Màng cứng là gì

Gây tê ngoài màng cứng là một trong những phương pháp giảm đau khi sinh nở. Hiện nay đa số sản phụ tới sinh ở Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội đều lựa chọn phương pháp giảm đau này, tuy nhiên điều quan trọng là họ phải hiểu rõ những lợi ích mà phương pháp này mang lại cũng như những rủi ro có thể xảy ra trước khi lựa chọn nó.

Gây tê ngoài màng cứng là gì?

Đây là một phương pháp gây tê được áp dụng cho giảm đau khi chuyển dạ, trong và sau mổ đẻ và một số phẫu thuật khác.

Thuốc tê được tiêm vào một khoang bao bọc xung quanh tủy sống, gọi là khoang ngoài màng cứng. Trong gây tê ngoài màng cứng để giảm đau khi chuyển dạ, thuốc gây tê sẽ được một xy-lanh điện tự động bơm liên tục với một tốc độ rất nhỏ và ổn định cho tới khi em bé ra đời. Sản phụ sẽ ít phải chịu đau, cuộc chuyển dạ sẽ diễn ra nhẹ nhàng hơn, nhanh hơn và do đó em bé cũng ít bị sang chấn hơn.

Gây tê ngoài màng cứng do các bác sĩ gây mê giàu kinh nghiệm thực hiện.

Gây tê ngoài màng cứng được tiến hành như thế nào?

Thông thường bác sĩ gây mê sẽ làm gây tê ngoài màng cứng khi cổ tử cung của sản phụ mở ở một mức độ nhất định. Điều này đồng nghĩa với việc sản phụ trước đó đã bị đau bụng do có những cơn co đáng kể.

Trước khi gây tê, sản phụ được truyền dịch để tránh tụt huyết áp do thuốc tê có thể gây ra. Khi gây tê, sản phụ sẽ ở tư thể ngồi cong lưng tối đa ra sau, cằm gấp vào ngực.

Bác sĩ gây mê sẽ gây tê tại chỗ nơi sẽ chọc kim ở lưng. Do vậy, sản phụ hầu như không đau trong khi bác sỹ làm thủ thuật này. Sau đó một ống bằng chất dẻo nhỏ như sợi tóc gọi là catheter sẽ được luồn vào trong khoang ngoài màng cứng, vì catheter này rất nhỏ nên sau khi làm xong, sản phụ vẫn có thể nằm thoải mái mà không bị cản trở gì.

Sản phụ có lợi gì khi làm gây tê ngoài màng cứng?

Gây tê ngoài màng cứng giúp cho sản phụ tránh được cái«đau như đau đẻ» trong giai đoạn chuyển dạ và sổ thai. Nhờ phương pháp này, cuộc chuyển dạ và sinh đẻ trở nên nhẹ nhàng, sản phụ không bị mất sức.

Khi gây tê ngoài màng cứng, nhờ có tác dụng giảm đau của nó, bác sĩ sản khoa có thể chỉ huy được cuộc đẻ theo xu hướng tốt nhất cho thai nhi và cho mẹ.

Trong trường hợp có chỉ định can thiệp khác ví dụ lấy thai bằng forcep, rạch tầng sinh môn, kiểm soát cổ tử cung sau khi sổ thai, … thì tác dụng giảm đau của gây tê ngoài màng cứng là đủ mà không cần thiết phải có thêm biện pháp giảm đau nào khác.

Nếu phải mổ lấy thai cấp cứu thì bác sĩ gây mê có thể sử dụng chính catheter ngoài màng cứng có sẵn để làm gây tê  khi mổ và làm giảm đau cho giai đoạn sau mổ.

Gây tê ngoài màng cứng có hại gì cho sản phụ và thai nhi không?

Gây tê ngoài màng cứng là một thủ thuật trong y học. Cũng như các thủ thuật khác, bên cạnh những lợi ích to lớn mà nó mang lại, gây tê ngoài màng cứng cũng có những nhược điểm và biến chứng nhất định.

