Dạy học theo nghiên cứu bài học môn Ngữ văn

I. Mở đầu:

1. Thuật ngữ “ nghiên cứu bài học”

Thuật ngữ “nghiên cứu bài học” [NCBH] [tiếng Anh là Lesson Study hoặc Lesson Research] được chuyển từ nguyên nghĩa tiếng Nhật [jugyou kenkyuu] . Thuật ngữ NCBH có nguồn gốc trong lịch sử giáo dục Nhật Bản, từ thời Meiji [1868 -1912], như một biện pháp để nâng cao năng lực nghề nghiệp của giáo viên thông qua nghiên cứu cải tiến các hoạt động dạy học các bài học cụ thể, qua đó cải tiến chất lượng học của học sinh.

Cho đến nay NCBH được xem như một mô hình và cách tiếp cận nghề nghiệp của giáo viên và vẫn được sử dụng rộng rãi tại các trường học ở Nhật Bản.

2. Mô hình nghiên cứu bài học đã chính thức được áp dụng thử nghiệm ở 5 trường tiểu học ở Bắc Giang trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa Bộ GD-ĐT và JICA [JICA [tiếng việt đọc là giai-ca] là tên viết tắt của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản [tiếng Anh: The Japan International Cooperation Agency]] từ năm 2006. Năm 2012-2013 có 100% các trường tiểu học ở Bắc Giang áp dụng mô hình này[ 250 trường] và 2 trường THCS.

Đến nay, đổi mới tổ sinh hoạt chuyên môn và dạy học theo hướng nghiên cứu bài học đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của các trường trên cả nước.

II. Cơ sở lí luận:

1- Yêu cầu đối với giáo viên khi tham gia nghiên cứu bài học

- Khi tham gia NCBH, các giáo viên sẽ họp thành từng nhóm nhỏ 4-6 người [ thông thường là các giáo viên cùng trường và có cùng chuyên ngành]

Có thể mời các giáo viên ngoài nhóm hoặc những chuyên gia, những người này sẽ đóng góp những ý kiến chuyên môn, quan sát bài học và đưa ra những ý kiến, nhận xét, góp ý để quá trình trở nên hiệu quả hơn.

- Các giáo viên cùng nhau nghiên cứu, xây dựng mục tiêu học tập cho học sinh.

 Sự tham gia của các thành viên phải mang tính chất tự nguyện trên cơ sở muốn nâng cao hiệu quả học tập của học sinh. Trong nhóm các thành viên cùng nhau hợp tác hướng đến mục tiêu chung của bài học, cùng chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhận xét, bổ sung giúp nhau hoàn thiện hơn về chuyên môn nghiệp vụ. Cần tránh những biểu hiện tiêu cực như phê phán nhau về năng lực chuyên môn hay phẩm chất nghề nghiệp của các giáo viên với nhau.

-  Các nhóm sẽ làm việc trung bình từ 2-3 bài học/ năm do việc nghiên cứu có cường độ cao và chiếm khá nhiều thời gian.

2. Quá trình NCBH

NCBH để đánh giá hoặc cung cấp cho giáo viên những thông tin phản hồi về thực tiễn dạy học. Giáo viên thực hiện NCBH thì thu thập được những nhận xét, kết quả cho việc sử dụng các phương pháp của mình đến sự tư duy của học sinh.

Có nhiều cách phân chia các giai đoạn của quá trình NCBH.

* Stigler và Hiebert[1999] chia quá trình NCBH thành 7 bước cụ thể;

* Lewis [2002] chia quá trình nghiên cứu bài học thành 4 bước:

+ Tập trung vào bài học nghiên cứu.

+ Đặt kế hoạch cho bài học nghiên cứu.

+ Dạy và thảo luận về bài học nghiên cứu

+ Suy ngẫm và tiếp tục dạy hay đặt kế hoạch tiếp theo.

