Chiến dịch đường 9 khe sanh thuộc địa phương nào năm 2024

Nghi binh chiến lược là một trong những nét đặc sắc của Nghệ thuật Quân sự Việt Nam; trong đó, Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh là một trong những điển hình của nghệ thuật này. Kết quả của Chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh, góp phần quan trọng vào thắng lợi to lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh Xuân Hè 1968 là đòn tiến công có ý nghĩa quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhằm đánh chiếm khu vực, địa bàn trọng yếu, bảo vệ hành lang vận chuyển chiến lược từ Bắc vào Nam; đồng thời, là sự khởi đầu, nghi binh cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đầy hiệu quả. Với đòn nghi binh chiến lược có một không hai này, quân Giải phóng đã thu hút và kìm giữ một bộ phận sinh lực quan trọng cùng một khối lượng lớn bom đạn của Mỹ vào khu vực Đường 9 - Khe Sanh trong 170 ngày đêm, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân miền Nam, trước hết là Mặt trận Trị - Thiên - Huế đồng loạt nổi dậy tiến công địch. Đánh giá về sự kiện này, Đại tướng Hoàng Văn Thái nhận xét: “Ở hướng này (Đường 9 - Khe Sanh) nếu chỉ nói từ Tết Mậu Thân sẽ không đủ, mà phải đánh giá từ chủ trương chiến lược rất tài giỏi của Bộ Chính trị kéo quân Mỹ ra và kìm chúng lại trên Đường số 9 từ trong năm 1966 - 1967”1.

Trên cơ sở những thắng lợi đã đạt được trong hai cuộc phản công mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 và từ những phân tích, đánh giá khách quan, khoa học tình hình chiến trường, tương quan lực lượng địch - ta, Hội nghị Bộ Chính trị (12-1967) và Hội nghị Trung ương lần thứ 14 (01-1968) đã quyết định chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Nhiệm vụ quan trọng đặt ra lúc này là “Động viên những nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng ở nước ta lên một bước phát triển cao nhất, bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”2. Vì thế, kế hoạch tác chiến xác định chiến trường trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định, Đà Nẵng và Huế; hướng phối hợp chiến lược quan trọng là Đường 9 - Khe Sanh nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch”3. Từ chủ trương của Đảng đến kết quả giành thắng lợi to lớn của Chiến dịch đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm có ý nghĩa chiến lược quan trọng.

Chiến dịch đường 9 khe sanh thuộc địa phương nào năm 2024
Trung tâm ra-da chỉ huy của Mỹ ở Khe Sanh (Ảnh tư liệu)

Trước hết, chọn đúng khu vực tác chiến chủ yếu để thực hiện nghi binh chiến lược.

Các nhà quân sự Mỹ cho rằng: Khe Sanh “là cái mỏ neo ở phía Tây hệ thống phòng thủ Nam khu phi quân sự, là bàn đạp cho các cuộc hành quân trên bộ của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn để cắt đường mòn Hồ Chí Minh”. Nơi đây, có vị trí chiến lược rất quan trọng nên Mỹ đã xây dựng một thế trận khá vững chắc gồm 3 khu vực phòng ngự liên hoàn, lấy Đường 9 làm trục và tập trung binh lực khá lớn, khoảng 45.000 tên, trong đó có 28.000 lính Mỹ, gồm 10 tiểu đoàn bộ binh và lính thủy đánh bộ, 9 tiểu đoàn pháo binh, 3 tiểu đoàn và 1 đại đội cơ giới. Với việc bố trí thế trận và binh lực mạnh như vậy, Mỹ và chính quyền Sài Gòn cho rằng sẽ tạo được tuyến phòng thủ vững chắc, ngăn chặn sự xâm nhập của đối phương trên vùng giáp ranh. Nhận thấy lực lượng địch trên Đường 9 khá đông và có chiều hướng ngày càng gia tăng, nên nếu ta đánh mạnh, cắt đứt được tuyến giữa (đoạn từ Tân Lâm đi Cà Lu), Khe Sanh xem như bị cô lập hoàn toàn về đường bộ và khi bị tổn thất nhiều về lực lượng thì chắc chắn chúng sẽ tăng cường lớn quân Mỹ đến ứng cứu, khả năng thu hút quân Mỹ trên khu vực này là rất cao. Khi đó, ta sẽ thực hiện được ý định tổng tiến công vào nội đô, kéo địch ra và giam chân chúng tại Khe Sanh.

