Danh sách từ thuần Việt

Liệu trong tiếng Việt có tồn tại từ thuần Việt? Từ thuần Việt là từ như thế nào?

Một độc giả nhắn tin cho chúng tôi với nội dung đại khái như sau:Dạo này mình thấy nhiều bạn không hiểu về hai chữ thuần Việt, phát ngôn những câu khiến người ta cứ nghĩ chưa từng học cấp một và hai nên mong trang làm một bài về đề tài thuần Việt để các bạn hiểu rõ hơn và biết cách dùng từ Hán Việt sao cho đúng. Cảm ơn ban quản trị.

Chúng tôi có trả lời sẽ viết bài khi có dịp nhưng cũng lưu ý độc giả rằng đây là một đề tài không đơn giản, vì thuần Việt không chỉ là một thái cực đối lập với Hán Việt mà còn bao hàm rất nhiều ý khác. Tuy nhiên độc giả lại nhắn thêm: Vì không đơn giản nên mình mới gửi gắm đội ngũ trang. Em chờ đội ngũ sẽ khiến em wow và giơ ngón cái.Thật khó xử biết bao!

Suy đi nghĩ lại, dù biết đây là một đề tài nhạy cảm và kiến thức bản thân còn hạn hẹp nhưng vì trách nhiệm với độc giả, chúng tôi cũng xin góp một vài ý kiến. Nếu có sai sót gì rất mong nhận được những phản hồi mang tính xây dựng để chúng tôi cải thiện thêm.

Khái niệmtừ thuần[native word] từ lâu đã gây ra nhiều mâu thuẫn trong giới ngôn ngữ học. Chẳng hạn đối với tiếng Pháp, tổ tiên của người Pháp là người Gaulois nhưng tiếng Gaulois chỉ chiếm 0.08% của tiếng Pháp hiện đại. Vì thế, người ta đã quan niệm từ thuần Pháp là từ có gốc ở một trong ba thứ tiếng: Latinh, Francis và Gaulois, bất chấp Latinh là tiếng của những kẻ thống trị La Mã. Tương tự trong tiếng Anh, một số từ được coi là thuần Anh cũng có nguồn gốc Germanic.

Đối với tiếng Việt, học giả Cao Xuân Hạo trongTiếng Việt, văn Việt, người Việtđã đưa ý kiến như sau: Trước hết, phải nói ngay rằng, không làm gì có những từ có thể gọi một cách chính xác là từ thuần Việt, nếu định nghĩa đó là những từ do chính người Việt [dân tộc Việt] sáng tạo ra từ đầu, chứ không bắt nguồn từ tiếng nói của một dân tộc hay một tộc người nào khác. Trước khi có tiếng Việt hiện đại đã từng có một thời đại mà tiền thân của nó là tiếng Việt Mường, bắt nguồn từ một chi của tiếng Môn Khmer. Liệu có thể nói rằng những từ ngữ Việt Mường là thuần Việt không, hay nói rằng những từ ngữ Môn Khmer là thuần Việt Mường không? Khó lòng có thể nói như vậy, vì có thể khẳng định rằng tiếng Việt Mường là một ngôn ngữ khác chứ không phải là tiếng Việt, cũng như tiếng Môn Khmer là một ngôn ngữ khác chứ không phải là tiếng Việt Mường.

Như vậy nếu xét từ thuần Việt là từ do chính người Việt sáng tạo ra từ đầu thì chỉ có đi vào bế tắc vì không hề tồn tại từ nào như vậy. Còn nếu chấp nhận từ thuần Việt là những từ có gốc Môn Khmer, gốc Việt Mường thì ta lại đi vào bài toán về từ nguyên: đâu là những từ thực sự có gốc ở hai ngôn ngữ này? Trên thực tế có rất nhiều từ tưởng chừng không phải gốc Hán nhưng lại có xuất xứ từ tiếng Hán. Chẳng hạn từđilà biến âm củaditrongdi chuyển, vốn được viết bằng Hán tự là 移. Những rối rắm này hẳn là lý do mà học giả An Chi kết luận: Từ thuần Việt là một khái niệm thực sự không thích hợp, nghĩa là không nên đặt ra.

