Người huế gọi xông đất là gì

Thứ bảy, 01/02/2014, 21:30 GMT+7

Là kinh đô xưa, Huế còn lưu giữ nhiều tập tục xưa trong việc đón và ăn Tết để tạo nên một nét riêng biệt của mình.


Cái Tết của người Huế
Trong cái văn hóa chung của người Việt Nam, mỗi vùng miền lại có những nét riêng. Trong chuyện ăn Tết, trong cách thức chung của cả nước thì mỗi vùng miền cũng có nét riêng mang đặc sắc địa phương. Huế cũng không ra ngoài đặc điểm đó. Cái riêng của Huế nằm ở chỗ nó còn giữ được nhiều nếp xưa. Đúng như tác giả Trần Đức Anh Sơn trong một bài viết về Tết Huế trong cuốn Phong vị Tết Việt: “Ăn Tết nguyên đán không phải là phong tục riêng của Huế. Tuy nhiên, Tết Huế có những nét riêng thú vị. Là kinh đô xưa, Huế còn giữ được nhiều cổ tục trong việc đón và ăn Tết”.

 Đua ghe trên sông Hương. Ảnh: Internet.

Đầu tiên là lễ cúng ông Táo. Nếu ở miền Bắc, không khí Tết bắt đầu từ 23 ông Táo thì ở Huế ngày này chỉ đơn giản là ngày thay cái lư hương, quét dọn bàn thờ gia tiên. Không khí Tết thực sự bắt đầu từ ngày 25 khi các phường hội thợ thuyền làm lễ cúng tổ nghề và cũng là lễ tất niên. Con gái Huế đã nổi tiếng khắp nơi về nữ công gia chánh nên dịp Tết là dịp để họ trổ tài. Tết Huế xưa hầu như người ta tự làm tất cả các món ăn mặn ngọt, chay tịnh… mà không phải mua thứ gì. Có đến hàng trăm món ăn được làm trong ngày Tết: bánh tét, dưa món, thịt bò dầm nước mắm, giò heo bó, chả thủ, nem tré, hành muối, kiệu chua… Ngọt cũng đủ loại từ mứt bánh, mứt gừng, mứt me tới bánh in, bánh dẻo, chè xanh đánh, chè đông sương, chè khoai tía. Đặc biệt đồ ăn mặn có món gì thì đồ ăn chay cũng có món đó. Huế vốn nổi tiếng với các món cỗ chay cao cấp trong cung đình xưa nên hầu hết các bà nội trợ đất thần kinh đều biết nấu được một hai món chay đặc sắc. Sự cúng kiếng trong ngày Tết ở Huế mới thực sự cầu kỳ. Trước Tết có cúng ông Táo, cúng tổ nghề, cúng Tất niên, cúng lên nêu, cúng rước ong bà về ăn Tết.... Từ sáng mồng một Tết trở đi phải cúng ông bà ngày ba bữa, ngày Sóc cúng chay, ngày thường cúng mặn. Đến chiều mồng ba phải làm cỗ cúng đưa tiễn ông bà. Tiếp theo là cúng đầu năm, cúng sao cúng rằm nguyên tiêu… Người Huế không có tục hái lộc đầu năm nên người Huế không ra khỏi nhà trước và sau khi Giao thừa. Đối với tục xông đất, người Huế gọi là đạp đất. Nếu ở nơi khác có thể người ta tự ra ngoài rồi về xông đất nhà mình thì ở Huế người ta mong người đến đạp đất nhà mình vào sáng mồng một Tết là những người có chức sắc, học vấn hay người nhẹ vía, có tài lộc để may mắn theo họ đến với gia đình suốt cả năm đó. Thận trọng hơn, nhiều gia đình ở Huế còn “ra lệnh” cho con cái, đứa nào nặng vía thì sáng mồng một Tết không được dậy sớm, có thức giấc cũng phải nằm yên, chờ đứa khác nhẹ vía hơn – đã được cha mẹ dặn trước, đặt chân xuống trước.

Muôn kiểu xem bói

Không phải là một thú chơi nhưng xem bói ở Huế vào ngày Tết rất phổ biến. Trong Phong vị Tết Việt, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã kể ra rất nhiều hình thức bói toán mà cứ mỗi độ Tết đến xuân về lại nở rộ ở Huế. Nào là bói hoa, bói xăm hường cho đến bói tuồng… Bói hoa thường được giới trẻ Huế sử dụng để xem tình duyên. Họ lấy một bông hoa cúc, bắt đầu ngắt từ cánh hoa ở trung tâm rồi xoay quanh lần lượt đến hết. Vừa ngắt đếm từng cánh hoa họ vừa nói theo thứ tự: “nàng yêu tôi”, “nàng yêu tôi nhiều”, “nàng yêu tôi say đắm”, “nàng không yêu tôi chút nào cả”. Cứ như thế cho đến cánh hoa cuối cùng rơi vào nhóm chữ nào thì duyên số cũng đạt tới vận mệnh đó.

