Khái niệm tạo hình là gì

Khái niệm tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Ngọc Sinh. Hiện tại, tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ. Vừa qua, tôi được biết đã có quy đinh mới điều chỉnh về vấn đề này. Tôi có thắc mắc cần Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Cho tôi hỏi, theo quy định mới thì khái niệm tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Xin cảm ơn!

Ngọc Sinh [ngocsinh*****@gmail.com]

  • Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 22/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan có hiệu lực thi hành từ ngày 10/04/2018 thì khái niệm tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng được quy định cụ thể như sau:

    - Tác phẩm tạo hình quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục như: Hội họa, đồ họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt và các hình thức thể hiện tương tự, tồn tại dưới dạng độc bản. Riêng đối với loại hình đồ họa, có thể được thể hiện tới phiên bản thứ 50, được đánh số thứ tự có chữ ký của tác giả.

    - Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp như: Thiết kế đồ họa [hình thức thể hiện của biểu trưng, hệ thống nhận diện và bao bì sản phẩm], thiết kế thời trang, tạo dáng sản phẩm, thiết kế nội thất, trang trí.

    Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 22/2018/NĐ-CP.

    Trân trọng!

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email:

Nhà báo Vũ Quang: Xin trân trọng giới thiệu “Khái niệm về tạo hình trong Điện ảnh”, phần đầu luận văn thạc sĩ nghệ thuật Điện ảnh của Thạc sĩ Bùi Thái Dương – Trưởng phòng Đạo diễn và quay phim – Ban Thể thao – Giải trí và Thông tin kinh tế- Đài truyền hình Việt Nam.

Theo Từ điển Tiếng Việt, tạo hình là “Tạo ra các hình thể bằng đường nét, hình khối, màu sắc”, theo Từ điển Bách khoa toàn thư, tạo hình là “Thủ pháp sáng tạo nghệ thuật bằng ngôn ngữ hình khối, màu sắc, chất cảm, không gian, bố cục”.

Như vậy, có thể hiểu nghệ thuật tạo hình nói chung, là nghệ thuật sử dụng một số phương tiện và chất liệu, tạo nên những hình thức trên mặt phẳng và trong không gian. Những tác phẩm hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc, nhiếp ảnh, được coi là những sản phẩm của lĩnh vực nghệ thuật tạo hình.

Bên cạnh đó, nghệ thuật tạo hình còn được gọi là nghệ thuật không gian, nghệ thuật thị giác, nghệ thuật tĩnh,… tựu trung các yếu tố trên đây, chúng ta thấy các bộ môn nghệ thuật như múa, sân khấu hay điện ảnh đều mang tính tổng hợp của nhiều loại hình nghệ thuật, mà đặc biệt nhất trong số này không gì khác chính là nghệ thuật điện ảnh. Không phải ngẫu nhiên mà với sự ra đời muộn nhất của môn nghệ thuật thứ bảy này, nó lại nhanh chóng mang lại được những thành tựu vĩ đại cho đời sống nhân loại, không đơn giản chỉ là những phút giây giải trí về mặt tâm lý cho con người, mà sức mạnh lan tỏa của những bộ phim điện ảnh thực sự đạt tầm “Tác phẩm nghệ thuật”, có thể vô cùng mãnh liệt trong việc tạo ấn tượng tâm lý sâu đậm, hay thậm chí là thay đổi quan điểm, cách nhìn nhận sự vật sự việc trong nhận thức của người xem.  Chính nhờ vào những yếu tố tạo hình trong các tác phẩm phim truyện điện ảnh, mà các nhà làm phim đã tái tạo nên cả những khu rừng nguyên sinh và nhiều loại khủng long đã tuyệt chủng từ cách đây hàng trăm triệu năm, đưa con người hiện đại chúng ta trở về thời cha ông xa xưa cách đời sống thực của chúng ta hàng ngàn thế kỷ, hoặc đưa con người đặt chân đến những hành tinh xa xôi cách trái đất hàng tỷ năm ánh sáng và cả thế giới tương lai nhiều năm sau mà chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn khẳng định: “có tồn tại hay không một thế giới ấy?”.  Hoặc gần gũi hơn, điện ảnh khiến những con người ở các đất nước khác nhau trên thế giới biết về nhau, biết về nơi ăn chốn ở, tập tục sinh hoạt cũng như văn hóa sống và ứng xử với nhau như thế nào. Chính những điều thiết thực ấy đã tạo nên sức mạnh của ngôn ngữ điện ảnh: Nghệ thuật tạo hình, chính là yếu tố tối quan trọng cấu thành nên bộ môn nghệ thuật điện ảnh.

Tạo hình trong nghệ thuật điện ảnh, là việc sử dụng những phương tiện biểu hiện nghệ thuật phong phú như: bố cục màu sắc, ánh sáng, cỡ cảnh, góc độ quay, động tác máy và những khả năng khác của nghệ thuật tạo hình,  đem đến cho màn ảnh “không chỉ hình thức và vẻ thẩm mỹ bên ngoài để biểu đạt nội dung như một phần không thể tách rời của hình tượng thị giác, mà chính nó là nội dung của bản thân hình tượng màn ảnh”.

