Giấy phép về chuyển mạch tài chính là gì

Cách đây khoảng 18 năm, thẻ ATM của ngân hàng nào chỉ được sử dụng ở ATM của ngân hàng đó, gây bất tiện và tốn kém cho người dùng. Đến năm 2004, liên minh thẻ đầu tiên BanknetVN ra đời với 8 thành viên sáng lập.

Ba năm sau, một liên minh thẻ khác - Smartlink - ra đời. Cả hai liên minh thẻ này đều làm nhiệm vụ chuyển mạch kết nối dùng chung, kết nối các ngân hàng thành viên.

Giấy phép về chuyển mạch tài chính là gì
Trong thời gian dài, NAPAS giữ vị thế "độc quyền" trong thị trường chuyển mạch tài chính.

Đến năm 2014, hai liên minh thẻ này sáp nhập, hệ thống chuyển mạch thẻ của cả quốc gia được thống nhất và sau đó đổi tên thành Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS). Từ đây, NAPAS trở thành doanh nghiệp độc quyền cung cấp dịch vụ chuyển mạch tài chính trên thị trường cho các ngân hàng.

Với lợi thế độc quyền nêu trên, NAPAS có thể nói đã phát triển như vũ bão trong những năm qua khi nhu cầu giao dịch ngân hàng liên tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Trong giai đoạn 2015 - 2019, tổng số lượng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS tăng gấp 21,5 lần. Hệ thống NAPAS đang xử lý 2,3 triệu giao dịch/ngày, tăng gấp gần 5 lần so với năm 2015. Cơ cấu giao dịch cũng có sự dịch chuyển từ chuyển mạch ATM sang chuyển mạch thanh toán liên ngân hàng.

Nếu so sánh với NAPAS, cùng là trung gian thanh toán nhưng các Fintech đình đám trên thị trường hầu hết đều ngập trong thua lỗ, với khoản lỗ tăng liên tục những năm gần đây.

Điển hình như Momo, doanh thu thuần và lợi nhuận gộp của MoMo đều tăng trong ba năm 2019-2021. Tuy nhiên, chi phí bán hàng lớn và tăng cùng chiều với doanh thu khiến kỳ lân này vẫn chưa có lãi. Từ năm 2019 đến 2021, mỗi năm MoMo đều đặn lỗ trên 850 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2022, công ty này ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 3.600 tỷ đồng.

ZaloPay, ví điện tử được hậu thuẫn bởi "kỳ lân" VNG cũng không khá hơn. Công ty Cổ phần Zion - đơn vị vận hành ví điện tử ZaloPay, lỗ khoảng 1.212,5 tỷ đồng trong năm 2021, đánh dấu mức kỷ lục trong chuỗi thời gian kinh doanh dưới giá vốn liên tục từ năm 2016.

Cổ đông của Napas hưởng lợi từ khoản lãi nghìn tỷ

Trong thời gian dài, NAPAS là đơn vị trung gian thanh toán duy nhất được cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử tại Việt Nam.

Theo thông tin được chính doanh nghiệp này công bố, NAPAS đang đang quản trị và vận hành hệ thống chuyển mạch kết nối liên thông hơn 19.600 máy ATM, hơn 360.000 máy POS phục vụ hơn 120 triệu chủ thẻ.

Sản phẩm, dịch vụ của NAPAS có độ bao phủ tới tập khách hàng trực tiếp gồm hơn 50 tổ chức thành viên là các ngân hàng, trung gian thanh toán, các tổ chức tài chính hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, các tổ chức thanh toán quốc tế, hơn 300 đối tác là các đơn vị cung cấp dịch vụ công, các đơn vị chấp nhận thanh toán, các nhà cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực hàng không, viễn thông, khách sạn, du lịch, siêu thị, sàn giao dịch thương mại điện tử…

Giấy phép về chuyển mạch tài chính là gì

Theo tìm hiểu, trong giai đoạn 5 năm từ năm 2017 - 2021, doanh thu của NAPAS tăng gấp gần 4 lần, từ 1.160 tỷ lên gần 4.300 tỷ đồng. Nếu việc tăng trưởng doanh thu là điều không khó để thấy với nhóm fintech thì lợi nhuận có lẽ là điểm khác biệt lớn nhất. Trong đó, yếu tố chính tạo ra con số hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm là sự độc quyền về dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử.

So với doanh thu, lợi nhuận của NAPAS còn tăng trưởng phi mã hơn. Năm 2017, doanh nghiệp này ghi nhận mức lãi ròng hơn 200 tỷ đồng. Con số này tăng gấp đôi vào năm 2018 và gấp gần 5 lần vào năm 2021, đạt gần 980 tỷ đồng.

