Nguyên nhân khách quan và chủ quan cua khuyet diem

Nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ

Người đăng: Administrator Account Ngày đăng: 13:50 | 03/02 Lượt xem: 672334

             Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là phương pháp để giáo dục, rèn luyện đảng viên, là vũ khí sắc bén để chống tả khuynh và hữu khuynh; uốn nắn những lệch lạc trong nhận thức; ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; khắc phục tư tưởng ngại khó, ngại khổ; tư tưởng chủ quan, nóng vội, duy ý chí; nói thẳng, nói thật; nhận rõ những khuyết điểm, yếu kém, sai phạm… nhằm mục đích để xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, tăng cường đoàn kết, thống nhất từ trong tư duy, nhận thức, lý tưởng đến hành động cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình là để học cái hay, tránh cái dở, chứ không phải để nói xấu nhau. Phê bình và tự phê bình là để trị bệnh cứu người, dân chủ trong Đảng tốt hơn, kỷ luật cao hơn, cán bộ, đảng viên gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm hơn, làm cho mỗi tổ chức mạnh hơn, lãnh đạo tốt hơn. Người thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên thực hiện tự phê bình và phê bình “như rửa mặt hàng ngày”, mỗi tổ chức đảng coi tự phê bình và phê bình là công việc thường xuyên. Nêu cao tính tự giác, tính chiến đấu, tính nêu gương, chân thành, thẳng thắn, khách quan, trung thực, làm rõ những ưu, khuyết điểm, nguyên nhân, đề xuất những biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm...được như thế thì trong đảng sẽ không có bệnh mà “Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”1.

Đối với mỗi tổ chức cơ sở đảng, chi bộ đảng, căn cứ vào tình hình thực tiễn, nhiệm vụ chính trị của đơn vị, thực hiện nghiêm túc, có nền nếp tự phê bình và phê bình thông qua sinh hoạt chi bộ hằng tháng là việc làm mang tính xây dựng, phát triển nội dung sinh hoạt, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đảng, đảng viên; nhận thức, vận dụng đúng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực công tác; thực hiện giải pháp cải tiến, nâng cao chất lượng sinh hoạt chị bộ, sửa đổi lối làm việc, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong làm việc của mỗi cán bộ, đảng viên, để mỗi người cán bộ, đảng viên, mỗi chi bộ, mỗi tổ chức cơ sở đảng ngày càng đúng hơn, tốt hơn, ưu điểm nhiều hơn, khuyết điểm ít hơn.

Tuy nhiên, để tự phê bình và phê bình có kết quả, đúng mục đích, thì tự phê bình và phê bình phải đúng quy trình, phương pháp, nghiêm túc không nể nang, không “dĩ hòa vi quý”, không thêm cũng không bớt và phải căn cứ vào sự việc có thật để nhận xét, đánh giá và phân tích, vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm, có lý, có tình, mềm dẻo, khéo léo về cách thức để người có khuyết điểm nhận thấy khuyết điểm của mình, có thái độ đúng đắn trong tiếp thu phê bình, sửa chữa khuyết điểm. Phải xuất phát từ động cơ đúng đắn, trong sáng, mang tính chất xây dựng, có tình đồng chí yêu thương giúp đỡ lẫn nhau; phải công khai trực tiếp nói ý kiến của mình để “phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”, không “nhẹ trên, nặng dưới”. Biết tự phê bình mình trước, phê bình người khác sau; cấp trên tự giác, gương mẫu tự phê bình trước để cấp dưới noi theo, ai cũng thực hiện tự phê bình và phê bình. Kết hợp chặt chẽ phê bình và tự phê bình với sửa chữa khuyết điểm…Làm tốt những điều này thì chất lượng tự phê bình và phê bình sẽ nâng lên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường phê phán những người thực hiện không đúng nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Người phân tích: “khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc, như thế bệnh ngày càng nặng thêm, nguy hiểm đến tính mệnh. Phát hiện càng sớm, điều trị bệnh càng chóng khỏi; để bệnh nặng rất khó chữa, thậm chí có khi không chữa nổi. Cha ông ta có câu: “Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng”. Khen thì dễ nhưng “phê” thì rất khó. Ai cũng muốn được khen mà không muốn bị chê, chê là đụng chạm đến khuyết tật của con người, đụng chạm đến nó là sẽ đau. Chính vì thế trên thực tế, không ít người sợ bị phê bình và ngại phê bình người khác. Đó là một khuyết điểm.

Khi thực hành tự phê bình và phê bình phải dân chủ, không mệnh lệnh, áp đặt, soi mói, “bới lông, tìm vết”. Bởi vì có dân chủ mới mong trong Đảng có nhiều sáng kiến, mới tập trung được trí tuệ. Mất dân chủ, khiến cho “các đảng viên và cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình”2. Lợi dụng phê bình để tranh cãi, gây mất đoàn kết hoặc khuyết điểm chưa rõ thì tìm cách che dấu…Những biểu hiện như vậy là không đúng, trái với quan điểm của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, như thế làm cho tính chiến đấu, dân chủ giảm sút, năng lực lãnh đạo, chất lượng sinh hoạt đảng của chi bộ không thiết thực, những khuyết điểm của tổ chức đảng chậm được phát hiện.