Nếu đưa ra so sánh điện ảnh với hội họa, ta nhận thấy sự khác nhau lớn nhất giữa nghệ thuật tạo hình của hai bộ môn này là sự phong phú hơn của góc độ quan sát sự vật,  sự biến động thường xuyên của sự vật, những bố cục khuôn hình động, cũng như những bố cục khuôn hình nối tiếp nhau mang ý nghĩa hỗ trợ hoặc tương phản, đối lập nhau của điện ảnh. Nếu như trong các tác phẩm hội họa, người họa sĩ thể hiện lại một khoảnh khắc cô đọng, tĩnh tại của sự vật, hiện tượng thì với điện ảnh, sự đặc biệt trong việc đóng góp của yếu tố thời gian, không gian thực, việc xử lí nghệ thuật tạo hình đòi hỏi người nghệ sĩ sáng tác sự linh hoạt nhanh nhạy, để vừa khai thác,  lột tả tối đa được tính biểu hiện, mà vẫn tinh tế và sắc sảo mới có thể gây ấn tượng cho khán giả.

Các nghiên cứu khoa học về lịch sử con người đã chứng minh: Trong nhận thức con người, chúng ta không chỉ nhu cầu được quan sát và nắm bắt sự vật, sự việc một cách tinh tường, sâu sắc, mà còn là lòng khát khao cháy bỏng về cách thức làm sao phải truyền đạt, biểu lộ được những điều mà con người quan sát về những đối tượng ấy để bộc lộ những tình cảm của mình qua hình ảnh. Vì thế mà chúng ta thấy rõ rằng, từ những bức vẽ trong hang động đến những bức tranh trong các viện bảo tàng là cả một chặng đường dài, một bước tiến lớn lao trong lịch sử phát triển nghệ thuật tạo hình của con người, hay nói theo cách khác thì sự phát triển về phong cách trong văn hóa nghệ thuật của xã hội con người từ chủ nghĩa hiện thực hoang dã thô sơ đến chủ nghĩa hiện thực là cả một chặng đường công sức, trí tuệ tiếp thu và phát triển trên dưới chục nghìn năm của con người. Một bức tranh, hoặc tác phẩm hội họa còn được coi như là nơi người nghệ sĩ bộc lộ xúc cảm của mình, giúp khán giả nhìn rõ đối tượng và cảm nhận được tâm tình của tác giả. Nói cách khác, người họa sĩ sử dụng nghệ thuật hội họa như một ngôn ngữ để truyền đạt ý tưởng của mình bằng kỹ thuật và phương pháp nghệ thuật.

Các nhà triết học thời cận đại từ Hegel đến Heidegger cũng đều công nhận rằng: những ý tưởng về mỹ học chỉ có thể đến sau các tác phẩm nghệ thuật. Giới nghiên cứu điêu khắc và hội họa đi tiên phong trong việc nghiên cứu nghệ thuật học, họ có công hình thành những thuật ngữ cơ bản như “ hình tượng” , “ khắc họa”  nhân vật , “chiếu sáng” , “tương phản” sáng tối , bôi đen, tô hồng , phóng đại, thu nhỏ , nhân vật trung tâm [ở giữa bức tranh] triết học, hay tôn giáo, đã có những ảnh hưởng quyết định lên các nền nghệ thuật, từ những tư tưởng triết học của Platon về cái đẹp tuyệt đối, về những ý tưởng tiên nghiệm của Thượng đế, và những lý thuyết cổ điển của Aristote về nghệ thuật, coi nghệ thuật như là một sự sao chép thiên nhiên, đến những tư tưởng tôn giáo của Saint Augustin về quan hệ gắn bó giữa con người và Chúa sinh ra vạn vật, rồi từ những tư tưởng của Descartes về vai trò của chủ thể, đến luận thuyết của Kant về tính chất chủ quan của cái đẹp.

Tính đến thời điểm này, nghệ thuật điện ảnh đã có hơn trăm năm tuổi. Mặc dù so với các loại hình nghệ thuật khác thì đây là loại hình nghệ thuật trẻ tuổi nhất, nhưng chỉ trong một thời gian không dài, nó đã có những bước tiến khổng lồ.  Điều hiển nhiên không ai có thể phủ nhận là, để có những thành tựu tuyệt vời đó, điện ảnh không chỉ dựa vào kỹ thuật, công nghệ mà còn dựa vào tất cả các loại hình nghệ thuật đã có trước. Mặc dù không phải bộ phim nào cũng đòi hỏi phải là mối tổng hòa của các nghệ thuật đó, mà tùy theo quy mô đề tài, quy mô dàn dựng, dung lượng cốt truyện, quy định về thời gian không gian…mà mỗi bộ phim cần sự tiếp nhận, cần sự hỗ trợ của các loại hình nghệ thuật hữu quan. Ở khía cạnh khác trong một tác phẩm điện ảnh, các nhân tố khi được tiếp nhận từ các bộ môn nghệ thuật văn học, sân khấu, hội họa, kiến trúc, múa…sẽ được biến đổi cải tiến cho phù hợp với ngôn ngữ điện ảnh khiến chúng trở nên hòa hợp với nhau, làm tăng thêm khả năng liên kết và truyền cảm của nhau cho tác phẩm điện ảnh .

Bùi Thái Dương

Đài truyền hình Việt Nam

Chủ Đề