Từ nhận định đó, ngày 31-12-1967, Hội nghị Đảng ủy Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã quyết định sử dụng lực lượng trên hai hướng: hướng Tây (Khe Sanh) do các sư đoàn 304 và 325 đảm nhiệm; hướng Đông (gồm một phần Cam Lộ và các xã phía Đông Đường 1) do Sư đoàn 320B và 3 trung đoàn của Sư đoàn 324 đảm nhiệm; trong đó, hướng Tây là hướng tiến công chủ yếu của Chiến dịch. Bộ Tư lệnh cũng dự kiến, trong quá trình diễn biến Chiến dịch tùy tình hình có thể hướng Đông sẽ thành hướng chủ yếu. Đây là nét đặc sắc trong nghệ thuật xác định khu vực tác chiến chủ yếu để tạo khả năng thực hiện đòn nghi binh chiến lược hiệu quả. Bởi lẽ, xét về tương quan lực lượng lúc đó, địch có ưu thế gần như tuyệt đối về vũ khí, phương tiện chiến tranh, nhất là về không quân và thiết giáp, nên ta đã chọn khu vực phía Tây - khu vực rừng núi (Khe Sanh) là để hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch và quan trọng hơn, đây còn là khu vực “nhạy cảm” đối với địch về chiến lược để ta có thể thu hút, kiềm chế và diệt địch. Trong khi đó, ở hướng Đông, địch không chỉ tăng cường phòng bị, mà còn thiết lập được hệ thống cứ điểm phòng ngự khá liên hoàn, vững chắc. Hơn nữa, đây cũng là hướng mà địch có khả năng phát huy được thế mạnh của chúng về xe tăng - thiết giáp, không quân, pháo binh. Vì thế, ta chọn phía Tây (Khe Sanh) làm khu vực tác chiến chủ yếu là nhằm đánh vào nơi địch yếu hơn so với khu vực khác nhưng lại là địa bàn chiến lược hiểm yếu, quan trọng.

Thực tế chiến trường đã diễn ra đúng như nhận định của Bộ Tư lệnh Chiến dịch và khi thung lũng Khe Sanh bị bao vây đã thấp thoáng một “Điện Biên Phủ” thứ hai đối với Mỹ, dẫn đến sự thất bại của địch là không thể tránh khỏi.

Hai là, chọn đúng thời cơ nổ súng và cường độ tiến công Đường 9 - Khe Sanh, thu hút sự chú ý cao độ của địch.

Theo quy định và kế hoạch được Bộ Chính trị thông qua, “chiến dịch tiến công Đường số 9 - Khe Sanh phải nổ súng trước 15 ngày để vừa tiêu diệt địch, vừa nghi binh, kiềm chế thu hút lực lượng lớn quân Mỹ ra mặt trận này”4.

Mặc dù Mỹ đã phát hiện được sự di chuyển nhiều đơn vị chủ lực hướng về khu vực Đường 9 - Khe Sanh, nhưng tướng Westmoreland - Tư lệnh Quân đội Mỹ nhận định: đối phương có thể sẽ mở một cuộc tiến công rộng lớn trên khắp Nam Việt Nam, thậm chí có thể nhằm vào cả đô thị, nhưng mục tiêu chủ yếu sẽ là chiếm căn cứ chính của quân Viễn chinh tại Khe Sanh (tây bắc Quảng Trị), sau đó chiếm giữ hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên, tạo lợi thế bước vào thương lượng. Như vậy, cho đến trước khi chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh nổ súng, địch vẫn chưa phán đoán đúng ý định chiến lược của ta.

Trong lúc phía Mỹ đang hồi hộp đợi các động thái của ta, thì đêm 20, rạng ngày 21-01-1968, ta bất ngờ nổ súng tiến công địch ở Đường 9 - Khe Sanh. Điều đáng nói là, ta không chỉ tập trung lực lượng lớn, gồm các sư đoàn chủ lực: 304, 320, 324, 325, mà còn tăng cường nhiều đơn vị hỏa lực, nhất là xe tăng, pháo nòng dài mới, tiến hành mở cuộc tiến công toàn diện vào hệ thống phòng thủ của địch trên Đường 9 - Khe Sanh, đẩy quân Viễn chinh Mỹ và quân đội Sài Gòn rơi vào tình thế khó khăn nghiêm trọng, buộc chúng phải tập trung lực lượng, phương tiện (kể cả máy bay B.52) để đối phó.

Khi mọi sự chú ý của địch đổ dồn vào Khe Sanh, thì lực lượng vũ trang giải phóng bất ngờ mở cuộc tiến công vào hầu khắp các đô thị trên toàn miền Nam (đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968), đánh thẳng vào các cơ quan đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh đã góp phần làm lạc hướng phán đoán của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta ở các mặt trận khác áp sát tiến công địch, đặc biệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đã làm đảo lộn các kế hoạch chiến tranh của chính quyền Tổng thống Giôn-xơn và gây ra sự phản ứng dữ dội trong công chúng Mỹ.

Rõ ràng đòn tiến công Khe Sanh đã tạo yếu tố bí mật, bất ngờ tuyệt đối cho cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân, bịt mắt hoàn toàn các cơ quan tình báo Mỹ và Sài Gòn. Đó là một đòn nghi binh chiến lược cực kỳ xuất sắc và thành công của ta. Cuộc Tổng tiến công làm sôi động cả miền Nam và nước Mỹ, khiến cho Tổng thống Giôn-xơn và quân Mỹ trên chiến trường miền Nam “sững sờ, choáng váng”.

