Lý giải vị sao cách mạng tháng 8/1945 không phải là một cuộc ăn may

Giữa lúc nhân dân Việt Nam đang náo nức chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, một sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước thì đâu đó vẫn có những tiếng nói lạc lõng, muốn phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Tám, coi thắng lợi của nhân dân Việt Nam là “sự ăn may”.

Họ cho rằng, từ sau cuộc đảo chính ngày 9/3/1945, Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng là thuộc địa của Nhật. Trong khi đó, phát xít Nhật đã bị quân Đồng minh đánh bại và tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Như vậy, ở Đông Dương xuất hiện “khoảng trống quyền lực”, cho nên cách mạng chỉ cần nổ ra là giành thắng lợi [?]. 

Trong cuộc phỏng vấn của phóng viên VOV, PGS. TS Vũ Quang Hiển - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn [ĐHQG Hà Nội] cho rằng: Đây là sự xuyên tạc lịch sử và chưa bao giờ, Cách mạng Tháng Tám là “sự ăn may”.

PV: Thưa ông, là một nhà nghiên cứu lịch sử, ông đánh giá đâu là nguyên nhân chính dẫn đến thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945?

PGS.TS Vũ Quang Hiển: Cách mạng Tháng Tám thành công do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong những nguyên nhân quan trọng là sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

PGS.TS Vũ Quang Hiển - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội

Sức mạnh dân tộc thể hiện ở sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng trong Mặt trận Việt Minh với các đoàn thể mang tên cứu quốc.

Đó là sức mạnh của lực lượng vũ trang. Mặc dù mới được xây dựng, còn ít về số lượng, thiếu thốn về trang bị và non kém về trình độ tác chiến nhưng có vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động vũ trang tuyên truyền, diệt ác trừ gian, cũng như hoạt động chiến tranh du kích cục bộ trước Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Sức mạnh dân tộc của Cách mạng Tháng Tám chính là sự vùng dậy của toàn dân, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, trong đó các cuộc khởi nghĩa của quần chúng ở thành thị nhằm vào các cơ quan đầu não của kẻ thù có vai trò quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.

Bên cạnh sức mạnh của dân tộc thì cần phải nói đến sức mạnh thời đại, sức mạnh của phe Đồng minh đánh thắng Chủ nghĩa Phát-xít trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, trực tiếp là quân phiệt Nhật Bản, buộc Nhật Bản phải đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Điều đó làm cho Nhật và các thế lực tay sai ở Đông Dương hoang mang.

Quân đội Nhật mất hết tinh thần, tạo ra cơ hội vô cùng thuận lợi để nhân dân Việt Nam đứng lên giành chính quyền. Việc chuẩn bị lực lượng đầy đủ và nổ ra đúng thời cơ đã khiến cho Cách mạng Tháng Tám giành được thắng lợi nhanh, gọn, ít đổ máu.

PV: Phải chăng cũng vì thời cơ thuận lợi, cách mạng nổ ra ít đổ máu cho nên có ý kiến cho rằng, Cách mạng Tháng Tám là "sự ăn may", thưa ông?

PGS.TS Vũ Quang Hiển: Tôi đã từng nghe những luận điểm như vậy nhiều lần. Nhưng tôi cho rằng, nói như thế là hoàn toàn phiến diện.

Nhìn vào lịch sử thì thấy, cùng vào thời điểm năm 1945, không phải bất cứ nơi nào đang chịu ách chiếm đóng của Phát-xít đều có thể bùng nổ cách mạng và giành thắng lợi.

Chỉ có quốc gia nào có sự chuẩn bị chu đáo, có sự lãnh đạo của Đảng tiên phong, chớp được thời cơ và huy động được sức mạnh của toàn dân tộc thì mới có khả năng giành được chính quyền.

Điều đó bác bỏ những luận thuyết cho rằng, do thời cơ quá thuận lợi như vậy cho nên việc giành chính quyền quá đơn giản.