Là cố đô, Huế còn giữ nhiều nếp cũ cho nên cách đón Tết cũng có nhiều điểm độc đáo. Ảnh minh họa.

Bói tuồng: Ở rạp Bà Tuần vào ngày Tết người ta thường xào xáo một chương trình tuồng Tết, gồm có những vở tuồng có đoạn nói về tình duyên để các cô các cậu đi xem. Để bói tuồng, các giai thanh gái lịch không vào xem từ đầu mà vào đột xuất. Nếu tuồng đang diễn đến lớp nào, buồn hay vui thì xem như ứng với mệnh mình. Bói xăm hường là một trò chơi tao nhã, xuất phát từ Trung Hoa, rất được người Huế ưa chuộng. Xăm có nguồn gốc từ chữ Thiêm trong chữ Hán, nghĩa là cái thẻ. Hường là lối đọc trại từ chữ Hồng, nghĩa là màu hồng; do âm Hồng có trong chữ Hồng Nhậm, là tên của vua Tự Đức, nên phải kiêng, đọc chệch đi là Hường. Đổ xăm hường là trò chơi gieo con súc sắc [còn gọi là hột tào cáo, hột xí ngầu] để dành những chiếc thẻ khắc chữ màu đỏ, ghi các học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa, gồm: Tú tài, cử nhân, tiến sĩ, hội nguyên, thám hoa, bảng nhãn và trạng nguyên. Ngay tên gọi của các quân cờ cũng đã thể hiện tính nho nhã của trò chơi cũng như tinh thần cầu học và ước vọng khoa bảng của người xưa. Lại còn có cách bói đò. Nguyên ở giữa chợ Gia Lạc [vùng Vĩ Dạ] và chợ Dinh [vùng Gia Hội] trên sông Hương ở Huế có một con đò ngang mà người ta nói là rất thiêng. Trong ngày Tết, người dân Huế coi việc mình kịp đò hay không để xem là điềm lành hay xấu. Nếu người ta đến bến đò mà con đò vẫn đang nằm chờ hoặc vừa mới ghé vào bờ thì đó là vận may, buôn án sẽ hanh thông suốt năm còn nếu phải chờ đò lâu hoặc đến lúc đò vừa rời đi thì là điềm xấu. Kể tới đây, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bình luận: “Thật ra đó là bến đò ngang duy nhất để người Huế ở khu Gia Hội có thể xuất hành trong ngày Tết. Tâm lý xuất hành rất quan trọng ở người Huế, ví dụ ra đi khỏi nhà lỡ có người gọi giật lui liền quay về, không dám đi đâu nữa, tức bực suốt ngày hôm ấy. Hơn nữa, chợ Gia Lạc lại chỉ đông vào 3 ngày Tết nên càng bao hàm tính xuất hành của chuyến đò đầu năm”.

Xem thêm: Du lịch Huế


Kiến thức

TTH - Theo quan niệm của người Huế, người “đạp đất” được coi như sứ giả của gia đình và thời nay còn bao gồm cả cơ quan, doanh nghiệp.

Ngày đầu năm mới, người Huế mình có tục “đạp đất”. Các nơi khác mà tiêu biểu là ở miền Bắc cũng có tục lệ này nhưng họ gọi khác, là “xông đất’. Cũng khác với ngoài Bắc, ở Huế không có tục hái lộc đầu năm nên người Huế không ra khỏi nhà trước và sau khi Giao thừa. Sau này, Nhà nước thường tổ chức bắn pháo hoa ở quảng trường Ngọ Môn vào thời khắc đón Giao thừa nên một bộ phận người Huế, đa phần là giới trẻ, đã “biết” ra khỏi nhà vào đêm 30 Tết để chờ xem. Tuy nhiên, người lớn tuổi vẫn thích ở nhà lo việc cúng bái hơn. Mặt khác, người Huế không dám về nhà sau phút giao thừa để tránh lệ “đạp đất” nhà mình. Vậy nên, sau thời khắc Giao thừa mà đặc biệt là trong sáng mồng Một Tết, các nhà đều có tâm lý chờ người đến “đạp đất” nhà mình. Ai cũng mong và hồi hộp chờ xem người đến “đạp đất” là ai.

Theo quan niệm của người Huế, người “đạp đất” được coi như sứ giả của gia đình và thời nay còn bao gồm cả cơ quan, doanh nghiệp. Họ có thể đem tới những điều tốt lành, nhưng cũng có thể là sự rủi ro, khó khăn cho gia chủ nếu “vía” không tốt hay không hợp “vía”. Đặc biệt, người “đạp đất” không bao giờ là người đang chịu tang vì người ta tin rằng cái chết, sự tang tóc sẽ mang lại những điều không may mắn. Bởi thế nên mới có lệ người có tang lớn không thăm viếng ai và dịp Tết.

