Ngày thành lập công đoàn việt nam là ngày nào năm 2024

Tại Lời nói đầu của Điều lệ Công đoàn Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-TLĐ năm 2020 có nêu như sau:

Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động, do người lao động tự nguyện lập ra nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết lực lượng, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh; phát huy truyền thống đoàn kết quốc tế, vì hoà bình, dân chủ, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
Công đoàn Việt Nam có tính chất giai cấp của giai cấp công nhân và tính chất quần chúng, là thành viên của hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, có quan hệ hợp tác với Nhà nước, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội khác; hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Công đoàn Việt Nam trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân trên cơ sở gắn với lợi ích của quốc gia, dân tộc; có chức năng đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Như vậy, Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động, do người lao động tự nguyện lập ra nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết lực lượng, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh; phát huy truyền thống đoàn kết quốc tế, vì hoà bình, dân chủ, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam là ngày mấy?

Công đoàn Việt Nam, sơ khai là Công hội Ba Son và tiền thân là tổ chức Công hội đỏ Bắc Kỳ được thành lập ngày 28 tháng 7 năm 1929 tại số nhà 15, phố Hàng Nón, Hà Nội. Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ ra đời có ý nghĩa to lớn, đánh dấu sự lớn mạnh của phong trào công nhân và sự trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam.

Bộ chính trị Ban Chấp hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã quyết định lấy ngày 28/07/1929, ngày họp đại hội thành lập Tổng Công Hội đỏ đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam, làm ngày thành lập Công Đoàn Việt Nam. Đại hội đại biểu Công Đoàn toàn quốc lần V (tháng 11/1983) họp tại thủ đô Hà Nội đã nhất trí thông qua nghị quyết lấy ngày 28/07/1929 làm ngày thành lập Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

Năm 2024, kỷ niệm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam 28/7/2024 rơi vào Chủ nhật.

Ngày thành lập công đoàn việt nam là ngày nào năm 2024

Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam là ngày mấy? Công đoàn Việt Nam có các cấp nào? (Hình từ Internet)

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công đoàn là gì?

Tại Điều 6 Điều lệ Công đoàn Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-TLĐ năm 2020 quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam như sau:

- Công đoàn Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ; cơ quan lãnh đạo công đoàn các cấp do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức.

- Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Công đoàn Việt Nam là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của mỗi cấp công đoàn là đại hội công đoàn cấp đó. Cơ quan lãnh đạo của công đoàn mỗi cấp giữa hai kỳ đại hội là ban chấp hành.

- Nghị quyết của công đoàn các cấp được thông qua theo đa số và phải được thi hành nghiêm chỉnh.

Công đoàn Việt Nam có các cấp nào?

Theo quy định tại Điều 7 Điều lệ Công đoàn Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-TLĐ năm 2020 thì hệ thống tổ chức công đoàn các cấp bao gồm:

- Cấp Trung ương: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

- Cấp tỉnh, ngành trung ương gồm: Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; công đoàn ngành trung ương và tương đương.

Sự ra đời của Công đoàn Việt Nam có ý nghĩa to lớn, đánh dấu sự lớn mạnh của phong trào công nhân và sự trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam. Trong những năm qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh; đã vận động, tập hợp đông đảo công nhân, viên chức, lao động dưới ngọn cờ cách mạng do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo để có những đóng góp to lớn trong thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trải qua hơn 9 thập kỷ hình thành và phát triển, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, đồng hành cùng dân tộc, là lực lượng và chỗ dựa tin cậy, trung thành của Đảng, gắn bó máu thịt, hết lòng phấn đấu vì quyền lợi của giai cấp công nhân, người lao động và đã có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam là nền tảng chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước ta. Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội tiên phong trong xây dựng, chỉnh đốn, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; là chỗ dựa vững chắc và cầu nối giữa công nhân, người lao động với Đảng và Nhà nước. Công đoàn Việt Nam luôn là lực lượng tiên phong, đóng vai trò trung tâm trong đời sống chính trị của đất nước.

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam đã tiến hành những cuộc vận động cách mạng to lớn, phát động những phong trào thi đua yêu nước rộng khắp, đóng góp sức người, sức của và cả máu xương cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.