Cũng cần nói rằng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám không phải là thành quả của một số ngày mà là kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ của dân tộc Việt Nam vì độc lập tự do gần một thế kỷ, là kết quả của quá trình chuẩn bị lực lương lâu dài dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản từ năm 1930 mà trực tiếp là cuộc vận động cứu nước giai đoạn 1939-1945.

Trong suốt quá trình lịch sử lâu dài đó, máu của các chiến sĩ cách mạng và đồng bào đã đổ xuống trên mặt trận chống đế quốc và tay sai.

Đến thời điểm tháng 8/1945, mặc dù ở Việt Nam lúc bấy giờ có nhiều lực lượng chính trị khác nhau, kể cả những lực lượng ít nhiều có tinh thần yêu nước, mong muốn dựa vào Nhật hay chủ trương lợi dụng Nhật để giành chính quyền, nhưng họ không có lực lượng thì họ cũng không thể giành được chính quyền.

Nhật chỉ đầu hàng Đồng minh chứ Nhật không đầu hàng nhân dân Việt Nam, đầu hàng dân tộc Việt Nam. Đó là sự thật lịch sử.

Bằng khả năng cách mạng của cả dân tộc, chúng ta mới có khả năng đập tan bộ máy chính quyền của đế quốc tay sai, thiết lập chính quyền cách mạng, đồng thời như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, phải giành được chính quyền trước khi quân Đồng Minh vào Đông Dương và đứng ở vị thế người làm chủ nước nhà để đón tiếp quân Đồng minh vào giải giáp vũ khí của quân đội Nhật.

Nếu như không có một cuộc cách mạng thành công, không thành lập được chính quyền nhân dân thì đất nước Việt Nam lại dễ dàng chuyển vào tay một thế lực thực dân khác, một chính quyền thuộc địa khác.

Bởi vậy, giá trị của Cách mạng tháng Tám, giá trị của việc giành chính quyền là không thể phủ nhận.

Chính Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhận thức được tầm quan trọng của thời cơ mà còn dự báo được thời cơ, đánh giá chính xác thời cơ và kiên quyết chớp thời cơ nổi dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

PV: Như vậy, không phải nước nào cũng có thể “chớp thời cơ” để làm cuộc cách mạng “long trời lở đất” như Việt Nam, thưa ông?

PGS.TS Vũ Quang Hiển: Đúng vậy. Vấn đề chớp thời cơ còn gắn liền với việc đẩy lùi nguy cơ bởi vì khi thời cơ Cách mạng Tháng Tám xuất hiện – một thời cơ chung cho tất cả các dân tộc thuộc địa đang đứng lên giành độc lập tự do thì có một nguy cơ đang hiện hữu.

Theo Hiệp định Posdam tháng 7/1945, đã phân công cho quân đội các nước Đồng minh phía bắc vĩ tuyến 16 là 200.000 quân đội Trung Hoa dân quốc và phía nam vĩ tuyến 16 là hơn 10.000 quân Anh - Ấn tràn vào Việt Nam.

Nếu như không giành được chính quyền và đứng ra với tư cách người làm chủ đất nước để đón tiếp quân Đồng minh thì các thế lực Đồng minh với bản chất đế quốc hoàn toàn dựng ra một chính quyền trái với ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam.

Những thế lực trước đây từng theo Pháp hay theo Nhật cũng đang tìm cách bắt mối với các thế lực đế quốc. Nếu như không giải quyết tốt vấn đề thời cơ, không đẩy lùi nguy cơ đó thì không thể đưa cách mạng đến thành công.

PV: Theo ông, việc xuyên tạc lịch sử như vậy là nhằm mục đích gì?

