Dạy học Ngữ văn theo định hướng tích hợp

I. PHẦN MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn chuyên đề

Ngữ văn là một môn học thuộc nhóm khoa học xã hội, nó có tầm quan trọng rất lớn trong việc giáo dục tư tưởng, quan điểm, tình cảm cho học sinh. Việc dạy học tích hợp liên môn đáp ứng được yêu cầu này. Nó cũng chính là chiếc chìa khóa mở cửa cho tương lai. Chính vì vậy, ngành giáo dục đã có những hoạt động thiết thực, bổ ích như tổ chức tập huấn giáo viên, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức nhiều cuộc thi trong đó có cuộc thi dạy học tích hợp liên môn để đội ngũ giáo viên nói riêng và xã hội nói chung hiểu rõ, hiểu đúng vấn đề. Mặt khác, tích hợp liên môn còn giúp học sinh tiết kiệm thời gian học tập, giúp các em biết kết hợp kiến thức giữa các bộ môn. Đồng thời phát triển tư duy, khả năng thông hiểu và vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống. Bởi vậy có thể nói, vấn đề dạy học tích hợp liên môn không còn là một vấn đề xa lạ với đội ngũ các thầy cô giáo. Tuy nhiên, từ hiểu đến vận dụng và vận dụng có hiệu quả vào thực tế giảng dạy là cả một vấn đề, nhất là đối với những giáo viên dạy môn Ngữ văn.

Từ thực trạng của vấn đề trên, chúng tôi chọn giải pháp “Tích hợp kiến thức liên môn trong giảng dạy bộ môn Ngữ văn ở trường THCS” để nhằm trao đổi với đồng nghiệp về việc vận dụng phương pháp trên để giải quyết một vấn đề cụ thể. Nhằm giúp giáo viên Ngữ văn có thể áp dụng vào giảng dạy môn Ngữ văn một cách sinh động, giúp cho học sinh hứng thú hơn với bộ môn trong chương trình Ngữ văn bậc THCS.

2. Mục tiêu

- Dạy học tích hợp liên môn sẽ phát huy được tính tích cực chủ động và sáng tạo của học sinh; buộc học sinh chủ động tự đọc, tự làm việc độc lập theo sách giáo khoa, theo hướng dẫn của giáo viên.

- Do đặc thù riêng của môn học, việc tích hợp trong giờ học Ngữ văn là hoạt động phức hợp đòi hỏi sự tích hợp các kĩ năng, năng lực liên môn để giải quyết nội dung gắn với thực tiễn.

II. PHẦN NỘI DUNG

1. Cơ sở lí luận

Tích hợp là một trong những xu thế dạy học hiện đại đang được quan tâm nghiên cứu và áp dụng trong chương trình giáo dục của nhiều nước trên thế giới và ở Việt Nam trong những năm gần đây. Tích hợp được hiểu là sự kết hợp một cách có hệ thống, ở những mức độ khác nhau về các kiến thức, kĩ năng thuộc các môn học khác nhau dựa trên cơ sở các mối liên hệ về lí luận và thực tiễn được đề cập đến trong các môn học hoặc trong cùng một môn học. Dạy học tích hợp có nghĩa là đưa những nội dung giáo dục có liên quan vào quá trình dạy học các môn học. Tùy theo khoa học cụ thể mà có thể tích hợp các môn khoa học khác lại với nhau như: Lí - Hóa - Sinh, Văn - Sử - Địa. Hoặc có thể tích hợp được cả các môn tự nhiên với các môn xã hội như: Văn, Toán, Hóa, Sinh, GDCD…

2. Cơ sở thực tiễn

Qua việc hoạt động tích hợp trong một tiết lên lớp, học sinh được rèn luyện thói quen tư duy, nhận thức vấn đề một cách có hệ thống và lôgic, đồng thời thấy được mối quan hệ giữa các kiến thức được học trong chương trình. Nhờ đó sẽ xoá bỏ lối dạy học theo kiểu khép kín, tách biệt giữa nhà trường và cuộc sống; cô lập giữa những kiến thức và kĩ năng vốn có mối liên hệ, bổ sung cho nhau hay tách rời kiến thức với các tình huống có ý nghĩa, những tình huống cụ thể mà học sinh sẽ gặp sau này.