Thực hiện sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, trực tiếp là của Đảng ủy Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Chi bộ số 02 triển khai việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ đảm bảo đúng quan điểm chỉ đạo, quy trình, nguyên tắc. Chi bộ thường xuyên giáo dục cho đảng viên thấy rõ sự cần thiết phải tăng cường tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ để mọi người thống nhất tư tưởng và hành động, khắc phục những biểu hiện buông lỏng sinh hoạt Đảng, coi nhẹ tự phê bình và phê bình. Chi bộ “tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân” trong tự phê bình và phê bình. Mục đích nhằm chỉ ra những điểm mạnh để phát huy, những điểm hạn chế để sửa chữa khắc phục, xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong chi bộ. Việc làm rõ trách nhiệm cá nhân trong quá trình tự phê bình và phê bình đã khắc phục khuyết điểm trên từng công việc và lĩnh vực mà mỗi đảng viên được chi bộ, đảng bộ, cơ quan giao. Thực hiện “nêu gương tự phê bình và phê bình”, chi bộ không phê bình chung chung, xuê xoa, chiếu lệ. Bí thư chi bộ đã nghiên túc chỉ ra những ưu, khuyết điểm của từng đảng viên, đồng thời phát huy ý thức tự giác, dân chủ để đảng viên tham gia đóng góp ý kiến. Qua kiểm điểm, ý thức tự phê bình và phê bình của đảng viên được nâng lên. Vì vậy, tính chiến đấu và bản lĩnh chính trị của mỗi đảng viên được nâng cao.

Bên cạnh đó, chi bộ đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương, từng đảng viên trong chi bộ phải chấp hành nghiêm các nguyên tắc, chế độ sinh hoạt Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và nghị quyết của Chi bộ, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên trên vị trí công tác của mình.

Chi bộ đã tổ chức tự phê bình và phê bình trong mỗi kỳ sinh hoạt, nội dung sinh hoạt có tính cụ thể, thiết thực hướng vào việc kiểm điểm, phân tích, đánh giá, phê phán những vấn đề cấp bách trước mắt của chi bộ và cán bộ, đảng viên, trước hết là hướng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chức trách, nhiệm vụ và việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất năng lực, phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên. Phê bình và tự phê bình được tiến hành một cách kịp thời nên những hạn chế, khuyết điểm không để tái diễn, kéo dài, do đó đã khích lệ mọi đảng viên trong chi bộ đã phát huy được tính chủ động, mạnh dạng đóng góp ý kiến, phê bình sự lãnh đạo của chi bộ cũng như tự phê bình và phê bình lẫn nhau một cách rất thẳng thắn, mang tính xây dựng, giúp nhau cùng tiến bộ, hoàn thành thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra.

Tuy nhiên công tác phê bình và tự phê bình vẫn còn những tồn tại, hạn chế một số Đảng viên còn nể nang ngại va chạm, ít phát biểu ý kiến trong sinh hoạt chị bộ khá phổ biến [việc phát biếu ý kiến chỉ tập trung vào đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, đảng viên lớn tuổi, còn một số đảng viên trẻ rất ít phát biểu trong các kỳ sinh hoạt chi bộ]; qua đó cho thấy tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình của đảng viên còn hạn chế, chưa nêu cao tính xây dựng, tính chiến đấu của người đảng viên. Nguyên nhân của hạn chế nêu trên là do tư tưởng “ngại va chạm”, tính chủ động, tinh thần trách nhiệm, tinh thần tự phê bình và phê bình của một số đảng viên chưa cao.

Để thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ số 02 nói riêng, các chi bộ của Đảng bộ văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh nói chung cần làm tốt một số vấn đề sau:

Một là, Chi bộ cần quan tâm chỉ đạo các đồng chí đảng viên nghiên cứu, học tập để hiểu đầy đủ, sâu sắc nội dung ý nghĩa của việc phê bình và phê bình trong Đảng, giúp đỡ đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị trong sinh hoạt Đảng, trong đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, đồng thời tạo cho đảng viên trong chi bộ có ý thức, nghiêm túc trong tự phê bình và phê bình.

Hai là, thực hiện nền nếp, duy trì thường xuyên việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ. Trong đó Bí thư chi bộ giữ vai trò tiêu biểu, gương mẫu trong thực hiện nguyên tắc cũng như trong việc tự phê bình và phê bình.

Ba là, Chi bộ cần đề ra những chủ trương, nhiệm vụ và biện pháp xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, nhất là việc phát hiện và đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác, chú trọng củng cố, xây dựng và nâng cáo chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảm bảo có tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu.

Bốn là, Chi bộ cần giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, phấn đấu trở thành người cán bộ, công chức, công dân mẫu mực, nghiêm chỉnh chấp hành và vận dụng, thuyết phục nhân dân hành nghị quyết của tổ chức đảng. Chi bộ xây dựng kế hoạch và tạo điều kiện cho đảng viên thực hiện nhiệm vụ học tập, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt. Xây dựng kế hoạch, biện pháp quản lý, phân công nhiệm vụ và tạo điều kiện để đảng viên hoàn thành nhiệm vụ được giao. Làm tốt công tác động viên, khen thưởng, kỷ luật đảng viên; xử lý nghiêm, kịp thời những đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, Pháp luật của Nhà nước.

Năm là, việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ có ý nghĩa quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiếu đấu của tổ chức đảng, giữ gìn phẩm chất, tư cách đảng viên, nâng cao uy tín của Đảng và củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng. Thành thật với mình, thành thật với mọi người, đó chính là nhân cách là trách nhiệm của con người nói chung và đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện tốt tự phê bình và phê bình sẽ là cơ sở góp phần để Chi bộ số 02 nói riêng, Đảng bộ văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh nói chung thực hiện thắng lợi nghị quyết mà Đại hội Đảng bộ đã đề ra và đó cũng là tiền đề để Đảng bộ tiếp tục phát huy dân chủ, khơi dậy trí tuệ của từng cán bộ, đảng viên trong việc xây dựng Nghị quyết đại hội Đảng bộ trong thời gian sắp tới.

   [1]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb, CTQG, H,1996, tr.239.

 [2]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 243.

Tác giả: Ánh Minh

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Chủ Đề