Cũng lại nảy sinh [ít thôi], do mong ước một năm mới thuận buồm xuôi gió khiến cho một số gia đình Huế đã tìm trong số người quen, bạn bè, dòng họ mình một người tốt tính và hợp tuổi với chủ nhà cũng như con vật đại diện cho năm đó để nhờ đạp đất đầu năm mới. Chuyện “hạp tuổi” là điều rất khó, bởi một con người, sức khỏe và tài danh đều có nhưng nếu tuổi không hạp với gia chủ thì xem cũng như không. Thường thì tuổi tý chẳng hạn khắc với tuổi ngọ nhưng lại hợp với tuổi sửu. Thế nên nếu là năm tý, gia chủ thường chọn người tuổi sửu đến “đạp đất”. Riêng chuyện vía nặng và vía nhẹ, có nhiều gia đình còn lệnh cho con cái đứa nào nặng vía thì sáng mồng Một không được dậy sớm, có thức giấc cũng phải nằm yên, chờ đứa khác nhẹ vía hơn, đặt chân xuống đất trước, lúc đó những đứa khác mới được ra khỏi giường, ghê chưa.

Nhớ xưa ở quê, năm nào cũng vậy, có mấy điều mà mạ tôi cứ dặn đi dặn lại. Một là, sáng mồng một đừng quét nhà và lanh chanh chạy qua nhà hàng xóm. Không được quét nhà là bởi nếu quét nhà sẽ hất hết tài lộc ra khỏi cửa. Còn chạy vội qua nhà hàng xóm lại liên quan đến tục “đạp đất’. Sau này có dịp tìm hiểu, tôi được biết thiên hạ còn có rất nhiều cái “không” nữa, kiểu như không đổ rác ra ngoài đường, không cho lửa, không cho nước, không làm đổ vỡ đồ dùng, kiêng nói điều xui…Hai là, có chuyện chi không vui thì tối ba mươi cứ nói hết, đừng để buổi sáng đầu năm mà mặt mày nhăn nhó, bị xị. Khách đến chơi phải vui vẻ, lễ phép, ai có lì xì thì phải biết cám ơn chứ đừng làm “mất mì xưa” cả năm.    

“Mất mì xưa” là câu chuyện dài ngày Tết. Tôi nghe nhiều chuyện kể ở các chùa Huế. Vào những ngày Tết, chùa nào cũng sinh động và ấm tình đạo vị, khoảng cách giữa thầy với trò, giữa huynh với đệ gần gũi, thân thiết. Không được để “mất mì xưa”, người này chỉ bảo cho người kia, mỗi người mỗi việc, từ trong chùa đến ngoài vườn đều sạch bóng tươm tất, đâu đâu cũng thấy cỏ hoa đua nhau khoe sắc khoe hương. Đêm 30 mới thật là ấn tượng và khó quên, điệu này nằm xuống thì điệu kia đến thức dậy bởi thầy dạy đầu năm mà điệu nào ngủ quên trước giờ Giao thừa là xem như “mất mì xưa”cả năm, đường tu học sẽ bị trễ nãi. Các điệu [tiểu] do thế, thường cùng nhau thức để chờ và phân chia công việc ba ngày Tết, nào thỉnh chuông, hương khói, hầu trà…

Cũng chuyện Tết xưa ở quê. Nhớ sau khi đã chọn giờ khởi hành để khỏi phải “đạp đất”, ngày đầu năm mới chị em tôi thường dắt nhau đi thăm ông bà, chú bác. Háo hức nhất là được lì xì, không bao giờ mấy chị em làm “mất mì xưa” ai. Thế nhưng, ngại nhất cũng là cái khoản “mất mì xưa” đầu năm kia. Ở quê vào ngày Mồng một Tết, sau nghi thức thăm viếng, kính chúc ông bà, chú bác xong là được mời ăn xôi chè. Một thời, xôi cũng nếp mà chè cũng nấu từ hạt nếp, ăn ngon nhưng rất mau ớn. Chị em tôi thì đã “bắt no” [no, chán, không muốn ăn nữa] mà nội thì mời ăn mà cứ như ra lệnh: “Ăn đi, chứ không có mô tê răng rứa chi hết. Bộ chê mệ nấu dở hay răng?”. Rồi mệ lại nài nỉ: “Đừng làm mất mì xưa của mệ”. Tôi đã cố ăn vì cái khoản không để “mất mì xưa” kia. Ôi, hạt nếp quê mình cũng như cái đất Huế nắng mưa khắc nghiệt, ăn vào thấy ớn nhưng lâu ngày nhớ lại thì thèm sao một chén chè nếp ngọt lịm! 

Tôi đã cất công đi tìm mãi trong từ điển nghĩa của từ “mất mì xưa” nhưng đến giờ vẫn chưa tra được. Nó là lời mời không thể từ chối được, là quy định bất thành văn buộc phải làm theo. Nó như lời nguyền đầu năm hướng tốt, hướng thiện cho mọi người. Lại nghĩ tới chuyện cơ quan, doanh nghiệp trở lại hoạt động sau 3 ngày Tết, mọi người hãy mau chóng bắt tay vào chuyện công việc chuyên môn và làm ăn. Đừng để những cuộc vui kéo dài mà sai sót và bê trễ, làm “mất mì xưa’ cả năm thì buồn lắm lắm.

Đình Nam

Video liên quan

Chủ Đề