PGS-TS Vũ Quang Hiển: Thực chất quan điểm của họ là nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của quần chúng và đi đến phủ nhận sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân ta.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Lâu nay, vào mỗi dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, một số người thiếu thiện chí, cơ hội lại nêu lên quan điểm mang tính chất xuyên tạc, sai trái khi cho rằng thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam là “một sự ăn may”. Để chứng minh cho “sự ăn may” này, họ cho rằng vào đầu năm 1945, Việt Nam không còn là thuộc địa của Pháp, kể từ sau cuộc đảo chính ngày 9/3/1945, Nhật đã hất cẳng Pháp. Và khi phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện thì ở Việt Nam xuất hiện “khoảng trống quyền lực”. Khi đã xuất hiện “khoảng trống quyền lực” thì không chỉ với Việt Nam mà ở mọi quốc gia trên thế giới, cách mạng cứ nổ ra là giành thắng lợi.

Vậy, trên thực tế, Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam có phải là “một sự ăn may” không?

Thực tế lịch sử cho thấy không bao giờ có sự ăn may nào cả, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là kết quả tất yếu từ sự chủ động, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh.

1. Kể từ mùa Xuân năm 1930, sau hơn 9 năm ra đời, mặc dù có những giai đoạn cách mạng Việt Nam phải trải qua những khó khăn, thách thức khó lường, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước khẳng định uy tín, sức ảnh hưởng và năng lực lãnh đạo của một chính đảng cách mạng.

Ngày 1/9/1939, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Nhận thấy tình thế mới cho phép và đòi hỏi một chuyển hướng chiến lược nhằm tạo ra đầy đủ khả năng đoàn kết tất cả các giai tầng xã hội xung quanh liên minh công nông quyết giải phóng dân tộc, Đảng và Bác Hồ đã lãnh đạo toàn dân tộc tích cực chuẩn bị về mọi mặt, đồng thời theo dõi sát sao diễn biến quan hệ giữa phe đồng minh và phe phát xít để xác định đúng và kịp chớp thời cơ tổng khởi nghĩa.

Tháng 11/1939, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng [họp tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định] nhận định Nhật sẽ xâm chiếm Đông Dương và Pháp sẽ đầu hàng Nhật, cách mạng Đông Dương sẽ bùng nổ; nên ta phải đoàn kết thực hiện cho bằng được nhiệm vụ chính cốt là đánh đổ đế quốc, giải phóng dân tộc. Theo đó, Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương ra đời.

Tháng 6/1940, phát xít Ðức tấn công Pháp, Pari nhanh chóng thất thủ và đến tháng 9/1940 thì ở Việt Nam, Nhật nổ súng đánh chiếm Lạng Sơn, ném bom Hải Phòng, đổ bộ vào Đồ Sơn. Giữa lúc Nhật - Pháp đang tranh nhau miếng mồi Ðông Dương, tháng 11/1940, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh đã xác định kẻ thù của cách mạng Đông Dương là Pháp - Nhật, đẩy mạnh thêm một bước thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc.

Tháng 5/1941, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì [tại Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng], nhận định thắng lợi cuối cùng thuộc về phe đồng minh, nên ta phải tích cực chuẩn bị lực lượng và đứng về phe đồng minh chống phát xít, bằng mọi giá phải giải phóng dân tộc, và Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh.

Đến Hội nghị tháng 2/1943, Đảng xác định cách mạng Đông Dương “có thể bỗng chốc tiến lên bằng những bước nhảy cao” và tháng 5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị Sửa soạn khởi nghĩa. Từ tháng 10/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh nhận định phe phát xít gần đến ngày bị tiêu diệt, phe đồng minh sắp thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho ta giải phóng dân tộc chỉ trong một hoặc một năm rưỡi nữa.

Đặc biệt, ngày 9/3/1945, khi Nhật đảo chính Pháp, Ðảng ta nhận định thời cơ khởi nghĩa đang đến, vì vậy ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”; phát động cao trào kháng Nhật cứu nước.

