Nguyên nhân giận dỗi

Giận dỗi ở trẻ [Temper tantrum] là gì?

Đó là những cơn giận dỗi khó kiểm soát thường gặp ở trẻ lên 2 hoặc 3 tuổi. La hét, đấm đá, hay nằm ăn vạ dưới sàn nhà hoặc thậm chí ném đồ đạc, đánh đấm là những biểu hiện của những cơn giận dỗi này.

Rất may là những cơn giận dỗi này sẽ giảm dần đi khi trẻ lên 4 tuổi.

Lý do tâm lý: Có nhiều lý do khiến trẻ bộc phát cơn giận dỗi nhưng chủ yếu là do trẻ cảm thấy bị quá tải về cảm xúc. Trẻ ở độ tuổi này đã có hết những cảm xúc – tích cực hay tiêu cực – giống như người lớn, nhưng lại chưa có khả năng kiểm soát những cảm xúc này. Khi có quá nhiều cảm xúc thất vọng, sợ hãi hoặc sợ bị từ chối khiến trẻ không đương đầu được, cơn giận dỗi sẽ xảy ra.

Lý do thể chất: Mệt mỏi, đói bụng hay cảm giác khó chịu ở đâu đó cũng có thể khiến trẻ dễ nổi cáu.

Hành vi có chủ đích: Tuỳ vào cách bố mẹ phản ứng, trẻ có thể hiểu rằng giận dỗi là cách để trẻ đạt được điều mình muốn.

Làm thế nào để xoa dịu cơn giận dỗi của trẻ

Theo thời gian, bố mẹ có thể dạy con thể hiện cảm xúc của mình. Còn hiện tại, bố mẹ hãy thử những cách dưới đây nhé:

  • Phân tán sự tập trung của con. Cách này chỉ thật sự hiệu quả trước khi con chưa thực sự nổi cơn giận dỗi. Khi cảm thấy con tỏ ra khó chịu, hãy hướng con làm việc gì đó mà con thích. Ví dụ như “Con muốn vẽ màu không?”…
  • Trò chuyện nhẹ nhàng. Giọng nói của bố mẹ có thể giúp con bình tĩnh. Hãy nói những lời đơn giản thôi: “Bố/Mẹ biết con đang buồn. Bố/Mẹ ở đây để giúp con bình tĩnh đấy.”  
  • Ở bên cạnh con. Cơn bão cảm xúc mà con đang cảm nhận có thể khiến con sợ hãi, vì thế con rất cần bố mẹ ở gần. Ra khỏi phòng có thể khiến con cảm thấy bị bỏ rơi.
  • Âu yếm con. Nhẹ nhàng đến cạnh con. Nếu con không giãy nảy lên ăn vạ, bố mẹ hãy bế con lên và ôm con. Rất có thể con sẽ thấy được an ủi và lấy lại bình tĩnh nhanh hơn.
  • Đồng cảm với con. Dạy con cách kỹ năng cân bằng bằng cách thấy hiểu việc khó khăn của con khi đối diện với những cảm xúc tiêu cực như thất vọng, tức giận hay buồn bã. Bố mẹ có thể nói: “Bố/Mẹ biết con đang thất vọng vì con rất muốn đi công viên, nhưng trời lại mưa to mất rồi. Hay là mình ở nhà chơi ghép hình nhé!“
  • Đảm bảo an toàn. Nếu con giận dỗi đến mức đánh người khác, ném đồ đạc hoặc la hét không ngừng, bố mẹ hãy đưa con vào chỗ nào đó an toàn, để tránh con làm thương mình và mọi người. Nói với con vì sao phải làm vậy, và bố mẹ sẽ ở cạnh con cho đến khi con bình tĩnh lại. Ví dụ: “Vì con đánh chị, đánh nhau là không ngoan“.

Khi nào bố mẹ nên phớt lờ?

Nếu con giận dỗi vì con không muốn làm điều mà bố mẹ yêu cầu hoặc bố mẹ nói không với việc nào đó, hãy bình bĩnh thừa nhận với con rằng bố mẹ biết con đang gặp khó khăn và con không thích việc bố mẹ nói. Sau đó hãy tiếp tục việc của mình nếu có thể.

Ví dụ, bố mẹ có thể nói: “Bố/Mẹ biết con tức giận vì bố nói không cho con ăn bánh quy trước bữa tối. Chờ đợi thật khó nhỉ? Vì bánh trông thật ngon. Bố cũng muốn ăn một cái sau khi ăn cơm. Hay là con giúp bố dọn bàn ăn đi nhé!“

Tất nhiên, việc này sẽ dễ thực hiện hơn khi ở nhà. Nếu ở nơi công cộng, bố mẹ có thể sẽ cần tìm một chỗ nào đó để cho con dịu cơn giận dỗi.

