Di tích khảo cổ học thời kỷ tiến Thăng Long ở huyện Hoài Đức

Đã có nhiều vấn đề liên quan đến quan hệ giữa bảo tồn và phát triển xảy ra tại Hà Nội khi một bên là tâm nguyện muốn lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa, một bên là nhu cầu phát triển đời sống xã hội. Gần đây, câu chuyện về di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tiếp tục được "xới" lên là một ví dụ để chứng minh điều đó.

Cần nhắc lại giá trị di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối để thấy rằng, đây là di chỉ có giá trị quý bởi nó có niên đại kéo dài hơn 1.000 năm lịch sử, từ giai đoạn cuối của văn hóa Phùng Nguyên đến văn hóa Đông Sơn. Về mặt lịch sử, di chỉ này tương ứng với thời kỳ tiền Hùng Vương và Hùng Vương dựng nước. Lần đầu tiên khi phát hiện ra di chỉ này (năm 1969), giới khảo cổ học và những người làm văn hóa không giấu nổi sự vui mừng khi di chỉ chứng minh một địa điểm cư trú lâu dài của người Việt cổ, góp phần cung cấp đầy đủ chứng cứ lịch sử về sự có mặt của con người rất sớm trên địa bàn Hà Nội. Di chỉ Vườn Chuối nằm kề với một số di chỉ khác như gò Chùa Gio, gò Chiền Vậy, gò Rền Rắn, gò Mả Phượng, tuy vậy di chỉ Vườn Chuối mang tính đại diện cho cả khu vực này.

Tuy nhiên, từ khi phát hiện đến nay, di chỉ Vườn Chuối trải qua 8 lần khảo cổ học do Viện Khảo cổ học và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thực hiện, lần khai quật gần nhất là vào năm 2014. Dù mang giá trị lớn song di chỉ này chưa được quan tâm, chưa được xếp hạng di tích hay đưa vào danh mục kiểm kê di sản. Thời gian cứ tiếp diễn, di chỉ khảo cổ học luôn phải đối đầu với sự xâm hại. Sau đó, di chỉ Vườn Chuối được giao quy hoạch vào khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch. Đường vành đai 3,5 nối từ Quốc lộ 32 đến đại lộ Thăng Long được quy hoạch, đi qua một phần di chỉ Vườn Chuối.

Di tích khảo cổ học thời kỷ tiến Thăng Long ở huyện Hoài Đức
Khai quật khảo cổ học tại Vườn Chuối (Hoài Đức, Hà Nội) năm 2013

Năm 2009, Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có đơn gửi cơ quan chức năng nói về ý nghĩa của di chỉ này và đề nghị được bảo tồn song không có hồi âm. Đến cuối năm 2017, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học tiếp tục có tâm thư khẩn thiết đề nghị lãnh đạo thành phố Hà Nội quan tâm bảo vệ, truyền thông đồng loạt cùng lên tiếng thì di chỉ bắt đầu được quan tâm.

Thành phố chỉ đạo xây dựng phương án bảo tồn, ngành văn hóa kiểm tra thực tế, tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của các chuyên gia văn hóa, cơ quan chức năng và đơn vị liên quan. Trong khi Hà Nội đang làm thủ tục xin phép khai quật khảo cổ học làm cơ sở tìm ra phương án tối ưu để bảo vệ di chỉ Vườn Chuối thì di chỉ này vẫn tiếp tục bị xâm hại.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, đường vành đai 3,5 với 6 làn xe đang được san lấp mặt bằng để tiến hành xây dựng sẽ cắt một phần di chỉ Vườn Chuối. Hiện tại đầu con đường đã san ủi cách di chỉ Vườn Chuối chưa đầy 300 mét, còn gò Rền Rắn, Mả Phượng đã bị san lấp một lớp đất khá sâu. Điều lo ngại là các tầng văn hóa ở khu vực này nằm không sâu, nếu xe ủi cùng phương tiện khác đi lại, rất có khả năng phá hủy các tầng văn hóa.

Nhiều người đặt ra câu hỏi, tại sao một di chỉ khảo cổ học quý được phát hiện từ khá sớm nhưng chính quyền không có biện pháp bảo vệ? Trước năm 2008, khu vực di chỉ thuộc quản lý của tỉnh Hà Tây (cũ). Từ năm 2007, tỉnh này đã giao cho Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex) xây dựng Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch với tổng diện tích 145,8 ha bao trùm lên cả di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối.

Thời điểm đó, tỉnh Hà Tây (cũ) không thể không biết tới di chỉ này vì trước đó di chỉ Vườn Chuối đã liên tiếp được khai quật và có những công bố kết quả. Rất có thể địa phương không quan tâm nhiều tới các giá trị văn hóa mà ưu tiên phát triển đô thị nên mặc nhiên quy hoạch di chỉ Vườn Chuối vào khu đô thị. Đến khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, khu vực này thuộc quản lý của thành phố Hà Nội, chủ đầu tư phải tuân thủ quy hoạch chung của Thủ đô và đang thực hiện điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết khu đô thị. Rất may do có sự điều chỉnh này nên diện tích của di chỉ khảo cổ học chưa bị tiến hành xây dựng.

