Kiến trúc nhà ở nông thôn có đặc trưng gì

Đời sống kinh tế – xã hội nước ta có sự chuyển đổi mạnh mẽ so với ngày xưa. Điều này thể hiện ở tất cả lĩnh vực, đặc biệt có thể thấy rõ sự phát triển về đời sống và kinh tế khu vực nông thôn. Nổi bật và có sự chuyển mình rõ rệt nhất là kiến trúc nhà ở nông thôn. Cùng tìm hiểu rõ hơn qua bài viết dưới đây nhé!

Nhắc đến nông thôn – làng quê Việt Nam ngày xưa, ta thường nghĩ đến cây đa, bến nước, sân đình, đến lũy tre rủ bóng mát trên con đường làng, những ngôi nhà giản dị, thoáng mát với hàng rào râm bụt, vườn cây ao cá… đem đến bức tranh về một cuộc sống thanh bình.

Ngày xưa, các vật liệu làm nhà rất đơn giản, thô sơ và có sẵn trong khuôn viên nhà vườn của mỗi gia đình. Tường được làm từ những viên gạch đất sét. Đối với các gia đình nghèo, tường có thể được làm bằng bùn trộn lẫn với rơm rạ. Hệ thống rui mè, khung kèo, khung cột được làm từ những cây gỗ như tre, bạch đàn hay phi lao. Mái sử dụng rơm, cỏ bện thành từng tấm tạo thành tấm lợp, sau này khi bắt đầu phát triển có sử dụng thêm ngói truyền thống. Nền nhà chủ yếu là nền đất hoặc gạch cũ.

Kiến trúc nhà ở nông thôn xưa đơn giản và bình dị với kiểu 3 gian truyền thống gồm phòng thờ và nơi tiếp khách và nghỉ ngơi. Nhà bếp và khu vực vệ sinh được xây dựng riêng, tách biệt.

Hệ thống sân vườn chủ yếu là cây ăn quả, các loại rau và ao nuôi cá, phục vụ nhu cầu lương thực hằng ngày cho gia đình.

Tất cả tạo nên một thể thống nhất, mang lại một làng quê thanh bình, yên ả với những ngôi nhà mái ngói, mái tranh; những rặng tre xanh rì rào, rủ bóng mát ven đường; những luồng khói bay lên từ căn bếp của mỗi nhà khi chiều về.

Đặc điểm nhà ở nông thôn ngày nay

Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, nhà ở nông thôn cũng có sự chuyển mình rõ rệt. Kiến trúc nhà ở đa dạng, nhiều kiểu nhà từ cấp 4, mái bằng đến các nhà cao tầng và biệt thự. Các loại vật liệu xây dựng hiện đại hơn, chắc chắn hơn. Hệ thống tường nhà được xây bằng gạch chất lượng cao và sử dụng nhiều màu sơn khác nhau, tạo nên sự đa dạng trong không gian ngoại thất. Hệ thống cột trụ bê tông hoặc hệ thống ống thép trụ. Hệ vì kèo, rui mè được làm bằng sắt thép ngày càng nhiều, mang lại sự chắc chắn cao. Hệ thống mái sử dụng ngói hoặc tôn lợp mái có có màu sắc đa dạng tạo nên sự phong phú cho bức tranh nhà ở nông thôn ngày nay.

Thậm chí, có cả hệ thống nhà ở làm hoàn toàn bằng sắt thép kiểu nhà thép tiền chế. Sử dụng hệ thống khung bằng sắt thép, tường và mái lợp tôn.

Chính tất cả những điều đó đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn hiện nay, tạo ra sự hiện đại, đa dạng nhưng dần mất đi vẻ thanh bình xưa. 

Sự khác nhau cơ bản kiến trúc nhà ở nông thôn xưa và nay

Tiêu chí so sánh Nhà ở xưa Nhà ở nay
Kiến trúc Đơn giản, chủ yếu là 3 gian truyền thống Đa dạng với nhiều kiến trúc khác nhau: cấp 4, mái bằng, cao tầng, biệt thự
Cột trụ nhà Gỗ  Gỗ hoặc ống thép
Tường  Gạch truyền thống, bùn kết hợp rơm rạ Gạch cao cấp, tôn thép
Vì kèo, rui mè Tre, nứa Sắt, thép
Mái  Tranh, ngói nung truyền thống, màu sắc đơn giản, hài hòa. Ngói hiện đại, tôn lợp mái với màu sắc đa dạng.

nguồn: bluescopezacs.vn

SỰ BIẾN ĐỔI CỦA KIẾN TRÚC NHÀ Ở NÔNG THÔN

Trong quá trình chiếm lĩnh những vùng đồng bằng rộng lớn, người Việt đã tạo ra những mô hình định cư nông thôn độc đáo, trong đó có sự ăn nhập hài hòa giữa kiến trúc và cảnh quan. Mô hình này đã từng khá bền vững và ổn định qua nhiều thế kỷ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đô thị hóa cùng những biến đổi mạnh mẽ về văn hóa - xã hội, ngày càng xuất hiện nhiều kiểu nhà xa lạ, phá vỡ kiến trúc cảnh quan và làm biến dạng những mô hình định cư này.