Ba là, vận dụng nghệ thuật tác chiến linh hoạt để kéo địch ra và giam chân chúng ở khu vực lựa chọn.

Trong Nghi binh, điều quan trọng nhất là phải lừa được địch, khi địch phát hiện được thì chúng cũng không kịp trở tay. Chủ trương kéo địch ra Đường 9 - Khe Sanh trong thời điểm đó là rất đúng đắn và sáng suốt về chiến lược vì đây là hướng nghi binh, thu hút địch, làm cho địch phải sửng sốt khi ta tiến công vào các đô thị trong dịp Tết Mậu Thân. Theo đó, Chiến dịch đã vận dụng các hình thức tác chiến linh hoạt để tiêu diệt chi khu quân sự Hướng Hóa, đánh chiếm cứ điểm Huội San, tiến công cụm cứ điểm Làng Vây giải phóng Đường 9 từ biên giới Việt Lào đến Hướng Hóa, mở rộng bàn đạp tiến công vây hãm Tà Cơn, cắt đứt giao thông bộ, chặn đứng tiếp tế đường hàng không. Trước sự tiến công mạnh mẽ của quân Giải phóng, lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ buộc phải rút vào cố thủ. Để cứu nguy cho lực lượng quân Mỹ đang bị ta vây hãm ở Tà Cơn, từ giữa tháng 2 trở đi, quân Mỹ đã sử dụng máy bay xuất kích 300 lần/chiếc/ngày, ném 35.000 tấn bom xung quanh Tà Tơn. Máy bay B-52 đã thả xuống khu vực Khe Sanh khoảng 100.000 tấn bom. Pháo tầm xa 175mm của lục quân Mỹ mỗi ngày bắn đến Khe Sanh khoảng 1.500 quả đạn. Tướng Westmoreland cho đó “là những trận ném bom nặng nề nhất, tập trung nhất trong lịch sử chiến tranh, khiến cho nhiều nhà quan sát phải khiếp sợ”5. Tuy nhiên, ban đầu do ta chỉ sử dụng chiến thuật vây hãm, nên địch chưa đưa quân ra giải tỏa, mà sử dụng lực lượng tại chỗ cố thủ, phản kích kết hợp với chi viện bằng hỏa lực từ xa. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định chuyển từ chiến thuật vây hãm sang vây lấn Tà Cơn, nhằm đẩy địch vào tình thế ngày càng khốn quẫn. Trước nguy cơ địch ở Tà Cơn bị tiêu diệt, ngày 03-4-1968, Bộ Chỉ huy Mỹ tại chiến trường miền Nam buộc phải sử dụng Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 và 3 tiểu đoàn quân đội Sài Gòn, 01 tiểu đoàn biệt động mở cuộc hành quân mang tên “Lam Sơn 207” (ngựa bay) giải toả Khe Sanh. Sáng 05-4, địch đổ tiếp 02 tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn kỵ binh không vận số 1 xuống vùng Pa-ka - Húc Hạ, v.v.

Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh đã thực hiện được mục tiêu thu hút, giam chân một bộ phận lực lượng chiến lược Mỹ và bom đạn của chúng đổ xuống khu vực này. Trong 170 ngày đêm chiến đấu, “ta đã giam chân 17 trên 33 lữ đoàn quân Mỹ, thu hút sự chú ý của địch ra vùng rừng núi Nam giới tuyến, buộc chúng phải phân tán lực lượng trên các chiến trường”6. Ta đã buộc Mỹ phải đưa sư đoàn thủy quân lục chiến và sau này cả sư đoàn kỵ binh bay lên vùng rừng núi, với mục đích là căng địch ra, thu hút và kìm địch lại mà tiêu diệt, tiêu hao chúng, buộc địch có trang bị hiện đại phải kéo nhau lên vùng rừng núi và phải đánh theo ý định của ta. Thực hiện nghi binh chiến dịch có ý nghĩa chiến lược đã góp phần làm lạc hướng phán đoán của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta ở các mặt trận khác áp sát tiến công địch giành thắng lợi, nhất là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh kết thúc, “cái mỏ neo” của Mỹ bị chặt đứt, những lợi thế về chiến lược, chiến thuật của Mỹ ở Đường 9 bị phá sản. Những kinh nghiệm về nghệ thuật nghi binh chiến dịch có ý nghĩa chiến lược trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh đến nay vẫn giữ nguyên giá trị và có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN LƯỢNG, Trưởng phòng Quản lý khoa học Viện Lịch sử quân sự Việt Nam _______________

1 - Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Chiến dịch tiến công Đường số 9 – Khe Sanh xuân hè 1968, H, 1987, tr.73.

2 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 29, Nxb CTQG, H. 2003, tr. 50.

3 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, Tập V: Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 39.

4 - Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - Tổng kết tác chiến chiến lược trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), Nxb QĐND, H. 2005, tr. 436.

5 - Nguyễn Văn Minh, Sự kiện Khe Sanh 1968 - Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 4-2006, tr. 10.

6 - Bộ quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Tổng kết tác chiến chiến lược trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), Nxb QĐND, H. 2005, tr. 437.