Tuy nhiên, từng ngày, từng giờ di chỉ bị xâm hại khi tình trạng tập kết phế thải, người dân trồng cây lâu năm, tình trạng trộm cắp cổ vật vẫn diễn ra. Người dân yêu di sản ở thôn Lai Xá, các nhà nghiên cứu văn hóa, khảo cổ học xót xa nhưng đành bất lực.

Hiện nay, đến khu vực này sẽ thấy khu đô thị hiện đại đang dần hoàn thiện ngay bên cạnh một di chỉ cần được bảo vệ. Tất nhiên, khi đặt ra vấn đề lên phương án bảo vệ di chỉ này sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng khu đô thị nên thời gian qua chủ đầu tư không có nhiều thiện chí hợp tác cũng là điều dễ hiểu. Với trách nhiệm bảo tồn các giá trị văn hóa, dù khó khăn đến đâu nhưng chính quyền thành phố cũng như ngành văn hóa cần phải làm.

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định về việc thăm dò, khai quật khảo cổ tại 3 khu vực: Vườn Chuối, Mả Phượng, Rền Rắn diện tích 500 m2 với thời gian thực hiện từ ngày 25/4 đến ngày 30/11/2019. Đây là cơ sở cho việc bảo tồn di chỉ sau này. Tuy nhiên, nhiều người tâm huyết với di sản vẫn không khỏi lo ngại trong khi thực hiện khảo cổ học thì việc xây dựng đường vành đai 3,5 có tạm dừng hay tiếp tục thi công? Thành phố có điều chỉnh quy hoạch đường vành đai 3,5 để tránh ảnh hưởng đến di chỉ? Việc quy hoạch và xây dựng khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch sẽ được điều chỉnh thế nào khi di chỉ vẫn đang hiện hữu tại đây?

Khi đề cập đến vấn đề khảo cổ trong thời gian tới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết, trước khi tiến hành, các nhà khoa học phải đánh giá, xem xét thực tế và xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan chức năng.

Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội mới xảy ra vấn đề quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Việc phát hiện Đàn Xã Tắc tại tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, phát hiện nhiều hiện vật tại tuyến đê Hoàng Hoa Thám (vốn là vòng thành ngoài của Kinh thành Thăng Long) khi thi công đường Văn Cao – Hồ Tây, rồi việc phá bỏ hầu hết Hỏa Lò Hà Nội để xây dựng Tháp Hà Nội... đã từng xảy ra trong quá khứ. Thậm chí quan hệ giữa bảo tồn và phát triển tạo mâu thuẫn lớn ở làng cổ Đường Lâm khi các hộ dân đồng loạt ký đơn trả lại danh hiệu di tích bởi họ sống trong di sản nhưng không được tự ý xây dựng nhà, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Sau đó, các cơ quan đã có giải pháp hài hòa vừa để bảo tồn di sản, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Không thể nói các di sản không bị ảnh hưởng khi những con đường, tòa nhà mọc lên trên nền di sản đó. Tất nhiên, để cân bằng lợi ích từ hai phía, người ta phải tìm ra phương án tối ưu, không thể vì lợi ích kinh tế xã hội mà xóa sạch di sản và ngược lại. Ví dụ, nếu di tích Hỏa Lò Hà Nội vẫn giữ nguyên vẹn cả quần thể như trước, khách du lịch đến với Hỏa Lò không phải là con số hơn 400 nghìn lượt như hàng năm. Hay di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám sở dĩ mỗi năm đón khoảng 1,7 triệu lượt khách là nhờ vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị tốt.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhiều lần khẳng định, thành phố đầu tư phát triển văn hóa bởi văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó đúng cả về lý luận và thực tiễn. Bởi giữ văn hóa là giữ cái “gốc”, “gốc” có mạnh thì “ngọn” mới phát triển tốt và thực tế đã chứng minh rất rõ điều đó.

Đinh Thuận/TTXVN

Vườn Chuối – Đi qua ba nền văn hóa
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, thuộc địa bàn thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, di chỉ khảo cổ Vườn Chuối sở hữu một kho tàng vô giá những thông tin, tư liệu thông qua các hiện vật, cổ vật… của ba nền văn hóa Đông Sơn, Gò Mun và Đồng Đậu. 