Sự biến đổi của kiến trúc, trong đó có kiến trúc nhà ở nông thôn là quy luật tất yếu trong sự vận động của xã hội loài người, nhưng biến đổi như thế nào để tiếp nối được tinh thần của kiến trúc truyền thống, lưu giữ được mạch chảy văn hóa đã lưu truyền qua nhiều thế hệ và giữ được “cái tôi” riêng có? Đã đến lúc phải đưa ra các tiêu chí kiến trúc để định hướng phát triển cho thể loại nhà ở này.

Nhà ở của người Việt xưa.

Cho đến năm 1945, Nhà ở nông thôn của người Việt có cấu trúc và hình thức khá ổn định, ít biến đổi. Tuy nhiên, nó cũng đã từng trải qua các giai đoạn với những thay đổi không nhỏ, rõ rệt nhất là sự chuyển hóa từ nhà sàn sang nhà trệt, bắt đầu diễn ra từ thời Bắc thuộc. Chắc hẳn cấu trúc và hình thức nhà ở cũ đã không còn phù hợp khi người Việt phát triển từ vùng bán sơn địa xuống vùng đồng bằng rộng lớn. Sự thay đổi về môi trường và điều kiện sống và có thể cả những yếu tố khác nữa đã dẫn đến sự thay đổi về kiến trúc để phù hợp hơn với bối cảnh.

Từ sau năm 1945, có thể do gỗ dựng nhà đã không còn dồi dào như trước nên nhà nông thôn có xu hướng đơn giản hơn và ít sử dụng gỗ hơn. Tuy nhiên cấu trúc phân chia theo gian và hình thức ngôi nhà vẫn được giữ nguyên theo nếp cũ.

Từ đầu những năm 1990 trở lại đây, quá trình đô thị hóa cùng sự gia tăng dân số và những thay đổi trong lối sống đã khiến nhà ở nông thôn thay đổi mạnh cả về cấu trúc và hình thức kiến trúc. Nhiều nơi, thay vì những ngôi nhà 3 gian 2 chái hay 5 gian lợp ngói với chiều cao chỉ 1 tầng lại là những ngôi nhà 2 - 3 tầng kiểu lô phố giống như ở đô thị với chiều ngang tương đối hẹp và hình thức đa dạng nhưng lạc lõng với bối cảnh.

Sân vườn - vốn trước đây là thành phần không thể thiếu trong bố cục tổng thể ngôi nhà thì nay bị thu hẹp xuống mức tối thiểu, thậm chí biến mất hoàn toàn. Những làng quê còn giữ được nhiều nếp nhà theo lối cũ thường là nơi người dân có xu hướng làm ăn xa, nhưng vẫn giữ ngôi nhà truyền thống để thờ cúng tổ tiên và làm nơi chốn quay về.

CẦN SỚM ĐƯA RA ĐỊNH HƯỚNG VÀ CHỈ DẪN THIẾT KẾ

Từ góc nhìn phương thức mưu sinh, cấu trúc nhà lô phố có thể phù hợp với khu trung tâm cũ của đô thị - nơi diễn ra các hoạt động mua bán tấp nập, nhưng hoàn toàn không phù hợp với các làng quê thuần nông, nơi mà hoạt động sản xuất chủ yếu diễn ra ngoài cánh đồng. Với 2 bức tường dựng đứng 2 bên, có thể thấy rằng loại nhà này không phù hợp với lối sống truyền thống của người dân quê, vốn gần gũi với môi trường tự nhiên, ưa chuộng gió trời, lại cần nhiều không gian mở cho các hoạt động lúc nông nhàn. Cấu trúc này cũng không hẳn phù hợp với các làng nghề truyền thống, bởi đa số nghề truyền thống cần không gian ngoài trời cho các hoạt động làm nghề thủ công.

Những ngôi nhà ống kiểu này còn phá vỡ cấu trúc vốn khá đồng nhất của làng quê truyền thống và làm chúng bị biến dạng hoàn toàn, đồng thời tạo ra những tranh chấp về chiều cao với các công trình tôn giáo, tín ngưỡng trong làng. Chưa hết, sự gia tăng bề mặt khối xây tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời biến những ngôi nhà này thành khối trữ nhiệt rồi tỏa ra môi trường xung quanh làm bầu không khí làng quê ngày càng trở nên ngột ngạt, và khiến nhu cầu sử dụng điện để làm mát tăng lên.

Nhà ở ở một số vùng nông thôn hiện nay.

Sự thay đổi về cấu trúc và hình thức kiến trúc nhà ở nông thôn là không thể tránh khỏi trong bối cảnh đất đai chật hẹp và dân số gia tăng. Nhưng thay đổi như thế nào là điều cần phải cân nhắc kỹ. Đã đến lúc phải có định hướng và chỉ dẫn thiết kế cho thể loại kiến trúc này, không nên thả nổi để cho người dân tự loay hoay tìm giải pháp cho ngôi nhà của mình.