Chúng tôi hiểu rằng việc chấp nhận và phân loại từ thuần Việt là vô cùng phức tạp, nhưng chúng tôi không đồng tình với học giả An Chi về việc không nên đặt ra khái niệm này. Bởi đơn giản nếu nói chẳng có từ nào là thuần Việt cả thì sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề, trong đó lớn nhất là niềm tự hào dân tộc. Sẽ có nhiều cá nhân sẵn sàng lạm dụng tiếng Anh, tiếng Tàu hiện đại và lý luận:Có từ gì thuần Việt đâu, tôi thích pha tạp sao chẳng được!. Điều này cũng dễ gây ra động thái phủi sạch những cố gắng trau chuốt, mài giũa con chữ của ông cha ta suốt bao thế hệ, và những ai không biết nhìn sâu sẽ vội vàng kết luận tiếng ta toàn vay mượn, chẳng có gì đáng tự hào. Thực tế tình trạng này đâu chỉ của riêng tiếng Việt, mà như chúng tôi đã nói, tiếng Anh, tiếng Pháp và bao ngôn ngữ khác cũng thế thôi. Quan trọng là người Pháp, người Anh đã biến những từ ngữ kia thành của mình thông qua việc cho đời hàng loại những tuyệt tác văn chương mà thế giới không ngớt lời ca tụng.

Thực tế, nếu cứ xét đến tận cùng gốc rễ thì không chỉ khái niệm từ thuần Việt mà kể cả khái niệm người Việt cũng sẽ bị huỷ bỏ. Thật vậy, theo nghiên cứu của PGS. Lê Sỹ Vĩnh thì người Việt có khả năng bắt nguồn từ châu Phi. Nếu nói không nên đưa ra khái niệm từ thuần Việt vì các từ tiếng Việt suy cho cùng bắt nguồn từ các tiếng khác thì chẳng phải ta cũng có thể nói không nên đưa ra khái niệm người Việt vì suy cho cùng người Việt cũng bắt nguồn từ châu Phi hay sao? Tất nhiên điều này là không thể chấp nhận vì nó chỉ bám vào gốc rễ mà phủi sạch mọi tiến trình vận động, phát triển từ khi gốc rễ đó hình thành đến nay. Người Việt xuyên suốt hàng ngàn năm lịch sử đã có những nét riêng của một dân tộc khác hẳn với người châu Phi, và tiếng Việt cũng đã biến hoá hơn nhiều so với tiếng Môn Khmer để người Việt có thể coi những từ ngữ ấy là của mình mà không cần xét về nguồn gốc sâu xa nữa.

Như vậy, rõ ràng ở một chừng mực nào đó chúng ta cần khái niệm từ thuần Việt để công nhận những cố gắng về mặt ngôn ngữ của tổ tiên, cũng như để giảm thiểu những kẻ vịn lý do này nọ mà lạm dụng, pha tạp tiếng nước ngoài một cách bừa bãi vào tiếng mẹ đẻ. Cá nhân chúng tôi cho rằng việc xác định khái niệm này không nhất thiết dựa vào từ nguyên. Ở đây ngôn ngữ học có thể làm theo nhân chủng học. Khi một dòng tộc gốc nước ngoài sống ở Việt Nam trên năm đời, con cháu của họ nói được tiếng Việt và có những đặc điểm như người Việt thì ta có thể coi họ là người Việt. Cũng vậy, một từ bất kể xuất xứ ở đâu, nếu đã được dùng với thời gian đủ lâu và được chấp nhận như một từ do người Việt tạo ra thì ta hoàn toàn có thể coi đó là từ thuần Việt. Tất nhiên đó chỉ mới là ý tưởng sơ khai về cách xác định từ thuần Việt, vẫn còn rất nhiều vấn đề cẩn phải được triển khai, làm rõ. Đây chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các nhà ngôn ngữ học.

Kết nối nhiều hơn với Tiếng Việt giàu đẹp tại:

  • Facebook://www.facebook.com/TiengVietGiauDep/
  • Youtube://www.youtube.com/c/TiengVietgiaudep
  • Email:

Video liên quan

Chủ Đề