Nhan xts đánh giá thăng hạng viên chưc năm 2024

Vừa qua, hơn 300 giáo viên tại Hà Nội đã nộp đơn kiến nghị về quy định tại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT (văn bản hợp nhất Thông tư) khiến họ mất cơ hội tăng lương dù đạt chuẩn và có hàng chục năm cống hiến.

Trong đơn kiến nghị, các giáo viên cho biết, Sở Nội vụ Hà Nội đang triển khai thu hồ sơ dự thăng hạng cho giáo viên theo thông tư 08 và yêu cầu giáo viên phải có bằng đại học từ năm 2014, đủ 9 năm tính đến hết thời gian nộp hồ sơ 30/8/2023. Với quy định này, nhiều giáo viên đạt trên chuẩn trước khi bổ nhiệm xếp lương hạng III mới (tức có bằng đại học trước năm 2019 theo Luật Giáo dục) vẫn không đủ điều kiện nộp hồ sơ.

Cô giáo Lê Mai Anh (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, hành trình thi thăng hạng viên chức từ năm 2020 đến nay vẫn chưa hoàn thành. Lý do là vì dù đủ hồ sơ, có tên trong danh sách viên chức có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp chuyên viên và tương đương, chuyên viên chính và tương đương năm 2020 nhưng cuộc thi này liên tiếp bị hoãn do thay đổi một số nội dung từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Người trong cuộc vẫn mỏi mòn chờ đợi, không chỉ thiệt thòi về lương mà ảnh hưởng đến tâm lý giáo viên chúng tôi do chưa biết sắp tới còn có thay đổi gì không. Trong khi nhiều đồng nghiệp đến giờ đã thăng hạn thì tôi có nguy cơ vẫn là giáo viên THPT hạng III cho đến khi nghỉ hưu” – cô Mai Anh chia sẻ.

Trên thực tế, việc thi cử ở nhièu địa phương khiến cho những giáo viên dạy giỏi, nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở… cũng lo ngại trượt vì bài thi thăng hạng hầu như không hề liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ mà thầy cô đang giảng dạy.

Theo GS.TS Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, giáo viên thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải trải qua 2 vòng làm bài trắc nghiệm và tự luận với môn kiến thức chung hỏi về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về ngành, lĩnh vực sự nghiệp, pháp luật về viên chức theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi. Môn Ngoại ngữ theo hình thức trắc nghiệm. Như vậy, giáo viên không thi về chuyên môn (môn giảng dạy), nghiệp vụ (quản lý, giáo dục học sinh) mà thi về luật và ngoại ngữ nên sẽ khó giúp nâng cao trình độ chuyên môn cũng như gây thiệt thòi cho những giáo viên không dạy ngoại ngữ khi phải thi ngoại ngữ.

Giảm áp lực, tiết kiệm chi phí

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, việc thi thăng hạng viên chức được thực hiện từ năm 1998 đến nay, song quá trình thi phát sinh nhiều khó khăn, đặc biệt khi nhiều bộ ngành chưa ban hành thông tư hướng dẫn thi thăng hạng. Bên cạnh đó, do chưa quy định được nội dung thi, chưa sát với yêu cầu vị trí việc làm, nên việc thi thăng hạng còn hình thức, phản ánh không thực chất.

Hiện cả nước có gần 2 triệu viên chức, trong đó chủ yếu tập trung ở ngành giáo dục. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn bày tỏ, nếu bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, trong đó có giáo viên, sẽ tạo thuận lợi và giúp cải thiện tình trạng giáo viên nghỉ việc, thiếu giáo viên như hiện nay.

Cụ thể, đối với việc xét thăng hạng, ông Sơn đánh giá có yếu tố tích cực hơn, sẽ đánh giá năng lực chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên một cách sát thực nhất thay vì chỉ làm thông qua một bài thi. Đây sẽ là động lực rất tốt cho giáo viên trong cống hiến, gắn bó với nghề nghiệp của mình.

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, hiện nay việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên chưa được thực hiện đồng bộ giữa các địa phương. Có nơi tổ chức xét có nơi lại thi gây bất công cho giáo viên. Chưa kể, có những địa phương năm nào cũng tổ chức xét/thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên nhưng tỉnh khác lại không.

“Với hơn 1 triệu viên chức của ngành giáo dục, nếu bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp sẽ tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng từ việc tổ chức thi và các chi phí kèm theo mỗi năm. Giáo viên sẽ có nhiều thời gian để tập trung vào việc tập huấn, bồi dưỡng chương trình mới, sách giáo khoa mới hơn là học các văn bản quy phạm pháp luật, tiếng Anh để thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp” - ông Nhĩ cho hay.

Ông Vũ Đăng Minh, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ, nói về việc xét tuyển chức danh nghề nghiệp thay vì tổ chức thi - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Việc nâng hạng, nâng ngạch đối với công chức, viên chức có thể tổ chức dưới hình thức thi hoặc xét

Ông Vũ Đăng Minh, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ: "Bỏ thi thăng hạng, bỏ thi nâng ngạch công chức đã được dư luận xã hội quan tâm trong thời gian qua.