Sau mười đợt khai quật, kể từ năm 1968 đến nay, các nhà khoa học đã tìm thấy 1.000 hiện vật đá với các nhóm công cụ lao động, đồ trang sức và các loại hình hiện vật khác, 40 hiện vật đồng gồm cả công cụ sản xuất, vũ khí cùng khoảng 300 viên xỉ đồng li ti lẫn trong các khu bếp lửa. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra các loại mảnh tre, gỗ có vết chặt, đẽo, gọt, cùng với xương răng động vật, chủ yếu là trâu bò và một ít mảnh vỏ ốc. Số lượng đồ gốm thu được khá lớn, ước tính khoảng hơn 10 nghìn mảnh, tương đương với một tấn gốm.

Nhiều dấu tích liên quan đến sinh hoạt hằng ngày của con người thời Tiền Đông Sơn – Đông Sơn, gồm các khu bếp đun nấu, vết tích lò nấu đồng, các hố đất đen, hố chân cột, vết tích nền sân hoặc nền kiến trúc… cũng được phát hiện tại các hố khai quật ở Vườn Chuối.

Đặc biệt, ở Vườn Chuối, còn tập trung một số lượng không ít mộ táng, gồm 15 ngôi mộ táng Đông Sơn, trong đó có 13 mộ huyệt đất và hai mộ quan tài gốm. Đây cũng là nơi có số lượng mộ táng lớn được tìm thấy tập trung tại một địa điểm ở Hà Nội. 13 mộ huyệt đất đều là mộ chôn nằm thẳng, theo nhiều hướng khác nhau, và di cốt đều ở trong tình trạng rất mục nát. Có năm mộ kèm theo đồ tùy táng gồm đồ đồng, gốm, những mộ còn lại không có. Hai mộ quan tài gốm là mộ nồi vò, tuy nhiên đây cũng có khả năng là đồ tùy táng của các mộ huyệt đất nào đó chưa được phát hiện ra…

Với một số lượng hiện vật rất nhiều và trải qua ba tầng văn hóa, di chỉ khảo cổ Vườn Chuối vô cùng có giá trị về mặt lưu giữ thông tin, lịch sử…, cho chúng ta thấy sơ bộ những phác thảo về đời sống, xã hội con người qua nhiều giai đoạn lịch sử ở đây, từ các hoạt động sống hằng ngày, các ngành nghề thủ công sơ khai, các ngành chế tác… cho đến vết tích của nghề nông, săn bắt, chài lưới…

Cổ Loa - Kinh đô sớm

Cố Loa hai lần được chọn làm kinh đô. Thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, An Dương Vương đặt kinh đô nước Âu Lạc tại Cổ Loa. Sau đó, một lần nữa Cổ Loa lại trở thành kinh đô nước Đại Việt sau chiến thắng của Ngô Quyền sau khi ông thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Ðằng năm 938. 
Cổ Loa cách trung tâm Hà Nội khoảng gần 20km, có diện tích bảo tồn gần 500 ha, thuộc ba xã Cổ Loa, Dục Tú và Việt Hùng thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội). Cổ Loa có cấu trúc đặc biệt với kiểu xây dựng hình ốc, ngày nay còn lại ba vòng thành dài hơn 16km. Cổ Loa gắn với truyền thuyết trước đây về mối tình Mỵ Châu – Trọng Thủy và vị vua An Dương Vương tin con mà mất nước. 

Các nhà khoa học đã phát hiện ra ở Cổ Loa nhiều hiện vật cổ quan trọng, minh chứng quá trình phát triển liên tục của cư dân ở đây trải qua các nền văn hóa Phùng Nguyên, Ðồng Ðậu, Gò Mun, Ðông Sơn. Ngoài ra còn có 60 di tích khác, trong đó có bảy di tích được xếp hạng cấp quốc gia, ba di tích xếp hạng di tích thành phố: Ðền Thượng (nơi thờ An Dương Vương), đình Ngự triều di quy (tương truyền là nơi An Dương Vương thiết triều), am Mỵ Châu... Ngày 27-9-2012, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận Khu Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa là Khu Di tích quốc gia đặc biệt.

Đình Tràng – Bốn giai đoạn văn hóa

Di chỉ Đình Tràng thuộc thôn Đình Tràng (Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội) nằm ở phía đông Cổ Loa, cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 12 km. Đình Tràng có diện tích khoảng 15 nghìn m2, trong đó diện tích khai quật khoảng gần 300m2. Đình Tràng được đánh giá là một di chỉ khảo cổ đặc biệt quan trọng bởi tại đây đã tìm ra những hiện vật, tư liệu liên quan đến bốn giai đoạn văn hóa gồm Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn. 

Di tích khảo cổ học thời kỷ tiến Thăng Long ở huyện Hoài Đức
 Di chỉ Đình Tràng. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Tại Đình Tràng, các nhà khảo cổ còn tìm thấy rất nhiều mộ táng thời Đông Sơn. Có tổng số 17 mộ đều là mộ đất. Hầu hết các mộ táng này đều ở tình trạng xương cốt mục nát, một số còn giữ lại hộp sọ. Hầu hết các mộ đều có đồ tùy táng kèm theo bằng gốm hoặc đồng...