Tháng 7/1945, khi phát xít Ðức, Ý bại trận ở chiến trường châu Âu, phát xít Nhật đang trên đường sụp đổ ở chiến trường châu Á, thì tại lán Nà Nưa, lãnh tụ Hồ Chí Minh tuy đang ốm rất nặng nhưng vẫn căn dặn: “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Tháng 8/1945, Nhật đầu hàng đồng minh, binh lính Nhật ở Đông Dương hoang mang cực độ, chính phủ tay sai Trần Trọng Kim như “rắn mất đầu”. Trong khi đó, quân đồng minh chưa kịp kéo vào Đông Dương, các thế lực thù địch đang cấu xé, tranh giành quyền lực, điều kiện khách quan thuận lợi cho tổng khởi nghĩa đã chín muồi.

Ngày 12/8/1945, được tin Nhật gửi công hàm cho các nước Đồng minh đề nghị mở cuộc đàm phán ngừng bắn thì ngày 13/8/1945, Đảng ta triệu tập Hội nghị toàn quốc tại Tân Trào [Tuyên Quang] xác định đây là “dịp tốt cho ta nổi lên khôi phục nước nhà tổ tông”; đồng thời dự đoán mâu thuẫn giữa Anh - Mỹ - Pháp và Liên Xô có thể làm cho Anh - Mỹ nhân nhượng với Pháp để cho Pháp trở lại Đông Dương, nên phải “kịp thời, không bỏ lỡ thời cơ” tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay Nhật trước khi quân đồng minh vào Đông Dương.

Trưa ngày 13/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc thành lập thì đêm hôm đó, Lệnh khởi nghĩa [Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa] phát đi thông điệp: Giờ tổng khởi nghĩa đã đến. Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà... Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào, thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; quy định quốc kỳ, quốc ca...; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngay sau đó, Người có thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Sáng 18/8, Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội chuyển trụ sở làm việc về số nhà 101 Gambetta. Các ủy viên tích cực chuẩn bị cho công việc sáng hôm sau. Ảnh: Tư liệu

2. Về tình hình quốc tế, khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến giai đoạn kết thúc, các nước đồng minh đã giải quyết vấn đề Đông Dương trên cơ sở lợi ích của mình mà không tính tới nguyện vọng và đóng góp của nhân dân nơi đây trong cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa phát xít. Từ đó, số phận của Việt Nam và Đông Dương đã bị chúng định đoạt theo kiểu áp đặt, có tính chất thỏa thuận lợi ích. Danh nghĩa là “đồng minh giải giáp quân Nhật” nhưng bản chất là “thực hiện lợi ích đã được thương lượng” giữa các nước thắng trận.

Tại Hội nghị Pốtxđam tháng 7/1945, các nước thắng trận, chủ yếu là Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp đã phân chia phạm vi ảnh hưởng thế giới. Theo đó, Mỹ - Anh kiểm soát vùng Tây Âu, châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi và châu Mỹ; tích cực giúp Pháp chiếm lại các thuộc địa đã bị mất vào tay phát xít Nhật, Ý, Đức trong chiến tranh. Tại hội nghị này, Mỹ - Anh đã thỏa thuận và đi đến quyết định chia Đông Dương thành hai khu vực, lấy vĩ tuyến 16 làm ranh giới hành quân và tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật ở Việt Nam và Đông Dương. Theo đó, phía Nam vĩ tuyến 16 thuộc quyền của quân đội Anh còn phía Bắc thuộc quyền quân đội Mỹ nhưng Mỹ lại nhường cho quân đội Tưởng làm nhiệm vụ này.

Thế là, chiến lược của Pháp quan hệ với đồng minh nhằm quay lại Đông Dương đã không đạt, buộc phải tìm cách “đi đêm” với Anh. Sau đó, Anh thoả thuận với Pháp một số vấn đề về việc khôi phục lại quyền của Pháp ở Đông Dương; đồng thời công khai ủng hộ Pháp tái chiếm Việt Nam, công nhận chính quyền Pháp ở Sài Gòn, chuyển giao quyền cai trị Nam Đông Dương cho Pháp. Còn nước Pháp sau khi được giải phóng khỏi ách chiếm đóng của phát xít Đức, chính phủ Đờ Gôn trở về Paris lập tức tuyên bố Đông Dương là của Pháp, đồng thời xúc tiến việc trở lại nơi đây. Do vậy mới có chuyện, ngày Nam bộ kháng chiến, chúng ta phải đánh cả Anh và Pháp.