Thuốc gây tê có thể gây giãn mạch, tụt huyết áp và có thể ảnh hưởng đến cung cấp máu cho thai nhi. Một số sản phụ có thể bị run, buồn nôn, toát mồ hôi, mệt xỉu hay khó thở khi bị tụt huyết áp. Để tránh hiện tượng này bao giờ sản phụ cũng được truyền dịch trước khi gây tê. Trong khi gây tê, huyết áp của mẹ và tim thai được theo dõi liên tục bằng hệ thống theo dõi monitoring sản khoa chuyên biệt.

Cơn co tử cung có thể phần nào bị ảnh hưởng bởi thuốc gây tê, bằng việc theo dõi tần số và cường độ cơn co tử cung bằng monitoring sản khoa, bác sĩ sản khoa và nữ hộ sinh sẽ biết chính xác khi nào và bằng cách nào để can thiệp làm tăng cường cơn co tử cung bằng thuốc.

Gây tê ngoài màng cứng không làm tăng tỷ lệ mổ đẻ hay can thiệp dụng cụ khi sổ thai.

Sau khi đẻ, một số sản phụ cho biết có cảm giác đau mỏi ở vùng lưng, nhưng cảm giác này thường có ở các phụ nữ mang thai cho dù không làm gây tê ngoài màng cứng.

Một số biến chứng ít gặp

Trong một số trường hợp gây tê ngoài màng cứng, sản phụ có thể bị đau đầu vài ngày sau khi đẻ, đôi khi là đau đầu dữ dội. Trên lý thuyết, đau đầu này không cần điều trị cũng sẽ tự hết sau ít ngày mà không để lại di chứng thần kinh gì. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ dùng thuốc, truyền dịch và hướng dẫn sản phụ những việc nên làm sau đó [tư thế nằm, cách ăn uống, nghỉ ngơi…] để làm giảm đau cho sản phụ.

Nếu các phương pháp trên không làm sản phụ đỡ đau đầu, một phương pháp gọi là “blood patch” sẽ được tiến hành. Bác sĩ gây mê sẽ lấy khoảng 20ml máu tĩnh mạch của sản phụ và tiêm vào khoang ngoài màng cứng để “hàn kín” màng cứng. Để hạn chế biến chứng này, sản phụ được yêu cầu phải ngồi bất động tuyệt đối khi gây tê.

Nhiễm trùng khoang ngoài màng cứng là một biến chứng nặng có thể xảy ra. Sản phụ sẽ có dấu hiệu đau lưng ngày càng tăng sau khi đẻ, kèm theo dấu hiệu nhiễm trùng và các dấu hiệu về thần kinh ở hai chân. Tuy nhiên, nếu tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc vô trùng thì có thể giảm thiểu được biến chứng này.

Ngoài ra, y văn còn ghi nhận những trường hợp gây tê ngoài màng cứng bị tai biến chảy máu, gây tụ máu ngoài màng cứng tại nơi gây tê và có thể để lại di chứng thần kinh nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Tuy nhiên đó là những tai biến hiếm [0.04%, //www.healing-arts.org/mehl-madrona/mmepidural.htm#intro]. Ngay cả khi gặp phải tai biến này, bằng phương pháp chụp cắt lớp hoặc chụp cộng hưởng từ vùng lưng sẽ cho chẩn đoán chính xác và phương pháp xử lý tương ứng.

Với gây tê NMC, chúng tôi sẽ giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn, nhưng cũng vô cùng tuyệt vời. Giai đoạn chuyển dạ để đón đứa con mong ước của bạn chào đời một cách thoải mái và an toàn nhất.

Bạn nên thảo luận với bác sĩ gây mê vào buổi khám gây mê trước sinh để biết thêm chi tiết. Dịch vụ gây tê ngoài màng cứng đã bao gồm trong các gói sinh của Bệnh viện Việt Pháp Hà nội. Tuy nhiên, việc đẻ thường không phụ thuộc vào việc bạn có gây tê NMC hay không. Chọn lựa gây tê NMC giảm đau khi đẻ là quyết định của bạn.

Dịch vụ sinh con tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho tất cả sản phụ. Để tìm hiểu thêm về dịch vụ sinh tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, quý khách vui lòng liên hệ: [84-24] 3577 1100 hoặc gửi thông tin về cho chúng tôi theo mẫu dưới đây:

Chủ Đề