Thành Dền – Điển hình của văn hóa Đồng Đậu

Di chỉ khảo cổ học Thành Dền thuộc thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập, Mê Linh, có diện tích khai quật gần 560m2. Di chỉ khảo cổ này đã trải qua bảy lần khai quật từ năm 1972 đến năm 2013. Các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật gồm đồ đồng, đá, xương…, các vết tích sinh hoạt của cư dân cổ như lò đúc đồng, cụm đất nung, mộ táng… thuộc giai đoạn văn hóa Đồng Đậu.

Theo TS khảo cổ học Nguyễn Anh Thư, tại Thành Dền đã phát hiện được dấu tích của chín lò nấu kim loại đắp bằng đất sét còn khá nguyên vẹn, số lượng lớn di vật là khuôn đúc, mảnh khuôn đúc, lõi khuôn, mảnh gốm vụn dính xỉ đồng, mảnh nồi nấu đồng, đồ đồng, các cục xỉ đồng là phế phẩm của quá trình luyện kim. Đây là những minh chứng chắc chắn về sự phát triển của một cơ sở chế tác đồ đồng quy mô lớn ở Thành Dền.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng tìm thấy những dấu tích của nghề trồng lúa nước và thủ công nghiệp với trình độ chuyên môn hóa cao. TS Nguyễn Anh Thư cho biết, những bằng chứng này cho thấy sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của những cộng đồng cư dân cổ ở khu vực Hà Nội ngày nay, và có thể khẳng định Thành Dền là một trong những di tích quan trọng nhất thuộc giai đoạn tiền Đông Sơn ở châu thổ sông Hồng.

Cần có biện pháp bảo vệ

Ngoại trừ khu di tích Hoàng thành Thăng Long hiện đang nằm trong danh sách Di sản văn hóa thế giới, các di tích còn lại đều đang trong tình trạng bị xâm lấn, thậm chí có nguy cơ biến mất vĩnh viễn trước nhu cầu phát triển kinh tế của đô thị hiện đại. 

Vườn Chuối nằm trong dự án đường vành đai 3.5, và hiện nay, khi các nhà khoa học đang tiếp tục tiến hành đợt khai quật mới nhất kể từ sau khi dịch Covid-19 bùng phát, công trình xây dựng đường vành đai 3.5 vẫn tiếp tục và đã đè lên phần lớn diện tích khu di chỉ khảo cổ này. Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học, người dân đã liên tục kêu cứu lên các cơ quan chức năng để có thể giữ lại một phần di chỉ khảo cổ quan trọng này. Mong muốn lớn nhất của các nhà khoa học cũng như người dân địa phương là có thể giữ được một phần diện tích của Vườn Chuối để xây dựng công viên khảo cổ, vừa phục vụ công tác bảo tồn, vừa để tuyên truyền, giảng dạy…

Tương tự Vườn Chuối, Cổ Loa nằm trong khu vực đông dân cư, nhu cầu phát triển dân sinh đã khiến cho Cổ Loa ngày càng bị thu hẹp lại. Trước khi được xếp hạng di tích, đã có các công trình xây dựng, nhà ở riêng tư, hệ thống giao thông… tồn tại từ trước đó. Những vi phạm ở Cổ Loa cũng rất phức tạp, vừa các công trình xây dựng, vừa canh tác nông nghiệp, nuôi thả cá, gia súc…, ngoài ra còn bị rác, phế thải xây dựng xâm lấn.

Với Đình Tràng, tình trạng cũng không khá hơn, khi các công trình dân sinh, sân vận động… đang ngày càng lấn sâu vào di chỉ khảo cổ này. Hiện nay, cũng chưa có nhiều cuộc khai quật được thực hiện tại Đình Tràng cho tương xứng với tầm vóc và giá trị của di chỉ. 

Thành Dền cũng đang chịu chung số phận như vậy. TS khảo cổ học Nguyễn Anh Thư cho biết, mặc dù có những giá trị cao nhưng cho đến nay Thành Dền vẫn không thuộc danh sách các di tích, di chỉ được bảo vệ. Địa điểm này cũng có nguy cơ xóa sổ do hoạt động canh tác của người dân địa phương. 

Có thể nói, hiếm địa phương nào như Hà Nội, sở hữu những di chỉ khảo cổ có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, chứa đựng những thông tin, tư liệu giúp chúng ta hình dung ra cuộc sống của con người ở trên chính vùng đất này vào buổi bình minh của lịch sử. Những giá trị quý giá đó, nếu không có cách bảo tồn, gìn giữ, chúng ta sẽ không thể tiếp tục kể cho con cháu mai sau những câu chuyện về tổ tiên trên chính mảnh đất này.