Như vậy có thể thấy, phạm vi tích hợp trong giờ dạy Ngữ văn rất phong phú: vừa tích hợp nội môn [giữa ba phân môn Văn - Tiếng Việt - Làm văn hay giữa những bài học có cùng chủ đề]; vừa có thể tích hợp liên môn như: tích hợp Văn - Lịch sử [tích hợp mở rộng theo hướng vận dụng những kiến thức về hoàn cảnh lịch sử của từng thời kỳ, về nhân vật lịch sử... để lý giải và khai thác giá trị, thành công cũng như hạn chế của tác phẩm]; tích hợp Văn - Địa lý [tích hợp mở rộng theo hướng vận dụng kiến thức hiểu biết về các địa danh để lý giải rõ một số chi tiết hình ảnh nghệ thuật]; tích hợp Văn - Âm nhạc [hát, ngâm thơ, diễn kịch]; tích hợp Văn - Mỹ thuật [khi dạy học một tác phẩm văn chương giáo viên có thể cho học sinh vẽ tranh minh họa…]

III. NHỮNG GIẢI PHÁP

1. Những môn học có thể khi tích hợp

Chúng ta có thể tích hợp với nhiều môn học khác nhau, trong đó một số môn được tích hợp nhiều ở tiết dạy.

* Tích hợp với môn Lịch sử

Có thể nói, đây là bộ môn được tích hợp nhiều nhất khi dạy tác phẩm văn học. Bởi các tác phẩm được học trong chương trình có quan hệ mật thiết với lịch sử. Khi tìm hiểu một tác phẩm văn học, bao giờ ta cũng phải đặt tác phẩm vào hoàn cảnh sáng tác và bối cảnh xã hội cụ thể. Có nắm được hoàn cảnh ra đời của tác phẩm ta mới thấy hết được giá trị tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Ví như, ta tìm hiểu truyện ngắn “Làng” của Kim Lân, nếu không hiểu rõ tác phẩm này ra đời vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, ta có thể thấy cách nói của ông Hai - nhân vật chính của truyện thật ngây ngô, buồn cười. Nhưng nếu hiểu hoàn cảnh đất nước ta khi đó, khi mà đến 95% dân số mù chữ, người dân phải thoát mù bằng cả cách học bình dân học vụ ta mới thấy cách nói của ông thật đáng yêu và đáng để ta trân trọng. Hoặc khi ta tìm hiểu bài “Con Rồng, cháu Tiên”, để tạo hứng thú cho học sinh tìm hiểu về thời đại lịch sử buổi đầu dựng nước của dân tộc ta.

* Tích hợp với môn Địa Lí

Đây cũng là một môn học được sử dụng nhiều trong quá trình dạy văn bản. Môn học này sẽ phát huy tác dụng khi giúp cho học sinh nắm được quê quán tác giả, những địa danh mà tác phẩm đề cập đến. Bởi mỗi vùng miền đều có đặc điểm rất riêng. Ví dụ: Khi ta vận dụng kiến thức Địa lí 8, bài “Đặc điểm đất Việt Nam”, “Đặc điểm khí hậu Việt Nam” ta sẽ giúp học sinh hiểu được sâu sắc được điểm tương đồng trong hoàn cảnh xuất thân và sự chia sẻ cảm động của người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp giữa điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt qua bài “Đồng chí”, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Hay khi ta dạy bài “Chiếc lược ngà”, ta có thể giới thiệu thêm cho học sinh về vùng đất Nam Bộ để học sinh hiểu sâu chủ đề tác phẩm hơn. “Qua Đèo Ngang” cần cho học sinh biết vị trí địa lý của Đèo Ngang. Hoặc khi dạy văn bản “Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất” [Ngữ văn 7 - Tập 2] để học sinh hiểu một cách rõ ràng, cụ thể hiện tượng ngày và đêm dài ngắn khác nhau trên trái đất qua bài 1:

“Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng

Ngày tháng mười chưa cười đã tối ”.

