Đạo đức theo tư tưởng hồ chí minh là gì năm 2024

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890/19-5-2020) trong không khí toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước góp phần tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp tiếp tục đẩy mạnh học tập Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, coi đó là công việc quan trọng cần triển khai thường xuyên; không ngừng nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người kết hợp một cách tài tình những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc với quan niệm đạo đức của chủ nghĩa Mác- Lênin, các giá trị được xuất phát từ cơ sở thế giới quan và phương pháp luận đúng đắn cho việc xây dựng một nền đạo đức mới phù hợp truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Không phải vì danh vọng của cá nhân mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người (1). Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là sự thống nhất cao giữa động cơ và hiệu quả, giữa lời nói và việc làm, đạo đức với chính trị, với pháp luật, đạo đức với tài năng.

Theo Người: Đạo đức là cái gốc, là nền tảng của người cách mạng. Người cán bộ, đảng viên phải vừa có đức, vừa có tài, có tài phải có đức, lấy đức làm gốc. “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc rất to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì” (2). Theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh thì đạo đức cách mạng không phải tự nhiên mà có. Không phải chỉ có tu thân mà còn phải có dấn thân. Muốn có đạo đức cách mạng thì phải khổ công rèn luyện tu dưỡng học tập suốt đời của bản thân mỗi người và được sự giáo dục thường xuyên của Đảng và nhân dân. Rèn luyện đạo đức phải thông qua phong trào cách mạng của quần chúng để “Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”, “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công”.

Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đây là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần các giá trị đạo đức cách mạng, phê bình tự phê bình và tiếp tục học tập Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, học giá trị đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Hiện nay trong toàn Đảng đang tổ chức đại hội các cấp, tiến tới đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII mỗi cấp ủy, cán bộ nhìn nhận suy ngẫm hành động trên các giá trị theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh sau:

Một là: Trung với nước, hiếu với dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. “Nhân, Trí, Dũng, Trung, Hiếu, Tín, Nghĩa” đây là thang bậc đầu tiên của đạo đức con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phẩm chất đạo đức của cán bộ, chuẩn mực giá trị đạo đức cách mạng. “Nhân” là thật thà, yêu thương, đoàn kết tương trợ giúp đỡ, đùm bọc đồng chí, đồng đội, đồng bào; “Nghĩa” là ngay thẳng, trong sáng, công khai, minh bạch; “Trí” là tư duy, suy nghĩ trong sạch, sáng suốt, nhạy bén, khách quan; “Dũng” là dũng cảm, kiên cường, hiên ngang trước mọi tình huống, thách thức.

Hai là: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư. Đảng cách mệnh, Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ giữ cương vị lãnh đạo càng phải ra sức tu dưỡng, rèn luyện, những phẩm chất đạo đức này. ”Cần” là cần cù, siêng năng, sáng tạo, năng suất cao, coi lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc, là vinh quang... “Kiệm” là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời gian, tiền của, công sức của dân, của nước, của bản thân mình, từ cái nhỏ đến cái lớn,... “Liêm” là trong sạch, là giữ gìn của công và của dân, “không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân”, “không tham địa vị, không tham tiền tài...”, “Chính” là ngay thẳng, thật thà, đứng đắn, đàng hoàng. Không tự cao, tự đại, tự kiêu, tự ti, tự phụ, tự mãn, không nịnh trên, nạt dưới, lừa lọc, dối trá, giả mạo,... luôn luôn đặt việc công, lợi ích của Nhà nước của tập thể, của nhân dân lên trên, lên trước việc tư, quyền lợi của bản thân.

Ba là: Yêu thương con người, luôn tin tưởng ở quần chúng và sống có tình, có nghĩa, có trước có sau. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Cán bộ, đảng viên học và hiểu Chủ nghĩa Mác-Lênin là để “Sống với nhau có tình, có nghĩa”, “nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu Chủ nghĩa Mác-Lênin được”. Người cách mạng phải có tình cảm đạo đức cách mạng mới làm được cách mạng, phải biết yêu thương gia đình, yêu thương đồng bào, đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp thì mới biết, mới dám chấp nhận mọi hy sinh cho đồng chí, đồng bào, cho cách mạng, cho dân tộc. Đạo đức Hồ Chí Minh không những chỉ có lòng nhân ái bao dung vị tha, độ lượng mà còn có cả đức tin tuyệt đối ở nhân dân, đề cao vai trò, sức mạnh vô địch của nhân dân, kính trọng nhân dân, luôn luôn vì dân, dựa vào dân làm cách mạng, “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Bốn là: Có tinh thần quốc tế trong sáng, tinh thần quốc tế trong sáng là hướng vào mục tiêu hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội. Là cùng chung vai sát cánh với giai cấp vô sản toàn thể thế giới, cùng toàn thể nhân dân lao động, yêu chuộng hòa bình, đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Điều đó minh chứng trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn giúp bạn, tháng 5-1949 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn đồng chí Tư lệnh chiến dịch Lê Quảng Ba với dòng chữ tự tay Người viết: "Cẩn thận, bí mật, đoàn kết, hữu nghị, thắng lợi".

Trong bối cảnh thời đại, xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, quốc tế hóa, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng khoa học Công nghiệp lần thứ 4 (4.0) trước thực trạng đạo đức đội ngũ cán bộ, đảng viên và những vấn đề đặt ra nhằm tiếp tục nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ cách mạng mà Đảng và nhân dân giao phó, thì việc đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là vô cùng cần thiết, là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu để mọi cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng tự giác liên hệ, kiểm điểm, sửa chữa, khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN của chúng ta.

Thượng tá, ThS NGUYỄN ĐỨC HIẾU, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

------

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh toàn tập - NXB Chính trị quốc gia - Hà Nội 2000 - trang 5, trang 252.

2. Hồ Chí Minh Sđd-tr5, tr252-253.

3. Chỉ thị số 05 - CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

4. Nghị quyết số 28 - NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới