Đánh giá đại học kiểm sát hà nội

Đổi mới công tác đào tạo đại học, sau đại học

PGS. TS Vũ Thị Hồng Vân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội chia sẻ, những năm gần đây, Nhà trường đã hoàn thành công tác sửa đổi, bổ sung chương trình đào tạo đại học, chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, xây dựng chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo; rà soát, hoàn thiện các quy định về công tác đào tạo đại học, sau đại học, công tác học viên, sinh viên cho phù hợp với quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đào tạo của Trường.

Cùng với đó, Nhà trường cũng chủ động thực hiện các giải pháp chuyển đổi phương thức đào tạo, khảo thí... từ trực tiếp sang trực tuyến nhằm thích ứng với tình hình dịch bệnh COVID-19, bảo đảm tiến độ và chất lượng đào tạo. Đội ngũ giảng viên Nhà trường đã phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ trong hoạt động xây dựng bài giảng, tổ chức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá online..., trau dồi kỹ năng, đa dạng hóa phương pháp giảng dạy mới nhằm nâng cao hiệu quả truyền đạt - tiếp thu kiến thức. 

Kết quả, chỉ tính riêng năm học 2020 - 2021, Nhà trường đã hoàn thành Kế hoạch đào tạo đại học năm học với tỷ lệ sinh viên đạt kết quả học tập từ loại Khá trở lên đạt trên 70%; cấp bằng cử nhân cho 377 sinh viên. Cùng với đó, công tác đào tạo sau đại học cũng được Nhà trường chú trọng triển khai…

Những năm gần đây, Nhà trường cũng rất chú trọng nâng cao chất lượng khảo thí, đặc biệt là công tác xây dựng, quản lý ngân hàng đề thi, thanh tra, giám sát thi hết môn, hết học phần, thi học kỳ đối với các lớp, các khóa, bảo đảm hoàn thành các kỳ thi đánh giá năng lực học tập của học viên, sinh viên đúng tiến độ, khách quan, công bằng, thực chất…

Đổi mới cách thức tổ chức các lớp, khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Trên cơ sở Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành KSND, Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội cũng chủ động xây dựng và triển khai Kế hoạch tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường. Thực hiện đổi mới cách thức tổ chức các lớp, khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; phối hợp với đơn vị quản lý cấp trên điều chỉnh kế hoạch mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên cũng như tiến độ ban hành chương trình, tài liệu của VKSND tối cao để bảo đảm kế hoạch chung.

Cùng với đó, Nhà trường cũng thường xuyên liên hệ, trao đổi và triển khai xây dựng kế hoạch mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho các đơn vị, VKSND địa phương bảo đảm phù hợp với nhu cầu, mục tiêu và yêu cầu cụ thể của từng đơn vị, địa phương và Nhà trường; tăng cường sự tham gia của đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là Kiểm sát viên VKSND tối cao và thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Điều tra viên của Ngành…

Chỉ tính riêng trong năm 2021, Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội đã tổ chức giảng dạy, quản lý 24 khóa bồi dưỡng với tổng số 1.798 học viên. Cùng với đó, Nhà trường cũng chủ động thực hiện việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của các đơn vị thuộc VKSND các cấp, trên cơ sở đó xây dựng các chuyên đề giảng dạy về kỹ năng của Kiểm sát viên trong giải quyết án như: kỹ năng tranh tụng, kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, báo cáo án, nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp dân sự, hành chính… để tổ chức giảng dạy tại các VKS địa phương.

Đẩy mạnh quản lý nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế

PGS. TS Vũ Thị Hồng Vân chia sẻ, trong những năm qua, Kế hoạch, Chương trình nghiên cứu khoa học của Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội luôn được triển khai theo hướng nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên, công chức, viên chức Nhà trường. 

Chỉ tính riêng trong năm 2021, Trường đã hoàn thành Chương trình nghiên cứu khoa học với 21 đề tài cấp cơ sở đã được nghiệm thu, hoàn thành sớm so với Kế hoạch và đạt kết quả cao với 8 đề tài nghiên cứu khoa học đạt xuất sắc, các đề tài còn lại đều đạt loại khá và không có đề tài nào chưa đạt. Cùng với đó, công tác nghiên cứu khoa học sinh viên đã nhận được sự quan tâm triển khai của lãnh đạo Nhà trường cũng như sự tham gia tích cực của sinh viên. 

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như năm 2021 và đầu năm 2022 nhưng Nhà trường vẫn thực hiện hợp tác với Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự VKSND tối cao, các đơn vị trong Trường tổ chức thành công nhiều hội thảo và tập huấn quốc tế, như: Hội thảo trực tuyến với VKSND tối cao Trung Quốc ngày 23/9/2021; Tổ chức điểm cầu Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội tham dự hội thảo trực tuyến với Viện Công tố Hàn Quốc ngày 2/11/2021; Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm giữa Đức và Việt Nam về thực thi pháp luật và thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong việc giải quyết các vụ án hình sự, dân sự về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”…

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên

Trong những năm qua, Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội luôn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, công chức, viên chức, người lao động, trên cơ sở rà soát đội ngũ giảng viên, viên chức, người lao động bảo đảm giảng viên giảng dạy các trình độ của Nhà trường đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. 

Cùng với đó, Nhà trường cũng tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng sư phạm cho giảng viên, giúp giảng viên nhanh chóng làm chủ phương pháp giảng dạy, tổ chức hiệu quả giờ giảng trực tuyến; nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên.

Song song với đó, Nhà trường cũng tiến hành cử giảng viên tham gia các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài; các chương trình bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ lý luận chính trị; cử tham gia các chương trình hội thảo, tập huấn trong và ngoài Ngành…

Ngoài ra, Ban Giám hiệu Nhà trường cũng phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy, Ban chấp hành Công đoàn, Đoàn thanh niên khuyến khích, động viên công chức, viên chức, người lao động, học viên, sinh viên hưởng ứng, tích cực triển khai các phong trào thi đua; phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến; tuyên truyền phổ biến gương người tốt, việc tốt; tạo động lực cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ…

Với những đổi mới quan trọng, trong những năm qua, Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội đã đạt được nhiều phần thưởng cao quý, như: Cờ thi đua của Chính phủ năm 2015; Cờ thi đua ngành KSND các năm: 2016; 2019; 2020; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2020…

Chủ Đề