III. Những điểm khác nhau giữa dạy học theo hướng NCBH và dạy học truyền thống.

Mô hình NCBH

Dạy và dự giờ theo truyền thống

- Xuất phát từ chính nhu cầu giải quyết những vấn đề trong thực tiễn lớp học mà giáo viên phải đối mặt;

- Quan hệ của những người tham gia NCBH là quan hệ bình đẳng[ dù họ khác nhau về trình độ chuyên môn]

-Đánh giá nhận xét giờ dạy:

+ Quan sát, chú trọng đến tất cả học sinh;

+Phẩm chất, năng lực GV không phải là vấn đề được  đánh giá;

+ GV dự quan sát giờ học và quan sát quá trình học của học sinh; quan sát từ phía trước của học sinh;

- GV đứng lớp và Gv dự giờ hỗ trợ lẫn nhau[ rút ra ưu, khuyết trong tiết dạy].

- Giải quyết nhu cầu tiếp nhận kiến thức một cách thụ động;

- Người đứng lớp là người truyền thụ kiến thức[giữ vai trò chính], người dự giờ là người tiếp nhận và nhận xét;

-Đánh giá nhận xét giờ dạy:

+ GV chú trọng đến giáo án, bài giảng ở lớp của mình

+ Yếu tố phẩm chất nghề nghiệp, năng lực luôn là  một vấn đề được xem xét đánh giá;

+ GV dự giờ chỉ chú ý tới giờ dạy mà ít chú ý tới học sinh, quan sát từ phía sau của học sinh.

- GV đứng lớp và GV dự giờ hoạt động độc lập.

Suy ngẫm về bài học dạy theo mô hình NCBH: các giáo viên hợp tác cùng nhau xây dựng kế hoạch bài học và nó là sản phẩm của cả nhóm; tất cả các thành viên đều phải chịu trách nhiệm về bài học cho dù nó thành công hay thất bại chứ không phải chỉ riêng giáo viên đứng lớp. Do đó sẽ không có thái độ phê phán cách dạy của giáo viên, vì cách dạy đó đã được cả nhóm thống nhất trong kế hoạch của bài học. Nếu cách dạy đó chưa phù hợp, thì đó là khuyết điểm của cả nhóm và việc họ cần làm là cùng nhau khắc phục.

IV. Các giải pháp để vận dụng NCBH vào việc giảng dạy bộ môn Ngữ văn.

Bước 1-  Tập trung vào nghiên cứu bài học:

- Đề xuất bài dạy, GV có thể đề xuất các tiết dạy mà bản thân muốn áp dụng mô hình này hoặc tổ đề xuất theo kế hoạch của tổ;

- GV đứng lớp sẽ phát cho mỗi Gv trong nhóm giáo án cá nhân của mình;

- GV nhóm sẽ nghiên cứu giáo án, bài học từ SGK, tài liệu…ghi nhận các đề xuát của bản thân đối với bài học đó;

Bước 2-  Đặt kế hoạch cho bài học nghiên cứu

- GV đứng lớp trình bày kế hoạch giảng dạy của mình[ có thể đã chỉnh sửa khác với giáo án đã đưa];

- GV trong nhóm góp ý và xây dựng kế hoạch bài học từ kết quả nghiên cứu của mình;

          Lưu ý: khi xây dựng kế hoạch phải triệt để: từ mục tiêu bài học, phương pháp, đồ dùng dạy học, kiến thức liên môn, tích hợp [nếu có]….

          Về nội dung bài học cần chú ý các hoạt động: mục tiêu từng hoạt động, phương pháp thực hiện, nội dung hoạt động…

          Có thể trong quá trình xây dựng có một số ý kiến trái chiều nhau, hoặc một số phương pháp khác nhau…nhưng tinh thần góp ý xây dựng của mô hình NCBH là không chê bai, bác bỏ mà mọi ý kiến đều được tôn trọng; sau đó cả nhóm thống nhất chọn ý kiến mà cả nhóm đồng ý nhiều nhất, các ý kiến còn lại được ghi nhận và áp dụng cho lần sau nếu bài học có chỗ không thành công.

