Đánh giá học tập và làm theo tấm gương đạo đức

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đạo đức là gốc của người cách mạng, muốn làm cách mạng phải lấy đạo đức làm gốc. Người viết: "Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang"

Về những phẩm chất đạo đức cơ bản của con người Việt Nam, quan điểm đạo đức Hồ Chí Minh đã bao quát những mối quan hệ cơ bản của con người trong xã hội, bao gồm:

Một là, với đất nước, dân tộc phải "Trung với nước, hiếu với dân".

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trung với nước, hiếu với dân phải gắn bó với dân, gần dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc. Phải nắm vững dân tình, hiểu rõ dân tâm, quan tâm cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, làm cho dân hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi của người làm chủ đất nước.

Hai là, với mọi người phải "Yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình".

. Yêu thương con người là phải làm mọi việc để vì con người, vì mục tiêu "ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành"; dám hy sinh, dám dấn thân để đấu tranh giải phóng con người.

Yêu thương con người là phải tin vào con người. Với mình thì chặt chẽ, nghiêm khắc; với người thì độ lượng, rộng rãi, nâng con người lên, kể cả với người lầm đường, lạc lối, mắc sai lầm, khuyết điểm.

Yêu thương con người là giúp cho mỗi người ngày càng tiến bộ, sống cao đẹp hơn. Yêu thương con người phải thực hiện tự phê bình, phê bình chân thành, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm.

Ba là, với mình phải thực sự "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư".

Cần là lao động cần cù, siêng năng; lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng, không ỷ lại, không dựa dẫm. Phải thấy rõ "lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của mỗi chúng ta".

Kiệm là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm tiền của dân, của nước, của bản thân mình, tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ; "không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phô trương, hình thức...".

Liêm là "luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân", "không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân"; "không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không tham tâng bốc mình...".

Chính là không tà, là thẳng thắn, đúng đắn. Đối với mình không tự cao, tự đại; đối với người không nịnh trên, khinh dưới, không dối trá, lừa lọc, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết. Đối với việc thì để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà. Được giao nhiệm vụ gì quyết làm cho kỳ được, "việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm; việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh".

Chí công vô tư là "khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau", "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ".

Cần, kiệm, liêm, chính có quan hệ chặt chẽ với nhau và với chí công vô tư. Cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công vô tư. Ngược lại, đã chí công vô tư, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính.

Bốn là, mở rộng quan hệ yêu thương con người đối với toàn nhân loại, người cách mạng phải có "tinh thần quốc tế trong sáng".

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về tình đoàn kết quốc tế trong sáng là sự mở rộng quan hệ đạo đức giữa người với người và với toàn nhân loại vì Người không chỉ là "người Việt Nam nhất" như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định, mà còn là "nhà văn hóa lớn của thế giới", "chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế".

Đoàn kết quốc tế gắn liền với chủ nghĩa yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước chân chính sẽ dẫn đến chủ nghĩa quốc tế trong sáng.

 Thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, là một giáo viên, bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp luôn ý thức thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, vận dụng vào thực hiện chuyên môn, cụ thể hóa bằng hành động như:

Thứ nhất: Luôn tâm niệm lời dạy của Bác “Làm việc gì cũng phải có cái tâm và yêu nghề thì chúng ta mới thành công được”. Do đó, tôi cũng như các đồng nghiệp trong nhà trường luôn có quan điểm dạy học không những truyền đạt kiến thức mà còn phải dạy bằng cả con tim, bằng cả tấm lòng. Khi được giao nhiệm vụ, chúng tôi đều cố gắng phấn đấu hết khả năng để hoàn thành, luôn đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng. Mỗi bài giảng, mỗi tiết dạy không còn bó hẹp trong thời gian là 45 phút mà là sự đầu tư, trăn trở nhiều hơn thế để tìm ra phương pháp, con đường giúp các em học sinh lĩnh hội được tri thức một cách nhanh nhất, dễ hiểu nhất. Thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn, lỗ lực hết mình để nâng cao chất lượng bộ môn góp phần đưa vị thế nhà trường ngày càng đi lên.

