Mẹo giúp chuyển dạ sớm

Sinh thường hay sinh qua ngã âm đạo, là một thuật ngữ y khoa nói về việc sinh em bé một cách thông thường nhất mà cha ông ta ngày xưa đã thực hiện. Tuy nhiên, bạn hiểu bao nhiêu về sinh thường? Về những cơn gò tử cung? Hay cổ tử cung mở bao nhiêu phân nghĩa là gì? Cách em bé ra ngoài như thế nào? Những vấn đề có thể xảy ra trong quá trình sinh con? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm về sinh thường và một số phương pháp giúp quá trình sinh diễn ra nhanh chóng và trót lọt thông qua bài viết sau nhé.

1. Điều gì xảy ra khi chuyển dạ?

Chuyển dạ là từ mô tả cách cơ thể người phụ nữ chuẩn bị sinh. Điều này liên quan đến việc có các cơn co thắt vùng bụng dưới, hoặc lưng dưới, đó là khi tử cung thắt chặt lại. Các cơn co thắt có thể gây đau đớn và khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, khó khăn.

Thông thường, ở người phụ nữ mang thai lần đầu [con so], thời gian chuyển dạ có thể kéo dài trung bình 12 tiếng. Tuy nhiên, thời gian này có thể rất thay đổi, do đó, hãy trò chuyện với bác sĩ khi bạn thấy chuyển dạ diễn ra lâu bất thường.

Chuyển dạ giai đoạn 1:

  • Những cơn co tử cung này báo hiệu giai đoạn chuyển dạ đầu tiên đã bắt đầu.
  • Giai đoạn này có một tên gọi khác là xoá  mở cổ tử cung.
  • Trong quá trình chuyển dạ, cổ tử cung của bạn sẽ mềm ra, rút ngắn lại và mở ra. Các nữ hộ sinh hoặc bác sĩ sẽ thăm khám, xác định cổ tử cung đã mở trọn chưa [thông thường cổ tử cung có thể mở đến 10cm] để đầu thai nhi có thể xuống âm đạo được [kích thước đầu thai ước tính là 9  9.5cm].
  • Cổ tử cung mở trọn đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn này. Thông thường, đây cũng là giai đoạn dài nhất trong quá trình chuyển dạ.

Giai đoạn 1: Cổ tử cung mở ra

Giai đoạn 2 của quá trình chuyển dạ:

Khi cổ tử cung đã mở trọn, em bé của bạn sẽ di chuyển từ tử cung vào âm đạo.

Khi em bé đã ra hoàn toàn bên ngoài cơ thể mẹ thì giai đoạn 2 đã kết thúc. Quá trình này thường kéo dài 15  75 phút, tuy nhiên có thể kéo dài 2  3 giờ.

Giai đoạn 2: Sự di chuyển của thai nhi sau khi ra khỏi cổ tử cung

Giai đoạn 3 của quá trình chuyển dạ:

Sổ hoàn toàn bánh nhau ra ngoài tử cung của mẹ. Thường nhanh chóng, chỉ kéo dài khoảng 30 phút.

Chuyển dạ thường tự bắt đầu từ 37 đến 42 tuần của thai kỳ. Trong một số trường hợp, các bác sĩ sẽ quyết định gây ra chuyển dạ. Để thực hiện việc này, bác sĩ sẽ đặt thuốc vùng âm đạo, đặt ống thông hoặc dùng thuốc tạo cơn gò. Thuốc để bắt đầu các cơn co thắt được truyền vào máu.

Ngoài ra còn có một số thao tác khác sẽ được nhắc ở một bài viết khác. Các bác sĩ chỉ gây ra chuyển dạ trước dự sanh nếu có vấn đề nào đó xảy ra. Thông thường, các vấn đề này sẽ làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của thai phụ hoặc thai nhi nếu không sinh sớm.

2. Sinh thường có đau không?

Có, sinh con thường đau. Đau có thể đến từ các cơn co thắt với cường độ và tần suất tăng dần tăng dần để đẩy em bé ra khỏi âm đạo một cách hoàn toàn. Nhưng thực tế, cường độ của cơn đau là khác nhau đối với mỗi người phụ nữ. Khả năng chịu đau của mỗi người là khác nhau, ngày xưa cũng có sự so sánh về việc này, chẳng hạn như người giàu đứt tay thì đau lăn lộn, la hét như ăn mày đổ ruột.