Bước 3- Dạy và thảo luận về bài học nghiên cứu

  1. Dạy như một tiết học bình thường, nhưng cần đáp ứng những yêu cầu sau:

- GV đứng lớp thiết kế sơ đồ lớp sau cho GV dự giờ có thể quan sát được HS từ

phía trước mặt;

- Phát kế hoạch dạy học cho các GV trong nhóm;

- Tiến hành dạy;

-  GV dự giờ cần thực hiện đầy đủ các nội dung sau:

+ Quan sát từ phía trước để có thể thấy được nét mặt của học sinh: nhận ra những HS gặp khó khăn [ biểu hiện trên nét mặt], HS cần được quan tâm chú ý những sai sót mà các em mắc phải, cách giải quyết các vấn đề bài học, trạng thái tâm lí khi tiếp thu bài học [nguyên nhân, cách khắc phục…]

+ Ghi lại những ấn tượng của mình khi quan sát HS đang học, chia sẽ phải có bằng chứng cụ thể, vì thế có thể sử dụng máy quay video[nếu có].

+ Sổ dự giờ thay đổi cho phù hợp: chia làm 4 cột

          àThấy gì? Lúc nào?

          à Mô tả hoạt động;

          à Kết quả [nhận xét học sinh];

          à Bài học, biện pháp [ GV dự giờ rút kinh nghiệm].

  1. Thảo luận về bài học nghiên cứu:

Mục đích của NCBH là tìm hiểu những gì học sinh nghĩ, những gì học sinh tư duy để có những phương pháp dạy cho phù hợp chứ không phải là một bài học biểu diễn. Tất cả các thành viên trong nhóm đều phải có những đóng góp và các ý tưởng đó cần phải được tôn trọng. Như vậy khi các thành viên tham gia vào NCBH thì sẽ kết hợp được những ưu điểm và cùng hoàn thiện bài học hơn.

*Ví dụ:

- GV có thể đặt ra những vấn đề chủ yếu tập trung vào việc học của học sinh, các em có hiểu nội dung bài học hay không?

Hoạt động nhóm như vậy là có thành công hay không? Hoạt động nhóm chủ yếu là nhóm trưởng hoạt động, các em khác bị cô lập những em này không có hội để trải nghiệm, vậy làm cách nào để hoạt động nhóm trở thành một cơ hội cho tất cả các em học sinh.

          Ở hoạt động 1 tại sao các em trầm quá, PP hoạt động này đã phù hợp chưa? Câu hỏi phân loại ở hoạt động này có hiệu quả hay không….

          - Khi kết thúc bài học, quan sát nét mặt HS là có thể biết giờ học thành công hay không, nếu khi kết thúc giờ học mà nhận thấy các em mết mỏi, dường như phải suy nghĩ nhiều…thì cần phải xem xét cụ thể một lần nữa của bài học.

          Tóm lại, các ý kiến chia sẽ, trao đổi chủ yếu tập trung vào HS, nên chia sẽ những gì rút ra được từ tiết dự giờ và GV nên đặt vị trí mình vào vị trí của người dạy khi chia sẽ.

Bước 4 - Suy ngẫm và tiếp tục dạy hay đặt kế hoạch tiếp theo.

- Tiếp tục suy nghĩ về bài học và dạy các lớp khác nếu như tiết học thành công;

- Bài học chưa được như ý muốn: tiếp tục thảo luận, rút kinh nghiệm và thực hiện tiết dạy tiếp;

- Bài học thất bại: chỉnh sửa lại kế hoạch và tiến hành thực hiện lần nữa.

* Lưu ý: Dạy học theo mô hình NCBH phải gắn liền với mô hình đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn qua NCBH.

V. Hiệu quả của NCBH mang lại:

Thông qua NCBH, giáo viên cảm thấy tập trung hơn vào bài học và tăng sự thích thú trong công việc dạy học. Giáo viên có thể dự kiến trước được những kết quả đối với một bài học và những phản ứng của các học sinh trong lớp.

Qua quá trình hợp tác NCBH họ được quan sát người khác dạy, được thấy cùng một nội dung đó nhưng ở người khác lại sử dụng một phương pháp khác, cách dạy khác do đó vốn kinh nghiệm của họ trở nên phong phú hơn, qua sự đóng góp của tập thể họ nhìn ra điểm yếu trong phương pháp, kĩ năng của mình, thông qua đó năng lực chuyên môn của họ được nâng cao và họ khám phá được nhiều điểm mới mẻ trong công việc. Họ tự tin hơn khi dạy bài học đó ở lớp của mình, phát triển khả năng giải quyết vấn đề thực tiễn.

