Hoa kì có vai trò quan trọng như thế nào

Tờ thông tin
Văn phòng Phát ngôn viên
2019/08/02

Với số dân 650 triệu người, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5% và đạt mức gần 3.000 tỷ đô la, dân số trẻ và đam mê công nghệ, mười quốc gia ASEAN hiện là một trong những khu vực năng động nhất của thế giới. Trong hơn 42 năm qua, Hoa Kỳ và ASEAN đã hợp tác cùng nhau nhằm tăng cường hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Quan hệ giữa Hoa Kỳ và ASEAN đã bắt đầu từ năm 1977 và đã được nâng cấp lên đối tác chiến lược vào năm 2015. Chúng tôi thấy sự tương đồng giữa những nguyên tắc được nêu trong Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương—tính bao trùm, tính cởi mở, một khu vực dựa trên pháp quyền, quản trị tốt, và tôn trọng luật pháp quốc tế—và tầm nhìn của Hoa Kỳ đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cũng như cách tiếp cận khu vực của các đồng minh, đối tác và bạn bè của chúng tôi.

Quan hệ Kinh tế Mạnh mẽ giữa Hoa Kỳ và ASEAN

Các nền kinh tế năng động trong ASEAN với tốc độ tăng trưởng cao biến khu vực này thành một thị trường quan trọng đối với xuất khẩu và đầu tư của Hoa Kỳ.

  • ASEAN là điểm đến đầu tư hàng đầu của Hoa Kỳ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đầu tư trực tiếp [FDI] của Hoa Kỳ tại khu vực này [tổng số cộng dồn đạt 329 tỷ đô la] còn lớn hơn so với toàn bộ số vốn FDI của Hoa Kỳ tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ cộng lại.
  • ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 đối với hàng hóa của Hoa Kỳ. Xuất khẩu của Hoa Kỳ sang ASEAN đã tạo ra khoảng 500.000 việc làm. Hoa Kỳ cũng là đối tác thương mại lớn thứ 4 của ASEAN.
  • Sáng kiến Một Cửa sổ ASEAN [ASW], được xây dựng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Hoa Kỳ vào năm 2008, đã giúp ASEAN cắt giảm chi phí kinh doanh và đẩy mạnh thương mại hàng hóa. USAID đã cung cấp hỗ trợ nhằm nâng cấp các phần mềm kỹ thuật và cải cách luật pháp để triển khai ASW, cho phép trao đổi thông tin hải quan dễ dàng hơn giữa các nước ASEAN với Hoa Kỳ.
  • Sáng kiến Mạng lưới Giao dịch và Hỗ trợ Hạ tầng [ITAN] của Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy hạ tầng chất lượng cao và bền vững về tài chính trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm hỗ trợ cho các nhu cầu đầu tư hạ tầng của ASEAN. ITAN cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Philippines, giúp Việt Nam triển khai Quy hoạch Phát triển Điện năng và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, cũng như phối hợp với công ty điện lực nhà nước Indonesia trong việc hiện đại hóa các mạng lưới điện và đa dạng hóa các nguồn năng lượng.
  • Quỹ Tư vấn Giao dịch ITAN, được công bố vào tháng 7/2018, sẽ cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý và hỗ trợ kỹ thuật cho các nước ASEAN trong việc đánh giá các dự án hạ tầng tiềm năng. Các dự án cụ thể sẽ được thông báo trong cuối năm 2019.
  • Công ty Đầu tư Tư nhân Hải ngoại hiện đang ưu tiên cho các dự án tại Indonesia, Philippines, Việt Nam, Thái Lan và Myanmar. Các dự án hiện nay bao gồm một hoạt động trị giá 10 triệu đô la tại Myanmar nhằm kết nối các bên cho vay với các nhà cung cấp nông sản, và một sáng kiến trị giá 160 triệu đô la nhằm phát triển một trang trại điện gió tại Indonesia.

Đối tác giữa Hoa Kỳ và ASEAN về các Thành phố Thông minh [USASCP] – Đầu tư cho Đổi mới sáng tạo

Các Thành phố Thông minh – những thành phố sử dụng công nghệ kỹ thuật số để đổi mới sáng tạo và quản lý nguồn lực của thành phố – là yếu tố then chốt để phát triển bền vững cả ở Hoa Kỳ cũng như ASEAN.