Trên cơ sở đánh giá về nhu cầu, phương thức mưu sinh và sự phù hợp với các yếu tố tự nhiên và văn hóa - xã hội, xin sơ bộ đề xuất các tiêu chí kiến trúc cho nhà ở nông thôn mới của người Việt như sau:

Thứ nhất, hòa nhập tốt với bối cảnh, không gây tác động tiêu cực đến không gian cảnh quan của làng. Để đạt được tiêu chí này, ngôi nhà cần có quy mô vừa phải, không quá lớn và không quá cao. Chiều cao ngôi nhà chỉ nên 1 hoặc 2 tầng tùy thuộc vào diện tích khu đất xây dựng. Không sử dụng màu sắc quá khác biệt cho mặt ngoài ngôi nhà. Trong những ngôi làng di sản, cần đặc biệt chú ý đến hình thức mái và vật liệu lợp mái của những ngôi nhà mới sao cho ăn nhập tốt nhất với các ngôi nhà truyền thống trong làng.

Nhà ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa.

Thứ hai, hình thức kiến trúc giản dị, tôn trọng tính thống nhất tổng thể hơn là sự đa dạng về hình thức. Vẻ đẹp của làng quê truyền thống được tạo thành bởi những ngôi nhà có hình thức khá thống nhất với nhau và không quá cầu kỳ trong trang trí mặt ngoài. Nguyên tắc này cần tiếp tục được thực hiện đối với kiến trúc nhà ở nông thôn mới, tránh tạo ra những ngôi nhà có hình khối phức tạp và hình thức khác lạ.

Thứ ba, tổ chức không gian phù hợp với phương thức sống, phong tục tập quán, tôn trọng những giá trị truyền thống. Trong bố cục ngôi nhà, chú ý tạo ra hệ thống không gian mở, không gian linh hoạt, không gian chuyển tiếp, không gian đa năng… vốn là những đặc điểm quan trọng của nhà ở truyền thống của người Việt. Trong ngôi nhà truyền thống, sân là yếu tố không thể thiếu, thậm chí đóng vai trò trung tâm bố cục. Đối với nhà ở nông thôn mới, sân vẫn nên là thành phần quan trọng trong cấu trúc ngôi nhà ngay cả khi diện tích đất chật hẹp, bởi sự cần thiết của nó đối với các hoạt động thường ngày của người nông dân. Vườn cũng là yếu tố quan trọng của ngôi nhà, có thể nghĩ đến giải pháp vườn trên mái, hay vườn theo phương đứng khi không có đủ diện tích đất cần thiết.

Một mẫu nhà ở nông thôn mới.

Thứ tư, đảm bảo tốt nhu cầu sử dụng phù hợp với xu hướng đương đại. Nhà ở nông thôn mới cần khắc phục được những nhược điểm của ngôi nhà truyền thống, thỏa mãn tốt hơn nhu cầu tiện nghi cho người sử dụng, nhất là không gian bếp và phòng vệ sinh.

Thứ năm, thích ứng với điều kiện khí hậu địa phương, không gây tác động xấu đến môi trường. Định hướng và tổ chức không gian ngôi nhà sao cho có thể khai thác được tốt nhất ưu thế của điều kiện khí hậu địa phương và hạn chế được những tác động xấu mà nó gây ra.

Thứ sáu, khai thác và tận dụng tài nguyên nếu có thể. Chú ý đến việc lưu trữ và sử dụng nước mưa, đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, sử dụng bếp mặt trời, biogas…

Thứ bảy, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và vật liệu có năng lượng hàm chứa thấp. Chú trọng sử dụng vật liệu có nguồn gốc địa phương được khai thác một cách bền vững, vật liệu dán nhãn “xanh” được sản xuất ở gần nơi tiêu thụ, vật liệu không phát sinh rác thải khi hết vòng đời sử dụng./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Nguyễn Thị Phương Châm [2004], Văn hóa truyền thống của người Kinh ở Vạn Vĩ trong quá trình giao lưu, biến đổi. Văn hóa dân gian, 3 [93] - 2004.

- Khuất Tân Hưng [2007], Mối quan hệ giữa văn hóa và kiến trúc trong nhà ở dân gian vùng Đồng Bằng Bắc Bộ. Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

- Khuất Tân Hưng [2015], Mô hình định cư nông thôn Việt Nam – nhận diện, quy hoạch phát triển bền vững. Kiến trúc Việt Nam, 10 - 2015

- Nguyễn Luận [2001], Năm bài học từ văn hoá ở của làng truyền thống Bắc Bộ cho kiến trúc - quy hoạch Việt Nam đương đại. Văn hoá Việt Nam đặc trưng và cách tiếp cận. Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.

- Nguyễn Đức Thiềm [2000], Tìm hiểu một số đặc trưng tiêu biểu của kiến trúc nhà ở dân gian cổ truyền vùng đồng bằng miền Bắc Việt Nam. Góp phần tìm hiểu bản sắc kiến trúc truyền thống Việt Nam. Nhà xuất bản Xây dựng, Hà Nội.

Bài viết cùng tác giả PGS.TS. Khuất Tân Hưng - Đại học Kiến trúc Hà Nội »

Video liên quan

Chủ Đề