Trên hết, bố mẹ hãy nhất quán và kiên định khi ra yêu cầu hoặc giới hạn cho con. Nếu không, con sẽ lầm tưởng giận dỗi là cách tốt để đạt được điều con muốn.

Điều gì bố mẹ không nên làm khi trẻ hờn dỗi

  • Đừng mất bình tĩnh. Bất kể hành vi của con khiến bố mẹ tức giận như thế nào, hãy nhớ rằng chúng ta là người lớn. Đừng la mắng, nhại lại hoặc dọa nạt con. Tâm lý giận dỗi này đã đủ khủng khiếp với con rồi.
  • Đừng cố lý luận với con. Ở trong sự khủng hoảng, con không thể lắng nghe, càng không thể hiểu lý do. Bộ não của con đơn giản là không thể xử lý logic lúc này.
  • Đừng nói rằng con đang làm quá. Bảo con đừng buồn, giận nữa là không có tác dụng gì cả. Thay vì thế hãy để con biết bố mẹ hiểu là con đang buồn, giận.
  • Đừng tạo thêm gánh nặng cho con. Đừng nói với con là sự giận dỗi của con khiến bố mẹ buồn hay tức giận. Con không cần và cũng không thể chịu trách nhiệm mà bố mẹ muốn giao cho.

Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bố mẹ cảm thấy rằng mình không thể giải quyết những cơn giận dữ của con hoặc nếu bố mẹ cảm thấy buồn, tức giận, lo lắng hoặc quá tải rất nhiều.

Làm gì khi trẻ giận dỗi ở nơi công cộng?

  • Đưa con ra khỏi nơi đó. Đưa con đến một không gian an toàn. Nếu con giãy giụa quá, bố mẹ hãy dọn dẹp mọi thứ xung quanh có thể gây nguy hiểm cho con hoặc tránh con ném, va đập vào.
  • Giữ mọi người xung quan an toàn. Cách ly con khỏi các bạn nhỏ khác. Nếu con cắn hay đánh người khác, bố mẹ hãy thật sự thể hiện dứt khoát cho con thấy việc làm đau người khác hoặc chính mình là không thể chấp nhận được.
  • Đừng dỗ dành con bằng cách nhượng bộ. Rất dễ để bố mẹ dùng cách thỏa hiệp để dỗ dành con khi ở nơi công cộng. Nhưng dù cho con có giận dỗi lâu bao nhiêu, bố mẹ cũng đừng nhượng bộ với những yêu cầu không chính đáng từ con. Điều này sẽ khiến tạo tiền đề xấu cho con tiếp tục về sau.

Làm gì sau khi trẻ qua cơn giận dỗi

  • Hãy âu yếm con. Hãy ôm con và cho con thấy rằng bố mẹ vẫn yêu mình và ở bên cạnh mình dù bất kể chuyện gì xảy ra.
  • Hãy trò chuyện về việc đã xảy ra. Sử dụng ngôn ngữ đơn giản, giúp con hiểu được nỗi niềm của mình khi đó. Ví dụ như “Con đã rất giận dữ, nhưng bố/mẹ không hiểu sao con lại la hét lên như thế. Giờ con bình tĩnh rồi, bố/mẹ biết con muốn gì.” Hãy để diễn tả bằng lời, con sẽ nhận ra tốt hơn.
  • Khen ngợi vì con đã bình tĩnh lại. Nói với con rằng con đã rất giỏi khi biết tự làm mình bình tĩnh.

