Nhất thể hóa châu Âu là gì

Năm 2009, Liên minh châu Âu [EU] đã phải trải qua một năm đầy thử thách, nhưng qua đó cũng thể hiện được tinh thần liên kết giữa các nước thành viên bằng việc thông qua và đưa Hiệp ước Li-xbon vào thực tiễn, biến EU thành một siêu nhà nước với một cơ chế vận hành linh hoạt hơn. Đó là dấu ấn mạnh mẽ nhất của EU trong năm qua trên con đường nhất thể hóa.

Có lẽ, ít có năm nào châu Âu lại phải đối mặt với nhiều sóng gió như năm 2009. Vết dầu loang của cuộc khủng hoảng tài chính từ năm 2008 đã khiến nhiều thành viên EU chao đảo. Hệ thống ngân hàng và một loạt ngành kinh tế mũi nhọn của EU lâm vào thế nghìn cân treo sợi tóc, nợ ngân sách nhà nước chồng chất, nhiều quy định nghiêm ngặt chung về kinh tế, tài chính bị phá vỡ... Không chỉ các nền kinh tế đầu tàu của EU như Đức, Pháp, Anh bị chấn động, mà ngay cả các nền kinh tế nhỏ ở Đông Âu, Trung Âu cũng phải đối mặt với những hệ luỵ tương tự. Kinh tế EU đã bước vào vạch đỏ suy thoái và sự đoàn kết của châu Âu bị thử thách hết sức khắc nghiệt. Những nỗ lực giải cứu nền kinh tế khỏi bờ vực sụp đổ bằng việc chi hàng nghìn tỉ ơ-rô và cơ cấu lại các ngành kinh tế mà chính phủ các nước thành viên đã áp dụng, đã tạo ra những kết quả đáng lạc quan. Trong sáu tháng cuối năm, các nền kinh tế trong khu vực đã bắt đầu tăng trưởng trở lại tuy chưa vững chắc.

Liên minh châu Âu [EU] đã phải trải qua một năm đầy thử thách, nhưng qua đó cũng thể hiện được tinh thần liên kết giữa các nước thành viên bằng việc thông qua và đưa Hiệp ước Li-xbon vào thực tiễn. Ảnh: Internet

Cuộc khủng hoảng tài chính cũng đã làm lộ rõ những hạn chế trong EU khi chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng trở lại khiến xuất hiện những rạn nứt trong nội khối. Cơ chế mạnh ai, nấy chạy của các nước giàu Tây Âu đã đẩy kinh tế các nước Đông Âu, mới gia nhập EU năm 2004, vào cảnh khốn khó. Việc EU không thể kê được một toa thuốc chung để chữa trị con bệnh khủng hoảng kinh tế đã bộc lộ rõ sự rạn nứt trong tổ chức 27 thành viên này. Tinh thần liên kết trong EU thực sự bị thử thách khi phải vất vả lắm EU mới tìm được tiếng nói chung trong vấn đề cải cách thể chế. Việc EU hoàn tất tiến trình phê chuẩn Hiệp ước Li-xbon tháng 11-2009 sau 8 năm tranh cãi với 3 cuộc trưng cầu ý dân thất bại, được coi là một bước tiến lịch sử khi nó thúc đẩy quá trình nhất thể hóa EU như hạn định, bỏ lại đằng sau những bất đồng lớn và phức tạp vốn tồn tại trong hơn 50 năm qua. Hiệp ước Li-xbon đã thay đổi cơ bản các cơ cấu hoạch định chính sách của EU và giản lược nhiều quy định về pháp chế nhằm tăng cường khả năng thông qua và thực hiện các chính sách chung đáp ứng được lợi ích căn bản của các nước thành viên.

Năm 2009 còn chứng kiến những chuyển biến tích cực về ngoại giao của EU, trong đó mối quan hệ chủ chốt giữa EU với Mỹ và Nga thiên về đối thoại hơn là những chỉ trích gay gắt, giảm căng thẳng và thúc đẩy hợp tác. Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma [Barak Obama] đã có hàng loạt các chuyến thăm các đối tác châu Âu quan trọng, khẳng định Mỹ theo đuổi chính sách đa phương, coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với châu Âu. EU và Mỹ đã tìm được tiếng nói chung trên nhiều vấn đề quốc tế như biến đổi khí hậu, chống khủng hoảng kinh tế Trong quan hệ với Nga, cả hai đều thừa nhận là đối tác quan trọng và đã đạt được một số điểm đồng thuận trong các cuộc đàm phán về một Hiệp định hợp tác và đối tác mới sau một thời gian gián đoạn do cuộc xung đột ở Gru-di-a tháng 8-2008. Tuy nhiên, mối quan hệ này vẫn chưa thể coi là dễ dàng hoặc chân thành, do vẫn có tiếng nói khác biệt trong nhiều vấn đề như năng lượng, an ninh, sự mở rộng của EU sang phía Đông hay sự chi phối của NATO trong khu vực.

Hướng về châu Á, EU đặc biệt coi trọng quan hệ với các nước ASEAN và Trung Quốc. Tuy còn nhiều tồn tại giữa hai bên như EU thường xuyên áp dụng các biện pháp áp thuế chống bán phá giá đối với giày, mũ da của Việt Nam và Trung Quốc, nhưng hai bên đều cam kết sẽ sớm giải quyết trong những năm tới trên tinh thần hợp tác cùng có lợi cho cả hai phía.

Dẫu còn có những khiên cưỡng, song không thể phủ nhận rằng việc thông qua Hiệp ước Li-xbon đã giúp đoàn tàu châu Âu trở nên gắn kết với nhau hơn và sẵn sàng vận hành tốt trong năm 2010. Với tinh thần liên kết mạnh mẽ và có nhiều nền kinh tế mạnh, EU sẽ tiếp tục là một trong những trụ cột của thế giới trong việc thúc đẩy hòa bình khu vực và trên thế giới, tỏ rõ quan điểm trong các vấn đề nóng toàn cầu như biến đổi khí hậu, chương trình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, I-ran hay hòa bình ở Trung Đông. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đã có sự hồi phục nhất định, EU cũng hi vọng sự đoàn kết trong nội khối sẽ xóa đi đám mây u ám suy thoái kinh tế trong năm 2010.

Trên hành trình nhất thể hóa không dễ dàng, EU đang cố gắng vươn lên thành một thể chế mạnh để có tiếng nói mạnh mẽ trong quan hệ với phần còn lại của thế giới.

KIM OANH

Chủ Đề