Giáo viên tích hợp kiến thức qua môn Địa lí lớp 6 [Bài 9 - SGK]: Hiện tượng ngày đêm dài ngắn theo mùa…

* Tích hợp với môn Giáo dục Công dân

Ta thấy, phần lớn các bài dạy văn bản đều liên quan đến môn Giáo dục công dân. Vì ta thấy cái đích của dạy văn bản Ngữ văn là bồi dưỡng nhân cách đạo đức cho học sinh, hướng các em đến lối sống cao đẹp, có văn hóa. Đó cũng chính nội dung dạy học môn Giáo dục công dân. Khi ta tích hợp với môn học này, học sinh sẽ biết vận dụng từ những kiến thức thành bài học để ứng dụng vào trong cuộc sống. Ví dụ: Tích hợp GDCD 8, bài “Xây dựng tình bạn lành mạnh” với bài “Đồng chí” các em học tập được tình tri kỉ của những người lính. Hay tích hợp bài “Lí tưởng sống của thanh niên”, bài “Năng động sáng tạo”, “Làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả” với truyện “Lặng lẽ Sa Pa”, ta sẽ giúp học sinh nhận thấy các em cần phải sống có lí tưởng và từ đó các em có ý thức xây dựng và sống theo lí tưởng cao đẹp. Hoặc khi ta tích hợp với GDCD 6, bài “Công ước liên hiệp quốc về quyền trẻ em” với bài “Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em”, học sinh sẽ có nhận thức đúng đắn, đầy đủ hơn về quyền trẻ em, trách nhiệm của mọi người. Từ đó tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ trẻ em, góp phần giúp cho trẻ em có đươc cuộc sống tốt hơn.Vận dụng bài “Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên”, “Bảo vệ di sản vản hoá” để dạy bài “Ca Huế trên sông Hương”, “Thông tin ngày Trái Đất năm 2000”...

* Tích hợp với môn Mĩ thuật

Đây là một phương pháp dạy học hiện đại trong dạy học Ngữ văn, giúp học sinh phát triển toàn diện về mọi mặt. Ví dụ như bài “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, giáo viên có thể đưa ra những tranh, ảnh về cuộc kháng chiến chống Mĩ, đặc biệt là hình ảnh những đoàn xe vượt qua mưa bom bão đạn để miền Bắc kịp thời tiếp tế sức người sức của cho miền Nam ruột thịt, đánh thắng giặc Mĩ. Hay sau khi dạy xong bài “Đoàn thuyền đánh cá” ta có thể nêu yêu cầu cho học sinh vận dụng kiến thức của môn Mĩ thuật để vẽ bức tranh theo nội dung của bài hoặc của đoạn thơ nào đó mà học sinh thấy tâm đắc nhất. Vẽ chân dung Thuý Kiều, Thuý Vân thông qua những thơ miêu tả của Nguyễn Du trong đoạn trích “Chị em Thuý Kiều”, hình ảnh Dế Mèn qua ngôn ngữ miêu tả của nhà văn Tô Hoài với đoạn trích “Bài học đường đời đầu tiên”. Chính quá trình vẽ tranh sẽ giúp cho học sinh củng cố và nắm kiến thức sâu, chắc hơn. Bài “Thông tin về ngày Trái Đất năm 2000” liên hệ môn Mĩ thuật 7: Học sinh vẽ tranh đề tài cuộc sống quanh em, chủ đề giữ gìn vệ sinh môi trường bảo vệ môi trường sống và tuyên truyền về việc hạn chế sử dụng bao bì ni lông.