Làm thế nào để ngăn chặn [hoặc ít nhất là chuẩn bị] cho những cơn giận dỗi ở trẻ

  • Dạy con cách để giải toả cảm xúc. Bố mẹ hãy chỉ cho con những cách để thể hiện những cảm xúc mạnh của bản thân. Ví dụ chạy vòng quanh khi tức giận, hay hít thở sâu để giữ bình tĩnh. Thực hành những cách đó giúp con xử lý những lúc con buồn bã, giận dỗi. 
  • Gọi tên các cảm xúc. Dạy con những từ ngữ cần để miêu tả cảm xúc, cả tiêu cực và tích tực. Lấy ví dụ thưc tế cho con dễ hình dung như “Bố/mẹ thấy con rất vui vẻ khi con chơi với các bạn ở lớp,” hoặc “Bố/mẹ thấy bạn Lan rất tức giận khi con lấy đồ chơi của bạn.“
  • Giúp con làm được việc con muốn. Tantrum thường xảy ra khi con muốn làm điều gì đó mà không được. Ví dụ, con sẽ cáu khi không tự rót nước từ bình lớn được. Bố mẹ có thể giúp con bằng cách để con rót nước từ bình nhỏ hơn.
  • Chú ý đến hành vi tốt của con. Bố mẹ nên để ý khen ngợi con khi con làm tốt việc nào đó. Một lời khen cụ thể như “Bố/mẹ thấy con biết giữ bình tĩnh bằng cách hít một hơi thật sâu khi chị An lấy cái xếp hình của con.” sẽ có tác dụng rất tốt cho con.
  • Cho con không gian để lấy lại bình tĩnh. Bố mẹ hãy chuẩn bị một nơi thoải mái cho con trấn tĩnh như một chiếc ghế ấm cúng hoặc một góc đầy chăn hoặc những cuốn sách yêu thích. Ở cạnh con để an ủi và trấn an con khi con đang cố gắng xoa dịu bản thân. 
  • Để cho con trải nghiệm cảm giác thất vọng. Hoc cách đương đầu với một vài điều thất vọng hoặc tư giải quyết một số chuyện nhỏ giúp con đối mặt với những thử thách lớn hơn sau này.
  • Bố mẹ là tấm gương cho con học hỏi. Khi bố mẹ tức giận hay chán nản, bố mẹ thường làm gì? Có la hét hay bình tĩnh? Nếu bố mẹ mất bình tĩnh, hãy thừa nhận điều đó và nói xin lỗi với con.

Làm sao để tránh gây ra giận dỗi ở trẻ

Bố mẹ hãy để ý tới những nguyên nhân gây giận dỗi ở trẻ để điều chỉnh phù hợp:

  • Đảm bảo con ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ. Những cơn giận dỗi thường xảy ra khi con mệt hoặc đói. Vậy nên, hãy chuẩn bị một vài đồ ăn vặt để dùng khi cần thiết.
  • Lên lịch sinh hoạt chu đáo. Bố mẹ hãy cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý cho con, đặc biệt khi phải đi đâu đó.
  • Báo trước với con khi bố mẹ muốn làm việc khác. Hãy để con có thời gian điều chỉnh thay vì phản ứng lại. Ví dụ, bố mẹ muốn con về nhà, không chơi ở công viên nữa. Hãy nói “Con chơi 5 lần xích đu nữa, xong chúng ta về nhé!“, sau đó đẩy xích đu và đếm ngược số lần đẩy kèm lựa chọn “Con muốn mặc áo khoác hay không để về nào?“
  • Lên kế hoạch và đặt giới hạn. Ví dụ, trước khi đi mua đồ, nói với con “Chúng ta sẽ mua đồ nấu ăn cho bữa tối. Chúng ta chỉ mua những đồ trong danh sách này thôi. Con có thể giúp bố/mẹ tìm những đồ màu đỏ nhé – táo, cà chua, ớt chuông đỏ.“
  • Cho con lựa chọn với số lượng có hạn. Chẳng ai muốn bị nói phải làm gì suốt ngày, kể cả trẻ con. Thế nên, thay vì nói “Ăn ngô đi!“, bố mẹ hãy nói “Con muốn ăn ngô hay ăn cà rốt?“. Hãy cho con cảm giác được quyết định. Tuy nhiên, đừng đưa cho con quá nhiều lựa chọn một lúc nếu không con sẽ thấy ngợp.
  • Kiểm soát số lần nói “Không”. Nếu bố mẹ cứ nói Không với con suốt ngày, cả bố mẹ và con đều cảm thấy mệt mỏi và áp lực không cần thiết. Hãy thử nói Có trong một số trường hợp có thể.
  • Để con lựa chọn khi được. Hãy nghĩ kỹ trước khi yêu cầu con làm hay không làm việc gì. Nếu liên quan đến sức khoẻ và sự nguy hiểm, hãy nói Không. Còn việc gì có thể giúp con học cách tự quyết định, hãy đừng phán xét, như khi con tự chọn đồ không được hợp với nhau.
  • Để ý dấu hiệu của việc căng thẳng quá mức. Những vấn đề lớn như biến động trong gia đình, lịch sinh hoạt bận rộn, hoặc căng thẳng giữa bố mẹ cũng có thể gây ra vấn đề tâm lý của con.
  • Tạo thói quen sinh hoạt nhất quán. Trẻ con ở độ tuổi nào cũng cảm thấy an tâm hơn hơn khi biết chuyện gì sẽ xảy ra. Thiết lập thời gian cho việc ăn, chơi, đọc sách, ngủ sẽ cho con cảm giác kiểm soát.

Bài viết gốc: Tantrums: Why they happen and how to handle them

Bố mẹ cũng nên đọc:

Làm thế nào để dạy trẻ biết lắng nghe?

Bảy điều bố mẹ có thể làm để giúp con trở thành một đứa trẻ biết lắng nghe, một kỹ năng quan trọng cho việc học và giao tiếp xã hội.

Điều hướng bài viết

Chủ Đề