nghiệp, đảm bảo được thời vụ canh tác. Máy cấy thế hệ mới là "Máy cấy có thể điều chỉnh nhiều mật độ khác nhau để phù hợp với từng chân đất, từng giống lúa khác nhau". Ngoài ra, việc cấy bằng máy giúp chủ động hơn trong quá trình chăm sóc lúa, giảm ngộ độc hữu cơ ở vụ mùa, đặc biệt là có thể điều tiết nước để hạn chế cỏ dại gây hại, giảm 1-2 lần sử dụng thuốc trừ cỏ so với gieo thẳng. Đặc biệt, lúa cấy bằng máy sinh trưởng, phát triển, năng suất tương đương so với cấy bằng tay, gieo thẳng. Với những ưu điểm đó, mô hình được nhiều địa phương học tập, mở rộng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 6 cơ sở [3 HTX và 3 hộ cá thể] sở hữu máy cấy; tổng số máy cấy trên địa bàn tỉnh là 16 máy [trong đó 11 máy lái lớn; 5 máy tay] tập trung chủ yếu ở huyện Yên Khánh 14 máy; Hoa Lư 2 máy. Tổng diện tích được cấy bằng máy trong vụ mùa 2020 đạt trên 340 ha.

Mới đây, tại hội nghị triển khai sản xuất vụ đông xuân 2020-2021, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu nhanh chóng mở rộng diện tích lúa cấy bằng tay hoặc áp dụng gieo mạ khay, cấy máy, kết hợp với sản xuất theo hướng hữu cơ. Phấn đấu đến năm 2025 diện tích lúa cấy toàn tỉnh chiếm trên 60%, trong đó diện tích cấy bằng máy chiếm trên 10%. Xây dựng 3 cơ sở dịch vụ gieo mạ khay, cấy máy tập trung trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, trong năm 2021, diện tích lúa cấy phải đạt 50% tổng diện tích gieo cấy toàn tỉnh, trong đó diện tích cấy bằng máy là 2%. Nhiều giải pháp đã được các địa phương, phòng, ban chuyên môn đưa ra, đầu tiên là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị, cán bộ chuyên môn, các doanh nghiệp và người nông dân nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất lúa từ gieo thẳng sang cấy bằng tay và gieo mạ khay, cấy máy. Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát, lập danh sách những vùng, những diện tích đảm bảo các điều kiện về địa hình, chân đất, hệ thống thủy lợi phù hợp để áp dụng phương thức cấy máy. Từ đó xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích cấy theo từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng địa phương và đảm bảo thực hiện đạt mục tiêu đề ra. ở những vùng chưa đủ điều kiện để áp dụng phương thức cấy máy, khuyến khích người dân tiếp tục cấy bằng tay kết hợp với kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI, VietGAP, theo hướng hữu cơ... Ngoài ra, cần hỗ trợ để hình thành được các tổ hợp tác sản xuất mạ khay và cấy máy, cung cấp dịch vụ từ giống, gieo mạ, cấy và bàn giao ruộng cho người nông dân chăm sóc với mức chi phí hợp lý đảm bảo lợi ích của cả người nông dân và đơn vị tổ chức cấy máy. Có giải pháp về nguồn vốn đầu tư, bố trí mặt bằng cho việc tổ chức gieo mạ và chăm sóc mạ sau khi gieo. Xây dựng các mối liên kết giữa các cơ sở máy cấy, gieo mạ khay trong và ngoài tỉnh để tranh thủ thời vụ sản xuất.

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu

Video liên quan

Chủ Đề