* Tích hợp với môn Âm nhạc

Vận dụng kiến thức âm nhạc sẽ làm cho giờ học Văn không còn đơn điệu, tẻ nhạt mà trở nên vô cùng sôi nổi, hứng thú, không còn nặng nề, nhàm chán. Vì thế mà các em dễ nhớ, dễ thuộc, dễ hiểu bài hơn. Khi học bài “Đồng chí”, bài “Mùa xuân nho nhỏ”, bài “Viếng lăng Bác”... tiết học sẽ trở nên thú vị hơn, cảm xúc của các em sẽ sâu lắng hơn và hiệu quả của bài học sẽ cao hơn nếu ta cho học nghe hoặc hát những bài hát đã đươc phổ nhạc từ những bài thơ đó. Hoặc bài “Con Rồng cháu Tiên”, để tạo hứng thú cho học sinh giáo viên cho học sinh xem video ca nhạc về một số bài hát “Dòng máu Lạc Hồng”, “Nổi trống lên các bạn ơi”,... Đối với phần tiếng Việt, dạy bài “Chơi chữ” dùng bài hát “Búp bê bằng bông” để học sinh có thể hiểu về lối chơi chữ [điệp âm] gây hứng thú cho học sinh. Khi dạy bài “Thông tin về ngày Trái Đất năm 2000” giáo viên cho học sinh nghe bài hát “Ngôi nhà của chúng ta” [môn Âm nhạc 8] tuyên truyền mọi người cùng nhau bảo vệ màu xanh trái đất với mặt trời, biển, dòng sông, cánh rừng xanh.

* Ngoài ra, giáo viên Ngữ văn còn có thể tích hợp với nhiều môn khác như: hoạt động ngoài giờ lên lớp, Toán, Lí, Hóa, Sinh, Tin học…với những mức độ khác nhau.

Ví dụ:

- Bài “Ôn dịch thuốc lá”, giáo viên có thể dùng kiến thức Hóa học để làm rõ các chất có trong thuốc lá; kiến thức môn Sinh để thấy chất độc có trong thuốc lá có hại cho sức khỏe con người như thế nào? Các phép tính còn giúp cho các em thấy được hút thuốc lá không những có hại cho sức khỏe mà còn tiêu tốn tiền bạc.

- Có thể giải thích câu tục ngữ bằng kiến thức hóa học: “Nước chảy đá mòn” mang ý nghĩa hóa học gì? Giáo viên có thể liên hệ vấn đề này ở phần “Muối cacbonat” [Tiết 39 hóa lớp 9]. Như chúng ta đã biết: Thành phần chủ yếu của đá là CaCO3 [Canxi cacbonat]. Khi gặp nước mưa và khí CO2 [Cacbonic] trong không khí, CaCO3 sẽ chuyển hoá thành Ca [HCO3]2 [muối Canxit hidrocacbonat]. Kết quả là sau một thời gian nước đã làm cho đá bị bào mòn dần. Do hiện tượng xảy ra chậm nên phải thật sự chú ý chúng ta mới nhận ra điều này. Hoặc khi dạy bài “Thông tin về ngày Trái Đất năm 2000” học sinh nhận biết và giải thích được một số từ khó: Phân hủy, Plaxtic, điôxin,… Hóa học 9: Đặc tính của Pôlime; Hiểu tác hại của điôxin với cơ thể con người.

- Bộ môn sinh học 8: Giải thích một số thuật ngữ: Tuyến nội tiết, dị tật bẩm sinh,....Học sinh hiểu một số hiện tượng bao bì ni lông lẫn vào đất cản trở sự phát triển của thực vật, của rễ cây, ngăn ngừa sự trao đổi chất [Bài 11 - Sinh học 6]; Sự hút nước và muối khoáng của rễ cây. Sinh học 9: Thực hành tìm hiểu môi trường địa phương. Bài 54 - Sinh học 9: Ô nhiễm môi trường; Tác động của con người với môi trường cho bài “Thông tin về ngày Trái Đất năm 2000”

- Bộ môn Toán 6: Học sinh tính ước lượng, số lượng bao bì nilông bị xả thải ra môi trường hàng năm “Thông tin về ngày Trái Đất năm 2000”, tính toán số dân theo cấp số nhân “Bài toán dân số”. Học sinh có kĩ năng tính toán, so sánh để thấy được sự chi phí lớn đến mức phi lí, phi nhân đạo của việc chạy đua vũ trang hạt nhân qua bài “Đấu tranh cho một thế giới hoà bình”.