Do đó quyết định có dùng thuốc giảm đau tuỷ sống hay không còn tuỳ vào thai phụ. Một số phụ nữ chọn sinh con tự nhiên. Điều này có nghĩa là họ không sử dụng bất kỳ loại thuốc giảm đau nào trong quá trình chuyển dạ hoặc sinh nở.

Thay vào đó, họ làm những việc khác, chẳng hạn như tập thở, để giảm bớt nỗi đau. Những phụ nữ khác chọn dùng thuốc để giảm bớt cơn đau khi chuyển dạ và sinh nở. Nếu bạn chọn dùng thuốc giảm đau, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh của bạn có thể sẽ bắt đầu truyền thuốc cho bạn trước khi sinh.

3. Nếu con tôi không ở đúng vị trí thì sao?

Thông thường, một em bé có thể sinh ra qua ngã âm đạo chỉ khi nó ở đúng một số tư thế nhất định. Trước khi sinh, em bé nằm trong tử cung ở các tư thế khác nhau, khi thai nhi to lớn quá nhanh thì tử cung trở nên ngày càng chật hẹp, bé không thể xoay trở để thay đổi tư thế nữa, mà sẽ bị tử cung gò ép, đưa vào một tư thế nhất định.

Vào cuối thai kỳ, hầu hết trẻ sơ sinh nằm với tư thế đầu gần âm đạo nhất. Nhưng một số em bé không giống vậy, chúng có tư thế đặt chân, mông hoặc vai nằm gần âm đạo nhất. Các bác sĩ sẽ gọi tư thế bé theo các ngôi, tương ứng với bộ phận nào đó của trẻ nằm sát cổ tử cung nhất.

Nếu em bé của bạn không cúi đầu xuống, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ nói chuyện với bạn về các lựa chọn điều trị tiếp theo. Họ có thể cố gắng thay đổi vị trí em bé của bạn trước khi bạn chuyển dạ và sinh con qua ngã âm đạo. Hoặc có thể đề nghị bạn có mổ lấy thai.

4. Những điều cần lưu ý trước khi sinh thường

Khi mang thai bạn nên:

  • Hãy chắc chắn bạn đến khám thai định kỳ đúng hẹn với bác sĩ của bạn.
  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh và uống nhiều nước.
  • Ngủ càng nhiều càng tốt.
  • Đọc về việc sinh con và tham gia lớp chuẩn bị sinh con.
  • Chọn một người hỗ trợ để ở bên bạn trong quá trình chuyển dạ và sinh nở.

Nói chuyện với bác sĩ của bạn về:

  • Cách liên lạc như thế nào với anh ấy / cô ấy sau giờ làm việc và khi nào bạn nên gọi.
  • Những bước nào mà bạn nên làm khi chuyển dạ xảy ra.
  • Bạn có muốn giảm đau khi chuyển dạ hay không?. Vì điều này có thể làm quá trình chuyển dạ của bạn kéo dài hơn cũng như tăng nguy cơ biến chứng thuốc mê.
  • Cách massage đáy chậu. Đáy chậu là khu vực giữa hậu môn và âm đạo. Xoa bóp nó có thể giúp giảm cơ hội chấn thương khi sinh thường.
  • Bạn sẽ đến bệnh viện bằng cách nào.
  • Các sắp xếp cho gia đình và công việc.
  • Hãy nhận biết các dấu hiệu chuyển dạ, bao gồm:
  • Những cơn gò tử cung.
  • Vỡ ối, nước chảy khỏi âm đạo.
  • Đau lưng.
  • Chảy ít máu qua âm đạo.

5. Cơn gò chuyển dạ thật và giả

Trước khi bắt đầu chuyển dạ thực sự, bạn có thể có những giai đoạn chuyển dạ giả. Đây là những cơn co thắt bất thường của tử cung của bạn, được gọi là cơn co thắt Braxton Hicks.