Như vậy, “số phận của Việt Nam” chính thức bị cường quốc định đoạt theo tính chất của quan hệ quốc tế trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Cho nên, “thời đoạn vàng” để chúng ta thay đổi số phận là từ khi Nhật đầu hàng đồng minh đến trước khi quân đồng minh vào Đông Dương tước khí giới của Nhật. Nếu bỏ qua thời đoạn này, thì “chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.

3. Trở lại với tình hình Việt Nam, thực hiện Quân lệnh số 1, công cuộc Tổng khởi nghĩa chính thức diễn ta từ đêm 13 rạng sáng ngày 14/8/1945. Đến ngày 28/8/1945, các địa phương trong cả nước tiến hành Tổng khởi nghĩa giành được chính quyền về tay nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa [nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam]. Và như vậy, các đồng minh Anh, Mỹ, Pháp, Tưởng cùng một số thế lực khác - những kẻ chủ mưu định đoạt số phận Đông Dương và Việt Nam từ tháng 7/1945, đến nay đã bị lỡ tàu trong hành trình chạy đua giành quyền làm chủ đất nước ta từ tay phát xít Nhật. Chúng đã hoàn toàn bất ngờ vì không đánh giá được thực lực của cách mạng Việt Nam. Khi Tổng khởi nghĩa của ta thành công trong cả nước thì tổng thống Mỹ Truman mới chính thức thừa nhận về quyền của Pháp trở lại Đông Dương [ngày 24/8/1945]. Còn Anh mãi đến ngày 12/9/1945 mới có những đơn vị đầu tiên [Anh - Ấn] kéo vào Sài Gòn. Ngày 11/8/1945, phía Tưởng đã chấp nhận cho quân Pháp kéo vào miền Bắc Việt Nam cùng với quân Tưởng nhưng sau đó lại thay đổi ý kiến, nên mãi đến ngày 5/9/1945, cao uỷ Pháp là Đắcrăngliơ mới rời Pari đi Ấn Độ rồi từ đó qua Đông Dương, riêng quân của Tưởng đến ngày 9/9/1945 mới kéo đến Hà Nội.

4. Giữa lúc lực lượng cách mạng và phản cách mạng, giữa dân tộc ta và bọn Anh, Mỹ, Tưởng, Pháp đang diễn ra cuộc chạy đua giành lấy quyền làm chủ Việt Nam và Đông Dương từ tay Nhật thì chúng ta nhờ đã tích cực chuẩn bị từ trước về mọi mặt, luôn trong tư thế sẵn sàng tổng khởi nghĩa, bám sát tình hình để chớp thời cơ. Do vậy, chỉ trong vòng hai tuần lễ, chúng ta đã lật ngược được tình thế, thay đổi số phận từng bị Pháp, Nhật thống trị và các nước thắng trận trong thế chiến thứ hai đã “an bài”, thành một nước độc lập, có chủ quyền; đồng thời, chúng ta cũng làm cho nhân dân thế giới thấy rằng, “nhân dân Việt Nam không phải chỉ riêng mình mà chiến đấu mà còn vì hoà bình, dân chủ và độc lập trên thế giới mà chiến đấu”.

Nếu đặt cuộc Cách mạng tháng 8/1945 của Việt Nam trong bối cảnh khu vực, thế giới lúc bấy giờ và trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, chúng ta càng thấy sự vĩ đại, càng khâm phục tài năng, tính sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và sức mạnh đại đoàn kết, ý chí quyết tâm của cả dân tộc Việt Nam được kết tinh từ mấy ngàn năm văn hiến. Với nhận thức ấy, chúng ta có đầy đủ cơ sở lịch sử khách quan để khẳng định rằng, thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam không thể là “một sự ăn may”.

 

[5]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.7, Sđd, tr.120.

Lê Mật

Video liên quan

Chủ Đề