Bước vào thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập văn hóa, kinh tế thế giới, giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn luôn ở tuyến đầu, là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công đoàn đã chú trọng đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội; tổ chức các phong trào hành động cách mạng, thi đua yêu nước, với trọng tâm phong trào thi đua “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào “xanh – sạch - đẹp, an toàn vệ sinh lao động”, “xây dựng đời sống văn hoá cơ sở”, thu hút và tạo động lực mạnh mẽ khơi dậy tiềm năng trí tuệ của đông đảo đoàn viên, người lao động. Qua đó đã khẳng định được vai trò tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố QPAN của đất nước.

Trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn kiên định, đoàn kết thống nhất, đổi mới sáng tạo, vận động, tổ chức, hướng dẫn công nhân và người lao động cả nước đi tiên phong trong lao động, sản xuất và đấu tranh cách mạng, kế thừa xứng đáng và làm rạng rỡ thêm truyền thống anh hùng của dân tộc ta.

Kể từ khi ra đời đến nay, Công đoàn Việt Nam tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, với mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, đại diện bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân, phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường; tổ chức, vận động đoàn viên, người lao động đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

95 năm qua là chặng đường lịch sử vẻ vang của Công đoàn Việt Nam, với những tên gọi khác nhau để phù hợp hoàn cảnh của mỗi giai đoạn cách mạng như: Công hội đỏ (thời kỳ 1929 – 1935), Nghiệp đoàn ái hữu (1936 – 1939), Hội công nhân phản đế (1939 – 1941), Hội công nhân cứu quốc (1941- 1946), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1946- 1961), Tổng Công đoàn Việt Nam (1961- 1988) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ năm 1988 đến nay. Nhưng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Công đoàn Việt Nam đã phát huy vai trò, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần to lớn vào thắng lợi cách mạng Việt Nam.

Có thể khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử, đồng hành với sự phát triển của đất nước, Công đoàn Việt Nam đã chứng tỏ là tổ chức duy nhất, có đủ bản lĩnh và năng lực đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động. Nhiều thế hệ cán bộ, đoàn viên, người lao động đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, góp phần viết nên trang sử hào hùng dựng nước, giữ nước của dân tộc, của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng và Nhân dân.

Thời gian qua, Công đoàn đã có nhiều đổi mới cả nội dung và phương thức hoạt động. Ngay sau Đại hội XIII của Đảng và Đại hội XIII của Công đoàn Việt Nam, các cấp công đoàn đã bắt tay ngay vào tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, học tập Nghị quyết; tập trung xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch và tích cực triển khai tổ chức thực hiện rộng khắp trong cả nước.

Hoạt động công đoàn và phong trào công nhân luôn bám sát chủ trương của Đảng và thực tiễn cuộc sống. Công đoàn các cấp, đặc biệt là Tổng Liên đoàn đã tìm tòi, sáng tạo, đề xuất và tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực như “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”; xây dựng các thiết chế công đoàn, tháo gỡ những vấn đề bức xúc về nhà ở, nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hoá, chăm sóc sức khỏe… tại các khu công nghiệp. Tham mưu, tổ chức cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm hỏi, tặng quà của nhân dịp Tết nguyên đán và tổ chức gặp gỡ, đối thoại hàng năm giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân. Xây dựng chương trình “Công đoàn đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”, phát động cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”. Quan tâm đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, góp phần bảo đảm chế độ, chính sách và từng bước nâng cao phúc lợi, lợi ích cho người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ. Chủ động, tích cực cùng hệ thống chính trị giải quyết những vụ, việc liên quan đến quyền lợi, đời sống của người lao động, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự.

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã đề ra mục tiêu: “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội. Hoàn thành mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động tham gia công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt. Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, ý thức pháp luật của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đến cuối nhiệm kỳ, hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập, Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước ta”.

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đề ra những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn những năm tới, đó là: (1) Tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, CNVCLĐ; (2) Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; đổi mới tổ chức các phong trào thi đua yêu nước; (3) Xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam; (4) Tham gia xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; (5) Nâng cao chất lượng công tác nữ công, thúc đẩy bình đẳng giới, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của lao động nữ; (6) Đẩy mạnh công tác đối ngoại, tiếp tục khẳng định vị thế của Công đoàn Việt Nam; (7) Xây dựng nguồn tài chính công đoàn đủ mạnh để thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam; (8) Đổi mới phương thức hoạt động công đoàn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn.

Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, 30 năm Ngày thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam là sự kiện chính trị quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cán bộ, công chức, viên chức, lao động, của tổ chức Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Viên chức Việt Nam; khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam trong các giai đoạn cách mạng của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là dịp để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ôn lại, phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.