- Khi dạy bài “Từ trái nghĩa ” [Ngữ văn 7 - tập1] sau khi tìm hiểu xong khái niệm. Giáo viên có thể tích hợp liên hệ giáo dục môi trường bằng cách cho học sinh tìm những cặp từ trái nghĩa.

- Tin học: Ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng bài giảng điện tử, máy chiếu, máy tính, mạng internet.

           2. Cách đưa kiến thức liên môn vào trong bài dạy

Trong quá trình lên lớp giáo viên có thể dạy học tích hợp theo nhiều cách khác nhau. Việc lưa chọn cách thức nào là tùy thuộc vào nội dung cụ thể của từng phân môn và từng bài học.

2.1. Tích hợp thông qua việc kiểm tra bài cũ

Kiểm tra bài cũ là bước đầu tiên trong tiến trình tổ chức hoạt động dạy học một bài cụ thể. Mục đích của hoạt động này là để kiểm tra việc học ở nhà cũng như mức độ hiểu bài của học sinh. Ngoài ra, đây cũng là hoạt động có tính chất kết nối giữa bài đã học và bài đang học [bài mới]. Vì vậy, việc thực hiện tích hợp trong quá trình kiểm tra bài cũ là rất cần thiết và cũng khá thuận lợi.

2.2. Tích hợp thông qua việc giới thiệu bài mới

Giới thiệu bài mới là một thao tác nhỏ, chiếm một lượng thời gian không đáng kể trong tiết dạy [không phải bài nào, tiết dạy nào cũng cần giới thiệu vào bài một cách công phu bài bản]. Tuy nhiên thao tác này lại có ý nghĩa khá lớn trong việc chuẩn bị hứng thú cho học sinh trước khi bước vào bài học. Vì vậy, giáo viên có thể vận dụng thao tác này để thực hiện tích hợp.

Ví dụ: Chọn bài hát “Đất phương Nam” để giới thiệu bài “Sông nước Cà mau”, Bài hát “Quê hương” của Đỗ Trung Quân khi dạy bài “Quê hương”....

2.3. Tích hợp thông qua câu hỏi tìm hiểu bài

Trong hoạt động dạy học Ngữ văn, hình thức hỏi - đáp đóng vai trò hết sức quan trọng, thể hiện tính tích cực, chủ động của người học cũng như vai trò chủ động của giáo viên. Hình thức này được thực hiện trong hầu hết các bước, các hoạt động dạy - học. Việc tích hợp kiến thức Văn - Tiếng Việt [qua các câu hỏi phát hiện, giải nghĩa, phân tích ý nghĩa của việc sử dụng từ ngữ], Văn - Làm văn [qua dạng câu hỏi tóm tắt văn bản, nêu suy nghĩ của bản thân về một vấn đề đặt ra từ tác phẩm…] Văn - Lịch sử [Vận dụng hiểu biết về lịch sử để lý giải một hiện tượng…], Văn - Địa lý, Văn - Giáo dục công dân… được thể hiện rõ qua hoạt động này. Chẳng hạn: khi dạy bài “Lặng lẽ Sapa” cần cho học sinh biết vị trí địa lý của đỉnh Yên Sơn, qua đó học sinh thấy được tính chất công việc vất vả của anh thanh niên.