  • Thông thường những cơn gò Braxton Hicks xuất hiện không thường xuyên, ít hơn hoặc bằng hai lần mỗi giờ, và thường chỉ có vài lần mỗi ngày.
  • Những cơn gò này không đều và cũng như không dồn dập và mạnh hơn như cơn gò chuyển dạ thực sự.
  • Đổi tư thế hoặc thay đổi từ hoạt động sang nghỉ ngơi có thể chấm dứt cơn gò này.
  • Những cơn co thắt này đôi khi có thể gây đau.
  • Thai phụ đôi khu cũng cảm thấy đau ở dạ dày [trên rốn] chứ không phải ở lưng.
  • Thời gian kéo dài của các cơn co thắt là một cách tốt để nói sự khác biệt giữa cơn gò thật và giả.

Do đó, thai phụ cần lưu ý thời gian từ khi bắt đầu một cơn co thắt đến khi bắt đầu cơn co thắt kéo dài bao lâu. Theo dõi liên tục như vậy trong 1 giờ. Nếu các cơn co thắt ngày càng gần nhau hơn, lâu hơn, mạnh hơn và được cảm nhận ở lưng, thì đó có thể bạn đang có chuyển dạ thực sự. Nếu bạn nghĩ rằng bạn đang chuyển dạ, hãy gọi bác sĩ hoặc đến bệnh viện gần nhất.

6. Gây tê tuỷ sống giảm đau, nên hay không?

Chuyển dạ có thể gây đau đớn dữ dội, nhưng hãy nhớ rằng mỗi người phụ nữ là một cá thể khác nhau. Mọi người đều trải qua nỗi đau khác nhau. Do đó, cảm nhận về đau của mỗi người cũng khác.

Trong khi lên kế hoạch sinh nở, hãy nói chuyện với bác sĩ về các lựa chọn của bạn: có thực hiện giảm đau hay không.

Trong giai đoạn đầu chuyển dạ, các kỹ thuật như nhịp thở, thiền và bấm huyệt có thể hữu ích. Vì vậy, một số phụ nữ không yêu cầu bất kỳ phương pháp giảm đau nào khác. Có nhiều lựa chọn y tế để kiểm soát cơn đau. Cũng như tất cả các phương pháp điều trị để giảm đau khi chuyển dạ đều có rủi ro và lợi ích. Có nhiều cách giảm đau cho mẹ sinh thường như sau:

Thuốc giảm tiêm vào bằng tĩnh mạch hoặc tiêm vào cơ bắp:

  • Chỉ tiêm khi các cơn co thắt trở nên mạnh mẽ và đau đớn hơn.
  • Có thể xâm nhập vào máu của trẻ.

Gây tê ngoài màng cứng:

Vị trí đâm kim ngoài màng cứng.

  • Thuốc giảm đau dạng lỏng tiêm gần tủy sống.
  • Được tiêm truyền với số lượng nhỏ và được thực hiện bởi bác sĩ gây mê hồi sức  một bác sĩ chuyên về gây mê.
  • Không xâm nhập vào dòng máu của thai nhi.
  • Giảm đau và cảm giác ở phần dưới cơ thể [khoảng dưới rốn trở xuống] của bạn.
  • Cung cấp giảm đau tốt và cho phép bạn tiếp tục sinh nở.
  • Có thể gây đau đầu và giảm huyết áp của mẹ, dẫn đến thay đổi nhịp tim của bé.

Gây tê tuỷ sống:

Vị trí gây tê tuỷ sống.

  • Thuốc giảm đau dạng lỏng tiêm vào trong tủy sống.
  • Được sử dụng để giảm đau trong khi sinh, đặc biệt là nếu cần sinh hỗ trợ bằng dụng cụ.
  • Thường được sử dụng khi mổ lấy thai.
  • Làm tê liệt nửa thân dưới và cũng như làm giảm khả năng rặn sinh của bạn.
  • Giảm đau tốt và có tác dụng nhanh chóng.
  • Có thể gây đau đầu sau khi sinh và giảm huyết áp mẹ khi chuyển dạ và sinh con, cũng như thay đổi nhịp tim của bé.