Vấn đề này, chúng tôi xin trả lời 3 nội dung. Thứ nhất là cơ sở pháp lý của việc tổ chức thi nâng ngạch hoặc thi thăng hạng. Thứ hai là cơ sở thực tiễn và thứ ba là tác động của xã hội."

Ông Minh cho biết, Luật Cán bộ, công chức năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2019, Điều 44 đã quy định rất rõ, việc thăng hạng có thể thực hiện theo hai hình thức là thi hoặc xét và cũng đã phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện.

Thứ hai, tại Khoản 2 Điều 31 Luật Viên chức năm 2010 có quy định việc bổ nhiệm vào ngạch viên chức cao hơn có thể thông qua hình thức thi hoặc xét. Như vậy, về mặt cơ sở pháp lý, Quốc hội đã cho phép việc nâng hạng hoặc nâng ngạch công chức sẽ được thực hiện theo hai hình thức thi hoặc xét. Việc này thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Rất khó để tiến hành tổ chức thi nâng hạng viên chức

Vấn đề thứ hai là cơ sở thực tiễn. Việc thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp đã được thực hiện từ khi có Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26/2/1998 đến nay.

Trong quá trình tổ chức thi, có một số khó khăn như sau: Thứ nhất, theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức hiện hành, đã phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương ban hành các tiêu chuẩn, điều kiện để tổ chức thi nhưng hiện nay các bộ, ngành chưa ban hành thông tư. Mới có một vài bộ, còn một số bộ chưa ban hành thông tư.

Viên chức tập trung chủ yếu ở ngành giáo dục, y tế, khoa học công nghệ là những ngành chưa ban hành quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để tổ chức thi, do vậy rất khó để tiến hành tổ chức thi.

Thứ hai là việc chưa quy định được nội dung thi dẫn tới thi chưa sát với yêu cầu vị trí việc làm cũng như công việc của viên chức. Chính vì vậy, thi còn hình thức và không phản ánh được thực chất của việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức qua thi đánh giá.

Thứ ba, viên chức được quy định vị trí việc làm chưa rõ ràng, mà số lượng viên chức rất lớn, khoảng gần 2 triệu viên chức trong cả nước. Việc tổ chức thi hằng năm rất khó, số lượng tổ chức thi được rất ít.

Do vậy, những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện xếp hàng dài chưa được thi, ảnh hưởng rất lớn đến việc nâng cao trình độ, quyền lợi chính đáng của đội ngũ viên chức, đặc biệt là giáo viên.

Vấn đề khó nữa là trong việc thi có tiêu chuẩn điều kiện là phải có chứng chỉ chuyên ngành. Ví dụ phóng viên báo chí muốn thi nâng ngạch báo chí phải có chứng chỉ chuyên ngành báo chí; tương tự, bác sĩ cũng vậy. Nếu chúng ta chưa tổ chức được việc học những lớp này thì chưa có chứng chỉ và chưa đủ điều kiện dự thi. Đây là rào cản, hạn chế trong quá trình thi.

Vấn đề thứ ba, quá trình thi rất tốn kém, phải chi phí rất nhiều cho ban tổ chức thi, thí sinh cũng phải bỏ thời gian ôn thi, đi lại tốn kém và chi phí xã hội rất lớn. Nếu chúng ta bỏ việc thi sẽ tiết kiệm được chi phí xã hội và đặc biệt hạn chế, giảm được thủ tục hành chính.

94/95 bộ ngành, địa phương đồng ý bỏ thi thăng hạng viên chức

Ông Minh cho biết: Hướng đề xuất để giải quyết việc thi, chúng tôi đã tiến hành lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương đánh giá tác động theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.

Kết quả đến nay chúng tôi có 94/95 bộ, ngành, địa phương cũng như các đơn vị trực tiếp sử dụng viên chức đồng ý với việc bỏ thi thăng hạng viên chức.

Theo ông Minh: "Nếu chúng ta bỏ thi sẽ khắc phục được những vướng mắc, bất cập như vừa trình bày ở trên. Vấn đề nữa là giảm được áp lực cho chính đội ngũ công chức, viên chức.

Cái cuối cùng quan trọng nhất là thi hay xét đều nhằm nâng trình độ công chức, viên chức, nếu đáp ứng được trình độ năng lực thì được bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức cao hơn.

Việc thi lại không sát thực tiễn. Do vậy nếu chúng ta tổ chức sát hạch trực tiếp thì sẽ biết được, đánh giá được trình độ năng lực của công chức, viên chức tích lũy qua quá trình thực thi công vụ. Nếu chúng ta tổ chức xét thì sẽ giải quyết được việc đánh giá đúng người đúng việc và trình độ năng lực để thực hiện nhiệm vụ được giao"./.