2.4. Tích hợp thông qua phương tiện dạy học như bảng phụ, tranh ảnh, thiết bị công nghệ thông tin

Khi dạy một số văn bản đọc hiểu, giáo viên có thể sử dụng kênh hình để tích hợp, giúp các em cảm thụ văn học tốt hơn. Đây là một yêu cầu rất quan trọng trong đổi mới phương pháp dạy học hiện nay. Điều quan trọng là để thực hiện được hình thức tích hợp này đòi hỏi người dạy phải có sự chuẩn bị công phu, biết đầu tư trí tuệ, công sức. Mặt khác, nó còn phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất của từng trường.

2.5. Tích hợp thông qua nội dung từng phần hay tổng kết giờ học

Đây là hình thức tích hợp thông qua lời thuyết giảng của giáo viên, vừa có ý nghĩa khái quát lại vấn đề, vừa có ý nghĩa mở rộng, nâng cao kiến thức. Giáo viên có thể tích hợp dưới dạng liên hệ, so sánh đối chiếu các văn bản cùng thể loại, chủ đề để rút ra nhận xét hoặc yêu cầu học sinh tự rút ra nhận xét của bản thân về vấn đề đó [nét giống, khác, sự đóng góp mới mẻ của nhà văn…]

2.6. Tích hợp thông qua hệ thống bài tập [ở lớp cũng như ở nhà]

Đây là điều kiện thuận lợi nhất để giáo viên tiến hành phương pháp tích hợp sau khi kết thúc một bài học, giúp học sinh nắm chắc kiến thức ấy để tích hợp trong việc rèn luyện kỹ năng: nghe, đọc, nói, viết. Phần này, giáo viên có thể gợi ý bài tập tiếng Việt; học sinh tập làm bài thuyết minh về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử ở địa phương em...

2.7. Tích hợp thông qua hình thức kiểm tra

Chương trình Ngữ văn được xây dựng theo tinh thần tích hợp, vì thế khi ôn tập và tiến hành kiểm tra, giáo viên cần giúp học sinh nắm chắc các vấn đề. Các kiến thức về Văn, tiếng Việt, Tập làm văn đều cùng dựa vào một văn bản chung [hoặc nhiều văn bản cùng thể loại] để khai thác và hình thành.

Vì thế, khi hướng dẫn học sinh ôn tập giáo viên cần lưu ý học sinh không nên học tủ, học lệch mà phải học toàn diện, đầy đủ. Giáo viên cần lưu ý xây dựng đề kiểm tra 15 phút, 1 tiết, học kỳ theo yêu cầu tích hợp. Hệ thống câu hỏi, đề kiểm tra phải hướng vào việc phát triển năng lực người học theo bốn cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao.

2.8. Tích hợp gắn với đời sống xã hội, rèn kỹ năng sống cho học sinh

Đây là một hoạt động không thể thiếu trong giờ Đọc - hiểu văn bản bởi môn Văn trong nhà trường vừa là một môn khoa học vừa là môn học mang tính xã hội nhân văn sâu sắc.

IV. KẾT LUẬN

1. Kết quả

Từ kết quả học tập của các em, chúng tôi nhận thấy việc kết hợp kiến thức liên môn vào một môn học nào đó là một việc làm hết sức cần thiết, có hiệu quả rõ rệt đối với học sinh. Cụ thể, chúng tôi thực hiện thử nghiệm qua năm học 2015 - 2016, năm 2016 - 2017, học kì I năm 2017 - 2018 đã đạt được kết quả rất khả quan:

* Kết quả học tập của học sinh được cải thiện

- Học sinh tích cực, chủ động, hứng thú trong việc tìm ra các tri thức mới với những biểu hiện như: các em sôi nổi, tích cực trao đổi, chủ động bày tỏ quan điểm.

- Các em được quan sát, trải nghiệm thực tế rồi tự rút ra kiến thức. Từ đó hiểu bản chất, dễ nhớ và nhớ lâu.

- Các kiến mới hình thành đều được gắn với những tình huống cụ thể làm tăng khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống.