  • Sự kiện giới thiệu USASCP đã được tổ chức tại Washington, D.C. vào tháng 7 với đại diện của 26 thành phố thí điểm thuộc Mạng lưới các Thành phố Thông minh ASEAN nhằm trao đổi quan điểm với các chuyên gia thuộc cả khu vực công và khu vực tư về thành phố thông minh, đồng thời tìm hiểu về các giải pháp thương mại của Hoa Kỳ đối với các thách thức về thành phố thông minh. Cam kết ban đầu của Hoa Kỳ dành cho đối tác này là 10 triệu đô la.

Tăng cường Năng lực trong Thế giới Số ASEAN

Nền kinh tế số của ASEAN là một động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của khu vực, tuy nhiên khu vực này vẫn phải đối mặt với những thách thức về tính kết nối và an ninh mạng, và những kinh nghiệm và chuyên môn của Hoa Kỳ có thể hỗ trợ ứng phó được với những thách thức này.

  • Nhằm xây dựng Đối tác Kết nối Số và An ninh Mạng [DCCP] và Tuyên bố của các Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và ASEAN về Hợp tác An ninh Mạng năm 2018, Hoa Kỳ đang có kế hoạch tổ chức Đối thoại Chính sách Mạng giữa Hoa Kỳ và ASEAN lần đầu tiên nhân dịp Tuần lễ Mạng Quốc tế Singapore diễn ra từ ngày 01 đến 03 tháng 10.
  • Trong khuôn khổ DCCP, USTDA đã hỗ trợ một loạt các hoạt động liên quan đến công nghệ thông tin và truyền thông trên toàn bộ khu vực, bao gồm khoản ngân sách hỗ trợ kỹ thuật để giúp Philippines triển khai Dự án Mạng Băng thông Rộng Quốc gia. Khoản hỗ trợ này sẽ giúp điều chỉnh lại các kế hoạch thiết kế kỹ thuật và vận hành nhằm tăng cường dịch vụ băng thông rộng cho các khu vực còn ít được tiếp cận dịch vụ này tại Philippines.
  • Chương trình Đào tạo cho Nước thứ ba giữa Hoa Kỳ và Singapore, Khung Kết nối Hoa Kỳ-ASEAN [US-ASEAN Connect], và DCCP đều nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực, đào tạo cho các cán bộ từ 10 quốc gia ASEAN và Đông Timor về kết nối số, an ninh mạng và các công nghệ mới. Năm nay, Hoa Kỳ đã hỗ trợ tăng cường năng lực về thực hành tốt nhất trong lĩnh vực xây dựng chính sách quốc gia về mạng, thông qua việc nâng cao năng lực ứng phó sự cố và nhận thức về an ninh mạng, cũng như xây dựng lực lượng lao động về không gian mạng.
  • Chuỗi hoạt động Kinh tế Số trong khuôn khổ Khung Kết nối Hoa Kỳ-ASEAN nhằm kết nối các nhà hoạch định chính sách ASEAN với các công ty công nghệ hàng đầu của Hoa Kỳ để chia sẻ những kinh nghiệm tốt nhất về lĩnh vực kỹ thuật số, và hỗ trợ tạo lập một không gian số rộng mở và đổi mới sáng tạo.

Đối tác về An ninh Năng lượng

Nhu cầu năng lượng của Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng thêm hơn 2/3 đến năm 2040. Hỗ trợ của Hoa Kỳ là cực kỳ quan trọng để có thể đáp ứng nhu cầu của các thị trường đang phát triển cũng như những tiến bộ về kỹ thuật.

  • Kế hoạch Công tác về Hợp tác Năng lượng Hoa Kỳ-ASEAN hỗ trợ cho các tham vọng và mục tiêu về năng lượng khu vực của ASEAN, bao gồm việc phát triển các thị trường điện và khí thiên nhiên trong khu vực, triển khai các công nghệ năng lượng sạch và tiên tiến, cũng như khuyến khích tiết kiệm năng lượng.
  • Trong khuôn khổ Chương trình Năng lượng Sạch Châu Á, Hoa Kỳ đã tìm cách huy động được 750 triệu đô la đầu tư cho năng lượng sạch trong giai đoạn 5 năm, trong đó bao gồm đào tạo cho các chính phủ ASEAN được lựa chọn để có thể tổ chức các buổi đấu giá ngược cho các gói thầu năng lượng tái tạo, một công cụ sử dụng cạnh tranh để hạ giá thành và khuyến khích năng lực phát triển năng lượng tái tạo.
  • Sáng kiến EDGE Châu Á [Tăng cường Phát triển và Tăng trưởng thông qua Năng lượng] do Hoa Kỳ khởi xướng sẽ cung cấp cho Hội đồng Dầu khí ASEAN những kinh nghiệm tốt nhất để quản lý đường ống xuyên biên giới, cũng như chuẩn hóa chất lượng khí thiên nhiên, một yếu tố quan trọng cho quá trình hội nhập năng lượng trong ASEAN.

