Pháp luật ngân hàng Việt Nam hiện nay quy định như thế nào để hạn chế rủi ro này


Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú: Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2022 khó dự báo, đặt ra những khó khăn, thách thức mà ngành ngân hàng phải đối mặt. Ảnh: VGP

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam [NHNN] tổ chức chiều ngày 29/12 tại Hà Nội, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đã chỉ ra một số khó khăn, thách thức và những vấn đề đặt ra đối với điều hành chính sách tiền tệ [CSTT] và hoạt động ngân hàng năm 2022.

Nhận diện rủi ro

Thứ nhất, nguy cơ rủi ro lạm phát do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong nước và ngoài nước, tác động của chính sách thương mại, chính sách thắt chặt tiền tệ, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư của một số nước lớn… Trong khi đó, kinh tế dự kiến phục hồi trong năm 2022 khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng, gây sức ép lên giá cả. Điều này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành CSTT, nhất là trong điều kiện CSTT đã được nới lỏng kéo dài trong mấy năm qua.

Thứ hai, dịch bệnh kéo dài trong suốt 2 năm và vẫn còn đang diễn biến phức tạp đã, đang và sẽ mang lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Những khó khăn như vòng quay vốn chậm, dòng tiền đứt gãy, doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, gia tăng rủi ro về thu hồi nợ... đến năm 2022 sẽ tác động mạnh hơn đến hoạt động ngân hàng do có độ trễ [nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01 có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỉ lệ nợ xấu sẽ tăng ở mức 7,31%].

Thứ ba, việc mở rộng quy mô tín dụng và thái quá các chính sách hỗ trợ thông qua các chương trình, các gói tín dụng ưu đãi [cả về vốn và lãi suất] nếu không được nhận diện đầy đủ, kịp thời và sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa thì sẽ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống trong trung-dài hạn…

Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức chiều ngày 29/12 tại Hà Nội. Ảnh: VGP

Thứ tư, dù thị trường chứng khoán có bước phát triển nhưng việc cung ứng vốn cho nền kinh tế [đặc biệt vốn trung dài hạn] vẫn chủ yếu từ hệ thống ngân hàng, từ đó làm gia tăng rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản [huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn], kéo theo sức ép và rủi ro lên hệ thống tổ chức tín dụng [TCTD]. Ngoài ra, việc kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ [thực chất đã biến các khoản cho vay ngắn hạn thành trung dài hạn cũng như tạm thời không ghi nhận mức độ rủi ro thực tế của khách hàng] cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống ngân hàng trong trung hạn.

Thứ năm, dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài làm cho năng lực tài chính của doanh nghiệp giảm sút, ảnh hưởng khả năng trả nợ đúng hạn. Bên cạnh đó, việc thẩm định, giải ngân tín dụng, thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thủ tục xử lý nợ và việc trả nợ ngân hàng của khách hàng cũng gặp khó khăn khi thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội, kể cả giãn cách cục bộ.

Thứ sáu, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động tiền tệ - ngân hàng đã được chú trọng và hoàn thiện nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều quy định tại các văn bản quy phạm, kể cả luật có nhiều bất cập, chồng chéo, nhất là chưa có một hành lang pháp lý rõ ràng, đủ thẩm quyền trong việc cơ cấu lại các TCTD…

Bên cạnh đó, nguồn lực cho các ngân hàng thương mại nhà nước [NHTMNN] còn bất cập với vai trò và trách nhiệm thực hiện chính sách, cũng như việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ. Mặt khác, vốn điều lệ các NHTMNN tăng không tương xứng với vai trò, vị thế đã hạn chế năng lực của các ngân hàng này trong việc mở rộng tín dụng, tham gia vào các dự án lớn, các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia…

Ngoài ra, chuyển đổi số đang đặt ra cho ngành ngân hàng nhiều thách thức, đòi hỏi sự đồng bộ và phù hợp của các quy định và hành lang pháp lý hiện hành để theo kịp với sự phát triển của khoa học công nghệ và các ứng dụng chuyển đổi số...