- Được phát huy kiến thức ở nhiều môn học. Tạo động lực cho học sinh học toàn diện các môn, tránh xu hướng học lệch ở các em.

- Các em được phát triển các năng lực quan sát, năng lực sử dụng ngôn ngữ, năng lực phán đoán, năng lực thu nhận thông tin, năng lực giao tiếp, năng lực tư duy sáng tạo…

- Học sinh không chỉ được tiếp thu kiến thức mà còn được giáo dục nhân cách.

- Bài kiểm tra được thực hiện qua bốn mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao các em đều đạt kết quả cao.

* Năng lực dạy học tích hợp liên môn của giáo viên được nâng cao

- Giáo viên được tự tìm hiểu, tự trang bị cho mình cơ sở lí luận của dạy học tích hợp liên môn.

- Giáo viên các môn “liên quan” được tăng cường trao đổi thảo luận về các kiến thức liên quan, về việc lựa chọn phương pháp, lựa chọn cách thức tổ chức các hoạt động dạy học… Mỗi giáo viên được chủ động về kiến thức, tự tin khi tổ chức các hoạt động dạy học và lựa chọn được phương pháp tối ưu.

- Biết “tích hợp” giáo dục vừa đủ tránh trùng lặp, nặng nề; cũng không xem nhẹ, bỏ qua.

2. Bài học kinh nghiệm

Nếu biết vận dụng một cách khéo léo, nhuần nhuyễn, tự nhiên kiến thức liên môn, giáo viên không chỉ giúp học sinh nắm vững kiến thức xã hội mà còn tác động mạnh mẽ đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của học sinh. Từ đó, có thể định hướng thái độ sống, rèn kỹ năng sống cho các em một cách hiệu quả, giúp các em biết ứng xử văn minh, trở thành người công dân tốt…

3. Kết luận chung

Xuất phát từ những ưu điểm của việc dạy học tích hợp, chúng tôi nhận thấy, dạy học tích hợp là cần thiết, một xu hướng tối ưu của lý luận dạy học ngày nay và đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Một nghiên cứu mới đây của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam về chương trình giáo dục phổ thông 20 nước cho thấy 100% các nước đều xây dựng chương trình theo hướng tích hợp.

V. Đề xuất - kiến nghị

1. Với tổ chuyên môn nhà trường

- Thường xuyên tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy lẫn nhau, nhất là phương pháp giảng dạy theo hướng tích hợp liên môn.

- Tổ chức hội thảo bằng chuyên đề cụ thể kết hợp với những buổi họp chuyên môn.

- Nhà trường nên đầu tư nhiều đầu sách tham khảo để giáo viên đọc và nghiên cứu.

2. Bộ và Sở Giáo dục - Đào tạo

- Tổ chức các lớp bồi dưỡng giáo viên theo hướng nâng cao năng lực dạy học tích hợp liên môn bằng việc kết hợp tổ chức hội thảo với việc bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp cho giáo viên. Đồng thời, tăng cường tổ chức cho học sinh thi về vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn.

- Nhân rộng mô hình để học tập.

Đây là những ý kiến của tổ Văn - GDCD trong việc tích hợp kiến thức liên môn vào giảng dạy bộ môn Ngữ văn ở trường THCS Thanh Đức. Chuyên đề giúp các em học sinh không những học tốt một môn mà cần biết cách kết hợp kiến thức các môn học lại với nhau để trở thành một con người phát triển toàn diện. Đồng thời, việc thực hiện chuyên đề này sẽ giúp giáo viên không ngừng trau dồi kiến thức của các môn học khác để dạy bộ môn của mình tốt hơn, đạt kết quả cao hơn. Rất mong nhận được sự đóng góp của các quý thầy cô, bạn bè đồng nghiệp để chúng tôi hoàn thiện hơn chuyên đề này.

                                                                                 Tổ Văn - GDCD

Video liên quan

Chủ Đề