Có nên nộp CV nhiều nơi

Thông thường, khá nhiều người cho rằng tìm kiếm việc làm chẳng khác nào một chu kỳ vô tận từ việc gửi CV, chờ đợi trong lo lắng hồi hộp, rồi thất vọng khi không nhận được một phản hồi nào và phải tiếp tục tìm kiếm một công ty khác. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có khả năng làm chủ quá trình tìm việc của mình. Cho dù bạn đang trong khoảng thời gian săn đuổi một công việc mới, hoặc bạn chỉ mới chớm suy nghĩ việc tìm kiếm một điều gì đó mới mẻ hơn thì danh sách dưới đây sẽ giúp bạn đẩy nhanh tiến độ quá trình của mình đấy. Trước tiên, điều bạn cần làm là tìm hiểu xem nhà tuyển dụng khuyên bạn nên và không nên làm gì để gia tăng cơ hội thành công trong việc ứng cử bất kỳ vị trí nào bạn mong đợi.

NÊN

1. Sử dụng mạng lưới mối quan hệ của bạn

Khi được hỏi về những gì một ứng viên phải làm để thành công và có được công việc, nhóm tuyển dụng của Glassdoor đã đưa ra một câu trả lời vô cùng đơn giản: hãy sử dụng các mối quan hệ của bạn một cách hiệu quả. James Parker giám đốc tuyển dụng của Glassdoor - cho biết: Các ứng viên tìm việc cần phải chủ động giao tiếp, tiếp xúc với những kênh liên lạc mà họ có trong lĩnh vực đang ứng tuyển hoặc tại công ty mà họ quan tâm. Hầu hết những người tìm việc đều đã nghe qua lời khuyên này, bạn biết vì sao không, vì nó thực sự đã phát huy tác dụng không ngờ đến. Được giới thiệu từ một người có tầm ảnh hưởng trong ngành [hoặc trong công ty] chắc chắn sẽ mang lại cho bạn cơ hội tốt hơn là theo cách thức ứng tuyển thông thường.

2. Đưa ra lý do vì sao bạn muốn làm việc tại một nơi nào đó

Trong suốt quá trình tuyển dụng, điều quan trọng là bạn phải xác định được lí do vì sao công ty mà bạn đang ứng tuyển lại là một sự lựa chọn phù hợp với mình.

Parker chia sẻ: Rất nhiều ứng viên chỉ tập trung vào lí do vì sao họ muốn rời bỏ công việc hiện tại, thậm chí tệ hơn là nói xấu sếp cũ và đồng nghiệp của mình. Họ không hề đưa ra được một lí lẽ nào để thuyết phục nhà tuyển dụng rằng họ mong muốn và phù hợp với vị trí ở công ty mới. Là một nhà tuyển dụng, chúng tôi không muốn bị phản bội, chúng tôi muốn ứng viên tương lai cũng yêu mến công ty như cách mà chúng tôi đã yêu mến và lựa chọn họ.

Vì vậy, hãy luôn hướng về phía trước và tập trung vào việc chứng minh vì sao công ty mới này thực sự đặc biệt đối với bạn, thay vì mãi than phiền và tỏ ra bạn chỉ muốn thoát khỏi vị trí hiện tại.

3. Cập nhật thông tin liên tục

Một trong những phần quan trọng giúp bạn tiến lên phía trước là đảm bảo rằng bạn đang cho nhà tuyển dụng tiềm năng thấy hình ảnh chân thực và tích cực nhất của mình. Linda Schubert một quản lý mảng tuyển dụng khác của Glassdoor nói rằng: Hãy chắc chắn rằng hồ sơ cá nhân và CV của bạn đã được cập nhật mới nhất và đáp ứng những yêu cầu trong mô tả công việc của vị trí đó. Điều này có nghĩa là lịch sử quá trình làm việc phải được sắp xếp theo thứ tự thời gian gần trước và CV nên bao gốm tất cả những kinh nghiệm tích lũy gần đây nhất của bạn.

Parker tiếp lời: Bên cạnh đó, CV cần đảm bảo sự rõ ràng và bố cục trình bày dễ nhìn để nhà tuyển dụng có thể nhanh chóng tìm ra những thành tựu chính của bạn. Hãy cẩn thận kiểm tra lỗi chính tả và thậm chí là nhờ đến người thứ hai giúp bạn đọc lại CV. Trong trường hợp bạn đề cập cụ thể đến vai trò, tên nhà tuyển dụng, tên công ty trong CV hoặc cover letter, lưu ý rằng bạn cần thay đổi cho phù hợp với từng đợt ứng tuyển vào các công ty khác nhau.

Cuối cùng, cố gắng gói gọn CV trong vòng 1 trang A4 hoặc tối đa là 1 trang rưỡi thôi nhé. Tham thì thâm, cố tình cho quá nhiều thông tin vào cũng chính là một trong những điều tệ hại làm giảm cơ hội đi qua vòng tiếp theo của bạn đấy.

4. Trình bày cụ thể

Đừng ngần ngại để các nhà tuyển dụng và quản lý biết chính xác vị trí mà bạn muốn tìm kiếm là gì. Nó sẽ tăng khả năng bạn nhận được phản hồi từ công ty đấy.

Bree Silveira nhà phụ trách tuyển dụng mảng Sales của Glassdoor nói rằng: Hãy đảm bảo rằng bạn đã trình bày thật cụ thể và chính xác vai trò, vị trí cụ thể mà bạn cảm thấy hứng thú. Rất nhiều lần, một khối lượng lớn CV gửi đến với những ghi chú chung chung, đại loại rằng bạn thích cơ hội này, quan tâm đến chương trình nọđiều đó gây ra không ít khó khăn cho nhà tuyển dụng khi họ không thể hiểu và xác định được vị trí nào trong công ty là phù hợp nhất với bạn. Nếu bạn trình bày cụ thể, chúng tôi sẽ nhanh chóng đánh giá được kỹ năng và kiến thức nền tảng của bạn có đáp ứng công việc chúng tôi đang tuyển hay không, hoặc có thể cân nhắc luân chuyển bạn đến một vị trí khác phù hợp hơn trong công ty để bạn phát huy khả năng cao nhất.

Nếu bạn không trình bày được tên công việc cụ thể nhưng vẫn mong muốn nộp đơn ứng tuyển, ít nhất phải chỉ ra được lĩnh vực mà bạn quan tâm nhé.

5. Nghiên cứu, tìm hiểu

Không chỉ cần quan tâm đến những thông tin của công ty bạn ứng tuyển, bạn còn phải tiến hành một số việc tìm hiểu cơ bản thông qua những người mà bạn sẽ tương tác trong suốt quá trình tuyển dụng, đặc biệt khi bạn được phỏng vấn quan điện thoại hoặc phỏng vấn trực tiếp tại văn phòng. Thật là một điều tuyệt với nếu bạn có thể trò chuyện trước với họ - những người sẽ là đồng nghiệp tương lai của bạn để làm quen, tìm hiểu và xây dựng mối quan hệ tốt hơn.

KHÔNG NÊN

1. Nộp một CV nhàm chán

Trong khi cố gắng tóm gọn CV thì bạn vẫn cần đảm bảo nó đủ sức hấp dẫn nhà tuyển dụng. Schubert chia sẻ: Đối với CV, không nên đơn thuần chỉ liệt kê những gì bạn đã làm được, mà còn thể hiện làm sao bạn tạo nên sự bứt phá và gây ảnh hưởng đến công ty đó. Đây chính là điều mấu chốt khiến bạn trở nên khác biệt so với hàng loạt các ứng viên còn lại.

2. Rải truyền đơn

Việc tạo nên một mạng lưới mối quan hệ tại công ty tiềm năng đúng là một điều thú vị và hữu ích, tuy nhiên, bạn chắc chắn sẽ thành công hơn nếu biết tập trung trau dồi vị trí mà bạn thật sự quan tâm.

Parker khẳng định: Đừng bao giờ ứng tuyển theo phương thức rải truyền đơn, nghĩa là nộp rất nhiều CV cho nhiều vị trí khác nhau trong công ty với hy vọng rằng một trong số chúng sẽ được chọn. Về vấn đề này, ông ấy đưa ra lời khuyên bạn nên đọc và xem xét thật kỹ bản mô tả công việc của từng vị trí mà bạn nộp đơn. Hãy sử dụng thời gian và năng lượng của mình để đầu tư và chiến lược hơn trong từng lần ứng tuyển.

Nộp quá nhiều CV xin việc không phải bao giờ cũng là cách hay để tăng cơ hội bạn có được một công việc, trù khi bạn may mắn nộp đúng việc phù hợp với mình.

3. Giới hạn bản thân

Tất nhiên bạn hoàn toàn có thể ứng cử vào một vị trí mà bạn chưa đáp ứng được tất cả các yêu cầu năng lực công ty đề ra, điều quan trọng là bạn tự chứng minh được bản thân mình. Parkers nói: Nếu bạn gửi một đơn xin việc khác với cách truyền thống mà vị trí đó yêu cầu, thì cover letter nên dành để giải thích vì sao bạn muốn thay đổi con đường sự nghiệp của mình và quan trọng nhất là làm thế nào bạn có thể phát triền những kỹ năng cần thiết mà vị trí bạn đang ứng tuyển yêu cầu.

4. Theo dõi, chầu chực với tần suất quá cao

Schubert khẳng định: Khi bạn theo dõi một điều gì đó, nó chứng minh mức độ quan tâm và chủ động của bạn.

Chỉ cần đảm bảo bạn dành đủ một khoảng thời gian hợp lý để theo dõi quá trình tuyển dụng của công ty. Cho phía nhà tuyển dụng thời gian để họ liên lạc lại với bạn và đưa ra quyết định. Đừng quên rằng họ thường có rất nhiều ứng viên cần xem xét và lựa chọn. Nếu bạn không nhận được bất kỳ một phản hồi nào trong vòng 3 đến 5 ngày thì khi đó mới chủ động theo dõi và liên lạc với họ.

5. Lén lút

Đây hẳn là một vấn đề lớn. Schubert khuyên: Nếu bạn nhận được một email thông báo rằng bạn không được chọn cho vị trí công việc, xin vui lòng đừng tìm đến một người khác trong công ty hòng có được một câu trả lời khác về kết quả. Người tuyển dụng là đầu mối liên lạc duy nhất của bạn, vậy nên bất kỳ hành động nào xung quanh hoặc sau lưng họ đều không đúng và dĩ nhiên không được chấp nhận.

Làm những việc lén lút như thế quả là không đáng, bởi vì nó sẽ gây tổn hại đến khả năng bạn được cân nhắc lại cho các cơ hội trong tương lai tại công ty ấy.

Chúc bạn sớm có được công việc mong muốn!

Nguồn: glassdoor.com

Video liên quan

Chủ Đề