Gây tê cục bộ [tại chỗ]:

  • Bác sĩ sẽ tiêm vào âm đạo hoặc khu vực xung quanh đó.
  • Cũng được sử dụng khi những vết rách âm đạo sau khi sinh.
  • Không giúp giảm đau do các cơn gò chuyển dạ gây ra.

7. Mẹ bầu nên làm gì trước  trong và sau chuyển dạ để sinh thường dễ dàng hơn?

Trước khi chuyển dạ:

  • Trao đổi thật kỹ lưỡng với bác sĩ của bạn về những thủ thuật có thể xảy ra khi sanh, và lựa chọn của bạn là gì để họ giảm bớt thời gian chuẩn bị và giúp đỡ bạn.
  • Chuẩn bị một balo đồ đạc khi ngày dự sinh đã cận kề, có một số thứ bạn không nên quên:
  • Một cái đồng hồ hoặc điện thoại có đếm giây, để xác định gò giả hay thật.
  • Một bản photo kế hoạch sanh sau khi trò chuyện với bác sĩ. Chụp vào điện thoại, gửi bản photo này vào tin nhắn cho bạn đời cũng là 1 lựa chọn. Trong lúc đau đớn, khó chịu thì khó mà nhớ điều gì chính xác lắm.
  • Một số thứ lặt vặt khác cho thai phụ sinh hoạt trước và sau sinh; khăn chuồm, đồ đạc cho trẻ mới sinh.
  • Việc ra ít máu hồng vùng âm đạo vào giai đoạn gần giờ dự sinh là hoàn toàn bình thường. Dịch này xuất hiện khi cổ tử cung thai phụ bắt đầu dãn nở ra. Tuy nhiên, việc ra máu này không giúp ta biết chính xác lúc nào chuyển dạ bắt đầu. Thời gian này có thể là vài giờ, vài ngày hoặc vài tuần.
  • Cạo lông vùng bụng dưới là không cần thiết, không có bằng chứng y khoa nào cho việc đó.

Trong khi chuyển dạ:

  • Hãy thư giãn: Đây thực sự là một chuyện rất cần thiết. Cơ thể của người phụ nữ được tạo hoá thiết kế để phù hợp với sinh sản. Chuyển dạ là một quá trình sẽ diễn ra liên tục, dù bạn có thư giản hay căng thẳng thì cũng không thay đổi được chuyện này. Vì vậy, hãy thư giản tối đa để chuyển dạ sinh trở nên trơn tru, nhẹ nhàng hơn nhé.
  • Đừng lo lắng khi bản thân đi tiểu quá nhiều. Việc bạn đi tiểu thường xuyên giúp đỡ cho bàng quang luôn xẹp, dễ dàng cho bác sĩ thăm khám và xác định cơn gò. Nếu bạn quá đau đớn vì cơn gò và không muốn đi tiểu vì sợ, bác sĩ có thể đặt một ống dẫn nước tiểu giúp bạn.
  • Khi bác sĩ xác nhận rằng cơn gò của bạn kéo dài, một số tư thế do bác sĩ hướng dẫn sẽ giúp hỗ trợ quá trình này.
  • Rặn khi cơn gò xuất hiện. Việc rặn khi không có cơn gò không hỗ trợ nhiều cho việc chuyển dạ.
  • Có 2 thời điểm không nên rặn chuyển dạ. Các bác sĩ, hộ sinh sẽ giúp bạn xác định thời điểm này.

Sau khi chuyển dạ:

  • Hãy xoa tử cung thật mạnh theo cách mà các nữ hộ sinh sẽ hỗ trợ bạn. Việc này giúp giảm lượng máu mất trong khi sinh giảm tối đa.
  • Hãy ôm lấy đứa bé của bạn, những giọt sữa mẹ trong thời gian này chứa nguồn dinh dưỡng rất quý giá cho vài tháng phát triển sau đó của trẻ mà ít có thực phẩm nào có được.

8. Kết luận

Sinh nở là một dấu chấm tròn hoàn mỹ cho quá trình mang thai 9 tháng 10 ngày. Những điều cần lưu ý cũng như một số mẹo vặt nho nhỏ sẽ giúp quá trình chuyển dạ của thai phụ trở nên trơn tru hơn.

Bác sĩ Nguyễn Đoàn Trọng Nhân

Video liên quan

Chủ Đề