Không chỉ ở quy mô hoạt động kinh doanh, quy mô tổng tài sản của NAPAS cũng liên tục mở rộng. Năm 2017, tổng tài sản của công ty này đạt chưa tới 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến 2021, con số này tăng lên hơn 3.400 tỷ đồng.

Khi một doanh nghiệp kinh doanh có lãi, có lợi nhất chính là những cổ đông của NAPAS. Theo tìm hiểu, cổ đông chính của NAPAS ngoài Ngân hàng Nhà nước còn có các ngân hàng thương mại.

Cụ thể, số vốn điều lệ hiện tại của NAPAS là 312,5 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn tư nhân chiếm 100%. Giữ vị trí chủ chốt khoảng 49% cổ phần là Ngân hàng Nhà nước. 4 ngân hàng thương mại thuộc sự chi phối của Ngân hàng Nhà nước là Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank sở hữu 20,6% và 4,8% cổ phần do Tập đoàn Bưu chính viễn thông nắm giữ. Các ngân hàng thương mại cổ phần cùng các nhà đầu tư khác nắm giữ hơn 25% số cổ phần còn lại.

Đáng chú ý, ngoài những “ông lớn” trong giới ngân hàng, có một công ty tư nhân nắm giữ cổ phần tại NAPAS là Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (đã đổi tên thành Chứng khoán VietCap)

Giấy phép về chuyển mạch tài chính là gì
Khoản đầu tư vào NAPAS của Chứng khoán Bản Việt (Vietcap).

Dữ liệu tài chính cho biết, Chứng khoán Bản Việt có khoản đầu tư vào NAPAS hơn 408 tỷ đồng, với giá trị hợp lý cao hơn gần 46%, ghi nhận gần 600 tỷ đồng.

Đặc biệt, sở hữu của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt tại NAPAS liên tục tăng những năm gần đây, có thể là do mua lại cổ phần từ chính những cổ đông hiện hữu khác. Bởi lẽ, cuối năm 2019, giá gốc khoản đầu tư vào NAPAS của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt chỉ mới 31 tỷ đồn đến năm 2020 tăng lên 286 tỷ và tiếp tục tăng lên 408 tỷ vào cuối năm 2022.

Ngoài Chứng khoán Bản Việt, trong danh sách cổ đông sáng lập của NAPAS còn có cái tên Công ty Chứng Khoán ACB.

Với mức tăng trưởng vượt bậc những năm gần đây, cùng với vị thế độc quyền kinh doanh một trong những mảng có hiệu suất cao nhất, NAPAS chắc chắn sẽ đem về những lợi ích lớn cho nhóm cổ đông.

Nên thêm “tân binh” tham gia thị trường chuyển mạch tài chính

Trong Quyết định 149/QĐ-TTg về Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 được Thủ tướng ban hành, điểm đáng chú ý là sẽ cho phép thêm các tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện được cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử nhằm tăng tính cạnh tranh, đảm bảo an ninh, an toàn, tăng hiệu quả xử lý, giảm phí giao dịch thanh toán, chuyển tiền cho người dân, doanh nghiệp.

Việc có thêm tân binh tham gia thị trường sẽ tạo nên một sân chơi cạnh tranh, khiến mặt bằng phí rẻ hơn, tiện ích đa dạng hơn, từ đó, thúc đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa không dùng tiền mặt. Thực tế cho thấy, thị trường mỗi khi có sự cạnh tranh, người tiêu dùng đều hưởng lợi.

Theo các chuyên gia, thực tế, hệ thống thanh toán điện tử của Việt Nam hiện mới đáp ứng được một phần nhu cầu thanh toán bán lẻ của người dân khu vực thành thị. Việc tăng tính cạnh tranh giữa các đơn vị trong thị trường chuyển mạch tài chính sẽ giúp nâng cao chất lượng, giảm chi phí, phân phối lợi ích, lợi nhuận xã hội ra nhiều người, tránh tình trạng độc quyền, tránh tình trạng một người thu gom nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, nếu tăng thêm doanh nghiệp tham gia vào thị trường chuyển mạch tài chính khả năng quản lý nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng tài chính sẽ được nâng lên. Ngân hàng Nhà nước có nhiều cơ sở để quản lý thông qua hệ thống giao dịch điện tử này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn, giảm bớt khâu trung gian, độ chính xác cao hơn, tính kịp thời tốt hơn.