 NCBH tạo cơ hội cho giáo viên xem xét việc dạy và học diễn ra trong thực tế một cách khách quan thông qua dữ liệu quan sát giờ học trực tiếp hoặc gián tiếp [qua dữ liệu quan sát của các giáo viên khác, băng ghi hình, ý kiến nhận xét… ]. Qua những phản ứng của học sinh với bài học, giáo viên có thể tự nhận thấy mức độ hiệu quả của phương pháp mà mình đang sử dụng chứ không phải từ sự đánh giá của các giáo viên khác. Cũng qua những phản ứng đó mà giáo viên sẽ có những thay đổi về phương pháp giảng dạy cho phù hợp hơn với các lớp sau.

NCBH đặt trọng tâm vào học tập của học sinh. Thông qua quan sát và thảo luận về những gì đang xảy ra trong lớp học, cách học sinh phản ứng với các tác động, giáo viên tham gia có nhận thức đầy đủ hơn về cách học sinh học và suy nghĩ cũng như cách học sinh hiểu bài, đáp lại những cái giáo viên dạy. Hơn nữa, tham gia nghiên cứu bài học giúp giáo viên học được cách quan sát, không phải là quan sát những cái bề ngoài hời hợt mà là quan sát quá trình học sinh học những cái họ dạy. Giáo viên học được cách phân tích, rút ra kết luận, sửa đổi từ những số liệu quan sát được. Ngoài ra, tham gia NCBH giúp giáo viên nâng cao kĩ năng thiết kế công cụ dạy học để làm cho học tập và tư duy của học sinh trở nên dễ hiểu đối với giáo viên và có thể nhìn thấy được.

NCBH thúc đẩy, duy trì sự hợp tác giữa các giáo viên, giúp các giáo viên phát triển kĩ năng làm việc nhóm.

Tham gia vào NCBH giáo viên thực hiện vai trò của người nghiên cứu, cải tạo thực tiễn và họ trở nên vững vàng hơn về chuyên môn, nghiệp vụ, tăng sự chuyên nghiệp của giáo viên và giúp giáo viên tự tin hơn trong việc giải quyết vấn đề của thực tiễn để nâng cao chất lượng dạy học của mình. Trước khi tiến hành bài học nghiên cứu, mỗi giáo viên cũng cần nghiên cứu thật kĩ lưỡng các nội dung dạy học, suy nghĩ thật cẩn thận về những vấn đề có thể phát sinh trong quá trình dạy học. Do đó, quá trình thực hiện bài học có thể coi như một quá trình nghiên cứu lại bài học của giáo viên. Nghiên cứu bài học tạo cơ hội cho giáo viên có thể quan tâm tới tất cả các học sinh trong lớp, tạo cơ hội phát triển cho mọi học sinh. Và dẫn tới hệ quả tất yếu là nâng cao chất lượng học tập của học sinh.

 Có lẽ, nên xem NCBH như một cái cầu kết nối giữa các giáo viên, xây dựng tình thân ái giữa họ. Nếu quá trình NCBH được tiến hành trong một trường nó sẽ giúp cải tiến chất lượng dạy học các bộ môn. Nếu nó được tiến hành trong một cụm trường, nó sẽ giúp các giáo viên của các trường khác nhau chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Nếu nó được tiến hành trong phạm vi một khu vực, một quốc gia thì nó giúp cải tiến phương pháp dạy học, sửa nội dung sách giáo khoa, cấu trúc chương trình. Qua đó, NCBH giúp thu hẹp khoảng cách, chất lượng giáo dục giữa các trường, các vùng miền.

 Ngoài ra NCBH còn là cái cầu kết nối các nội dung kiến thức, giữa các bộ môn để thu được sự hỗ trợ bổ sung tốt nhất giữa các bộ môn góp phần đào tạo toàn diện cho học sinh, giữa các cấp học để thu được chương trình đào tạo mạch lạc, thông suốt.

                                                                                                                      Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Hạnh

Video liên quan

Chủ Đề