Giải pháp đồng bộ thích ứng diễn biến mới

Để vượt qua những thách thức trong bối cảnh mới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã nêu ra một số phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022. Đại diện ngành ngân hàng khẳng định tiếp tục bám sát chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và các đánh giá, nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô, tiền tệ để triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm năm 2022.

Thứ nhất, điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2022 bình quân khoảng 4%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Năm 2022, định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để thực hiện tốt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau khi được Quốc hội phê chuẩn…

Thứ hai, điều hành linh hoạt các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và thiên tai.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng theo “Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để kiểm soát và xử lý nợ xấu; ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Phấn đấu duy trì tỉ lệ nợ xấu nội bảng ở mức an toàn [dưới 3%].

Thứ năm, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho chuyển đổi số ngành ngân hàng, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số. Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.

Thứ sáu, NHNN cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng phù hợp với thực tiễn nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau dịch COVID-19. Trong đó trọng tâm là xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền [sửa đổi]; hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; hoàn thiện việc đề xuất gia hạn Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD...

Thứ bảy, NHNN thực hiện quyết liệt, hiệu quả cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, duy trì chỉ số chiều sâu và nâng cao độ phủ thông tin tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch. Tiếp tục đổi mới việc tổ chức cơ chế một cửa, số hóa, điện tử hóa trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số.

Ngoài ra, NHNN đẩy mạnh truyền thông theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đối với hoạt động thông tin của NHNN và các cam kết quốc tế từ trước, trong và sau khi ban hành chính sách nhằm tạo sự đồng thuận của dư luận.

Để tổ chức thực hiện thành công các nhiệm vụ trọng tâm và đạt được các mục tiêu đã đề ra, lãnh đạo NHNN đề nghị các đơn vị trong toàn ngành bám sát Nghị quyết 01 và các nghị quyết khác của Chính phủ, Chỉ thị 01 của Thống đốc NHNN, tập trung xây dựng kế hoạch với lộ trình, sản phẩm cụ thể; đồng thời tổ chức quán triệt đến từng cán bộ trong đơn vị để triển khai nghiêm túc, quyết liệt ngay từ đầu năm.

Anh Minh


Rủi ro hoạt động là gì?

  • 1. Cơ sở pháp lý
  • 2. Rủi ro hoạt động là gì?
  • Căn cứ quy định tại khoản 27 Điều 2 Thông tư 41/2016/TT-NHNN, rủi ro hoạt động được hiểu như sau:
  • Quản lý rủi ro hoạt động là gì?
  • Quy định pháp luật về quản lý rủi ro hoạt động
  • Chiến lược quản lý rủi ro hoạt động, hạn mức rủi ro hoạt động
  • Nhận dạng, đo lướng, theo dõi và kiểm soát rủi ro hoạt động
  • Quản lý rủi ro hoạt động đối với hoạt động thuê ngoài
  • Mua bảo hiểm để giảm thiểu tổn thất rủi ro hoạt động
  • Báo cáo nội bộ về rủi ro hoạt động

Thưa luật sư. Tôi tên là Đặng Huy sinh sống và làm việc tại Gia Lai. Hiện tại tôi đang nghiên cứu về hoạt động của ngân hàng thương mại. Tôi có một thắc mắc muốn nhờ luật sư giải đáp. Cụ thể đó là: Rủi ro hoạt động là gì? Pháp luật quy định như thế nào về việc kiểm soát rủi ro hoạt động của ngân hàng theo quy định hiện nay? Rất mong sẽ nhận được giải đáp từ luật sư. Xin chân thành cảm ơn!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thắc mắc tới công ty luật Minh Khuê. Nội dung bạn hỏi chúng tôi nghiên cứu và giải đáp như sau:

1. Cơ sở pháp lý

- Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi bổ sung năm 2017

- Thông tư 41/2016/TT-NHNN

- Thông tư 13/2018/TT-NHNN

- Thông tư 40/2018/TT-NHNN

2. Rủi ro hoạt động là gì?

Căn cứ quy định tại khoản 27 Điều 2 Thông tư 41/2016/TT-NHNN, rủi ro hoạt động được hiểu như sau:

Rủi ro hoạt động là rủi ro do các quy trình nội bộ quy định không đầy đủ hoặc có sai sót, do yếu tố con người, do các lỗi, sự cố của hệ thống hoặc do các yếu tố bên ngoài làm tổn thất về tài chính, tác động tiêu cực phi tài chính đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài [bao gồm cả rủi ro pháp lý].

Lưu ý: Rủi ro hoạt động không bao gồm:

- Rủi ro danh tiếng;

- Rủi ro chiến lược.

Trong đó:

Rủi ro danh tiếng là rủi ro do khách hàng, đối tác, cổ đông, nhà đầu tư hoặc công chúng có phản ứng tiêu cực về uy tín của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Rủi ro chiến lược là rủi ro do ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hoặc không có chiến lược, chính sách ứng phó kịp thời trước các thay đổi môi trường kinh doanh làm giảm khả năng đạt được chiến lược kinh doanh, mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Quản lý rủi ro hoạt động là gì?

Quản lý rui ro được hiểu là việc nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro trong hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, quản lý rủi ro hoạt động được hiểu là việc nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro do các quy trình nội bộ quy định không đầy đủ hoặc có sai sót, do yếu tố con người, do các lỗi, sự cố của hệ thống hoặc do các yếu tố bên ngoài làm tổn thất về tài chính, tác động tiêu cực phi tài chính đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài [bao gồm cả rủi ro pháp lý].

Quy định pháp luật về quản lý rủi ro hoạt động

Chiến lược quản lý rủi ro hoạt động, hạn mức rủi ro hoạt động

Trước hết để quản lý được rủi ro hoạt động, ngân hàng thương mại cần có chiến lược quản lý rủi ro hoạt động và hạn mức rủi ro hoạt động. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, Chiến lược quản lý rủi ro hoạt động tối thiểu bao gồm các nội dung sau đây:

- Nguyên tắc thực hiện quản lý rủi ro hoạt động;

- Nguyên tắc sử dụng hoạt động thuê ngoài, mua bảo hiểm, ứng dụng công nghệ;

- Các trường hợp phải có kế hoạch duy trì hoạt động liên tục tối thiểu bao gồm:

+ Mất tài liệu, cơ sở dữ liệu quan trọng;

+ Hệ thống công nghệ thông tin bị sự cố;

+ Các sự kiện bất khả kháng [chiến tranh, thiên tai, cháy nổ...].

Thứ hai, Hạn mức rủi ro hoạt động tối thiểu bao gồm các hạn mức sau đây:

- Hạn mức về mức độ tổn thất tài chính đối với từng trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 42 Thông tư này theo 06 nhóm hoạt động kinh doanh;

- Hạn mức về mức độ tổn thất phi tài chính [bao gồm cả uy tín, danh tiếng, phát sinh nghĩa vụ pháp lý].

Nhận dạng, đo lướng, theo dõi và kiểm soát rủi ro hoạt động

Tiếp theo đó là tiến hành nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro hoạt động. Điều này được quy định cụ thể tại Điều 42 Thông tư 13/ 2018/TT-NHNN [sửa đổi tại Điều 2 Thông tư 40/2018/TT-NHNN]. Cụ thể đó là:

Thứ nhất, Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải nhận dạng đầy đủ rủi ro hoạt động trong tất cả các sản phẩm, hoạt động kinh doanh, quy trình nghiệp vụ, hệ thống công nghệ thông tin và các hệ thống quản lý khác.

