Hướng dẫn lập dự toán xây dựng nông thôn mới

[HQ Online] - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 53/TT-BTC về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Thông tư số 53/TT-BTC về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thông tư nêu rõ, nguồn kinh phí sự nghiệp ngân sách trung ương thực hiện Chương trình sẽ được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các bộ, cơ quan trung ương để thực hiện nhiệm vụ được giao của Chương trình và ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho các địa phương để triển khai các nội dung, nội dung thành phần của Chương trình.

Thông tư cũng quy định cụ thể một số nội dung và mức chi chung. Theo đó, nội dung chi, mức chi đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực [bao gồm cả đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, làng, ấp, bản, buôn, sóc, tổ dân phố ở phường, thị trấn; người không trong danh sách trả lương của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp] theo hướng dẫn của cơ quan chủ trì hướng dẫn các nội dung thuộc các nội dung thành phần thực hiện theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư số 36/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Riêng chi xây dựng, biên soạn tài liệu trong một số trường hợp đặc thù thực hiện như sau: tiền công viết tài liệu: 70.000 đồng/trang chuẩn [trang A4, thể thức, kỹ thuật trình bày theo quy định hiện hành đối với văn bản hành chính]; tiền công sửa chữa, biên tập tổng thể: 40.000 đồng/trang chuẩn; tiền công thẩm định và nhận xét: 30.000 đồng/trang chuẩn. Trường hợp xây dựng, biên soạn tài liệu bằng tiếng dân tộc thiểu số, mức chi cao hơn 30% so với các mức chi nêu trên.

Với việc số hóa tài liệu trong trường hợp đào tạo, bồi dưỡng từ xa thì thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Thông tư số 83/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới giáo dục phổ thông; quy định của pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan; các định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Nguồn kinh phí được bố trí trong dự toán thực hiện Chương trình của cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực [bao gồm cả chi hỗ trợ tiền ăn, chi phí đi lại, tiền thuê chỗ nghỉ cho: học viên; cán bộ, công chức, viên chức; người không trong danh sách trả lương của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp; người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, làng, ấp, bản, buôn, sóc, tổ dân phố được cử đi học; chi phí phát sinh khi tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng dưới hình thức đào tạo từ xa và các khoản chi khác có liên quan].

Ngày 12/5/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 43/2017/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; theo đó tại mục 12 về duy tu, bảo dưỡng, vận hành các công trình sau đầu tư trên địa bàn xã quy định:

- Khoản 1 Điều 48 quy định về nguyên tắc thực hiện:

“1. Công trình được duy tu, bảo dưỡng là công trình đầu tư sau khi đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trên địa bàn xã…”

- Khoản 1 Điều 49 quy định về lập dự toán, giao dự toán, phân bổ dự toán, thanh toán và quyết toán kinh phí duy tu, bảo dưỡng quy định:

“1. Lập dự toán, giao dự toán và phân bổ dự toán

Hàng năm, căn cứ quy trình duy tu, bảo dưỡng và hiện trạng công trình, UBND cấp xã giao Ban quản lý các Chương trình mục tiêu quốc gia lập danh mục công trình, hạng mục công trình cần duy tu, bảo dưỡng. UBND cấp xã thông báo kế hoạch duy tu, bảo dưỡng đến người dân và cộng đồng, tổ chức thảo luận công khai trước khi hoàn thiện kế hoạch duy tu, bảo dưỡng và dự toán kinh phí duy tu, bảo dưỡng công trình do UBND cấp xã quản lý, sử dụng [gồm cả công trình giao thôn, bản quản lý], trình Hội đồng nhân dân [HĐND] cùng cấp thông qua, đồng thời gửi UBND cấp huyện tổng hợp. Vốn duy tu, bảo dưỡng được giao thành một khoản riêng trong ngân sách cấp xã. Căn cứ quyết định giao kế hoạch vốn duy tu, bảo dưỡng của UBND cấp huyện và Nghị quyết của HĐND cấp xã, UBND cấp xã tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt kinh phí duy tu, bảo dưỡng từng công trình trên địa bàn.

UBND cấp xã làm chủ đầu tư và ra quyết định giao tổ chức cộng đồng hoặc tổ, nhóm thợ trên địa bàn xã nhận thầu thực hiện hoặc giao cho Trưởng thôn, bản tổ chức các hộ gia đình trong thôn, bản có đủ điều kiện và khả năng thực hiện duy tu, bảo dưỡng đối với công trình do thôn, bản quản lý và sử dụng;

Trường hợp tổ chức cộng đồng, tổ, nhóm thợ, các hộ gia đình trong thôn, bản không đủ điều kiện và khả năng thực hiện, UBND cấp xã ký hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân đủ năng lực thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng trên địa bàn”.

Chủ Đề