Có nên mua đất khi khủng hoảng kinh tế

Dùng tiền [vật chất] để quy đổi thành công cụ sản xuất [đất hoặc xe cộ], để đầu tư tài chính hoặc đầu tư kinh doanh, đều là sự lựa chọn. Tôi cho rằng, chẳng có cái nào đúng, cái nào sai vì nó phụ thuộc vào giai đoạn kinh tế và hạ tầng sẵn có của bản thân mỗi người.

Ai giỏi làm ra của cải vật chất từ sản xuất thì dùng tiền mua công cụ sản xuất và mở rộng kinh doanh sẽ lời hơn đầu tư tài chính. Ngược lại, ai không có khiếu kinh doanh nhưng am hiểu vĩ mô và quản trị rủi ro thì nên đầu tư tài chính sẽ ít rủi ro hơn kinh doanh.

Không phải cứ ai giàu lên thì họ nói gì cũng là chân lý và áp dụng đúng cho tất cả người khác, chỉ đơn giản là tại thời điểm đó, họ đã đưa ra quyết định đúng một cách vô tình hoặc qua phân tích. Đơn cử, biết bao người dùng tiền làm ăn thua lỗ hoặc chỉ cầm chừng và ước gì ngày xưa mình mua đất, vừa nhẹ nhàng vừa nhân chục lần tài sản sau chục năm.

Nhưng nếu nhiều người tự hào vì nhờ mua đất mà tài sản tăng 40-80 lần sau 20 năm thì cũng nên nhìn những doanh nghiệp trên sàn chứng khoán sau chừng ấy năm đã tăng vốn hóa lên vài trăm đến cả ngàn lần. Thực tế, đất đai chỉ là một dạng công cụ sản xuất, nên chỉ tăng giá được như bây giờ nếu doanh nghiệp làm ăn được và kinh tế phát triển.

Các ông trùm bất động sản không kinh doanh bất động sản mà là phát triển bất động sản, họ biến từ mảnh đất trống thành khu đô thị, biến đồng không thành khu nghỉ dưỡng... Đó chính là chuỗi tạo giá trị của phát triển bất động sản. Đầu tư tài chính còn có chứng khoán. Thị trường chứng khoán thật ra lại rất quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

>> Sống dư dả vì cha mẹ không đổ tiền mua nhà đất

Đầu tư vào bất động sản chỉ sinh lời trong giai đoạn kinh tế đi lên, và dù mức sinh lời bình quân cao 20-30% cũng không phải là lựa chọn tốt nhất đối với người có sự nghiệp kinh doanh đang phát đạt.

Chính chu kỳ kinh tế đi lên này khiến cả thế hệ không tập trung kiến thức chuyên môn mà lao vào con sóng mua đi bán lại bất động sản. Đất đai ngày càng đắt thì sản xuất kinh doanh ngày càng khó. Đến khi con sóng qua đi, lại có một thế hệ đến tuổi 30 mà không có kinh nghiệm và lợi thế cạnh tranh từ chuyên môn để có ích cho chuỗi sản xuất tạo giá trị.

Tôi thấy những người biết đầu tư một danh mục đầu tư đa dạng, kết hợp quản trị rủi ro và biết đầu tư vào bản thân mới là người không phải ra đường khi khủng hoảng kinh tế xảy ra. Vì khi xảy ra biến động vĩ mô thì những chuyên môn, năng lực, kỹ năng họ tích lũy vẫn luôn là tài nguyên quý được xã hội, doanh nghiệp săn đón.

Người ra đường ở thường là người đi vay để mua nhà hoặc tiêu sản, hoặc tài sản rủi ro vượt quá khả năng tạo ra vật chất của bản thân.

Nói tóm lại, ai lựa chọn làm gì thì nên xem xét kỹ nền tảng của bản thân, chu kỳ kinh tế... trước khi quyết định, và kiên định với con đường mình chọn, thì chục năm sau nhìn lại bạn sẽ thấy thành quả.

Các bạn trẻ nếu chưa có khả năng để có cuộc sống tài chính thoải mái thì không nên đo đếm làm gì nhiều chuyện mua nhà đất, mà nên đầu tư tiền bạc, thời gian và tinh thần vào bản thân để tăng khả năng tạo ra tiền từ năng suất lao động và đầu tư.

Tran Quang Minh

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Đang tải...

  • {{title}}

Chủ Đề