Thứ hai, Việc nhận dạng rủi ro hoạt động được thực hiện đối với các trường hợp sau đây:

- Gian lận nội bộ do hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, vi phạm các chiến lược, chính sách và quy định nội bộ liên quan đến ít nhất một cá nhân của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài [bao gồm cả hành vi không đúng chức trách, nhiệm vụ, hành vi vượt thẩm quyền, trộm cắp, lợi dụng thông tin nội bộ để trục lợi];

- Gian lận bên ngoài do các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản do đối tượng bên ngoài gây nên mà không có sự trợ giúp, cấu kết của cá nhân, bộ phận của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài [bao gồm cả hành vi trộm cắp, cướp, giả mạo thẻ ngân hàng, chứng từ ngân hàng, xâm nhập hệ thống công nghệ thông tin để chiếm đoạt dữ liệu, tiền];

- Chính sách về lao động, an toàn nơi làm việc không phù hợp hợp đồng lao động, quy định của pháp luật về lao động, bảo vệ sức khỏe và an toàn nơi làm việc;

- Vô ý vi phạm quy định liên quan đến khách hàng, quy trình cung cấp sản phẩm và đặc tính sản phẩm khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền đối với khách hàng [bao gồm cả hành vi vi phạm bảo mật thông tin khách hàng, vi phạm quy định về phòng chống rửa tiền, cung cấp sản phẩm dịch vụ trái quy định];

- Hư hỏng, mất mát tài sản, công cụ, thiết bị do các sự kiện bất khả kháng, tác động của con người và các sự kiện khác;

- Gián đoạn hoạt động kinh doanh do hệ thống công nghệ, thông tin gặp sự cố;

- Hạn chế, bất cập của quy trình giao dịch, kiểm soát giao dịch và quản lý giao dịch;

- Các trường hợp khác theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thứ ba, Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có công cụ đo lường rủi ro hoạt động thông qua việc lượng hóa tổn thất đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này theo 06 nhóm hoạt động kinh doanh trên cơ sở áp dụng tối thiểu hai trong số các phương pháp sau đây:

- Sử dụng các phát hiện của kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập [Audit findings];

- Thu thập và phân tích số liệu tổn thất nội bộ và bên ngoài [Internal and external loss data collection and analysis] để xác định tổn thất nội bộ và của toàn hệ thống ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

- Tự đánh giá kiểm soát rủi ro hoạt động [Risk Control Self Assessment - RCSA] để xác định hiệu quả của hoạt động kiểm soát đối với rủi ro hoạt động trước và sau khi kiểm soát;

- Sơ đồ hóa các quy trình nghiệp vụ [Business Process Mapping - BPM] để xác định mức độ rủi ro hoạt động của từng quy trình nghiệp vụ, rủi ro hoạt động chung của các quy trình nghiệp vụ và mối liên hệ của các rủi ro này;

- Chỉ số kết quả kinh doanh và chỉ số rủi ro trọng yếu [Risk and Performance indicators] để theo dõi yếu tố tác động đến rủi ro hoạt động và xác định các hạn chế, tồn tại và tổn thất tiềm ẩn;

- Phân tích kịch bản [Scenario Analysis] để xác định nguồn phát sinh rủi ro hoạt động và các yêu cầu kiểm soát, giảm thiểu rủi ro hoạt động trong các kịch bản và sự kiện có thể xảy ra.

Thứ tư, Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện kiểm soát rủi ro hoạt động thông qua hoạt động kiểm soát quy định tại Điều 15 Thông tư này và các biện pháp khác theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trường hợp tổn thất thực tế vượt hạn mức rủi ro hoạt động, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có biện pháp tăng cường để kiểm soát, giảm thiểu rủi ro hoạt động đó trong tương lai.

Quản lý rủi ro hoạt động đối với hoạt động thuê ngoài

Thứ nhất, Quản lý rủi ro hoạt động đối với hoạt động thuê ngoài được thực hiện thông qua: Quản lý hoạt động thuê ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều này và Nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro hoạt động phát sinh từ hoạt động thuê ngoài theo quy định tại Điều 42 Thông tư này.

Thứ hai, Quản lý hoạt động thuê ngoài tối thiểu bao gồm:

- Xác định phạm vi hoạt động thuê ngoài;

- Phân cấp thẩm quyền phê duyệt, quyết định đối với các hoạt động thuê ngoài;

- Thẩm định năng lực của doanh nghiệp thuê ngoài trong việc đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu đề ra của hoạt động thuê ngoài trước khi ký hợp đồng thuê ngoài; đánh giá khả năng thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp thuê ngoài trong quá trình thực hiện hợp đồng;

- Có nguyên tắc thỏa thuận các hợp đồng thuê ngoài đảm bảo chặt chẽ, đầy đủ, bảo vệ quyền sở hữu và bảo mật cơ sở dữ liệu, thông tin khách hàng và quyền chấm dứt hợp đồng thuê ngoài; mức độ và phạm vi hoạt động thuê ngoài; trách nhiệm cụ thể của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và doanh nghiệp thuê ngoài và các điều khoản xử lý tranh chấp theo quy định của pháp luật;

- Lập hoặc yêu cầu doanh nghiệp thuê ngoài lập kế hoạch duy trì hoạt động liên tục cho hoạt động thuê ngoài theo quy định tại Điều 46 Thông tư này.

Mua bảo hiểm để giảm thiểu tổn thất rủi ro hoạt động

Bên cạnh việc đo lường và kiểm soát rủi ro hoạt động thì ngân hàng thương mại lựa chọn phương án mua bảo hiểm để giảm thiểu tổn thất rủi ro hoạt động. Cụ thể quy định tại Điều 45 Thông tư 13/2018/TT-NHNN:

Thứ nhất, Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua bảo hiểm để giảm thiểu tổn thất phát sinh từ rủi ro hoạt động theo quy định của pháp luật, đảm bảo phù hợp với năng lực tài chính và bù đắp tổn thất của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thứ hai, Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không sử dụng việc mua bảo hiểm để thay thế quản lý rủi ro hoạt động, phải đánh giá hiệu quả giảm thiểu tổn thất phát sinh từ rủi ro hoạt động của việc mua bảo hiểm, đánh giá năng lực của doanh nghiệp bán bảo hiểm trong việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm và các rủi ro mới khác [nếu có].

Báo cáo nội bộ về rủi ro hoạt động

Mọi hoạt động ngân hàng đều phải tuân thủ quy định về báo cáo nội bộ nhằm đảm bảo cho quá trình kiểm soát nội bộ đạt hiệu quả. Việc quản lý rủi ro hoạt động cũng vậy. Pháp luật quy định việc báo cáo về rủi ro hoạt động tại Điều 47 Thông tư 13/2018/TT-NHNN. Theo đó, định kỳ tối thiểu 06 tháng hoặc đột xuất, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có báo cáo nội bộ về rủi ro hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 47.

Báo cáo nội bộ về rủi ro hoạt động tối thiểu bao gồm các nội dung sau đây:

- Tình hình thực hiện chính sách quản lý rủi ro đối với rủi ro hoạt động, tuân thủ hạn mức rủi ro hoạt động;

- Các trường hợp phát sinh rủi ro hoạt động trong kỳ báo cáo và lý do;

- Số liệu tổn thất do rủi ro hoạt động theo 06 nhóm hoạt động kinh doanh, các biện pháp xử lý tổn thất và duy trì hoạt động liên tục [nếu có];

- Sự kiện, tác động bên ngoài ảnh hưởng đến rủi ro hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

- Thay đổi về phương pháp đo lường rủi ro hoạt động;

- Tình hình hoạt động thuê ngoài và quản lý rủi ro hoạt động đối với hoạt động thuê ngoài;

- Thay đổi về ứng dụng công nghệ [nếu có] và tình hình quản lý rủi ro hoạt động trong ứng dụng công nghệ;

- Các đề xuất, kiến nghị về quản lý rủi ro hoạt động;

- Kết quả thực hiện các yêu cầu, kiến nghị về quản lý rủi ro hoạt động của kiểm toán nội bộ, Ngân hàng Nhà nước, tổ chức kiểm toán độc lập và các cơ quan chức năng khác.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về nội dung "Rủi ro hoạt động là gì? Quy định pháp luật về quản lý rủi ro hoạt động của ngân hàng thương mại".

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!

Bộ phận tư vấn pháp luật Ngân hàng - Công ty Luật Minh Khuê

Video liên quan

Chủ Đề