Hỗ trợ trên Biển vì An ninh của ASEAN

Một ASEAN mạnh mẽ, có đủ năng lực, là trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là yếu tố then chốt cho việc tiến tới một cơ cấu khu vực có thể hỗ trợ quản trị dân chủ và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình thông qua luật pháp quốc tế.

  • Hoa Kỳ đào tạo cho các lực lượng Cảnh sát Biển và các bên liên quan khác thông qua Sáng kiến Thực thi Pháp luật trên Biển tại Đông Nam Á [trước đây là sáng kiến Vùng Vịnh Thái Lan], nhằm nâng cao khả năng phối hợp lực lượng và chia sẻ thông tin.
  • Các chương trình hỗ trợ an ninh, ví dụ như Hỗ trợ Tài chính cho Quân đội Nước ngoài, Giáo dục và Huấn luyện Quân sự Quốc tế, hay Sáng kiến An ninh trên Biển, hỗ trợ cho việc chuyên nghiệp hóa các lực lượng quân sự của các nước ASEAN, và tăng cường an ninh trên biển và nhận thức về lĩnh vực trên biển cho các nước này.
  • Vào tháng 9 tới, Hoa Kỳ và Thái Lan sẽ đồng chủ trì Diễn tập trên Biển ASEAN-Hoa Kỳ lần đầu tiên. Diễn tập này sẽ tăng cường năng lực liên quan đến nhận thức về các lĩnh vực trên biển, chia sẻ thông tin, và ngăn chặn các hoạt động phi pháp trên biển.

Khuyến khích vai trò Thủ lĩnh Trẻ thông qua các mối quan hệ ngoại giao nhân dân

65% dân số ASEAN hiện ở độ tuổi dưới 35. Huy động các nhà lãnh đạo trẻ và mới nổi đứng ra làm chủ cộng đồng ASEAN sẽ đảm bảo cho hòa bình và thịnh vượng được tiếp tục.

  • Các khách du lịch từ ASEAN đóng góp 5 tỷ đô la mỗi năm cho kinh tế Hoa Kỳ.
  • Sinh viên ASEAN đóng góp hơn 2 tỷ đô la mỗi năm cho kinh tế Hoa Kỳ.
  • Sáng kiến Thủ lĩnh Trẻ Đông Nam Á [YSEALI] của Mỹ đã đào tạo cho gần 5.000 nhà lãnh đạo mới nổi kể từ năm 2003. Đã có hơn 142.000 thanh niên tuổi từ 18-35 đã trở thành các thành viên trực tuyến của YSEALI.
  • Cuộc thi giành các khoản tài trợ nhỏ Hạt giống Tương lai YSEALI kể từ năm 2015 đến nay đã dành hơn 1,6 triệu đô la tài trợ cấp vốn ban đầu cho các dự án cải thiện cộng đồng.
  • Gần 60.000 sinh viên của các nước ASEAN học tập tại Hoa Kỳ mỗi năm.
  • Kể từ năm 2017 đến nay, Chương trình Nghiên cứu Fulbright-ASEAN dành cho các học giả của Mỹ đã trao 14 suất học bổng để tiến hành các hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Hoa Kỳ và ASEAN.

Để biết thêm thông tin, xin truy cập trang web của Phái đoàn Hoa Kỳ tại ASEAN.

# # #

Bản dịch được cung cấp có tính tham khảo và chỉ bản gốc chính thức bằng tiếng Anh mới có giá trị chính xác.

Bài của | 2 Tháng Tám, 2019 | Tìm kiếm: Các tài liệu quan trọng, Đông Á và Thái Bình Dương, Tờ thông tin | Tags: Hoa kỳ và ASEAN

Chủ Đề