Một giờ dạy học theo hướng nghiên cứu bài học

Thứ hai: Phải luôn chia sẻ, đồng cảm với điều kiện hoàn cảnh của mỗi học sinh; gần gũi, yêu thương, động viên và khơi dậy niềm đam mê, say mê môn học, yêu thích việc học từ các em… để mỗi em luôn có trong mình những ước mơ, những hoài bão với tri thức khoa học; với ý thức xây dựng đất nước và xã hội tốt đẹp. Từ đó các em sẽ thấy hứng thú và tự giác trong học tập và rèn luyện. Luôn quan tâm phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu; phụ đạo học sinh yếu kém. Luôn công tâm trong cách đánh giá với từng học sinh, đảm bảo đánh giá đúng năng lực của  từng em, chỉ ra được điểm mạnh điểm yếu để các em phấn đấu và phát huy.

Thứ ba: Phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn bằng cách học hỏi sách báo, thông tin đại chúng học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp thông qua dự giờ, trao đổi chuyên môn và thậm chí học ngay từ chính các em học sinh để mỗi ngày tốt hơn 1 chút. Đế đáp ứng mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi người giáo viên nêu cao tinh thần tự học, tự nâng cao trình độ chuyên môn bản thân, tích cực tham gia vào nghiên cứu KH, sáng tạo trong giảng dạy. Trong công việc phải lên kế hoạch chi tiết,  không tự mãn, tự cao cũng không sợ thất bại. Bản thân tôi cũng đã có những lần thất bại, chưa có kinh nghiệm trong giảng dạy và giáo dục. Không vì thế mà tôi nản, tôi đã mày mò, học hỏi từ các đồng nghiệp đi trước, từ tài liệu sách vở hay internet để tìm hướng giải quyết những thất bại đó.

Thứ tư: Vận dụng các quan điểm dạy học mới bằng các phương pháp dạy học tích cực là cần thiết nhưng đảm bảo tính thực tế trong điều kiện cho phép. Không cứng nhắc áp đặt, phải phát huy tính sáng tạo của các em. Trong tình hình dịch bệnh Covid 19 bùng phát mạnh, để đảm bảo học sinh ngừng đến trường nhưng không ngừng học, giáo viên phải thích ứng với phương thức dạy học trong thời đại 4.0 : Không ngừng nâng cao trình độ ứng dụng CNTT; Sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học, các phương pháp, kĩ thuật dạy học phù hợp… Sự cần cù, sáng tạo được phát huy tối đa, khối lượng công việc tăng lên đòi hỏi người giáo viên phải chủ động, không ỷ lại mà cùng gánh vác, chia sẻ với BGH.

Một giờ học nhiều sắc màu sáng tạo của cô và trò

Cùng tổ chuyên môn tổ chức thành công ngày hội STEM

Thứ năm: Tăng cường mối quan hệ: Gia đình – Nhà trường – Xã hội, làm cho mối quan hệ này thực sự có ý nghĩa, có tác dụng thiết thực. Sự thấu hiểu, tôn trọng, thân thiện của người giáo viên với phụ huynh sẽ làm cho mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình trở nên gắn bó hơn, từ đó phụ huynh tin tưởng, dễ dàng chia sẻ với nhà trường, phối hợp, giúp đỡ giáo viên khi có những khó khăn.Như Bác đã nói việc gì cũng phải lấy dân làm gốc; tin yêu; hết lòng phụng sự nhân dân.

Thứ sáu: Với đồng nghiệp, luôn hòa nhã, chia sẻ, học hỏi, giúp đỡ tận tình. để luôn được đồng nghiệp tin yêu, giúp đỡ. Đối với mình không tự cao, tự đại; đối với người không nịnh trên, khinh dưới, không dối trá, lừa lọc, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết. Đối với việc thì để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà.

Học tập gương đạo đức của Người trước hết cần đấu tranh với chính mình trước những cám dỗ của cuộc sống thường nhật, của những ham muốn bẩm sinh của con người. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chiến thắng chủ nghĩa cá nhân là rất khó khăn, nhưng nếu thấm nhuần đạo đức của Bác Hồ thì chúng ta sẽ dần dần khắc phục và chiến thắng. Cùng với tập thể, với đồng chí, đồng nghiệp, với quần chúng, thường xuyên sinh hoạt, học tập, phê bình và tự phê bình, chúng ta phải thẳng thắn chân tình, trên tinh thần xây dựng tập thể, không vì lợi ích riêng của bản thân mình mà ảnh hưởng tới toàn bộ tập thể. 

Đồng chí Nguyễn Thị Phương Thảo – Đảng viên, tổ Sinh – Thể dục ANQP.

Chủ Đề