Chất lượng dân số là sự phản ánh gì năm 2024

Cập nhật ngày: 13/08/2023 06:04:55

ĐTO - “Dân số và phát triển” là thuật ngữ chỉ mối quan hệ 2 chiều giữa 1 bên là dân số [DS] và bên kia là sự phát triển [PT]. Nói cách khác, đó là sự tác động của DS đến PT và ngược lại, tác động của PT đến DS. Để hiểu rõ hơn mối quan hệ này, cần tìm hiểu một số khái niệm cơ bản: Dân cư và DS; PT và PT bền vững…

Thạc sĩ Nguyễn Minh Tương - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh triển khai công tác dân số những tháng cuối năm 2023 [Ảnh: Kim Ngân]

DÂN CƯ VÀ DÂN SỐ

Những con người cùng cư trú trên một vùng lãnh thổ nhất định gọi là dân cư hay cư dân của vùng đó. Ví dụ như: Dân cư xã Mỹ Tân, dân cư phường Mỹ Phú, dân cư huyện Cao Lãnh, dân cư của tỉnh Đồng Tháp... Dân cư của một vùng lãnh thổ có thể được xem xét trên nhiều góc độ như: lịch sử hình thành, số người, phong tục, tập quán, kinh tế, ngôn ngữ...

Nói đến DS thì thông tin được tìm hiểu đầu tiên từ dân cư là quy mô, tức là tổng số người của dân cư đó hay đơn giản là “số dân”. Để hiểu biết chi tiết hơn, người ta phân chia tổng số dân thành nhóm nam và nhóm nữ hoặc các nhóm khác nhau về độ tuổi, tức là nghiên cứu cơ cấu DS theo giới tính, độ tuổi...

Do lịch sử hình thành và điều kiện sinh sống khác nhau nên con người cư trú trên các địa phương, các vùng cũng rất khác nhau. Sự phân chia tổng số dân theo từng địa phương, từng vùng gọi là phân bố DS theo lãnh thổ. Ngoài số lượng, người ta cũng thường xem xét chất lượng DS. Đó là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ DS.

Quy mô, cơ cấu DS trên một lãnh thổ không ngừng biến động do có người được sinh ra, có người bị chết đi [biến động tự nhiên], có người di cư đến và có người di cư đi [biến động cơ học], hoặc đơn giản chỉ là theo năm tháng, bất cứ ai cũng chuyển từ nhóm tuổi này sang nhóm tuổi khác. Như vậy, nói đến DS là nói đến quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng và những thành tố gây nên sự biến động của DS như: sinh sản, tử vong và di cư. Thước đo mức độ hay các chỉ tiêu phản ảnh của các thành tố này có thể gọi là các “biến DS”. Do đó, DS thường được nghiên cứu cả ở trạng thái tĩnh [tại một thời điểm] và ở trạng thái động [trong cả một thời kỳ]. Nội hàm của khái niệm dân cư rộng hơn nhiều so với nội hàm của khái niệm DS.

PHÁT TRIỂN VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

PT là một khái niệm rộng, chỉ tất cả hoạt động của con người nhằm thúc đẩy xã hội tiến lên về đời sống vật chất cũng như tinh thần, khái niệm này có quá trình hoàn thiện dần. PT được hiểu là tăng trưởng kinh tế, tiến bộ về xã hội và bền vững về môi trường. Đối với các nước nghèo thì PT được hiểu cụ thể hơn, liên quan đến việc đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người. Đó là quá trình giảm dần, đi đến loại bỏ nạn đói ăn, bệnh tật, mù chữ, tình trạng mất vệ sinh, thất nghiệp và bất bình đẳng.

Ngày nay, xuất phát từ góc độ bảo vệ môi trường, cũng là bảo vệ sự sống, người ta thường nhấn mạnh đến tầm nhìn dài hạn, nhấn mạnh tính bền vững của PT. PT bền vững là sự PT đáp ứng những nhu cầu của hiện tại nhưng không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.

Nội hàm PT bền vững được hiểu một cách toàn diện, bao gồm nhiều phương diện như: kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh chính trị và quốc phòng. PT bền vững bao trùm các mặt của đời sống xã hội, nghĩa là phải gắn kết sự phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, gìn giữ và cải thiện môi trường, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Ở Việt Nam, từ năm 2017, Chính phủ đã công bố Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì sự PT bền vững, trong đó nhấn mạnh quan điểm “PT bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình PT đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa PT kinh tế với PT xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền Quốc gia” và “Con người là trung tâm của PT bền vững. Phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của PT bền vững”.

Như vậy, sản xuất ra vật chất là hoạt động bao trùm, quyết định sự tồn tại và PT của xã hội loài người. Hoạt động này xoay quanh 2 trục: sản xuất ra đồ vật [tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng] và sản xuất ra chính bản thân con người. Hai dòng sản xuất vật chất này tuy khác hẳn nhau về mọi mặt nhưng phụ thuộc chặt chẽ vào nhau với các biểu hiện sau: Nếu không có dòng sản xuất này thì cũng không có dòng sản xuất kia; tồn tại dòng sản xuất ra đồ vật là do con người và vì con người. Do đó, sản xuất cái gì, với khối lượng bao nhiêu đương nhiên là phụ thuộc vào số dân và nhu cầu của họ, mà nhu cầu này phụ thuộc lớn vào độ tuổi và giới tính. Hay nói khác đi, quy mô, cơ cấu sản xuất, tiêu dùng phụ thuộc khá chặt chẽ vào quy mô, cơ cấu dân số.

Ngược lại, sinh sản, tử vong và di cư phụ thuộc chặt chẽ vào trình độ PT của khu vực sản xuất vật chất, đặc biệt là trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Nền sản xuất dựa trên những công cụ thủ công sẽ đòi hỏi số lượng lao động nhiều hơn là chất lượng lao động, điều này sẽ dẫn đến việc sinh nhiều con. Tình hình hoàn toàn ngược lại đối với nền sản xuất dựa trên cơ sở hiện đại hoá và tự động hóa...

Hơn nữa, sinh sản, tử vong và di cư còn liên quan tới tất cả các yếu tố khác của quá trình PT như: y tế, giáo dục, sự bình đẳng nam nữ, môi trường... Thật vậy, kết hôn, hạn chế sinh đẻ, lựa chọn sinh con trai hay con gái, chống lại bệnh tật và cái chết... đều là hoạt động có ý thức, cần đến tri thức và là những hoạt động riêng có của loài người. Vì vậy, các yếu tố của PT như: bình đẳng nam nữ, giáo dục có kiến thức, khoa học kỹ thuật tiến bộ... càng cao, tri thức con người sẽ càng rộng, nhận thức con người càng trở nên hợp lý, càng có tác động đến các quá trình DS nói trên và đó là mối quan hệ hữu cơ giữa DS và PT.

Chủ Đề